Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020

30/11/2020 11:00    375

Trong tháng 10 và đầu tháng 11, nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ bộ vào nước ta, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ và hoạt động của không khí lạnh, gây ra mưa rất to và lũ lụt lớn tại nhiều tỉnh ở Trung Bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tác động đáng kể đến sản xuất và đời sống của người dân.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 

          1.1. Nông nghiệp

           a) Trồng trọt:

          Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng là chăm sóc và thu hoạch rau đậu, lúa mùa, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân 2021. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ mùa 2020 (bao gồm cả sắn và mía) đạt 27.898,5 ha, giảm 3,3% (951,1 ha) so với vụ mùa năm 2019.

          - Cây lúa: Lúa mùa hiện nay chỉ còn được gieo trồng tại 5 huyện, gồm: Bình Sơn, TX Đức Phổ (đồng bằng), Trà Bồng và Sơn Tây (miền núi). Diện tích lúa mùa gieo trồng sơ bộ đạt 1.909,4 ha, tăng 4% (74,3 ha) so với cùng vụ năm 2019. Diện tích lúa mùa tăng chủ yếu do diện tích lúa mùa ở huyện Bình Sơn tăng 72,3 ha (xã Bình Thạnh chuyển từ diện tích lúa hè thu khô hạn thiếu nước tưới sang gieo sạ vụ mùa); huyện Trà Bồng tăng 6 ha (trong đó, tăng 1 ha diện tích lúa ruộng do vụ hè thu thiếu nước chuyển sang gieo sạ vụ mùa tại thôn Phú Hoà, xã Trà Phú và tăng 5 ha diện tích lúa rẫy do người dân tận dụng số diện tích keo mới khai thác để trồng xen canh); diện tích lúa mùa ở huyện Sơn Tây giữ ổn định so với vụ mùa năm 2019; TX. Đức Phổ giảm 4 ha, do thiếu nước tưới nên không gieo trồng.

Tính đến ngày 15/11/2020, sơ bộ thu hoạch được 1.733,7 ha lúa mùa, tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm 2019; năng suất lúa đã thu hoạch đạt 30 tạ/ha, tăng 5,7 tạ/ha so với cùng thời điểm năm 2019. Ước chung toàn vụ, năng suất lúa mùa đạt 29,1 tạ/ha xấp xỉ vụ mùa năm 2019; sản lượng đạt 5.554,4 tấn, tăng 4,1% (220,7 tấn).

- Cây ngô: Hầu hết diện tích ngô vụ mùa được trồng ở khu vực đồng bằng. Diện tích ngô vụ mùa sơ bộ đạt 1.223,7 ha, giảm 5,1% (65,8 ha) so với vụ mùa 2019 do chuyển đổi trồng ngô qua các cây trồng khác; năng suất sơ bộ đạt 40,5 tạ/ha, giảm 7,1 tạ/ha; sản lượng sơ bộ đạt 4.958,1 tấn, giảm 19,3% (1.183 tấn). Sản lượng ngô giảm do diện tích giảm.

- Cây sắn: Sắn được trồng chủ yếu là sắn cao sản cung cấp cho chế biến tinh bột. Việc trồng sắn hiện nay không có xu hướng rõ rệt. Tùy điều kiện thời tiết và loại đất, người dân có xu hướng gieo trồng khác nhau. Một vài huyện chuyển từ đất mía sang trồng sắn nhưng một số huyện chuyển diện tích sắn sang trồng keo và các loại cây khác. Diện tích sắn sơ bộ đạt 17.785 ha, tăng 1,1% (197,7 ha) so với năm 2019. Năng suất sắn sơ bộ đạt 189,8 tạ/ha, giảm 9 tạ/ha so với năm 2019. Nguyên nhân năng suất sắn giảm chủ yếu là do một số diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn (nhiều nhất là ở huyện Sơn Hà và Ba Tơ). Sản lượng sắn sơ bộ đạt 337.488,9 tấn, giảm 3,5% (12.119,8 tấn).

- Cây mía: Nhà máy Đường Phổ Phong (Thị xã Đức Phổ) dừng hoạt động từ vụ ép 2020-2021 nên diện tích mía giảm mạnh: Sơ bộ đạt 909,9 ha, giảm 57,8% (1.245 ha) so với năm 2019. Năng suất mía sơ bộ đạt 577,6 tạ/ha, tăng 12,2 tạ/ha. Sản lượng sơ bộ đạt 52.557,1 tấn, giảm 56,9% (69.277,4 tấn).

  • Các loại cây rau, đậu và hoa

Tổng diện tích gieo trồng rau, đậu và hoa sơ bộ đạt 2.787,4 ha, tăng 1,2% (33 ha) so với vụ mùa 2019.

+ Diện tích rau sơ bộ đạt 2.493,4 ha, tăng 1,5% (37,7 ha) so với vụ mùa năm 2019. Năng suất chung các loại rau sơ bộ đạt 139,1 tạ/ha, giảm 10,5% (16,4 tạ/ha). Sản lượng rau sơ bộ đạt 34.692 tấn, giảm 9,2% (3.497,7 tấn).

+ Diện tích đậu sơ bộ đạt 289,1 ha, giảm 1,6% (4,8 ha) so với vụ mùa năm 2019; năng suất sơ bộ đạt 15 tạ/ha, giảm 0,6 ta/ha; sản lượng sơ bộ đạt 434,4 tấn, giảm 5,3% (24,3 tấn).

+ Diện tích hoa sơ bộ đạt 4,9 ha, tăng 0,1 ha so với vụ mùa năm 2019; trong đó, hoa cúc sơ bộ đạt 3,5 ha với sản lượng 910,1 ngàn bông; hoa huệ sơ bộ đạt 1,4 ha với sản lượng 453 ngàn bông.

b) Chăn nuôi

Nhìn chung, chăn nuôi từ tháng 7 năm 2020 đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực; nuôi lợn đang dần phục hồi do dịch tả lợn châu Phi về cơ bản đã được khống chế, không lây lan trên diện rộng nhưng việc tái đàn còn chậm do sự thiếu hụt nguồn con giống; đàn gia cầm phát triển mạnh so với năm 2019.

Ước tính tại thời điểm cuối tháng 11, đàn trâu toàn tỉnh đạt 69.684 con, giảm 0,5% (345 con) so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò đạt 282.502 con, tăng 0,9% (2.536 con); đàn lợn đạt 371.508 con (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 3,2% (11.541 con); đàn gia cầm đạt 5.803,4 ngàn con, tăng 7,6% (411,41 ngàn con); trong đó, đàn gà đạt 4.555 ngàn con, tăng 10,9% (449,4 ngàn con).

* Tình hình dịch bệnh trong tháng 10/2020:

- Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở hộ ông Trương Văn Kiên, ở TDP 1, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng vào ngày 13/10/2020 với tổng đàn 30 con (Lợn nái: 05 con, lợn đực: 01 con, lợn thịt: 16 con và lợn con: 08 con). Tổng trọng lượng tiêu hủy 734 kg.

- Bệnh tai xanh ở lợn, LMLM gia súc, cúm gia cầm: Không xảy ra ổ dịch nào.

- Các bệnh thông thường như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh đã được bao vây dập tắt không để lây lan diện rộng.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng 11, mưa đều nên việc trồng rừng tiếp tục được đẩy mạnh; mặt khác, trong tháng 10 do ảnh hưởng của cơn bão số 9 nên cây keo gãy đổ nhiều, người dân tranh thủ khai khác tạo thêm quỹ đất trồng mới. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 4.501,8 ha, tăng 7,5% (312,4 ha) so với cùng tháng năm 2019. Ước tính 11 tháng, diện tích rừng trồng tập trung đạt 18.187 ha, giảm 1,1% (197,5 ha) so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh trên toàn thế giới, thị trường xuất khẩu gỗ dăm nguyên liệu giấy chưa phục hồi, các cơ sở chế biến gỗ dăm sản xuất cầm chừng, giảm thu mua gỗ keo nên hoạt động khai thác gỗ thường xuyên giảm, dẫn tới hoạt động trồng rừng cũng giảm theo. Tuy nhiên, cuối tháng 10, bão số 9 Molave làm ngã đỗ nhiều diện tích keo. Để hỗ trợ người trồng keo, trong tháng 11 các doanh nghiệp tăng thu mua để giải quyết keo ngã đổ (lưu kho gỗ cây) nên khai thác gỗ tăng mạnh, tạo quỹ đất cho trồng rừng. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 271.198 m3, tăng 65% (106.881 m3) so với tháng 11 năm 2019. Ước tính 11 tháng, sản lượng gỗ khai thác đạt 1.789.952 m3, tăng 11,7% (187.799 m3) so với cùng kỳ năm 2019.

Từ đầu tháng 11 đến nay, không phát sinh cháy rừng và nguy cơ cháy cũng giảm nhờ có mưa đều, nắng nóng giảm. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 11, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy rừng với tổng diện tích bị cháy là 60,68 ha, giảm 35 vụ, tương ứng giảm 188,03 ha so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 18 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, 2 vụ phá rừng, phát rừng; 2 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; 3 vụ vi phạm thủ tục vận chuyển và 11 vụ vi phạm khác. Tính từ đầu năm, toàn tỉnh phát hiện 345 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; trong đó, có 26 vụ phá rừng, phát rừng với diện tích 14,19 ha. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ phá, phát rừng giảm 14 vụ, diện tích giảm 5,61 ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị phá là 14,06 ha; diện tích rừng sản xuất bị phá là 0,13 ha. Tất cả các vụ phá, phát rừng đều nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy. Qua đó, thu giữ 105,72 m3 gỗ tròn và 236,29 m3 gỗ xẻ,…; thu nộp ngân sách Nhà nước 3,58 tỷ đồng.

1.3. Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 11 ước đạt 12.763,6 tấn, giảm 4,7% (627,4 tấn) so với tháng 11 năm 2019. Tính chung 11 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 254.008,3 tấn, tăng 4,1% (10.012,5 tấn) so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng khai thác trong tháng 11 ước đạt 12.070,1 tấn, giảm 4,9% so với tháng 11/2019, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới trên biển nên hoạt động khai thác biển giảm (khai thác trên biển đạt 11.979,1 tấn, khai thác nội địa đạt 91 tấn).

Tính chung 11 tháng, sản lượng khai thác đạt 246.778,5 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019 (khai thác trên biển 245.997,9 tấn, khai thác nội địa 780,6 tấn).

b) Nuôi trồng

Trong tháng, dịch bệnh nuôi trồng thuỷ sản không xảy ra. Ước tính trong tháng, thu hoạch 693,5 tấn thuỷ sản, giảm 0,8% (5,91 tấn) so với tháng 11 năm 2019; trong đó sản lượng cá nuôi đạt 163,6 tấn, tăng 16,2% (22,8 tấn); tôm nuôi đạt 508,4 tấn, giảm 2,1% (10,7 tấn); thủy sản khác 21,46 tấn, giảm 17,9 tấn.

Tính chung 11 tháng năm 2020, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 7.229,8 tấn, tăng 8,0% (534,2 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá ước đạt 1.697,4 tấn, tăng 23,4% (321,5 tấn). Nguyên nhân tăng là do nuôi cá có giá trị cao giúp tăng nguồn thu nhập nên các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi trồng và cải tạo lại một số diện tích bỏ hoang để thả nuôi. Sản lượng tôm thu hoạch ước đạt 5.123,3 tấn, tăng 6,7% (320,1 tấn); trong đó, tôm sú ước đạt 128,2 tấn, tăng 2,1% (2,6 tấn); tôm thẻ chân trắng ước đạt 4.995,1 tấn, tăng 6,8% (317,5 tấn). Các loại thuỷ sản khác ước đạt 409,1 tấn, (chủ yếu là ốc hương). Trong 11 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh thả nuôi 2.081 ha thuỷ sản các loại, tăng 6,4% (124,7 ha) so với cùng kỳ năm 2019.

- Sản xuất giống: Trong tháng, ước sản xuất được 1,5 triệu con giống (cá giống nước ngọt như cá mè, trám cỏ, cá bớp, ốc hương, hải sâm...). Ước 11 tháng, sản xuất 9,4 triệu con giống, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

  2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai bão, lũ gây ra. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp từ tháng 10 đã có dấu hiệu hồi phục, thể hiện ở một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 và tháng 11 tăng cao so với tháng trước. Trong đó một số ngành có chỉ số sản xuất tăng liên tiếp hai tháng, gồm: Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng tương ứng 54,76% và 28,92%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 1.302,08% và 6,45%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 37,71% và 4,85%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 19,26% và 90,06%. Đồng thời, trong năm có sản phẩm sắt, thép tăng cao (tăng 209,98%) nên sản xuất công nghiệp 11 tháng có mức tăng trưởng dương.

Ước tính giá trị sản xuất tháng 11 năm 2020 đạt 12.939,6 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 11,5% so với tháng trước, chủ yếu do trong tháng có nhiều sản phẩm tăng so với tháng trước, trong đó một số sản phẩm tăng mạnh như: Bia các loại tăng 1.435 ngàn lít; nước ngọt tăng 2.005 ngàn lít; sợi các loại tăng 675 tấn; dăm gỗ nguyên liệu giấy tăng 13.404 tấn; sản phẩm lọc hóa dầu tăng 87.187 tấn; phân bón tăng 400 tấn; sắt, thép tăng 15.601 tấn; cuộn cảm tăng 1.105 ngàn cái; điện sản xuất tăng 28,6 triệu kwh… 

So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng này tăng 13,4%, chủ yếu do một số sản phẩm tăng mạnh như: Nước ngọt các loại tăng 1.207 ngàn lít; sắt, thép các loại tăng 211.350 tấn; cuộn cảm tăng 1.994 ngàn cái; điện sản xuất tăng 16,36 triệu kwh; điện thương phẩm tăng 28,03 triệu kwh…

          Tính chung 11 tháng năm 2020, GTSX công nghiệp đạt 118.289,0 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 73.222,1 tỷ đồng, giảm 15,6%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 39.992,1 tỷ đồng, tăng 72,6% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.074,8 tỷ đồng, giảm 8,3%. Nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì giá trị sản xuất công nghiệp tăng 50,9% so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2019 như: Tinh bột mỳ trên địa bàn đạt 60.980 tấn, tăng 14,5%; giày da đạt 6.839 ngàn đôi, tăng 11,7%; sắt, thép các loại đạt 2,68 triệu tấn, tăng 258,1%; cuộn cảm đạt 95.918 ngàn cái, tăng 23,8%; điện thương phẩm đạt 1.541,29 triệu kwh, tăng 7,3%...

Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm giảm mạnh như: Thủy sản chế biến giảm 14,6%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh giảm 25,6%; bánh kẹo các loại giảm 21,4%; đường RS trên địa bàn tỉnh giảm 73,6%; sợi các loại giảm 18,8%; quần áo may sẵn giảm 27,4%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 46,9%; sản phẩm lọc hóa dầu giảm 16,2%; gạch xây các loại giảm 10,9%; tai nghe giảm 77,0%...

- Chỉ số tiêu thụ và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2020 ước tính tăng 80,58% so với tháng trước và tăng 8,46% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,27% so với cùng kỳ năm trước, tất cả các ngành cấp II  tính chỉ số tiêu thụ đều giảm, trong đó một số ngành giảm mạnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,06%; sản xuất trang phục giảm 37,29%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 24,14%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 11,09%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 16,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 24,17%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 20,43%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 71,53%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/11/2020 tăng 12,06% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 38,55% so với cùng thời điểm năm trước. So với cùng thời điểm năm trước, có 04 ngành cấp II có chỉ số tồn kho giảm gồm: Sản xuất trang phục giảm 2,92%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 17,47%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 2,7%. Đa số các ngành còn lại có chỉ số tồn kho tăng cao, như: Sản xuất đồ uống tăng 24,54%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 65,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 48,05%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 115,86%; sản xuất kim loại tăng 156,74%...

- Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp dự tính tại thời điểm 30/11/2020 tăng 0,96% so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng, không giảm so với cùng thời điểm tháng trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,15%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,32%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 1,12% so với cùng thời điểm tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,03%; sản xuất, phân phối điện không tăng, không giảm; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,27%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II điều tra tính chỉ số sử dụng lao động có 03 ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng thời điểm tháng trước là: Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 1,6%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,96%; ngành hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 0,57%. Có 03 ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng khá là: Ngành dệt tăng 3,0%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,32%; ngành sản xuất kim loại tăng 1,61%. Các ngành khác còn lại tăng nhẹ hoặc bằng tháng trước.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng (tính đến ngày 20/11/2020), toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới[1] với số vốn đăng ký là 270,9 tỷ đồng, giảm 24,4% về số doanh nghiệp nhưng tăng 8,0% về số vốn đăng ký so với tháng cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong tháng có 10 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 16 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 08 doanh nghiệp đã giải thể.

 Tính chung 11 tháng, toàn tỉnh có 639 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới[2] với số vốn đăng ký là 3.600,3 tỷ đồng, giảm 19,9% về số doanh nghiệp và giảm 56,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,63 tỷ đồng, bằng 54,42% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 11 tháng có 180 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 312 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 96 doanh nghiệp đã giải thể.

4. Đầu tư, xây dựng 

Trong tháng 10 và tháng 11, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa lũ, Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng của các cơn bão số 6, 7, 8 gây ra mưa lớn, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 9 vào cuối tháng 10; trong tháng 11 tiếp tục chịu ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão 10,11,12,13 gây mưa trên diện rộng, ảnh hưởng đến quá trình thi công của các công trình, dự án. Tuy nhiên do nắm bắt được tình hình thời tiết hàng năm thường diễn ra bão, lũ nên các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư và các nhà thầu luôn bám sát kế hoạch công tác, triển khai thi công các hạng mục phù hợp với tình hình thời tiết mùa mưa bão. Do đó, đã phần nào khắc phục được những khó khăn do mưa bão gây ra, đảm bảo được tiến độ thi công cũng như có điểm dừng kỹ thuật hợp lý. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, báo cáo nhanh những khó khăn vướng mắc trong thi công; thường xuyên trực báo, đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; khẩn trương lên khối lượng và nghiệm thu để giải ngân sớm kế hoạch vốn được giao.

          Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 522,6 tỷ đồng, giảm 1,2% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt gần 520 tỷ đồng, giảm 1,3%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 50,3%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 28,2%; vốn vay có phát sinh nhưng không đáng kể.

          So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,4%.

          Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý đạt 5.036,8 tỷ đồng, tăng 27,7% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 5.020,9 tỷ đồng, tăng 27,9% và đạt 88,7% kế hoạch năm; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 8,8 tỷ đồng, chỉ bằng 5,9% cùng kỳ năm trước; vốn vay đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 61,8%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 63,6%.

          5. Thương mại, dịch vụ, giá cả

Trong tháng 11 năm 2020, tình hình mưa lũ, bão kéo dài cộng với tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến tình hình thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh.

          5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 ước đạt 4.712,1 tỷ đồng, tăng 0,33% so với tháng trước và giảm 0,07% so với tháng cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.736,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,63% và tăng 6,02%; dịch vụ lưu trú ước đạt 17,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 1,05% và giảm 40,32%; dịch vụ ăn uống ước đạt 662,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,95% và giảm 19,42%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,89% và giảm 53,23%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 295,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,49% và giảm 12,87%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 48.828,2 tỷ đồng, giảm 4,65% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 38.748,9 tỷ đồng, tăng 3,09%; dịch vụ lưu trú ước đạt 193,8 tỷ đồng, giảm 41,0%; dịch vụ ăn uống ước đạt 6.771,3 tỷ đồng, giảm 29,31%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 56,02%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 3.109,3 tỷ đồng, giảm 16,07%.         

          5.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

          Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 tăng 0,52% so với tháng trước; tăng 0,25% so với tháng 12 năm trước; tăng 1,94% so với cùng tháng năm trước; bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,20%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,09%. Có 4/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%; giao thông giảm 1,33%; giáo dục giảm 0,01%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,11%. Nhóm bưu chính viễn thông vẫn giữ ổn định.  

CPI bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, trong đó có 6/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,52%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất (trong đó, lương thực tăng 2,21%, thực phẩm tăng 11,64%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,82%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,80%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,44%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,32%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,54% (trong đó dịch vụ y tế tăng 2,22%); giáo dục tăng 3,96% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 4,55%). Có 4/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,90%; giao thông giảm 13,22%; bưu chính viễn thông giảm 0,56%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,33%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 2,08%.

 Chỉ số giá vàng trong tháng có nhiều biến động, tuy nhiên so với tháng trước mức tăng không nhiều nhưng vẫn còn khá cao so với tháng 12 năm trước và so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tháng 11/2020 tăng 0,57% so với tháng trước; tăng 35,95% so với tháng 12 năm trước; tăng 35,22% so với cùng tháng năm trước; bình quân 11 tháng tăng 28,74% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2020 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12 năm trước; tăng 0,03% so với cùng tháng năm trước; bình quân 11 tháng tăng 0,15% so cùng kỳ năm trước.

          5.3. Hoạt động vận tải (không kể vận tải đường sắt)

- Vận tải hành khách tháng 11 năm 2020 ước đạt 397 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 85.807 nghìn lượt khách.km, so với tháng trước giảm 3,01% về vận chuyển và giảm 6,94% về luân chuyển, tương ứng giảm 29,86% và giảm 30,08% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 363 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 84.803 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 2,20% và 6,89% so với tháng trước và giảm tương ứng 31,11% và 30,25% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đường biển ước đạt 34 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.003 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 10,93% và giảm 10,85% so với tháng trước và giảm tương ứng 12,86% và 11,19% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vận tải hành khách ước đạt 4.993 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.145.575 nghìn lượt khách.km, giảm 21,69% về vận chuyển và giảm 20,59% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 4.617 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.134.698 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 22,07% và 20,64%; vận tải hành khách đường biển ước đạt 376 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 10.877 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 16,76% và 14,81%.

  - Vận tải hàng hóa tháng 11 năm 2020 ước đạt 846 nghìn tấn với mức luân chuyển 130.465 nghìn tấn.km, giảm 3,80% về vận chuyển và giảm 4,08% về luân chuyển so với tháng trước; tương ứng giảm 27,04% và giảm 25,34% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hàng hóa bằng đường bộ ước đạt 835 nghìn tấn với mức luân chuyển 130.143 nghìn tấn.km, giảm 3,65% về vận chuyển và giảm 4,05% về luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 27,13% và 25,36% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa bằng đường biển ước đạt 11 nghìn tấn với mức luân chuyển 322 nghìn tấn.km, cùng giảm 14,39% cả về vận chuyển và luân chuyển so với tháng trước, giảm 19,84% về vận chuyển và giảm 19,83% về luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vận tải hàng hóa ước đạt 10.529 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.668.991 nghìn tấn.km, giảm 16,53% về vận chuyển và giảm 14,36% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 10.376 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.664.413 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 16,64% và 14,38%; vận tải hàng hóa đường biển ước đạt 152 nghìn tấn với mức luân chuyển 4.577 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 8,39% và 8,30%.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 11 năm 2020 ước đạt 243,6 tỷ đồng, giảm 6,42% so với tháng trước và giảm 29,48% so với tháng cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: doanh thu vận tải đường bộ ước đạt 190,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 4,72% và giảm 25,76%; doanh thu vận tải đường thủy ước đạt 6,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 11,59% và giảm 10,75%; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 46,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,12% và giảm 42,99%. Phân theo ngành vận tải: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 65,0 tỷ đồng, tương ứng giảm 7,49% và giảm 28,25%; doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 132,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 3,69% và giảm 23,79%; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 46,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,12% và giảm 42,99%. Nguyên nhân doanh thu vận tải, kho bãi tháng 11/2020 giảm so với tháng trước là do ảnh hưởng bão, lũ và mưa kéo dài nên hoạt động vận tải bị ảnh hưởng, đặc biệt là vận tải đường biển giảm mạnh là do ảnh hưởng bão, biển động nên cấm tàu thuyền hoạt động.

Tính chung 11 tháng năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 3.235,5 tỷ đồng, giảm 15,90% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 862,3 tỷ đồng, giảm 17,46%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.712,3 tỷ đồng, giảm 11,87%; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 660,9 tỷ đồng, giảm 23,12%.

6. Một số vấn đề xã hội

          6.1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng, tỉnh Quảng Ngãi không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Số ca mắc sốt xuất huyết 218 ca, tăng 111 ca so với tháng trước, không có tử vong. Số ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng 230 ca, tăng 171 ca so với tháng trước; Cúm 283 ca; Lỵ amíp 12 ca; Lỵ trực trùng 35 ca; Quai bị 27 ca; Thủy đậu 07 ca; Tiêu chảy 404 ca; Viêm não vi rút 05 ca; Bạch hầu 28 ca (huyệnBa Tơ).

Trong tháng xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể:

+ Vào ngày 12/10/2020, trên địa bàn huyện Trà Bồng đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 09 người mắc và phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong nấm độc.

+ Vào ngày 17/10/2020, trên địa bàn huyện Đức Phổ xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 04 người mắc và phải nhập viện để điều trị. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật.

6.2. Hoạt động văn hoá, thể thao

Thực hiện tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và văn nghệ chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh đã thực hiện 11 buổi văn nghệ tuyên truyền theo chủ đề “Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi”; “Hãy nói không với tảo hôn và bạo lực gia đình”.

Đăng cai tổ chức thành công Giải Vô địch trẻ Boxing toàn quốc; phối hợp tổ chức Giải đua xe đạp VTV Cúp năm 2020 (đón đoàn đua, tổ chức Lễ trao giải Chặng 8 và Xuất phát Chặng 9 Quảng Ngãi – Bình Định). Tổ chức thành công giải Bóng bàn tỉnh Quảng Ngãi mở rộng lần thứ III tranh Cúp (Lọc hóa dầu Bình Sơn” năm 2020.

Các đội tuyển và tuyển trẻ thể thao tham gia 05 giải toàn quốc và giành 22 huy chương (06 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 06 huy chương Đồng). Các đội tuyển năng khiếu thể thao tham gia 04 gải toàn quốc, giành 18 huy chương (01 huy chương Vàng, 06 huy chương Bạc, 11 huy chương Đồng).

6.3. Thông tin truyền thông và Phát thanh truyền hình

Tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”; tuyên truyền phòng, chống bệnh bạch hầu; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền về cải cách hành chính…

Phối hợp hỗ trợ Bưu điện tỉnh thu thập, cập nhật dữ liệu địa chỉ gắn vào bản đồ Vmap. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bảo đảm an toàn thông tin liên lạc phục vụ Đại hội Đảng; khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Phối hợp với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thực hiện chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020. Tiếp tục triển khai các đầu tư, ứng dụng CNTT như: Một cửa điện tử (nâng tỷ lệ DVC trực tuyến mức 4 theo Chỉ thị của Chính phủ); Trang bị thiết bị CNTT cấp xã, Phần mềm quản lý văn bản và Điều hành iOffice, Nâng cấp hệ thống trung tâm dữ liệu tỉnh Quảng Ngãi…

6.4. Tình hình tai nạn giao thông

Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 15/10/2020 đến 14/11/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ, chết 08 người, bị thương 25 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 72 triệu đồng. So với tháng 11/2019: Tăng 03 vụ, giảm 03 người chết, tăng 11 người bị thương; so với tháng 10/2020: Giảm 13 vụ, giảm 04 người chết, giảm 16 người bị thương. Cụ thể:

- TNGT đường bộ

+ TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: Xảy ra 07 vụ, chết 08 người, bị thương 06 người, thiệt hại tài sản khoảng 28 triệu đồng. So với tháng 11/2019: Giảm 04 vụ, giảm 03 người chết, không tăng, không giảm số người bị thương; so với tháng 10/2020: Giảm 05 vụ, giảm 04 người chết, tăng 01 người bị thương.  

+ Va chạm giao thông: Xảy ra 15 vụ, bị thương 19 người, thiệt hại tài sản khoảng 44 triệu đồng. So với tháng 11/2019: Tăng 07 vụ, tăng 11 người bị thương; so với tháng 10/2020: Giảm 08 vụ, giảm 17 người bị thương.

- TNGT đường sắt: Không xảy ra. So với tháng 11/2019 và tháng 10/2020: Không tăng, không giảm.

- TNGT đường thủy nội địa: Không xảy ra. So với tháng 11/2019 và tháng 10/2020: Không tăng, không giảm.

Tính chung 11 tháng (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/11/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 248 vụ TNGT, chết 114 người, bị thương 263 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 246 vụ, chết 112 người, bị thương 263 người; TNGT đường sắt xảy ra 02 vụ, chết 02 người, không có người bị thương; TNGT đường thủy nội địa không xảy ra.

So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 62 vụ, số người chết giảm 14 người, số người bị thương giảm 31 người. Trong đó, TNGT đường bộ: số vụ giảm 60 vụ, số người chết giảm 12 người, số người bị thương giảm 27 người; TNGT đường sắt: số vụ giảm 02 vụ, số người chết giảm 02 người, số người bị thương giảm 04 người; TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm).

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 751

Tổng số lượt xem: 480644

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready