Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020

30/09/2020 14:40    486

Kinh tế - xã hội tỉnh ta 9 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những yếu tố bất lợi. Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và lây lan trên phạm vi toàn cầu, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới; giá dầu thô giảm mạnh mặc dù gần đây có tăng trở lại sau khi nhiều nước công bố các gói cứu trợ kinh tế; chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Trong nước và tỉnh ta, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu đã đạt được của năm 2019, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành bị chậm lại, thậm chí có ngành, lĩnh vực bị suy giảm. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong tỉnh, Lãnh đạo địa phương đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngày 13/3/2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản  
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm cơ bản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bất lợi về thời tiết và đại dịch Covid-19. Sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân đạt thấp hơn năm 2019 do bất lợi về thời tiết; vụ hè thu có nhiều khả năng sản lượng cũng thấp hơn cùng vụ năm 2019 do nắng hạn làm giảm diện tích gieo trồng. Chăn nuôi ổn định, nuôi lợn dần phục hồi nhưng chậm. Sản xuất lâm nghiệp giảm sút do gỗ dăm nguyên liệu giấy không xuất khẩu được (ảnh hưởng của dịch Covid-19) làm giảm sản lượng gỗ khai thác và diện tích trồng rừng. Khai thác thuỷ sản vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.
 
1.1. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 có những thuận lợi nhất định, như: Hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa nước được nâng cấp phục vụ tưới tiêu ổn định và hiệu quả, đảm bảo tưới cho cây trồng trong suốt vụ. Hầu hết các địa phương và người nông dân có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ sản xuất như: giống, làm đất, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng, ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ. Công tác dự báo sâu bệnh được duy trì thường xuyên, liên tục, cảnh báo kịp thời khả năng gây hại của sâu bệnh; hướng dẫn, giúp nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra. - Nhận thức của người dân về sử dụng giống tốt, tiến bộ kỹ thuật và trình độ đầu tư, thâm canh trong sản xuất ngày càng cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, ảnh hưởng đến đầu ra của một số sản phẩm. Vụ hè thu, thời tiết nắng hạn ở đầu vụ làm một số nơi không đủ nước để gieo sạ lúa nên một số diện tích bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. 
a) Trồng trọt 
Tổng diện tích cây hàng năm 9 tháng đầu năm ước đạt 108.624,2 ha, giảm 1,9% (2.131,2 ha) so với năm 2019. Trong đó, diện tích cây hàng năm vụ đông xuân đạt 60.550,1 ha, giảm 0,2% (96,3 ha) so với vụ đông xuân năm 2019; diện tích cây hàng năm vụ hè thu đạt 48.074,1 ha, giảm 4,1% (2.034,9 ha) so với vụ hè thu năm 2019.
Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt cho thu hoạch 9 tháng đầu năm ước đạt 78.432 ha, giảm 2,7% (2.208,7 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 466.351,6 tấn, giảm 2,7% (12.939,9 tấn).  
- Cây lúa: 
+ Lúa đông xuân toàn tỉnh gieo sạ đạt 38.027,1 ha, giảm 0,4% (148,1 ha) so với vụ đông xuân năm 2019. Năng suất đạt 60,6 tạ/ha, giảm 0,5% (0,3 tạ/ha) so với vụ đông xuân năm 2019. Sản lượng đạt 230.533,6 tấn, giảm 0,8% (1.909,3 tấn) so với vụ đông xuân năm 2019.
+ Lúa hè thu gieo sạ sơ bộ đạt 31.334,8 ha, giảm 6,2% (2.079,2 ha) so với cùng vụ năm 2019. Diện tích lúa giảm, chủ yếu do diện tích bị nắng hạn thiếu nước tưới không gieo sạ được phải bỏ hoang hoặc chuyển cây trồng khác. Năng suất sơ bộ đạt 58,3 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với cùng vụ năm 2019. Sản lượng sơ bộ đạt 182.554 tấn, giảm 5,7% (11.034,2 tấn) so với vụ hè thu 2019.
 Tính chung 9 tháng đầu năm, diện tích lúa cho thu hoạch đạt 69.361,9 ha, giảm 3,1% (2.227,3 ha) so với cùng kỳ năm 2019; năng suất đạt 59,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 413.087,6 tấn, giảm 3% (12.943,5 tấn). 
- Cây ngô: 
+ Diện tích ngô vụ đông xuân đạt 4.637,9 ha, tăng 0,1% (4,5 ha) so với vụ đông xuân năm 2019. Năng suất đạt 59,1 tạ/ha, tăng 0,2% (0,1 tạ/ha). Sản lượng đạt 27.424,6 tấn, tăng 0,3% (69 tấn).
+ Diện tích gieo trồng ngô vụ hè thu sơ bộ đạt 4.432,2 ha, tăng 0,3% (14,1 ha) so với vụ hè thu 2019. Năng suất ngô sơ bộ đạt 58,3 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2019. Sản lượng ngô sơ bộ đạt 25.839,4 tấn, giảm 0,3% (65,4 tấn) so với vụ hè thu năm 2019.
Tính chung 9 tháng đầu năm, diện tích ngô cho thu hoạch đạt 9.070,1 ha, tăng 0,2% (18,6 ha) so với cùng kỳ năm 2019; năng suất đạt 58,7 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; sản lượng đạt 53.264 tấn, tăng 0,01% (3,6 tấn).
- Các loại cây rau, đậu, hoa
Tổng diện tích gieo trồng rau, đậu và hoa 9 tháng đầu năm đạt 14.941,2 ha, giảm 2% (298,4 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vụ đông xuân đạt 8.645,9 ha, giảm 1,7% (153,3 ha) so với vụ đông xuân năm 2019; vụ hè thu đạt 6.295,3 ha, giảm 2,2% (145,1 ha) so với vụ hè thu 2019. 
 Diện tích rau đạt 11.663,2 ha, giảm 1,8% (213,8 ha) so với cùng kỳ năm 2019; năng suất đạt 167,7 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 195.608,4 tấn, giảm 1,6% (3.094,7 tấn).
Diện tích đậu đạt 3.163,6 ha, giảm 2,6% (84,2 ha) so với cùng kỳ năm 2019; năng suất đạt 20,9 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; sản lượng đạt 6.607,5 tấn, giảm 3,9% (267,1 tấn). 
* Tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ mùa:
Tính đến giữa tháng 9, đã gieo sạ được 1.909,4 ha lúa, tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2019 và gieo trồng được 1.261 ha ngô (giảm 0,1%); 39,6 ha khoai lang (tăng 14,1%); 91,9 ha lạc (tăng 7,2%); 2,5 ha đậu tương (giảm 60,3%); 630,4 ha rau (tăng 0,6%);…
* Cây lâu năm
Trong 9 tháng đầu năm 2020, cây lâu năm trên địa bàn tỉnh không có chiều hướng phát triển. Phần lớn các loại cây lâu năm chủ yếu được trồng theo truyền thống như dừa, chanh, bưởi, đu đủ, mít, cau... Một số loại cây được các địa phương triển khai trồng với kỳ vọng xoá đói giảm nghèo cho người dân như mắc – ca, thanh long,… Song, sau một thời gian cho thấy không phù hợp với điều kiện tự nhiên và không đảm bảo hiệu quả kinh tế nên dần bị phá bỏ.
b) Chăn nuôi
Chăn nuôi trong 9 tháng đầu năm 2020 chuyển biến theo chiều hướng tích cực; nuôi lợn đang dần phục hồi do dịch tả lợn châu Phi về cơ bản đã được khống chế, không lây lan trên diện rộng, song tái đàn chậm do sự thiếu hụt nguồn con giống; đàn gia cầm phát triển mạnh; đàn trâu giảm nhẹ so với năm 2019.
Ước tính đến thời điểm 30/9/2020, đàn trâu toàn tỉnh có 70.000 con, giảm 0,4% (285 con) so với cùng thời điểm năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đầu năm đạt 2.732,92 tấn, tăng 0,4% (11,97 tấn). Đàn bò có 282.151 con, tăng 1,1% (3.053 con) so với cùng thời điểm năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đầu năm đạt 15.152,58 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đàn lợn có 385.000 con (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 13,7% (46.319 con) so với cùng thời điểm năm 2019. Đàn lợn tăng là do quý II năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh buộc tiêu hủy nhiều lợn làm cho đàn lợn giảm sút. Hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường và giá lợn hơi vẫn ở mức cao, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, tuy nhiên việc khôi phục và tăng đàn như ban đầu vẫn gặp khó khăn về vốn và thiếu con giống. Trong 9 tháng đầu năm, ước xuất chuồng 499.113 con lợn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm 2019; trọng lượng xuất chuồng đạt 31.787,73 tấn, giảm 0,8%. 
Đàn gia cầm có đến thời điểm 30/9/2020 ước đạt 5.553,7 ngàn con, tăng 5,2% (276,17 ngàn con) so với cùng thời điểm năm 2019, tăng chủ yếu ở đàn gà. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng xuất chuồng đạt 10.966,06 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. 
* Tình hình dịch bệnh:
 - Dịch tả lợn châu Phi: Tính từ đầu năm đến nay, dịch đã xảy ra ở 7/13 huyện, TP, thị xã của 27 xã, 56 thôn với tổng số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy 626 con, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy 30,3 tấn. Nguyên nhân xảy ra dịch do chưa có vắc xin tiêm phòng; hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện cách ly và phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. 
- Bệnh lở mồm long móng gia súc: Bệnh xảy ra tại 1.125 hộ ở 194 thôn, 73 xã, 9 huyện, thị xã, thành phố (Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, TX. Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi, Minh Long, Tây Trà và Sơn Tây) với tổng số con mắc bệnh là 3.236 con (336 con trâu, 2.876 con bò, 24 con lợn). Trong đó, số con chết là 89 con (83 con bò, 6 con lợn); đã tiêu hủy; số con đã khỏi triệu chứng lâm sàng là 3.147 con ( 336 con trâu, 2.793 con bò, 18 con lợn).
- Bệnh cúm gia cầm: Xảy ra ở 7 hộ của 7 thôn tại 7 xã, 5 huyện, thị xã, thành phố (Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, TX. Đức Phổ và Sơn Hà) làm chết và tiêu hủy 15.300 con (14.130 con gà, 1.170 con vịt). Trong đó, số chết trước tiêu hủy là 5.825 con; số tiêu hủy bắt buộc là 9.475 con.
- Bênh tai xanh ở lợn: Không xảy ra ổ dịch nào.
- Ngoài ra, còn có các bệnh thông thường như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh đã bao vây dập tắt không để lây lan diện rộng.
1.2. Lâm nghiệp 
Trong tháng, có mưa nên hoạt động trồng rừng được tiến hành thuận lợi. Ước tính trong tháng trồng được 1.808 ha rừng, giảm 19,9% so với cùng tháng năm 2019.  Tính chung 9 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 9.560 ha, giảm 12,6% (1.381,3 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dăm gỗ nguyên liệu giấy gặp khó khăn trong xuất khẩu, dẫn tới diện tích gỗ keo nguyên liệu giấy phải hạn chế khai thác, nên diện tích rừng trồng cũng giảm theo. 
Sản lượng gỗ khai thác tháng 9 ước đạt 147.787 m3, giảm 8,1% (12.967 m3) so với tháng 9 năm 2019. Ước tính 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.061.900  m3, giảm 17,8% (229.131 m3) so với cùng kỳ năm 2019. 
Trong tháng, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 52 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 21 vụ so với cùng tháng năm 2019. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân bất cẩn khi đốt dọn thực bì, phát rẫy nên cháy rừng liên tục xảy ra. Số vụ cháy rừng trong tháng là 10 vụ với tổng diện tích bị cháy là 31,37 ha (xảy ra tại 4 huyện: Mộ Đức 1 vụ 2,83 ha, Sơn Tây 4 vụ 4,05, Trà Bồng 4 vụ 20,59 ha, Nghĩa Hành 1 vụ 3,9 ha). Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy rừng, với tổng diện tích 60,68 ha, giảm 28 vụ, tương ứng với 174,89 ha so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh phát hiện 297 vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 46 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Riêng phá rừng, phát rừng có 24 vụ với tổng diện tích rừng bị phá, phát là 14,05 ha, giảm 13 vụ, tương ứng với 4,43 ha so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị phá là 13,92 ha (rừng tự nhiên 9,29 ha; rừng trồng 4,63 ha); diện tích rừng sản xuất (rừng tự nhiên) bị phá là 0,13 ha. Toàn bộ các vụ phá rừng đều nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy. Qua đó, thu giữ 95,8 m3 gỗ tròn và 193,6 m3 gỗ xẻ; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 2,9 tỷ đồng.
1.3. Thủy sản 
Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh khá ổn định; giá xăng, dầu giảm nên nhiều tàu thuyền duy trì đánh bắt dài ngày trên biển. Việc thực hiện Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 và Nghị định 42/2019/NĐ-CP (quy định tàu thuyền có chiều dài 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình), đã được ngư dân từng bước khắc phục, đồng thời không ngừng đầu tư tăng năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác đạt mức tăng trưởng khá. Dịch bệnh ở tôm nuôi xảy ra, ảnh hưởng sản lượng và hiệu quả kinh doanh của người nuôi nhưng không đáng kể. Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 227.580,4 tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. 
a) Khai thác
Tàu thuyền khai thác biến động theo hướng giảm tàu có công suất nhỏ, tăng tàu có công suất lớn. Tại thời điểm 01/6/2020, toàn tỉnh có 5.253 chiếc tàu khai thác hải sản, giảm 0,2% (11 chiếc) so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng công suất tàu đạt 1.654.744 CV, tăng 4,5% tương ứng với 71.523 CV. 
Sản lượng khai thác trong tháng 9 ước đạt 24.642 tấn, tăng 3,1% so với tháng 9/2019 (khai thác trên biển 26.362,6 tấn, khai thác nội địa 99,4 tấn). Ước tính 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác đạt 222.776,2 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019 (khai thác trên biển 222.175,9 tấn, khai thác nội địa 600,3 tấn). 
b) Nuôi trồng  
Ước tính diện tích 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh thả nuôi 1.855,8 ha thuỷ sản các loại, tăng 4,3% (76,4 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích nuôi tôm đạt 895,9 ha, tăng 2,4% (20,8 ha); trong đó, tôm sú đạt 55,9 ha, giảm 18,2% (12,4 ha) so với năm 2019; tôm thẻ chân trắng đạt 840 ha, tăng 4,1% (33,2 ha). Diên tích nuôi tôm tăng do một số diện tích nuôi bỏ hoang mới được cải tạo để thả nuôi trong kỳ. 
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.804,2 tấn, tăng 21,2% (839,5 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm thu hoạch ước đạt 3.362 tấn, tăng 9,8% (301,2 tấn); trong đó, tôm sú ước đạt 74,2 tấn, tăng 2,5% (1,9 tấn); tôm thẻ chân trắng ước đạt 3.287,8 tấn, tăng 10,2% (303,1 tấn).
* Tình hình dịch bệnh: 
Tính từ đầu năm đến nay, có 13,42 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh. Cụ thể: Trên địa bàn huyện Bình Sơn có 5,87 ha bị bệnh đốm trắng; 0,55 ha bị bệnh hoại tử gan tụy. Thị xã Đức Phổ có 6 ha bị bệnh phân trắng; 01 ha chết không rõ nguyên nhân. Tôm bệnh có thời gian thả nuôi khoảng 20-40 ngày tuổi, giống có nguồn gốc ngoài tỉnh. Cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu huỷ tôm bị bệnh theo đúng quy định, đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi tôm biện pháp phòng bệnh để hạn chế thiệt hại.
*  Sản xuất giống: 
Trong tháng, ước sản xuất được 2,3 triệu con giống (cá giống nước ngọt như cá mè, trám cỏ, cá bớp, ốc hương, hải sâm...). Ước 9 tháng đầu năm, sản xuất được 6,63 triệu con giống, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019.
2. Sản xuất công nghiệp 
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2020 trên địa bàn tỉnh đã có ca mắc Covid-19  nên một số khu dân cư phải thực hiện cách ly toàn diện; đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng phải thực hiện giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực tới đời sống của nhân dân, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp và hộ SXKD cá thể. như: Các doanh nghiệp dệt, may, điện tử đơn đặt hàng giảm nên giảm sản lượng sản xuất; sản phẩm sữa, bánh kẹo các loại lượng tiêu thụ giảm nên giảm sản lượng sản xuất; một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đơn đặt hàng xuất khẩu giảm hoặc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do mất mùa cá nục gai (nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản xuất khẩu của Công ty TNHHTM&DV chế biến thuỷ sản Hưng Phong) nên cũng giảm sản lượng sản xuất; các nhà máy thủy điện thiếu nước nên phải hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy sản xuất bia; các nhà máy thủy điện thiếu nước nên phải hoạt động cầm chừng; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo dưỡng định kỳ trong khoảng 51 ngày kể từ ngày 12/8/2020. Do đó, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm có mức tăng trưởng âm, dù có sản phẩm sắt, thép tăng cao (tăng 521.609 tấn). 
- Chỉ số sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2020 giảm 25,15 % so với tháng trước, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 3,65%; công nghiệp chế biến, chế tạo (có tỷ trọng lớn) giảm 25,16%; sản xuất và phân phối điện giảm 35,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,19%. Nguyên nhân sản xuất công nghiệp giảm so tháng trước chủ yếu do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nghỉ bảo dưỡng và một số sản phẩm giảm như: Phân bón các loại giảm 561 tấn; tai nghe giảm 29 ngàn cái; điện sản xuất giảm 16 triệu kwh...  
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng đầu năm có sự biến động qua các quý, do phụ thuộc chính vào sản lượng của sản phẩm lọc hóa dầu và sản phẩm sắt, thép (hai sản phẩm này có tỷ trọng trên 82% trong tổng GTSX toàn ngành công nghiệp) nên tốc độ tăng trưởng của các quý chịu sự tác động của hai sản phẩm này, cho dù nhiều ngành công nghiệp cấp II chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19. Diễn biến sản xuất công nghiệp được thể hiện rõ, như sau: Trong quý I và quý II sản phẩm lọc hóa dầu và sản phẩm sắt, thép duy trì được mức độ sản xuất (so với cùng kỳ năm trước dầu quý I tăng 0,24%; quý II tăng 8,31% và sắt, thép quý I tăng 299,15%; quý II tăng 153,93%) nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I tăng 3,64% và quý II tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước; đến quý III (dầu giảm 47,72% và sắt, thép tăng 17,16% so cùng kỳ năm trước) đã làm cho chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 24,17% so với cùng kỳ năm trước. Nếu phân theo ngành kinh tế thì ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng cao ở quý I và quý II, song đến quý III lại giảm sâu (so với cùng kỳ năm trước thì quý I tăng 45,13%; quý II tăng 29,49% và quý III giảm 31,27%), song là ngành có tỷ trọng quá nhỏ bé trong tổng GTSX toàn ngành công nghiệp nên tác động vào sự tăng trưởng chung là không đáng kể; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng trưởng ở quý I và quý II, song đến quý III cũng giảm sâu (so với cùng kỳ năm trước thì quý I tăng 4,2%; quý II tăng 7,88% và quý III giảm 24,41%); ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện có mức tăng trưởng âm và có tốc độ tăng dần qua các quý (so với cùng kỳ năm trước thì quý I giảm 50,56%; quý II giảm 15,51% và quý III giảm 1,91%) nguyên nhân là do lượng mưa được cải thiện qua các quý nên nguồn nước cho sản xuất điện được đáp ứng tốt hơn; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng có mức tăng trưởng âm qua các quý (so với cùng kỳ năm trước thì quý I giảm 4,17%; quý II giảm 13,82% và quý III giảm 2,03%).   
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,49%; sản xuất, phân phối điện giảm 24,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,9%. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 04 ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiêp là: Khai khoáng khác tăng 7,94%; sản xuất kim loại tăng 88,61%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 18,19%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,54%. Các ngành còn lại đều có chỉ số giảm, trong đó nhiều ngành có mức sản xuất giảm mạnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 17,1%; sản xuất trang phục giảm 40,07%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 68,62%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 28,63%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 13,76%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 35,18%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 33,66%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 79,51%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 20,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 20,35%; SX và PP điện, khí đốt, nước nóng giảm 24,25%... 
- Chỉ số tiêu thụ và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 ước tính giảm 54,09% so với tháng trước và giảm 67,46% so cùng kỳ năm trước. Tính chung  9 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,26% so với cùng kỳ năm trước, trong các ngành cấp II đều có chỉ số tiêu thụ giảm, nhiều ngành giảm mạnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,94%; sản xuất trang phục giảm 42,27%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 25,96%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 15,17%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 23,57%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 12,82%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 75,76%...
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2020 giảm 14,88% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 34,52% so với cùng thời điểm năm trước. So với cùng thời điểm năm trước, có 04 ngành cấp II có chỉ số tồn kho giảm gồm: Dệt giảm 13,35%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 71,48%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 75,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,69%. Đa số các ngành còn lại có chỉ số tồn kho tăng cao, như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,4%; sản xuất trang phục tăng 38,36%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 68,83%; sản xuất kim loại tăng 83,59%... 
- Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp dự tính tại thời điểm 30/9/2020 tăng 0,93% so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,31% so với cùng thời điểm tháng trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,94%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 1,34%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 1,12% so với cùng thời điểm tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,98%; sản xuất, phân phối điện không tăng, không giảm; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,13%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II điều tra tính chỉ số sử dụng lao động có một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng thời điểm tháng trước là: Ngành sản xuất đồ uống giảm 0,51%; sản xuất trang phục giảm  1,39%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 1,83%. Có 03 ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng khá là: Ngành dệt tăng 4,68%; ngành sản xuất kim loại tăng 1,53%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 1,64%. Các ngành khác còn lại tăng nhẹ hoặc bằng tháng trước.
3. Hoạt động của doanh nghiệp
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng (tính đến ngày 21/9/2020), toàn tỉnh có 42 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 247,38 tỷ đồng, bằng 79,25% về số doanh nghiệp và bằng 31,24% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 04 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 14 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 05 doanh nghiệp đã giải thể.
Tính chung 9 tháng, toàn tỉnh có 531 doanh nghiệp  đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 2.547 tỷ đồng, bằng 79,25% về số doanh nghiệp và bằng 34,06% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 4,8 tỷ đồng, bằng 42,98% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 9 tháng có 153 doanh nghiệp hoạt động trở lại, có 272 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, và có 73 doanh nghiệp đã giải thể.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020 cho thấy: Có 27,27% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; có 42,42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 30,30% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định . Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 58,06% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 22,58% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 19,35% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III năm nay, có 55,45% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp và có 42,42% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường quốc tế thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có 48,48% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước;  36,36% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 36,36 % số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 21,21% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 45,45% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 21,21% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.
Về khối lượng sản xuất, có 42,42% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2020 tăng so với quý trước; 36,36% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 21,21% số doanh nghiệp cho rằng ổn định . Về xu hướng quý IV so với quý III năm nay, có 54,84% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 29,03% số doanh nghiệp dự báo giảm và 16,13% số doanh nghiệp dự báo ổn định. 
Về đơn đặt hàng mới, có 30,0% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III năm nay cao hơn quý trước; 46,67% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 23,33% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định . Xu hướng quý IV so với quý III năm 2020, có 58,62% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 27,59% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 13,79% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. 
Về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, quý III năm nay so với quý trước, có 13,64% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 50,0% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 36,36% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý IV so với quý III năm 2020, có 55,0% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 20,0% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 25,0% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
4. Hoạt động dịch vụ
Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các nước trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện nay dịch đã được kiểm soát tốt, không còn các ca lây nhiễm trong cộng đồng, tình hình sản xuất kinh doanh đã được hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, qua 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 cũng như 9 tháng đầu năm chịu nhiều tác động.
4.1. Bán lẻ hàng hóa
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9/2020 ước đạt 3.697,6 tỷ đồng, tăng 0,80% so với tháng trước và tăng 6,45% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 1.923,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,88% và tăng 19,68%; nhóm hàng may mặc ước đạt 215,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,08% và giảm 15,08%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 361,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,78% và giảm 1,11%; nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 25,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,38% và giảm 5,72%; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 275,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,81% và tăng 14,27%; nhóm hàng ô tô các loại ước đạt 22,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 13,98% và giảm 52,49%; nhóm hàng xăng, dầu các loại ước đạt 501,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,90% và giảm 8,40%;... Hầu hết các nhóm ngành đều tăng so với tháng trước (chỉ có nhóm hàng ô tô và phương tiện đi lại giảm) nhưng so với tháng cùng kỳ giảm nhiều vì ảnh hưởng của dịch tác động đến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một vài nhóm ngành tăng so với tháng cùng kỳ chủ yếu là do giá tăng so với cùng kỳ và vì dịch nên nhu cầu sử dụng một vài nhóm hàng đó cao hơn so với bình thường.   
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 31.299,1 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 11,73%; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,18%; nhóm hàng đá quý, kim loại quý tăng 22,56%; nhóm hàng hóa khác tăng 15,66%. Các nhóm hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ: nhóm hàng may mặc giảm 13,99%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 4,0%; nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 19,11%; nhóm hàng ô tô các loại giảm 27,26%; nhóm hàng phương tiện các loại giảm 19,84%; nhóm hàng xăng, dầu các loại giảm 6,54%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ giảm 9,98%. Nguyên nhân nhóm lương thực, thực phẩm tăng là do ảnh hưởng dịch, nhu cầu ăn uống tại gia đình tăng, bên cạnh đó giá lương thực và thực phẩm cũng tăng so với năm ngoái. Nhóm hàng đá quý, kim loại quý tăng cao là do giá nhóm hàng này năm nay tăng rất cao. Nhóm hàng hóa khác tăng (chủ yếu là mặt hàng máy tính và linh kiện máy tính) là do ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường cũng như các trung tâm giáo dục cho học sinh học trực tuyến nên nhu cầu về máy tính tăng cao. Còn các nhóm hàng giảm so cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng dịch, thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu giảm hơn, riêng nhóm hàng xăng dầu có thêm phần giá giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của 2 lần dịch Covid-19 nên doanh thu bán lẻ hàng hóa chia theo quý một số nhóm ngành có xu hướng tăng giảm rõ rệt. Quý I khi dịch mới xuất hiện và tại Quảng Ngãi chưa có ca nhiễm nên tình hình tiêu dùng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều (tăng 6,27%), chỉ có nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục giảm là do học sinh được nghỉ học, còn nhóm ô tô giảm là do nhu cầu cùng kỳ năm trước tăng rất cao, quý I năm nay chững lại cộng với việc xuất hiện dịch nên nhu cầu giảm hơn. Quý II và quý III đều có dịch nhưng tổng chung bán lẻ hàng hóa thì lại ngược chiều (quý II giảm 5,79% và quý III tăng 6,67%). Nguyên nhân của sự ngược chiều này là do tốc độ phát triển so với cùng kỳ của các nhóm hàng trong quý III đều cao hơn so với quý II. Một số nhóm hàng có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn (như: nhóm hàng lương thực, thực phẩm; nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng; nhóm đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình và nhóm hàng xăng dầu các loại) quý III tăng cao hơn và giảm ít hơn so với quý II.   
4.2. Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác
Trong 9 tháng đầu năm 2020, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác phải đối mặt với nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ và sự bùng phát của dịch Covid-19. Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở Việt Nam song vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, do đó các ngành dịch vụ còn phải đối mặt nhiều thách thức.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 9/2020 ước đạt 689,7 tỷ đồng, tăng 42,94% so với tháng trước và giảm 27,62% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 17,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 41,0% và giảm 43,86%; dịch vụ ăn uống ước đạt 672,0 tỷ đồng, tương ứng tăng 42,99% và giảm 27,06%. Hoạt động du lịch lữ hành ước đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 46,0% so với tháng trước và giảm 55,44% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 199,6 tỷ đồng, tăng 20,90% so với tháng trước và giảm 13,56% so với tháng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân các ngành dịch vụ tháng 9 tăng cao so với tháng trước vì tháng 8 chịu ảnh hưởng của đợt tái bùng phát dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội và Lý Sơn tạm dừng đón khách du lịch nên doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng 8 rất thấp.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 5.598,1 tỷ đồng, giảm 31,27% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 158,7 tỷ đồng, giảm 40,91%; dịch vụ ăn uống ước đạt 5.439,4 tỷ đồng, giảm 30,94%); doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 3,9 tỷ đồng, giảm 56,47%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.675,4 tỷ đồng, giảm 17,49%.
 Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác các quý đều giảm so với cùng kỳ, trong đó quý II và quý III có tốc độ giảm mạnh hơn so với quý I. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống các quý có tốc độ giảm lần lượt là 12,39%; 41,01% và 37,72% (trong đó: dịch vụ lưu trú giảm tương ứng 17,80%; 52,75%; và 49,49%; dịch vụ ăn uống giảm tương ứng 12,20%; 40,62% và 37,32%); dịch vụ du lịch lữ hành quý I giảm 26,60%, quý II giảm 80,85%, quý III giảm 59,98%; dịch vụ khác quý I giảm 4,45%, quý II giảm 29,13%, quý III giảm 18,48%. Quý II và quý III đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng quý II có tốc độ giảm nhiều hơn so với quý III cũng một phần do năm nay học sinh nghỉ hè muộn hơn so với các năm (tháng 7 mới được nghỉ) nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình cũng như nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí giảm nhiều hơn so với cùng kỳ.
4.3. Hoạt động vận tải
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 2 đã được kiểm soát tốt nên hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách 2 tuyến Quảng Ngãi – Đà Nẵng và Quảng Ngãi – Sài Gòn.
Vận tải hành khách tháng 9/2020 ước đạt 366 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 87.578 nghìn lượt khách.km, so với tháng trước tăng 34,14% về vận chuyển và tăng 34,94% về luân chuyển, tương ứng giảm 37,10% và giảm 30,45% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường biển ước đạt 38 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 1.132 nghìn lượt khách.km, tăng 20,41% về vận chuyển và tăng 20,26% về luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 7,52% và 4,66% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đường bộ ước đạt 328 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 86.446 nghìn lượt khách.km, tăng tương ứng 35,95% và 35,16% so với tháng trước và giảm tương ứng 39,36% và 30,69% so với tháng cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách ước đạt 4.181 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 966.223 nghìn lượt khách.km, giảm 19,99% về vận chuyển và giảm 19,04% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách đường biển ước đạt 303 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 8.715 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 18,72% và 16,88%; vận tải hành khách đường bộ ước đạt 3.877 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 957.507 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 20,08% và 19,05%.
Trong 9 tháng đầu năm, vận tải hành khách các quý đều giảm so với cùng kỳ, cụ thể quý I giảm 9,98% về vận chuyển và giảm 6,10% về luân chuyển; quý II giảm tương ứng là 17,65% và 21,93%; quý III giảm tương ứng là 32,05% và 29,18%. Trong đó, vận tải hành khách đường biển tương ứng giảm 30,58%, 22,72% và 4,61% về vận chuyển và giảm 28,35%, 21,28% và 3,19% về luân chuyển; vận tải hành khách đường bộ tương ứng giảm 8,56%, 17,24% và 34,25% về vận chuyển và giảm 5,93%, 21,94% và 29,43% về luân chuyển. Vận tải hành khách đường biển quý I và quý II giảm mạnh hơn quý III là do ảnh hưởng của dịch, lượng khách đi du lịch Lý Sơn giảm nhiều trong khi cùng kỳ năm trước thời tiết đẹp cộng với nhiều lễ hội, hoạt động thể thao diễn ra trên đảo thu hút được đông đảo khách du lịch đến với tỉnh. Đối với vận tải đường bộ thì quý I lại giảm thấp hơn so với quý II và quý III vì quý I chưa thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân chỉ e ngại dịch nên ít đi lại, còn quý II và quý III thực hiện giãn cách sau mỗi lần dịch bùng phát nên hai quý này giảm mạnh, đặc biệt là quý III với tâm dịch là Đà Nẵng, trong khi lượng hành khách tuyến Quảng Ngãi – Đà Nẵng rất lớn. 
Vận tải hàng hóa tháng 9/2020 ước đạt 859 nghìn tấn với mức luân chuyển 136.220 nghìn tấn.km, tăng 12,99% về vận chuyển và tăng 13,28% về luân chuyển so với tháng trước; giảm tương ứng 28,71% và 23,76% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ước đạt 15 nghìn tấn với mức luân chuyển 445 nghìn tấn.km, cùng tăng 6,35% cả về vận chuyển và luân chuyển so với tháng trước, và cùng tăng 4,85% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ ước đạt 844 nghìn tấn với mức luân chuyển 135.776 nghìn tấn.km, tăng tương ứng 13,12% và 13,30% so với tháng trước, và giảm tương ứng 29,10% và 23,83% so với tháng cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, vận tải hàng hóa ước đạt 8.795 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.401.157 nghìn tấn.km, giảm 14,37% về vận chuyển và 12,37% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hàng hóa đường thủy ước đạt 129 nghìn tấn với mức luân chuyển 3.869 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 7,58% và 7,48%; vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 8.666 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.397.287 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 14,46% và 12,38%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, vận tải hàng hóa các quý đều giảm so với cùng kỳ nhưng quý II và quý III giảm mạnh hơn so với quý I vì chịu tác động bởi giãn cách xã hội, nhu cầu về hàng hóa giảm nên ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. Cụ thể quý I giảm 3,32% về vận chuyển và giảm 2,10% về luân chuyển so với cùng kỳ; quý II tương ứng giảm 12,27% và 11,93%; quý III tương ứng giảm 26,09% và 22,32%.
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9/2020 ước đạt 254,8 tỷ đồng, tăng 17,44% so với tháng trước và giảm 27,03% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 66,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 35,17% và giảm 27,87%; doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 136,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 13,25% và giảm 22,52%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 51,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,45% và giảm 36,03%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.728,4 tỷ đồng, giảm 13,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách ước đạt 725,9 tỷ đồng, giảm 15,84%; vận tải hàng hóa ước đạt 1.441,6 tỷ đồng, giảm 9,55%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 560,9 tỷ đồng, giảm 19,28%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải qua các quý đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó quý I giảm ít hơn với 5,46%, quý II có mức giảm mạnh hơn với 10,83% và quý III với mức giảm mạnh nhất với 23,95%. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách giảm lần lượt là 6,13%, 16,20% và 25,89% (tuy nhiên vận tải hành khách đường biển quý III lại tăng 0,37% so với cùng kỳ mặc dù lượng khách giảm 4,61% là vì giá vé vận tải hành khách đi Lý Sơn tăng từ ngày 1/7/2020); doanh thu vận tải hàng hóa giảm lần lượt là 2,17%, 5,94% và 20,35%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm lần lượt 12,44%, 12,25% và 29,94%.
Nguyên nhân doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi 9 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, cộng với tâm lý e ngại dịch bệnh của người dân nên nhu cầu đi lại cũng như tiêu dùng hàng hóa giảm, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần 2 với tâm dịch là Đà Nẵng (rất gần với Quảng Ngãi) và Quảng Ngãi cũng xuất hiện ca bệnh trên địa bàn tỉnh nên ảnh hưởng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, do dịch bệnh nên nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm dẫn đến hoạt động vận tải hàng hóa và hỗ trợ vận tải giảm so với cùng kỳ. 
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
1. Tình hình thu, chi ngân sách địa phương 
1.1. Thu ngân sách nhà nước 
Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 9 năm 2020 ước đạt 1.294 tỷ đồng, lũy kê 9 tháng đạt 10.581 tỷ đồng, bằng 94,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 57% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó:
- Thu nội địa tháng 9 năm 2020 ước đạt 423 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 7.593 tỷ đồng, bằng 67,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 49,4% dự toán năm.
+ Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương tháng 9/2020 ước đạt 26 tỷ đồng, lũy kê 9 tháng đạt 3.496 tỷ đồng, bằng 46,7% dự toán năm và bằng 49,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất là 3.260 tỷ đồng, đạt 45,9% dự toán năm, bằng 54% so với cùng kỳ năm 2019.
+ Thu từ doanh nghiệp địa phương tháng 9 ước đạt 2,4 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 37,8 tỷ đồng, bằng 86,1% dự toán năm, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2019.
+ Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tháng 9 ước đạt 20 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 288 tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm, bằng 121,1% so với cùng kỳ năm 2019.
+ Thu từ khu vực ngoài quốc doanh tháng 9 ước đạt 191 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 1.697 tỷ đồng, bằng 51% dự toán năm, bằng 134,3% so với cùng kỳ năm 2019. 
+ Thu tiền sử dụng đất tháng 9 ước đạt 41,5 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 537 tỷ đồng, bằng 26,8% dự toán năm, và bằng 58,6% so với cùng kỳ năm 2019. 
+ Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết tháng 9 ước đạt 6 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 86,5 tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán năm và bằng 88,1% so với cùng kỳ năm trước.
- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu tháng 9 ước đạt 871 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 2.987 tỷ đồng, bằng 93,4% dự toán năm.
1.2. Chi ngân sách địa phương 
a) Chi cân đối ngân sách địa phương tháng 9 năm 2019 ước đạt 1.005 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 7.822 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 101,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó:
- Chi đầu tư phát triển tháng 9 ước đạt 564 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 1.864 tỷ đồng, bằng 45,4% so dự toán năm, bằng 92,5% so với cùng kỳ năm 2019.
- Chi thường xuyên tháng 9 ước đạt 441 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 5.957 tỷ đồng, bằng 67,2% so dự toán năm, bằng 104,4% so với cùng kỳ năm 2019. 
b) Chi các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ từ ngân sách trung ương tháng 9 ước đạt 430 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 1.316 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán năm, và bằng 138,7% so với cùng kỳ năm 2019.
2. Đầu tư, xây dựng  
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình thời tiết thuận lợi cho công tác thi công xây lắp; công tác triển khai kế hoạch vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện ngay từ tháng đầu của năm; UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, báo cáo nhanh những khó khăn vướng mắc trong thi công; đốn đốc, nhắc nhở các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp với kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án; thường xuyên trực báo, đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; khẩn trương lên khối lượng và nghiệm thu để giải ngân sớm kế hoạch vốn được giao.
Do đó, mặc dù dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tiến độ thi công. Các Ban quản lý đầu tư xây dựng và các nhà thầu đã khắc phục những khó khăn và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong quá trình xây dựng, nhiều công trình dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ như: Cầu Cửa Đại, Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có khối lượng thi công thực hiện lớn. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn nên vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước 9 tháng đầu năm đạt kết quả khiêm tốn.
- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn.  
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn qua quý II và quý III cho thấy giá trị thực hiện quý sau thấp hơn quý trước. Tuy nhiên, ở khu vực nhà nước vốn đầu tư thực hiện quý sau cao hơn quý trước và mức độ vốn đầu tư thực hiện của các quý đều tăng so với các quý cùng kỳ năm trước; trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài vốn đầu tư thực hiện quý sau thấp hơn quý trước và mức độ vốn đầu tư thực hiện của các quý đều giảm so với các quý cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 19.786,8 tỷ đồng, đạt 70,7% - 66,0% KH năm (KH vốn từ 28.000 tỷ đến 30.000 tỷ), giảm 32,3% so cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giảm mạnh chủ yếu từ các lý do sau: 
Thứ nhất, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn thực hiện lớn như các dự án: Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp của Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Hải Phòng - Chi nhánh Dung Quất; mở rộng xưởng sợi Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xindadong Textiles (Việt Nam); Điện năng lượng mặt trời Bình Nguyên tập trung vốn thực hiện chủ yếu trong năm 2019, các dự án này cơ bản đã hoàn thành nên trong 9 tháng đầu năm 2020 vốn FDI chỉ còn lại một số dự án chuyển tiếp, các dự án mới đăng ký chưa triển khai hoặc mới chỉ thực hiện thuê đất, giải phóng mặt bằng dẫn đến vốn FDI đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Riêng khu vực ngoài nhà nước có dự án Thép Hòa Phát Dung Quất tập trung vốn thực hiện lớn vào các năm 2018, 2019 đến năm 2020 dự án sắp hoàn thành giai đoạn 2 nên vốn thực hiện không còn cao so với cùng kỳ năm trước. 
Thứ hai, dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, trong đó có tâm lý e ngại đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân cũng tác động đến tiến độ và tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh. 
Trong tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thì vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.406,1 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn ngân sách nhà nước ước đạt 3.975,6 tỷ đồng (Trung ương quản lý: 17,4 tỷ đồng, địa phương quản lý: 3.958,3 tỷ đồng), tăng 24,4%; vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 190,4 tỷ đồng, tăng 4,6%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước ước đạt 1.167,5 tỷ đồng, tăng 220,5%; Vốn ngoài nhà nước ước đạt 12.945,8 tỷ đồng, giảm 40,6% so cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.434,8 tỷ đồng, giảm 60,0% so cùng kỳ năm trước. 
- Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước. 
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 9 năm 2020 ước đạt 569,2 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 459,2 tỷ đồng, tăng 34,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 105,9 tỷ đồng, tăng 34,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 4,1 tỷ đồng, tăng 30,6%.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý qua 3 quý đầu năm thì giá trị thực hiện quý sau cao hơn quý trước ở cả 3 cấp, đồng thời mức độ vốn đầu tư thực hiện cũng tăng dần so với các quý cùng kỳ năm trước (so với cùng kỳ năm trước thì quý I tăng 21,6%; quý II tăng 21,6% và quý III tăng 31,3%). 
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.958,3 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 69,9% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 3.217,8 tỷ đồng, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 711,2 tỷ đồng, tăng 19,0%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 29,3 tỷ đồng, tăng 31,7%.
3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,32% so với tháng trước; giảm 0,50% so với tháng 12 năm trước; tăng 2,38% so với cùng tháng năm trước; bình quân 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,36%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,70%; giáo dục tăng 2,45%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,04%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,40%. Có 3/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,28% (trong đó, lương thực tăng 0,25%, thực phẩm giảm 0,56%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,13%); thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%; giao thông giảm 0.13%. Các 2/11 nhóm có chỉ số giá ổn định, không tăng không giảm so với tháng trước, gồm: Thuốc và dịch vụ y tế và bưu chính viễn thông.
CPI bình quân quý III/2020 tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 6/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,66% (trong đó, lương thực tăng 3,73%, thực phẩm tăng 12,47%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,40%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,40%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,61%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,57% (trong đó dịch vụ y tế tăng 1,16%); giáo dục tăng 4,03% (trong đó dịc vụ giáo dục tăng 4,65%). Có 5/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 2,94%; giao thông giảm mạnh với 14,86%; bưu chính viễn thông giảm 0,79%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 3,22%. hàng hoá và dịch vụ khác giảm 1,73%.
CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, trong đó có 7/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,67%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất (trong đó, lương thực tăng 1,38%, thực phẩm tăng 11,84%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,18%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,81%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,81%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,58%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,00%; giáo dục tăng 4,10%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,51%. Có 4/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,41%; giao thông giảm 12,70%; bưu chính viễn thông giảm 0,45%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 2,24%.
 Chỉ số giá vàng trong tháng đã giảm so với tháng trước, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với tháng 12 năm trước và so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tháng 9/2020 giảm 1,01% so với tháng trước; tăng 36,58% so với tháng 12 năm trước; tăng 35,58% so với cùng tháng năm trước; bình quân 9 tháng tăng 27,43% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2020 ổn định so với tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12 năm trước; tăng 0,03% so với cùng tháng năm trước; bình quân 9 tháng tăng 0,18% so cùng kỳ năm trước.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng, ngành Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; tăng cường các hoạt động truyền thông về giáo dục sức khỏe; đặc biệt tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số bệnh thông thường vẫn xảy ra: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong tháng là 52 ca, giảm 87 ca so với tháng trước; không có tử vong. Số ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng 33 ca, giảm 200 ca so với tháng trước, Cúm 278 ca, Lỵ amíp 20 ca, Lỵ trực trùng 19 ca, Quai bị 06 ca, Thủy đậu 8 ca, Tiêu chảy 501 ca, Viêm não vi rút 04 ca, Bạch hầu 0. 
Về phòng chống dịch Covid-19: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong tháng tỉnh Quảng Ngãi không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Hiện đã chữa khỏi hoàn toàn và xuất viện tất cả 06 bệnh nhân tại tỉnh.
Đã triển khai được 03 cơ sở xét nghiệm Covid-19 tại BVĐK tỉnh, BV Thành phố Quảng Ngãi, và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm Covid-19 của tỉnh.
Tiến hành kiểm tra Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn tại : BVĐK tỉnh, BV Sản Nhi tỉnh, BVDKTN Phúc Hưng, TTYT huyện Tư Nghĩa và BVĐK huyện Sơn Tịnh.
Về công tác an toàn thực phẩm: Tập trung chỉ đạo truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, cảnh báo mối nguy ATVSTP, quản lý cấp phép và kiểm tra giám sát thực hiện.
Công tác thanh, kiểm tra từng bước được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả nhờ làm tốt việc tổ chức phối hợp liên ngành. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về ATVSTP là 87%.
Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được triển khai tích cực, công tác bảo đảm ATVSTP phục vụ các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện trọng đại diễn ra trên địa bàn tỉnh được quan tâm đặc biệt và được triển khai một cách chủ động và kịp thời. 
Trong tháng, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Trong 9 tháng đầu năm đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm, có 17 người mắc, trong đó 05 người tử vong.
2. Hoạt động văn hoá, thể thao 
Triển khai công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử - chính trị - xã hội trong năm 2020 như: Mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý năm 2020; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2020); kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975-24/3/2020); thực hiện trưng bày chuyên đề “Một số hình ảnh, tư liệu từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1991-1995 đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020” phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII (giai đoạn 2020-2025) và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tính đến tháng 9 năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi có thêm 10 di tích được ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh; 02 di tích cấp quốc gia . 
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ sau Tết Nguyên đán đều phải điều chỉnh kế hoạch tổ chức cho phù hợp với tình hình mới, tạm dừng, tạm hoãn hoặc hạn chế quy mô tổ chức do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII (2020-2025)…. Đội Tuyên truyền Lưu động tỉnh tổ chức 27/120 buổi văn nghệ kết hợp tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoạt động thể thao quần chúng trong năm 2020 không sôi nổi như những năm qua do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, nhiều hoạt động phải tạm hoãn hoặc dừng tổ chức. Đến nay, đã triển khai tổ chức được 11/21 giải thể thao cấp tỉnh (đạt 52%); các giải khác cũng đã được Sở lên kế hoạch điều chỉnh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm, đã đăng cai tổ chức thành công 2 giải thể thao toàn quốc (trong đó có Giải Vô địch quốc gia Marathon và Cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 61 tại huyện đảo Lý Sơn) và 1 giải thể thao khu vực Miền Trung. Từ đầu năm đến nay đã tham gia thi đấu 12 giải thể thao toàn quốc, đạt 33 huy chương, trong đó có: 08 huy chương Vàng, 06 huy chương Bạc và 19 huy chương Đồng (đạt 33,33% kế hoạch); các đội tuyển năng khiếu thể dục thể thao đã tham gia thi đấu 10 giải thể thao cấp khu vực và toàn quốc, đạt 13 huy chương, trong đó có: 02 huy chương Vàng, 06 huy chương Bạc và 05 huy chương Đồng (đạt 32% kế hoạch).
3. Thông tin truyền thông và Phát thanh truyền hình
Tập trung tuyên truyền và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuyên truyền việc tham gia đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp của cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với hoạt động thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuyên truyền Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VII (2020-2025) và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X… 
Tuyên truyền các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Canh Tý 2020; kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 
Tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xấy dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…
Tuyên truyền công tác cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, mức độ hài lòng của người dân; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút đầu tư, khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm…
 Hoạt động bưu chính, viễn thông: Đảm bảo chất lượng dịch vụ bưu chính, chuyển phát; 100% số xã có thư, báo đến trong ngày. Các điểm Văn hóa xã đã được nâng cấp, đảm bảo duy trì hoạt động tối thiểu 4 giờ/ngày. Mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Các doanh nghiệp tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ 4G trên toàn tỉnh, đảm bảo phủ sóng di động khu vực nông thôn và miền núi đạt 99% khu vực dân cư sinh sống. Thực hiện hoàn thành việc chuyển đổi và triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành dùng chung trong CQNN tỉnh liên thông 4 cấp chính quyền và đáp ứng các yêu cầu, quy định theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Thông tin truyền thông. Vận hành ổn định hệ thống liên thông văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số; tiếp tục triển khai phần mềm một cửa điện tử dùng chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
4. Tình hình tai nạn giao thông 
Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 15/8/2020 đến 14/9/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ TNGT, chết 11 người, bị thương 23 người. So với tháng 9/2019: giảm 03 vụ, giảm 04 người chết, tăng 02 người bị thương; so với tháng 8/2020: tăng 01 vụ, tăng 04 người chết, giảm 07 người bị thương. Cụ thể:
- TNGT đường bộ:
+ TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: Xảy ra 11 vụ, chết 11 người, bị thương 07 người. So với tháng 9/2019: Giảm 04 vụ, giảm 03 người chết, giảm 02 người bị thương; so với tháng 8/2020: Tăng 05 vụ, tăng 04 người chết, tăng 06 người bị thương.  
+ Va chạm giao thông: Xảy ra 15 vụ, bị thương 16 người. So với tháng 9/2019: Tăng 03 vụ, tăng 05 người bị thương; so với tháng 8/2020: Giảm 04 vụ, giảm 13 người bị thương.
- TNGT đường sắt: Không xảy ra. So với tháng 9/2019: Giảm 02 vụ, giảm 01 người chết, giảm 01 người bị thương; so với tháng 8/2020: Không tăng, không giảm.
- TNGT đường thủy nội địa: Không xảy ra. So với tháng 9/2019 và tháng 8/2020: Không tăng, không giảm.
Tính chung quý III/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 82 vụ, tăng 29 vụ so với quý I/2020 và tăng 26 vụ so với quý II/2020; chết 29 người, giảm 03 người so với quý I/2020 và giảm 4 người so với quý II/2020; bị thương 93 người, tăng 42 người so với quý I/2020 và tăng 40 người so với quý II/2020. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 82 vụ (tương ứng tăng 30 và tăng 27 vụ), chết 29 người (tương ứng giảm 02 và giảm 03 người), bị thương 93 người (tương ứng tăng 42 và tăng 40 người); TNGT đường sắt không xảy ra, giảm 01 vụ so với quý I và quý II/2020, giảm 01 người chết so với quý I và quý II/2020; TNGT đường thuỷ nội địa không xảy ra, không tăng không giảm.
Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 191 vụ TNGT, giảm 76 vụ so với cùng kỳ năm 2019; chết 94 người, giảm 14 người; bị thương 197 người, giảm 63 người. Cụ thể:
- TNGT đường bộ xảy ra 189 vụ (-74 vụ), chết 92 người (-12 người), bị thương 197 người (-59 người). Trong đó, TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: xảy ra 85 vụ (-17 vụ), chết 92 người (-12 người), bị thương 86 người (+46 người); Va chạm giao thông:  xảy ra 104 vụ (-57 vụ), bị thương 111 người (-105 người).
- TNGT đường sắt xảy ra 02 vụ (-02 vụ), chết 02 người (-02 người), không có người bị thương (-04 người). 
- TNGT đường thuỷ nội địa không xảy ra, không tăng không giảm so với cùng kỳ 2019.
Khái quát lại, kinh tế - xã hội trên địa bản tỉnh 9 tháng đầu năm chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực 8 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định và đạt kết quả khá so với cùng kỳ như: Sản lượng thuỷ sản, vốn đầu tư thực hiện... Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để khơi thông nguồn lực; khai thác và phát huy tối đa nội lực cho phát triển kinh tế.
Hai là, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiẹp, đặc biệt tập trung hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa; chủ động theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. 
Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu sau dịch Covid-19. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa thế mạnh, chủ lực của tỉnh góp phần thúc đẩy sản xuất.
Ba là, tiếp tục phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chú trọng các chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền đổi thửa kết hợp với xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thực hiện chủ trương tăng đàn, tái đàn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trước khi tái đàn.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người có công với cách mạng. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chú trọng đến hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các dự án do cộng đồng đề xuất. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả dự án, tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Lồng ghép thực hiện với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác

Tài liệu đính kèm: Hinhanh.jpg

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 971

Tổng số lượt xem: 480522

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready