Truy cập nội dung luôn

Một số kết quả khảo sát ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

05/01/2021 08:00    1635

Thực hiện chỉ thị số11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Tổng cục Thống kê ban hành phương án điều tra đột xuất đánh giá tác động Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian thu thập từ 10/9 đến 20/9/2020 cho tất cả các doanh nghiệp, khảo sát trực tuyến bằng webform nhằm mục đích:

Thứ nhất, thu thập thông tin đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trước dịch Covid-19;

Thứ hai, đánh giá hiệu quả của các chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã ban hành đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong thời gian qua;

Thứ ba, cung cấp thông tin giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển SXKD;

Thứ tư, thu thập thông tin về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong cuộc khảo sát nhanh này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.774 DN tham gia trả lời phiếu. Kết quả điều tra cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, từ lao động, nguồn nguyên, vật liệu đầu vào của doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh đến thị trường tiêu thụ và cũng cho biết những khó khăn trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào tháng 7/2020, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bị tác động nhiều nhất (85,11%), tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (79,67%); doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 70,21% (số lượng của các doanh nghiệp khu vực này chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh).

Hình 1. Doanh nghiệp từng lĩnh vực bị dịch Covid -19 tác động

Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 2 này, nhiều ngành tiếp tục chịu tác động tiêu cực, trong đó một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như: dịch vụ lưu trú (94,29%), dịch vụ ăn uống (93,33%), kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải (92,31%), hoạt động của các đại lý du lịch (92,31%), giáo dục và đào tạo (93,33%), hoạt động kinh doanh bất động sản (91,67%), chế biến dăm gỗ (91,30%).v.v...

Có thể khái quát những khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp đã đối mặt, trải qua như sau:

Một là, tác động đến lao động

Ở đợt dịch lần đầu, phần lớn doanh nghiệp đều cố gắng giữ người lao động, không sa thải lao động nhưng ở đợt dịch thứ 2 đã có sự biến động về lực lượng lao động.  Hiện tượng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Có 2,71% lao động trong các doanh nghiệp tạm nghỉ việc không lương. Tỷ lệ này cao nhất thuộc về các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (12,25%) và doanh nghiệp ngoài Nhà nước (4,55%), chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (5,68%). Khoảng 5,25% lao động ở các doanh nghiệp đã thực hiện giãn việc/nghỉ luân phiên, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước (5,71%) và doanh nghiệp FDI (5,52%). Lĩnh vực dịch vụ có tỷ lệ lao động giản việc/nghỉ luân phiên và bị cắt giảm lương cao nhất lần lượt là 8,33% và 13,92%, tập trung chủ yếu ở các ngành: dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, nghệ thuật vui chơi. Sau lao động trong lĩnh vực dịch vụ, lao động lĩnh vực công nghiệp và xây dựng bị dịch covid-19 tác động. Nhằm đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch bệnh và giảm bớt một phần chi phí, không thừa lao động do thiếu nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất hay do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các doanh nghiệp hoạt động công nghiệp, xây dựng thực hiện cho công nhân giãn việc/nghỉ luân phiên dẫn đến bị giảm lương do giờ làm bị cắt giảm.

Trong tháng 7 và đầu tháng 8/2020, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh miền Trung có xuất hiện ca nhiễm Covid -19 nên lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng là vùng tâm dịch thì có mức độ ảnh hưởng ít hơn (dưới 8%). Sự tác động làm giảm số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nguyên nhân do việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-CP ngày 31/3/2020 và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh còn có nguyên nhân do doanh nghiệp phải đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách cắt giảm các chi phí để duy trì hoạt động hoặc do đơn đặt hàng bị cắt giảm, nguồn nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào để phục vụ sản xuất kinh doanh bị thiếu hụt.

Hai là, ảnh hưởng tới nguồn nguyên, vật liệu đầu vào

Làn sóng đại dịch Covid -19 lần thứ hai đã tác động tới cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào để thực hiện hoạt động sản xuất. Kết quả khảo sát có 26,7% số doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào trong nước. Trong đó các doanh nghiệp quy mô lớn có tỷ lệ thiếu hụt cao nhất (40,4%) và doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ thấp nhất (24,3%). Có đến 30,8% doanh nghiệp FDI bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào và tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước lần lượt là 28,6% và 26,6%. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ trong nước của doanh nghiệp tập trung ở một số ngành sản xuất như: may mặc, chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Đây là những ngành khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Ngoài thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ trong nước các doanh nghiệp còn thiếu hụt nguyên liệu hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu (24,9% doanh nghiệp thiếu hụt). Trong đó, doanh nghiệp có quy mô lớn thiếu hụt nhiều nhất (36,1%) và chủ yếu ở loại hình doanh nghiệp FDI (42,9%). Một số ngành thiếu hụt nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu như: sản xuất giày da, dệt, linh kiện điện tử có nguyên liệu được nhập trực tiếp từ nước ngoài để gia công hoặc sản xuất nhưng khó khăn trong vấn đề nhập khẩu khi dịch bùng phát.

Thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào được các doanh nghiệp nhận định do các nguyên nhân như: số lượng doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu giảm đi, giá nguyên liệu hàng hóa đầu vào tăng, chi phí vận chuyển và lưu kho đối với nguồn nguyên liệu hàng hóa tăng lên, chất lượng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của DN giảm đi. Ngoài các nguyên nhân trên thì riêng đối với nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu bị thiếu hụt còn do nguyên nhân mang tính đặc thù khác là do gặp khó khăn trong lưu thông nguyên liệu, hàng hóa bởi thị trường nhập khẩu áp dụng biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới để phòng, chống dịch (39,05% doanh nghiệp đánh giá).

Ba là, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào mà còn tác động đến doanh nghiệp theo chiều hướng xấu là ảnh hưởng đến cả thị trường tiêu thụ hàng hóa của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi. Hàng hóa sản xuất ra gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ do thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp. Từ việc đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài giảm, nguyên liệu đầu vào ở trong nước và nhập khẩu đều bị thiếu hụt đến việc cắt giảm lao động hay giảm giờ làm của công nhân đang làm việc đã dẫn đến sản lượng sản xuất và doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm đáng kể. Ước tính doanh thu của các doanh nghiệp 9 tháng đầu năm so với 9 tháng cùng kỳ năm trước chỉ bằng 66,67%; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì dự kiến doanh thu của doanh nghiệp năm 2020 sẽ tăng lên nhưng chỉ bằng 70,05% so với năm 2019, nhưng nếu trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì dự kiến doanh thu năm 2020 sẽ chỉ bằng 60,48% so với 2019.

Thị trường trong nước bị thu hẹp đồng nghĩa với việc doanh thu trong nước giảm. Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, nghệ thuật vui chơi, giải trí, dịch vụ vận tải, dịch vụ kinh doanh bất động sản. Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16/CT-CP của Thủ tướng chính phủ đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, một số ngành tạm dừng hoạt động kinh doanh để đảm bảo an toàn; một số địa bàn dân cư thực hiện phong tỏa, thực hiện giãn cách trong lưu thông cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh để kiểm soát tốt dịch. Sức mua trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đối với một số ngành hàng từ đó bị sụt giảm, thị trường bị thu hẹp.

Dịch bệnh không chỉ diễn biến phức tạp trong nước mà còn mang tính toàn cầu. Để kiểm soát tốt dịch cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, tại các cửa khẩu, biên giới lệnh phong tỏa giới nghiêm được thực hiện đã tác động tiêu cực đến công tác tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất. Theo kết quả khảo sát cho thấy, gần 53% doanh nghiệp nhận định thị trường xuất khẩu thu hẹp do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu; 55,17% doanh nghiệp đánh giá do khó khăn trong lưu thông hàng hóa bởi một số thị trường xuất khẩu đang áp dụng biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới; 25,29% doanh nghiệp cho rằng do chi phí vận chuyển, lưu kho tăng và gần 6% do nguyên nhân khác.

Các doanh nghiệp FDI Quảng Ngãi bị ảnh hưởng mạnh, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp khi hoạt động ở một số ngành như: dệt, linh kiện điện tử, túi xách, giày da do bị cắt giảm đơn hàng từ các đối tác nước ngoài (87,5% doanh nghiệp FDI bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu). Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn nên tỷ lệ doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ xuất khẩu thu hẹp không đáng kể so với các tỉnh lân cận (dưới 1,5%).

Bốn là, khả năng tiếp cận nguồn vốn

Nhằm giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất, vượt qua khủng hoảng kinh tế, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương đã ban hành các gói hỗ trợ đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều được tiếp nhận. Kết quả khảo sát cho thấy có hơn 67% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay do quy trình, thủ tục vay vốn phức tạp; gần 57% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có tài sản thế chấp để vay vốn; hơn 45% doanh nghiệp có dư nợ nhiều nên khó khăn trong tiếp cận vốn vay; gần 49% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay do các lý do khác và chỉ có 24,32% doanh nghiệp là không gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Ứng phó với đại dịch Covid-19 và hậu quả từ đại dịch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ quản lý sẽ chịu trách nhiệm chính trong công cuộc điều hướng rủi ro cho doanh nghiệp. Chính các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ phải xác định thời điểm và phương pháp thích hợp để thực hiện nhiệm vụ phức tạp là đưa ra các giải pháp thích hợp, hiệu quả để có thể chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn thử thách trước mắt và lâu dài. Trên thực tế, khi dịch bệnh bị đẩy lên cao trào, nhiều doanh nghiệp đã thực sự hành động vì sự sống còn của mình. Cuộc khảo sát đã cho thấy rõ, để ứng phó với tác động Covid-19, doanh nghiệp đã và đang phải áp dụng nhiều giải pháp để có thể tồn tại, vượt qua thời kỳ khó khăn như mô tả ở hình 2 bên dưới:

Hình 2. Giải pháp doanh nghiệp đã áp dụng ứng phó dịch Covid-19

Để ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp, từ thay đổi phương thức hoạt động đến chiến lược sản xuất kinh doanh… Doanh nghiệp có quy mô càng lớn càng chủ động tìm kiếm nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp lựa chọn cách tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống (16,09% DN đánh giá).

Các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng hoặc tăng cường sử dụng internet, mạng xã hội trực tuyến, các ứng dụng (APP) chuyên biệt hoặc các nền tảng số để ứng phó với dịch như: quản trị nội bộ doanh nghiệp (28,13%), marketing (14,84%), hình thức thanh toán (21,09)%, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng (19,53%). Một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Tuy nhiên, hình thức này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, mới chỉ ở bước đầu có đầu tư vào thiết bị, công nghệ, phần mềm IT hoặc giải pháp kỹ thuật số mới để ứng phó với dịch Covid-19. Dù là đang điều chỉnh mô hình kinh doanh hay chuyển đổi toàn bộ việc kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải thích ứng với những thay đổi từ đại dịch bằng cách chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cũng như nội lực trong dài hạn.

Việc đối phó với dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài, các doanh nghiệp chủ động chọn lựa giải pháp phù hợp để thích nghi trong tình hình mới, vừa phải đảm bảo làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh vừa phải vực dậy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Không chỉ các doanh doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có giải pháp cho riêng mình. Phần lớn các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi lựa chọn tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và sẽ thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ đồng thời đẩy mạnh thương mại điện tử. Các doanh nghiệp dự kiến lựa chọn các giải pháp, xác định hướng đi mới cho chính mình để tiếp tục ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh trong tương lai như: tập trung phát triển chuỗi cung ứng trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu, sản xuất sản phẩm mới đối với thị trường, chuyển đổi sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh thương mại điện tử, thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ, tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước. Tùy đặc điểm, tình hình thực tế cụ thể của mỗi doanh nghiệp mà các nhà quản trị có những ưu tiên lựa chọn các giải pháp khác nhau, lựa chọn một giải pháp hay nhiều giải pháp áp dụng cùng lúc sao cho tối ưu nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đứng vững trên thị trường trước những tác động và diễn biến phức tạp của dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, thực sự là bài toán khó mà các nhà quản lý doanh nghiệp phải giải quyết vì sự sống còn của doanh nghiệp.

Hình 3. Các giải pháp doanh nghiệp dự kiến sẽ áp dụng

Tình hình tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp

Thực tế, nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ở đợt dịch lần 1 là không nhỏ và rất hữu ích. Tuy nhiên, hiệu quả mà chính sách mang lại chưa thực sự được như kỳ vọng và chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Ngãi. Chỉ có khoảng 15% trên tổng số doanh nghiệp được khảo sát có nhận được gói hỗ trợ của nhà nước để đối phó với khủng hoảng do dịch covid-19 đợt 1 gây ra. Nguyên nhân không nhận được hỗ trợ thì có gần 44% doanh nghiệp cho rằng họ không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ, gần 34% doanh nghiệp không biết về chính sách và gần 12% doanh nghiệp cho rằng do quy trình, thủ tục tiếp cận quá khó khăn. Đối tượng doanh nghiệp tiếp nhận được các gói hỗ trợ này chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhóm đối tượng này có nguy cơ phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh rất cao trước tác động của dịch kéo dài.

Theo kết quả khảo sát, ngoài vấn đề gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế theo công văn số 897 ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 của gói hỗ trợ “Các chính sách về thuế, phí, lệ phí” có thể thực hiện được ngay thì hầu hết doanh nghiệp cho rằng họ chưa hoặc khó tiếp cận các gói hỗ trợ như: các chính sách về tín dụng, tài chính; các chính sách về lao động và BHXH; các chính sách về thị trường. Nguyên nhân vì những quy định cụ thể khá phức tạp của các cơ chế, chính sách.

Kỳ vọng của doanh nghiệp về các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian tới

Từ thực tế các gói hỗ trợ của nhà nước giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đối phó với những khủng hoảng mà dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp mong muốn khi xây dựng chính sách hỗ trợ, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền cần tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của doanh nghiệp để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ cần thiết và đủ mạnh về liều lượng, kịp thời hơn, hướng đến đúng đối tượng hơn. Phải kết nối các đơn vị xúc tiến thương mại, tìm mọi cách giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm trong nước thông qua các gói kích cầu. Có khoảng 68,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng Chính phủ sẽ gia hạn và sửa đổi các giải pháp, chính sách về thuế và tiền thuê đất; 57,2% kỳ vọng rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí áp dụng cho năm 2021; 46,2% kỳ vọng tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước; 45,1% gia hạn và sửa đổi các chính sách về tài chính, tín dụng; 41,5% mở rộng đối tượng được hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người lao động và sử dụng lao động; sau đó mới đặt vấn đề kỳ vọng về hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhìn chung, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ từ Chính phủ, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương nhưng hỗ trợ phải xác định theo ngành, nghề, lĩnh vực và hỗ trợ theo vị trí của từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp chịu tác động nặng của dịch, không phân biệt thành phần kinh tế hay quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Có những lĩnh vực, doanh nghiệp không tạo ra nguồn thu lớn, không có đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh, nhưng có đóng góp quan trọng trong việc ổn định đời sống, xã hội thì vẫn cần phải hỗ trợ. Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhưng khả năng phục hồi nhanh và phục hồi phụ thuộc vào sự phục hồi của các lĩnh vực khác thì cần phải cân nhắc. Đặc biệt, cần hỗ trợ mạnh về lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế như: chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tự động hóa.v.v... Bởi, việc hỗ trợ lần này không chỉ khắc phục khó khăn trước mắt mà còn vực dậy thực lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch đi qua.

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1047

Tổng số lượt xem: 475592

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready