Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020

24/07/2020 09:33    268

Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 7 có diễn biến phức tạp khi dịch Covid - 19 vẫn đang bùng phát trên thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng động.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản  
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 7 tháng đầu năm 2020 gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, thời tiết nắng nóng kéo dài. Song, nhờ hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa nước được nâng cấp phục vụ tưới tiêu ổn định và hiệu quả; công tác dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời khả năng gây hại của sâu bệnh; các huyện miền núi có mưa rào nên công tác trồng rừng vẫn được duy trì; không ngừng đầu tư tăng năng lực đánh bắt thủy sản và dịch bệnh nuôi trồng ít xảy ra nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được sự ổn định. 
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của trồng trọt trong tháng là chăm sóc lúa hè thu và các loại rau, đậu. Theo lịch thời vụ, lúa đại trà vụ hè thu được gieo sạ trong khoảng thời gian từ ngày 25 tháng 5 và kết thúc trước ngày 05/6/2020. Nhằm đối phó với tình trạng nắng hạn kéo dài gây thiếu nước, việc gieo sạ lúa hè thu được chỉ đạo thực hiện theo từng vùng, từng trà lúa với phương châm nhanh, gọn nhằm tiết kiệm nước. 
Tính đến giữa tháng 7, toàn tỉnh gieo sạ được 31.569,1 ha lúa hè thu, giảm 5,5% (1.844,9 ha) so với cùng vụ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng kéo dài, dẫn tới một số chân ruộng bị thiếu nước nên không gieo sạ được; một số ít chuyển qua cây trồng khác (ngô, lạc,…). Hiện nay, trà lúa sớm (khoảng 4.368,5 ha) đang trong giai đoạn làm đòng - trổ bông; trà chính vụ (khoảng 24.079,8 ha) ở giai đoạn đứng cái - làm đòng; trà lúa muộn (3.120,8 ha) ở giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái.
Diện tích gieo trồng một số cây khác vụ hè thu (tính đến 15/7): Diện tích ngô đạt 4.650 ha, tăng 5,2% so với vụ hè thu năm 2019; diện tích khoai lang đạt 41,5 ha, giảm 35,6%; diện tích lạc đạt 1.753 ha, tăng 2,8%; diện tích đậu tương đạt 24,2 ha, tăng 53,2%; diện tích rau các loại đạt 4.286,7 ha, tăng 8,2%; diện tích đậu đạt 1.422 ha, tăng 1,0%.
* Tình hình sâu bệnh gây hại vụ hè thu:
+ Cây lúa: Tổng diện tích bị hại là 1.464,0 ha (nhiễm nhẹ 1.138,5 ha, nhiễm trung bình 296,0 ha, nhiễm nặng 29,5 ha). Trong đó, diện tích chuột gây hại là 503,0 ha, bọ trĩ 99,0 ha, ốc bươu vàng 209,5 ha, bệnh khô vằn 431,5 ha, bệnh chết héo 17,5 ha, bệnh thối lem lép hạt 38,5 ha,... 
+ Cây rau, màu: Tổng diện tích bị hại là 176,5 ha (nhiễm nhẹ 141,5 ha, nhiễm trung bình 27,0 ha, nhiễm nặng 8,0 ha). Trong đó, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu 105,5 ha, bệnh lở cổ rễ  7,0 ha, bệnh héo vàng lạc 10 ha,...     
Ngoài ra, còn có sâu tơ, sâu khoang, sâu đục quả, nhện đỏ, rầy mềm, bọ phấn, bệnh đốm lá, bệnh phấn trắng, bệnh khô vằn, bệnh héo xanh, bệnh sương mai, giả sương mai...phát sinh gây hại cục bộ trên các loại rau màu.
b) Chăn nuôi
Nhìn chung, chăn nuôi lợn đang dần chuyển biến tích cực, đàn gia cầm phát triển mạnh, đàn trâu giảm nhẹ so với cùng thời điểm năm 2019.
Ước tính tại thời điểm cuối tháng, đàn trâu toàn tỉnh đạt 69.753 con, giảm 0,8% so với cùng thời điểm năm 2019. Đàn bò đạt 277.628 con, tăng 0,1%.
 Đàn lợn đạt 386.090 con, tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm 2019. Đàn lợn tăng là do quý II năm 2019 dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh buộc tiêu hủy nhiều lợn làm cho đàn lợn giảm sút. Hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường và giá lợn hơi ở mức cao, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi nhưng việc khôi phục và tăng đàn như ban đầu vẫn gặp khó khăn về vốn và thiếu con giống.
Đàn gia cầm đạt 5.596,43 ngàn con, tăng 5,5%, nhằm tạo nguồn thực phẩm để cung ứng cho thị trường thay thế sự thiếu hụt thịt lợn; trong đó, đàn gà đạt 4.216,4 ngàn con, tăng 9,5%. 
* Tình hình dịch bệnh trong tháng:
- Bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi tại xã Tịnh Châu – TP Quảng Ngãi và xã Bình Phước – Bình Sơn, làm chết và tiêu hủy 8.100 con gia cầm.
- Bệnh tai xanh ở lợn, LMLM gia súc, dịch tả lợn Châu phi: Không xảy ra ổ dịch nào.
- Các bệnh thông thường THT, DT, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh đã được bao vây dập tắt không để lây lan diện rộng.
1.2. Lâm nghiệp
Tháng 7 năm nay, thời tiết nắng nóng nhưng có mưa rào nhiều (khu vực miền núi) tạo điều kiện cho người dân tranh thủ trồng rừng. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 387 ha, giảm 2,3% so với cùng tháng năm 2019.
Việc khai thác lâm sản tập trung vào gỗ rừng trồng (gỗ nguyên liệu giấy), đót,... Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 104.450,9 m3, giảm 38,6% so với tháng 7 năm 2019. 
Ước tính 7 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 6.900 ha, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác đạt 769.547,9 m3, giảm 20,2%. 
Trong tháng, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 29 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, có 4 vụ phá rừng, phát rừng, với tổng diện tích 3,14 ha, giảm 9 vụ, tương ứng với 1,24 ha so với tháng 7 năm 2019. Số vụ cháy rừng trong tháng là 6 vụ (xảy ra tại 2 huyện, thị xã: Sơn Tịnh 2 vụ, Đức Phổ 4 vụ), với tổng diện tích thiệt hại là 10,48 ha (Sơn Tịnh 3,18 ha, Đức Phổ 7,3 ha). Do thời tiết nắng nóng, người dân bất cẩn khi đốt dọn thực bì nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, với tổng diện tích 18,7 ha.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, toàn tỉnh phát hiện 202 vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 43 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Riêng phá rừng, phát rừng có 23 vụ với tổng diện tích rừng bị phá, phát là 13,96 ha, giảm 9 vụ, tương ứng với 1,45 ha so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị phá là 13,92 ha (rừng tự nhiên 9,29 ha; rừng trồng 4,63 ha); diện tích rừng sản xuất (rừng tự nhiên) bị phá là 0,04 ha. Toàn bộ các vụ phá rừng đều nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy. Qua đó, thu giữ 67,5 m3 gỗ tròn và 144 m3 gỗ xẻ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,22 tỷ đồng.
1.3. Thủy sản
Trong 7 tháng đầu năm, hoạt động thuỷ sản giữ ổn định và duy trì được nhịp độ tăng trưởng nhờ tăng cường đầu tư cho khai thác; dịch bệnh nuôi trồng xảy ra ở tôm nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất, sản lượng thu hoạch. 
Sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 23.137,7 tấn, tăng 5,8% so với tháng 7 năm 2019. Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 167.920,5 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. 
a) Khai thác
Nhờ đầu tư tăng năng lực đánh bắt nên khai thác tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng, tính đến ngày 01/06/2020, toàn tỉnh có 5.253 chiếc tàu khai thác hải sản với tổng công suất tàu đạt 1.654.744 CV, tăng 6,7% (104.364 CV) so với cùng kỳ năm trước. 
Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 22.365 tấn, tăng 5,1% so với tháng 7 năm 2019. Sản lượng khai thác 7 tháng ước đạt 163.857,4 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, khai thác biển đạt 163.436,6 tấn; khai thác nội địa đạt 420,8 tấn).  
Tính đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh có 2.282 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (còn khoảng 1.000 chiếc đang chờ lắp đặt). 
b) Nuôi trồng
Diện tích nuôi cá từ đầu năm đến cuối tháng đạt 804,1 ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân tăng là do nuôi cá có giá trị cao giúp tăng nguồn thu nhập nên các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi trồng và cải tạo lại một số diện tích bỏ hoang để thả nuôi; trong đó, đã thu hoạch (từ đầu năm) 363,8 ha. Nhìn chung, cá chủ yếu nuôi quảng canh nên năng suất thấp.   
Tổng diện tích nuôi tôm đạt 720,31 ha, tăng 4,7% do một số diện tích nuôi bỏ hoang mới được cải tạo để thả nuôi trong kỳ; trong đó, đã thu hoạch (từ đầu năm) 444,6 ha, tăng 5,3%. Diện tích nuôi thủy sản khác từ đầu năm đạt 80 ha; tăng 15,9% (chủ yếu tăng ở diện tích nuôi ốc hương do ốc hương có giá nên người dân mở rộng quy mô nuôi); trong đó, đã thu hoạch (từ đầu năm) 25,2 ha, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2019.
 Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 7 ước đạt 772,7 tấn, tăng 30,5% so với tháng 7/2019; trong đó, sản lượng tôm thu hoạch đạt 520,2 tấn (4,8 tấn tôm sú), tăng 26,2 %; thu hoạch 198,8 tấn cá, tăng 23,2%; thu hoạch 53,7 tấn thủy sản khác. Ước tính 7 tháng, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 4.063 tấn, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thu hoạch tôm đạt 2.877,3 tấn (65,5 tấn tôm sú), tăng 13,9%; thu hoạch cá đạt 948,8 tấn, tăng 96,3%; thu hoạch thủy sản khác đạt 237 tấn, tăng 46,7%.
- Sản xuất giống: Nhu cầu con giống lớn nhưng sản xuất giống còn khá yếu kém do hạn chế về kỹ thuật. Trong tháng , ước sản xuất được 0,37 triệu con giống (cá giống nước ngọt như cá mè, trám cỏ, cá bớp, ốc hương, hải sâm...). Ước 7 tháng, sản xuất 2,97 triệu con giống, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2019.
2. Sản xuất công nghiệp
 Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19: Các doanh nghiệp dệt, may, điện tử đơn đặt hàng giảm nên giảm sản lượng sản xuất; sản phẩm sữa, bánh kẹo các loại lượng tiêu thụ giảm nên giảm sản lượng sản xuất; một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đơn đặt hàng xuất khẩu giảm hoặc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do mất mùa cá nục gai (nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản xuất khẩu của Công ty TNHHTM&DV chế biến thuỷ sản Hưng Phong) nên cũng giảm sản lượng sản xuất; các nhà máy thủy điện thiếu nước nên phải hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy sản xuất bia (sản lượng bia trong 7 tháng đầu năm giảm 15.563 ngàn lít so cùng kỳ). Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm vẫn có mức tăng trưởng khá, nguyên nhân chủ yếu là do hai sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn (chiếm trên 82% trong tổng GTSX toàn ngành công nghiệp) vẫn duy trì được mức độ sản xuất là: Sản phẩm lọc hóa dầu tăng 40.536 tấn so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm sắt, thép tăng 552.551 tấn (do tháng 01 và 02 năm 2019 chưa có sản phẩm). 
Ước tính giá trị sản xuất tháng 7 năm 2020 đạt 12.145,5 tỷ đồng (theo giá SS2010), tăng 15,4% so với tháng trước. Trong tháng có nhiều sản phẩm tăng so với tháng trước, trong đó một số sản phẩm tăng khá  như: Sản phẩm lọc hóa dâu tăng 94.450 tấn; sắt, thép tăng 13.120 tấn; tai nghe tăng 160 ngàn cái; cuộn cảm tăng 682 ngàn cái...  
So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng này tăng 15,5%, nguyên nhân tăng chủ yếu do một số sản phẩm tăng cao như: Nước khoáng và nước tinh khiết tăng 1.042 ngàn lít; nước ngọt các loại tăng 518 ngàn lít; sản phẩm lọc hóa dâu tăng 64.802 tấn; sắt, thép tăng 77.435 tấn; cuộn cảm tăng 3.167 ngàn cái; điện sản xuất tăng 9,17 triệu kwh…  
Tính chung 7 tháng đầu năm, GTSX công nghiệp đạt 74.400,5 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 54.904,8 tỷ đồng, tăng 1,0%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 16.295,8 tỷ đồng, tăng 39,1% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.199,9 tỷ đồng, giảm 6,9%. Nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì giá trị sản xuất công nghiệp tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 tăng khá so với cùng kỳ 2019 như: Đá khai thác các loại đạt 866,9 ngàn m3, tăng 20,9%; tinh bột mỳ trên địa bàn đạt 28.828 tấn, tăng 14,6%; nước khoáng và nước tinh khiết đạt 67.345 ngàn lít, tăng 9,1%;  nước ngọt các loại đạt 20.311 ngàn lít, tăng 11,2%; sắt, thép các loại đạt 774.909 tấn, tăng 248,5%; cuộn cảm đạt 60.288 ngàn cái, tăng 23,1%...Riêng sản phẩm lọc hóa dầu đạt trên 4 triệu tấn, tăng 1,0%. 
Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm mạnh so cùng kỳ như: Thủy sản chế biến giảm 13,7%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh giảm 21,2%; bánh kẹo các loại giảm 15,3%; đường RS trên địa bàn tỉnh giảm 73,6%; bia các loại giảm 14,8%; sợi các loại giảm 22,9%; quần áo may sẵn giảm 15,3%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 38,9%; phân bón giảm 14,5%; gạch xây các loại giảm 18,4%; tai nghe giảm 83,2%; điện sản xuất giảm 33,6%... 
- Chỉ số tiêu thụ và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2020 ước tính giảm 21,0% so với tháng trước và tăng 31,18% so cùng kỳ năm trước. Tính chung  7 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước, trong các ngành cấp II có 04 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng là sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,49%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 1,28%; sản xuất kim loại tăng 7,38%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,89%. Đa số các ngành cấp II còn lại có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh, như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18,14%; dệt giảm 17,83%; sản xuất trang phục giảm 43,57%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 21,35%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 81,44%...
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/7/2020 tăng 25,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,42% so với cùng thời điểm năm trước. So với cùng thời điểm năm trước, có 06 ngành cấp II có chỉ số tồn kho giảm gồm: Sản xuất đồ uống giảm 18,88%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 18,28%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 16,95%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,16%; sản xuất kim loại giảm 69,04%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 52,66%. Đa số các ngành còn lại có chỉ số tồn kho tăng cao, như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 25,16%; dệt tăng 51,34%; sản xuất trang phục tăng 25,29%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 50,23%...
- Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp dự tính tại thời điểm 31/7/2020 tăng 0,03% so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,21% so với cùng thời điểm tháng trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,28%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,82%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 1,12% so với cùng thời điểm tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,02%; sản xuất, phân phối điện không tăng, không giảm; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,14%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II điều tra tính chỉ số sử dụng lao động có một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng thời điểm tháng trước là: Ngành sản xuất đồ uống giảm 0,51%; sản xuất trang phục giảm 2,47%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 1,54%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,72%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 14,35%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,95%. Chỉ có 02 ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng khá là: Ngành khai khoáng khác tăng 1,12% và ngành dệt tăng 2,26%. Các ngành khác còn lại tăng nhẹ hoặc bằng tháng trước.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng (tính đến ngày 20/7/2020), toàn tỉnh có 52 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 239,6 tỷ đồng, giảm 22,4% về số doanh nghiệp và giảm 65,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 4,61 tỷ đồng, giảm 55,5% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng có 16 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 10 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, và có 05 doanh nghiệp đã giải thể.
 Luỹ kê từ đầu năm đến ngày 20/7/2020, toàn tỉnh có 419 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 1.911,63 tỷ đồng, giảm 18,96% về số doanh nghiệp và giảm 65,69%  về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 4,56 tỷ đồng, giảm 57,67% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong thời gian trên có 120 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 239 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 55 doanh nghiệp đã giải thể.
 
4. Đầu tư, xây dựng  
Trong tháng UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 01/7/2020 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện Công văn số 1237/UBND-TH ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh về tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Qua đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục về phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp với kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án; thường xuyên trực báo, đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; khẩn trương lên khối lượng và nghiệm thu để giải ngân sớm kế hoạch vốn được giao. 
Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 529,1 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đạt gần 528,7 tỷ đồng, tăng 5,8%; vốn vay đạt 0,09 tỷ đồng, tăng 7,1%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 0,32 tỷ đồng, tăng 8,5%.     So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý tăng 27,4%. 
Ước tính 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt gần 2.822 tỷ đồng, tăng 22,8% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 2.818,4 tỷ đồng, tăng 22,6%; vốn vay đạt 1,6 tỷ đồng và vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt gần 2 tỷ đồng, đều gấp nhiều lần năm trước. 
5. Thương mại, dịch vụ, giá cả 
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 ước đạt 4.813,5 tỷ đồng, tăng 3,84% so với tháng trước và tăng 1,79% so với tháng cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.670,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,03% và tăng 7,39%; dịch vụ lưu trú ước đạt 21,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,76% và giảm 31,9%; dịch vụ ăn uống ước đạt 789,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,79% và giảm 15,73%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 40,22% và giảm 36,58%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 331,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,72% và giảm 2,96%.
 Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.569,9 tỷ đồng, giảm 5,15% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.943,2 tỷ đồng, tăng 1,27%; dịch vụ lưu trú ước đạt 132,5 tỷ đồng, giảm 35,6%; dịch vụ ăn uống ước đạt 4.487,3 tỷ đồng, giảm 25,64%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 3,4 tỷ đồng, giảm 52,06%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.003,6 tỷ đồng, giảm 14,37%. 
Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với tháng trước, đặc biệt là ăn uống và du lịch lữ hành tăng mạnh là do tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt nên nhu cầu tham quan du lịch nội địa tăng mạnh do đây cũng là tháng bắt đầu nghỉ hè. Ngoài ra, đầu tháng 7 đã diễn ra Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 61 năm 2020 tại huyện đảo Lý Sơn với gần 2.000 vận động viên chuyên nghiệp và phong trào trong, ngoài nước tham gia, giải đấu đã thu hút rất đông các du khách đến tham quan và cổ vũ. 
5.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,48% so với tháng trước; giảm 0,34% so với tháng 12 năm trước; tăng 3,11% so với cùng tháng năm trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,48% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 4,80%, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 27/6/2020, cụ thể với mức tăng giá như sau: Xăng A95 tăng 890 đồng/lít; xăng E5 tăng 860 đồng/lít; dầu diezel tăng 600 đồng/lít, bình quân giá xăng, dầu tháng 7 năm 2020 tăng 8,67% so với tháng trước. Các nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,36%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,08%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; giáo dục tăng 0,02%. Có 5/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% (trong đó, lương thực tăng 0,15%, thực phẩm giảm 0,30%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,06%); thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,35%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,15%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,83%. 
CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 3,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, trong đó có 8/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,68%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm (trong đó, lương thực giảm 0,67%, thực phẩm tăng 11,65%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,72%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,98%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,17%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,58%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,91%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,71%; giáo dục tăng 4,18%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,66%. Có 3/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 12,16%; bưu chính viễn thông giảm 0,35%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 2,36%.
 Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 2,56% so với tháng trước; tăng 20,59% so với tháng 12 năm trước; tăng 26,01% so với cùng tháng năm trước; bình quân 7 tháng tăng 24,87% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2020 giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 0,19% so với tháng 12 năm trước; giảm 0,11% so với cùng tháng năm trước; bình quân 7 tháng tăng 0,23% so cùng kỳ năm trước.
5.3. Hoạt động vận tải  (không kể vận tải đường sắt)
Vận tải hành khách tháng 7 năm 2020 ước đạt 612 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 139.409 nghìn lượt khách.km, so với tháng trước tăng 4,79% về vận chuyển và tăng 9,57% về luân chuyển, tương ứng tăng 5,19% và tăng 5,14% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 552 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 137.736 nghìn lượt khách.km, tăng tương ứng 2,94% và 9,41% so với tháng trước và tăng tương ứng 3,42% và 4,96% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đường biển ước đạt 59 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.673 nghìn lượt khách.km, tăng tương ứng 25,90% và 25,09% so với tháng trước và tăng tương ứng 25,18% và 22,08% so với tháng cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách ước đạt 3.594 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 825.761 nghìn lượt khách.km, giảm 11,10% về vận chuyển và giảm 11,29% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 3.356 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 819.000 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 10,58% và 11,24%; vận tải hành khách đường biển ước đạt 238 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 6.761 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 17,89% và 16,63%.
Vận tải hàng hóa tháng 7 năm 2020 ước đạt 1.135 nghìn tấn với mức luân chuyển 179.591 nghìn tấn.km, tăng 0,06% về vận chuyển và tăng 0,54% về luân chuyển so với tháng trước; tương ứng giảm 6,20% và giảm 3,40% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ ước đạt 1.118 nghìn tấn với mức luân chuyển 179.055 nghìn tấn.km, không tăng về vận chuyển  nhưng tăng 0,53% về luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 6,15% và 3,39% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ước đạt 18 nghìn tấn với mức luân chuyển 536 nghìn tấn.km, cùng tăng 4,25% cả về vận chuyển và luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 9,48% và 9,46% so với tháng cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, vận tải hàng hóa ước đạt 7.238 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.154.461 nghìn tấn.km, giảm 7,66% về vận chuyển và giảm 6,60% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 7.136 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.151.415 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 7,66% và 6,60%; vận tải hàng hóa đường biển ước đạt 101 nghìn tấn với mức luân chuyển 3.046 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 7,42% và 7,27% so với cùng kỳ. 
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 năm 2020 ước đạt 360,5 tỷ đồng, tăng 1,65% so với tháng trước và tăng 3,60% so với tháng cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: vận tải đường bộ ước đạt 268,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,23% và tăng 1,37%; vận tải đường thủy ước đạt 11,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 19,61% và giảm 16,64%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 80,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,89% và tăng 9,86%. Phân theo ngành vận tải: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 99,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,93% và tăng 7,11%; doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 180,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,28% và giảm 0,73%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 80,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,89% và tăng 9,86%. 
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.290,5 tỷ đồng, giảm 6,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách ước đạt 618,1 tỷ đồng, giảm 8,54%; vận tải hàng hóa ước đạt 1.194,0 tỷ đồng, giảm 3,57%; dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 478,4 tỷ đồng, giảm 10,64%.
Nguyên nhân hoạt động vận tải hành khách tháng 7 tăng cao so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước, đặc biệt là vận tải đường biển tăng mạnh là do đầu tháng 7 đã diễn ra Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 61 năm 2020 tại huyện đảo Lý Sơn với gần 2.000 vận động viên chuyên nghiệp và phong trào trong, ngoài nước tham gia, giải đấu đã thu hút rất đông các du khách đến tham quan và cổ vũ. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt nên nhu cầu tham quan du lịch nội địa tăng mạnh do đây cũng là tháng bắt đầu nghỉ hè. Riêng đối với vận tải hàng hóa tăng ít so với tháng trước và giảm so với tháng cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế.
6. Một số tình hình xã hội
6.1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát hiện sớm và báo cáo kịp thời tình hình dịnh bệnh. Số người mắc sốt xuất huyết trong tháng 184 ca tăng 79 ca so với tháng trước. Không có tử vong. Số ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng 124 ca, tăng 105 ca so tháng trước, Cúm 232 ca, Lỵ amíp 11 ca,  Lỵ trực trùng 19 ca, Quai bị 03 ca, Thủy đậu 11 ca, Tiêu chảy 458 ca, Viêm não vi rút 07 ca, Bạch hầu 0.
Các Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể . Trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
6.2. Hoạt động văn hoá, thể thao
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng các hồ sơ di tích lịch sử các cấp và bảo vật quốc gia của năm 2020. Tiếp tục lập dự án trùng tu, tôn tạo đối với di tích Quốc gia Trường luỹ Quảng Ngãi. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền kỷ niệm 31 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (01/7/1989 - 01/7/2020), 73 năm Ngày Thương binh - Lệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020),... và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020. Triển khai Kế hoạch tổ chức Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V – năm 2020. 
Đội tuyên truyền lưu động tỉnh đã thực hiện 15 buổi văn nghệ tuyên truyền theo chủ đề ”Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi”, ”An toàn giao thông năm 2020”, ”Phòng chống tác hại của rượu, bia”. 
Triển khai Kế hoạch tổ chức Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2020. Cử các đội tuyển thể thao tham gia các giải toàn quốc như: Giải Cúp các câu lạc bộ Muay (01 huy chương Vàng, 01 huy chương Đồng); Giải Vô địch trẻ và thiếu niên Võ Cổ truyền (03 huy chương Vàng, 04 huy chương Bạc và 04 huy chương Đồng); Giải Cúp các câu lạc bộ Boxing (01 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc); Giải Cúp các câu lạc bộ PencakSilat (03 huy chương Đồng); Giải Vô địch Vovinam các đội mạnh (01 huy chương Vàng, 01 huy chương Đồng); Giải Vô địch WuShu (02 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc và 02 huy chương Đồng); Giải Vô địch Việt dã Marathon báo Tiền phong lần thứ 61 (Nhì toàn đoàn); Giải Vô địch trẻ PencakSilat (01 huy chương Vàng, 02 huy chương Bạc và 05 huy chương Đồng).
Tổ chức thành công Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 61 năm 2020 tại huyện đảo Lý Sơn. Tổ chức Giải Bóng chuyền truyền thống nông dân tranh Cúp ”Bông lúa vàng” tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII - năm 2020; Giải Quần vợt tỉnh Quảng Ngãi mở rộng lần thứ XII - năm 2020 tranh Cúp ”Máy văn phòng Thiên Lộc”.
6.3. Tình hình tai nạn giao thông 
Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 15/6/2020 đến 14/7/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ TNGT, chết 11 người, bị thương 40 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 112 triệu đồng. So với tháng 7/2019: tăng 07 vụ, tăng 01 người chết, tăng 08 người bị thương. So với tháng 6/2020: tăng 12 vụ, số người chết không tăng không giảm, tăng 27 người bị thương. Cụ thể: 
- TNGT đường bộ: Xảy ra 31 vụ, chết 11 người, bị thương 40 người, gồm:
+ TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: Xảy ra 10 vụ, chết 11 người, bị thương 05 người. So với tháng 7/2019: Tăng 02 vụ, tăng 03 người chết, không tăng, không giảm số người bị thương; so với tháng 6/2020: Không tăng, không giảm số vụ, tăng 01 người chết, tăng 02 người bị thương.  
+ Va chạm giao thông: Xảy ra 21 vụ, bị thương 35 người. So với tháng 7/2019: Tăng 06 vụ, tăng 11 người bị thương; so với tháng 6/2020: Tăng 13 vụ, tăng 25 người bị thương.
- TNGT đường sắt: Không xảy ra (So với tháng 7/2019: Giảm 01 vụ, giảm 02 người chết, giảm 03 người bị thương; so với tháng 6/2020: Giảm 01 vụ, giảm 01 người chết).
  - TNGT đường thủy nội địa: Không xảy ra (So với tháng 7/2019 và tháng 6/2020: Không tăng, không giảm).
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 140 vụ TNGT, giảm 72 vụ so với cùng kỳ năm 2019; chết 76 người, giảm 04 người; bị thương 144 người, giảm 72 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 138 vụ (- 73 vụ), chết 74 người (-04 người), bị thương 144 người (-69 người); TNGT đường sắt xảy ra 02 vụ (+01 vụ), chết 02 người (không tăng không giảm), không có người bị thương (-03 người); TNGT đường thuỷ nội địa không xảy ra, không tăng không giảm.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1398

Tổng số lượt xem: 480883

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready