Khu kinh tế Dung Quất - Động lực phát triển của kinh tế Quảng Ngãi
27/06/2022 23:04 1195
Ngày 11/4/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất, đánh dấu sự ra đời của Khu công nghiệp Dung Quất. Ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Dung Quất trên cơ sở khu công nghiệp Dung Quất.
Khu kinh tế Dung Quất (KKT Dung Quất) là một khu kinh tế theo hướng mở, nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có tổng diện tích 10.300 ha; phía Tây Bắc giáp sân bay Chu Lai, phía Tây giáp quốc lộ 1A, phía Đông và Đông Bắc giáp Biển Đông, phía Tây Nam giáp huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Việc chuyển đổi mô hình từ KCN thành KKT và việc triển khai mạnh mẽ dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và một số dự án FDI có quy mô lớn đã tạo động lực mới trong đầu tư phát triển của KKT Dung Quất.
Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 124/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 có tổng diện tích khoảng 45.332 ha với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất; các ngành công nghiệp có quy mô lớn bao gồm: công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, sản xuất xi măng, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai và đô thị công nghiệp - dịch vụ Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi, Sa Kỳ.
Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, KKT Dung Quất là đã làm thay đổi diện mạo vùng đất vốn là những đồi cát trắng, cằn cỗi thành khu công nghiệp, trong đó có những nhà máy với quy mô lớn tầm cỡ quốc gia. KKT Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước; là điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện thành công chủ trương công nghiệp hóa, hiện hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo; phát triển nhanh và bền vững; là hạt nhân tăng trưởng và là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện nay, KKT Dung Quất có 349 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 376.978 tỷ đồng (khoảng 17,951 tỷ USD), gồm 54 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,766 tỷ USD và 295 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 337.087 tỷ đồng (khoảng 16,19 tỷ USD). Tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 9,2 tỷ USD.
Trong số dự án đầu tư còn hiệu lực, có 245 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Trong đó, có nhiều dự án lớn, như: Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, Dự án Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi,... đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực như xăng, dầu, sản phẩm thép, thiết bị công nghiệp nặng, sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến,... Bên cạnh đó, cảng biển nước sâu Dung Quất với hệ thống bến cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp container, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000 DWT đang dần được hoàn thiện là điều kiện quan trọng hỗ trợ cho xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn và khu vực. Trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của KKT đạt 174.045 tỷ đồng, chiếm 86% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; thu NSNN đạt 20.212 tỷ đồng, chiếm 85% thu ngân sách toàn tỉnh. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho trên 69 ngàn lao động; trong đó, lao động là người địa phương chiếm 82,4%; lao động từ các tỉnh khác đến làm việc chiếm 17,6%.
Có thể khẳng định KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động, làm tăng nguồn thu ngân sách tỉnh; đồng thời, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để tăng tốc phát triển trong thời gian đến cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, mặc dù đạt được những kết quả to lớn nhưng thực tế cho thấy KKT Dung Quất vẫn còn một số hạn chế nhất định:
Một là, tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý. Lĩnh vực dịch vụ mặc dù có tiềm năng lớn nhưng chưa tạo được những đột phá cần thiết, đặc biệt là phát triển kinh tế dịch vụ hàng hải, du lịch và đô thị.
Hai là, tăng trưởng và phát triển của KKT phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn; các ngành thế mạnh của KKT đang có xung đột giữa phát triển trong tương lai với tăng trưởng xanh. Liên kết ngành, kết nối doanh nghiệp trong KKT còn yếu.
Ba là, quá trình đô thị hoá chưa phát triển tương đồng và gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hoá.
Bốn là, kết cấu hạ tầng xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Năm là, lực lượng lao động chưa có sự chuyển biến rõ nét khi đa số là lao động phổ thông, có trình độ và tay nghề thấp; chưa có sự phối hợp chủ động và tích cực giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thiếu các cơ sở đào tạo dạy nghề chất lượng cao.
Sáu là, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nhà ở công nhân, các thiết chế văn hoá, thể thao, cơ sở giáo dục, khu vui chơi giải trí nhằm phục vụ, nâng cao đời sống của công nhân chưa hiệu quả.
Bảy là, quản lý đất đai, trật tự xây dựng còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả dẫn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm mất cơ hội đầu tư đối với nhiều dự án.
Để khắc phục hạn chế và tiếp tục tăng trưởng, phát triển, trong thời gian đến KKT Dung Quất sẽ được đầu tư phát triển theo hướng khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, có trung tâm lọc hoá dầu, cơ khí - luyện kim, năng lượng quốc gia, với các đô thị Vạn Tường, Dốc Sỏi và một số đô thị vệ tinh khác; là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng trong khu vực. Trước mắt, hình thành và phát triển các cụm ngành hợp lý, có lợi thế như cụm ngành lọc hóa dầu với Nhà máy lọc dầu Dung Quất là trung tâm; cụm ngành cơ khí - luyện kim, với Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát là trung tâm; cụm ngành năng lượng với các dự án thuộc Trung tâm khí điện miền Trung là trung tâm. Phát huy vai trò cảng biển nước sâu trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn; hoàn thiện hệ thống kho bãi, điểm trung chuyển hàng hóa nhằm phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại dịch vụ logistics. Phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển. Với những định hướng này, KKT Dung Quất sẽ tiếp tục là hạt nhân tăng trưởng, là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Ngãi gắn với đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Tin liên quan
- Phát huy vai trò hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất
- Tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Quảng Ngãi- nhìn từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019
- Một số kết quả khảo sát ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Tổng quan tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2018
- Mô hình gia đình qua số liệu Khảo sát mức sống dân cư 2016 tỉnh Quảng Ngãi
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 894
Tổng số lượt xem: 833419