Truy cập nội dung luôn

Tổng quan tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2018

06/01/2019 12:00    6188

Kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn; các vấn đề tồn tại của nền kinh tế như năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp, việc tiêu thụ một số nông sản và chăn nuôi còn khó khăn,… thách thức mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được của năm 2017, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

​Năm 2018, có 16/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp tăng; trong đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động vượt công suất (6,85 triệu tấn).
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,6%; kim ngạch xuất khẩu vượt 20% và kim ngạch nhập khẩu vượt 19,1% so với kế hoạch; thu ngân sách đạt 133,4% dự toán; tín dụng ngân hàng ổn định, nợ xấu trong tầm kiểm soát. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công bước đầu có kết quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư duy trì, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao. Công tác đến ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa; giáo dục và đào tạo tiếp tục cải thiện chất lượng dạy và học; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, văn hóa, thể dục thể thao đạt được những kết quả đáng khả quan; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Kết quả cụ thể như sau:
* Lĩnh vực kinh tế:
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 51.224,84 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 9,6% so với năm 2017, vượt 3,5% so với kế hoạch.
Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 52,01% (kế hoạch 53-54%); dịch vụ 30,17% (kế hoạch 28-29%); nông, lâm nghiệp và thủy sản 17,82% (kế hoạch 18-19%).
GRDP bình quân đần người (giá hiện hành) đạt 57,8 triệu đồng/người, tương đương 2.514 USD/người, đạt kế hoạch.
Tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 51.018,7 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2017, đạt 100% kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 540 triệu USD, tăng 17,9% so với năm 2017, vượt 20% kế hoạch. Trong năm có thêm 05 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch 18,5 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.120 triệu USD, tăng 129,3% so với năm 2017, vượt 19,1% kế hoạch (chủ yếu do nhập khẩu máy móc, phụ tùng và sắt thép phục vụ xây dựng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất).
Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt) tiếp tục tăng trưởng, chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng được cải thiện. Doanh thu vận tải và các dịch vụ vận tải ước đạt 3.951,0 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2017.
Tín dụng ngân hàng: Các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện đúng trần lãi suất do NHNN Việt Nam công bố; nguồn vốn huy động tại chỗ đảm bảo cho các chi nhánh, tổ chức tín dụng cân đối cho vay; nợ xấu trong tầm kiểm soát.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 29.594 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch: 27.000-29.000 tỷ đồng).
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây các loại khác ước đạt 770,52 ha. Triển khai 103 cánh đồng lớn sản xuất lúa và mía với tổng diện tích 2.009 ha; năng suất lúa bình quân đạt 67,7 tạ/ha, mía đạt 668,9 tạ/ha, cao hơn so với năng suất sản xuất đại trà. Thực hiện dồn điền đổi thửa khoảng 2.147 ha, tăng 386 ha so với năm 2017. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện đúng tiến độ, trong năm có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 61 xã; đồng thời đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định công nhận huyện Nghĩa Hành đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm, có 10 dự án nông nghiệp do tỉnh quản lý được cấp phép với tổng vốn đăng ký gần 324 tỷ đồng (chủ yếu là sản xuất rau an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao).
Trồng rừng tập trung ước đạt 19.527 ha, tăng 17,7% so với năm trước, đạt 154,1% kế hoạch năm. Khoanh nuôi tái sinh rừng ước đạt 5.051 ha, tăng 26,2% so với năm 2017. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.167,5 ngàn m3, tăng 21,4% so với năm trước, trong đó sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 1.165,16 ngàn m3, tăng 21,2% so với năm 2017, đạt 122,6% kế hoạch năm.
Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ước đạt 240 ngàn tấn, tăng 11,6% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 64 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67.
Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 20.103,2 tỷ đồng, tăng 37,2% so với dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó: thu nội địa ước đạt 16.735,9 tỷ đồng, tăng 19,7%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 3.312,3 tỷ đồng, tăng 943,3%.
Xây dựng kết cấu hạ tầng: Đã tổ chức công bố và bàn giao 04 đồ án quy hoạch cho các huyện, thành phố, đơn vị liên quan quản lý, sử dụng; tiếp lục đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị trong toàn tỉnh.
Việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực; các ngành, các cấp đã phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư đến tỉnh khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh; đồng thời tổ chức và tham gia nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Trong năm, cấp phép mới cho 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 171,77 triệu USD; cấp phép đầu tư cho 99 dự án đầu tư trong nước (chưa tính 27 dự án bất động sản) với tổng vốn đăng ký 10.380 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới đến ngày 31/10/2018 là 660 doanh nghiệp.
Năm 2018, chấp thuận chủ trương đầu tư 27 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng diện tích quy hoạch 198,44 ha, tổng mức đầu tư gần 2.684 tỷ đồng. Đến nay, đã hình thành nhiều khu dân cư mới khang trang, góp phần phát triển đô thị như: Khu Đô thị - Dịch vụ VSIP, Khu đô thị Ngọc Bảo Viên, khu dân cư Bắc Lê Lợi, An Phú Sinh, khu dân cư Nam thị trấn Châu Ổ... Tỷ lệ đô thị hóa đạt 20,38%, đạt kế hoạch đề ra (20,37%).
Phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp: Trong năm, cấp phép đầu tư cho 46 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.056 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho 5.000 lao động. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án lớn như: Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; khu đô thị công nghiệp Dung Quất (giai đoạn 1A); khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và nhiều dự án hạ tầng trong các KCN, KKT. Đã bố trí 280,527 tỷ đồng để đầu tư 15 dự án xây dựng hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
Công tác quản lý tài nguyên, đất đai, khoảng sản được tăng cường. Đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 cho 14/14 huyện, thành phố. Hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với 20 xã, phường thuộc thành phố Quảng Ngãi với diện tích 13.582,1 ha. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép giảm mạnh. Đẩy mạnh cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá; tổ chức đấu giá 04 mỏ cát, sỏi lòng sông. Có 10/14 huyện, thành phố xây dựng phương án bảo vệ tài nguyên sau khai thác. Triển khai cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển Quảng Ngãi.
* Lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tiếp tục đổi mới phương pháp, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Tổ chức thi tuyển học sinh lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đúng quy chế; tỷ lệ học sinh đỗ kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia 2017-2018 đạt hơn 93%. Đến cuối năm 2018, có 374 trường đạt chuẩn quốc gia; đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa, chống xuống cấp các trường, lớp học đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm 2018 - 2019.
Chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ у bác sỹ, nhân viên trong các cơ sở у tế có bước cải thiện. Hoàn thành đưa vào sử dụng các hạng mục công trình nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 04 trạm у tế xã. Trong năm, có thêm 07 xã đạt tiêu chí quốc gia về у tế, nâng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế của tỉnh lên con số 154 (chiếm 83,7% số xã, phường, thị trấn). Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị у tế trực thuộc theo hướng thu gọn đầu mối, giảm 07 đơn vị.
Công tác đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Tập trung xét duyệt 2.498 hồ sơ hưởng ưu đãi người có công; cơ bản giải quyết xong hồ sơ người có công tồn đọng. Trong năm, có hơn 1.200 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tham gia tuyển dụng, tuyển sinh giải quyết việc làm trong nước cho 7.833 lao động.
Đưa 800 người đi lao động nước ngoài, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 51%.
Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; ước đến 31/12/2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,57%, giảm 1,59%; trong đó, miền núi còn 31,5%, giảm 5,47% so với cuối năm 2017.
Công tác dân tộc tiếp tục được quan tâm thông qua việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ. Triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, dự án nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, xã hội. Hoàn thành 4/6 điểm định canh, định cư tập trung tại các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp; công tác bảo tồn di tích được chú trọng. Hoạt động du lịch có bước chuyển biến tích cực, lượng khách đến tham quan tại tỉnh tăng mạnh: ước đạt khoảng 1 triệu lượt người, tăng 23% so với năm 2017; doanh thu ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 33%; trong đó riêng huyện đảo Lý Sơn đón 180.075 lượt khách, tăng 7%.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Triển khai ứng dụng chữ ký số tại 14 huyện, thành phố và 46 xã (đạt 25% tổng số xã). Kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản quản lý điều hành giữa 3 cấp tỉnh, huyện, xã đạt 100%. Triển khai phần mềm một cửa điện tử dùng chung cho Trung tâm hành chính công tỉnh và đang triển khai cho các huyện, thành phố. Đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu tỉnh (Data center).
Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 302 vụ tai nạn giao thông đường bộ, chết 118 người và bị thương 333 người, giảm 228 vụ, tăng 02 người chết, giảm 327 người bị thương so với năm 2017; tai nạn đường sắt có 08 vụ làm chết 08 người và bị thương 01 người.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đạt được những kết quả trên là nỗ lực đáng ghi nhận trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên nền tảng này, cùng với chủ trương, định hướng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp,… hy vọng năm 2019 kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục gặt hái những thành công.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 711

Tổng số lượt xem: 471465

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready