Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020

30/08/2020 14:15    248

Tháng Tám, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bản tỉnh chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực 8 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định và đạt kết quả khá so với cùng kỳ như: Sản lượng thuỷ sản, vốn đầu tư thực hiện... Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản  
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Nhiệm vụ trọng tâm của trồng trọt trong tháng là chăm sóc lúa hè thu, thu hoạch trà lúa sớm; chăm sóc và thu hoạch ngô, các loại cây rau, đậu và cây công nghiệp ngắn ngày. 
* Cây lúa:
- Lúa hè thu gieo sạ ước đạt 31.373,2 ha, giảm 6,1% (2.040,8 ha) so với cùng vụ năm 2019. Trong vụ hè thu, việc chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang gieo trồng các loại cây khác được các địa phương tiếp tục triển khai. Diện tích lúa hè thu giảm, chủ yếu do diện tích bị nắng hạn thiếu nước tưới không gieo sạ được phải bỏ hoang hoặc chuyển cây trồng khác. Cụ thể như sau:
+ Huyện Bình Sơn giảm 60,2 ha do thiếu nước tưới nên bỏ hoang không gieo sạ được (xã Bình Hòa 24 ha, Bình Nguyên 22,3 ha, Bình Trung 13,9 ha); 
+ Huyện Mộ Đức giảm 117,8 ha do diện tích bị nắng hạn không gieo sạ được ở vụ hè thu nên chuyển sang cây trồng khác (rau, đậu các loại...); 
+ Huyện Tư Nghĩa giảm 75,2 ha, do thiếu nước tưới không gieo sạ được là 42 ha (xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Hòa) và quy hoạch khu dân cư 23,2 ha (xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thương, TT Sông Vệ); 
+ Huyện Sơn Tịnh giảm 4 ha do chuyển giao đất cho VISIP để xây dựng khu công nghiệp; 
+ Thị xã Đức Phổ giảm 1.524 ha do nắng hạn thiếu nước tưới (phường Phổ Minh 340 ha, phường Phổ Vinh 260 ha, phường Phổ Ninh 170 ha, xã Phổ Cường 430 ha, xã Phổ Khánh 170 ha, các xã còn lại 154 ha). Tuy nhiên, một số xã, phường được hưởng nguồn nước từ Thạch Nham và hồ chứa Núi Ngang nên diện tích lúa vụ hè thu tăng lên (phường Phổ Văn tăng 67 ha, xã Phổ Phong 74 ha, xã Phổ An 10 ha, phường Phổ Quang 10 ha); 
+ Ở các huyện miền núi do thời tiết nắng nóng kéo dài, một số diện tích chân ruộng cao, cuối kênh mương thủy lợi bị thiếu nước nên không tổ chức gieo sạ được như: huyện Minh Long giảm 6 ha, huyện Ba Tơ giảm 108,6 ha, Trà Bồng giảm 296,5 ha, Sơn Hà giảm 77,8 ha …
+ Riêng huyện Nghĩa Hành, diện tích lúa tăng 33,6 ha so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do xã Hành Thiện cải tạo vùng Suối Cát nên tăng diện tích gieo trồng và xã Hành Minh chuyển đổi diện tích cây mía đạt hiệu quả thấp, không đảm bảo tiêu thụ sang trồng lúa. 
Nhìn chung, trong vụ lúa hè thu người dân đã sử dụng đúng cơ cấu giống lúa được cơ quan chức năng khuyến cáo. Các giống lúa chủ lực cơ cấu gồm MT10, ĐH815-6, 0M6976, Hà Phát 3, TBR1; giống lúa bổ sung: DT45, TBR279, Đài thơm 8, PC6, ĐT 100, ANS1; giống triển vọng: Bắc Thịnh, QNg6, QNg11, QNg13, VNR20, HĐ 34, Sơn Lâm 1.  
Ước tính năng suất gieo trồng lúa hè thu đạt 58,2 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng vụ năm 2019. Sản lượng lúa hè thu ước đạt 182.514,5 tấn, giảm 5,7% (11.073,7 tấn) so với vụ hè thu 2019.          
- Lúa mùa: Trong tháng khu vực miền núi có mưa rào nên người dân khẩn trương xuống giống gieo cấy vụ mùa. Đến giữa tháng 8, diện tích lúa mùa gieo cấy ước đạt 1.654,5 ha (huyện Trà Bồng 869,5 ha, Sơn Tây 785 ha), tăng 15,1% (216,8 ha) so với cùng thời điểm năm 2019.
* Các cây trồng khác vụ hè thu:
- Diện tích gieo trồng ngô vụ hè thu ước đạt 4.401,7 ha, giảm 0,4% (16,4 ha) so với vụ hè thu 2019; năng suất ngô ước đạt 58,5 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; sản lượng ngô ước đạt 25.732,9 tấn, giảm 0,7% (171,9 tấn) so với vụ hè thu năm 2019.
- Diện tích khoai lang ước đạt 63 ha, giảm 2,2% (1,4 ha); năng suất ước đạt 65,3 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 411,1 tấn, giảm 2,6% (10,8 tấn).
- Diện tích đậu tương ước đạt 6,1 ha, giảm 61,4% (9,7 ha); năng suất ước đạt 22,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng ước đạt 13,8 tấn, giảm 60,2% (20,8 tấn). 
- Diện tích lạc ước đạt 1.762,7 ha, tăng 3,4% tương ứng với 57,6 ha; năng suất ước đạt 23,2 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 4.081,7 tấn, tăng 5,8% (225,5 tấn). 
- Diện tích vừng ước đạt 219,7 ha, tăng 22,9% (40,9 ha); năng suất ước đạt 8,4 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 184,9 tấn, tăng 61,5% (70,4 tấn). 
- Tổng diện tích gieo trồng rau, đậu và các loại hoa ước đạt 6.280,1 ha, giảm 2,5% (160,3 ha) so với vụ hè thu 2019. 
+ Diện tích rau ước đạt 4.885,7 ha, giảm 2,8% (141,5 ha) so với vụ hè thu 2019. Diện tích giảm chủ yếu do diện tích rau lấy lá và rau lấy củ, rễ, thân giảm, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, thiếu nước tưới nên người dân hạn chế trồng; năng suất ước đạt 167 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 81.590,3 tấn, giảm 3,8% (3.247,1 tấn). 
+ Diện tích đậu ước đạt 1.389,4 ha, giảm 1,3% (18,8 ha) so với vụ hè thu năm 2019; năng suất ước đạt 20,8 tạ/ha, giảm 0,1 ta/ha; sản lượng ước đạt 2.896,8 tấn, giảm 1,6% (47,4 tấn). 
- Diện tích trồng cây gia vị toàn tỉnh ước đạt 531,9 ha, tăng 3,2% (16,3 ha) so với vụ hè thu năm 2019. Trong đó, ớt đạt 523,4 ha, tăng 3,3% (16,5 ha). Năng suất ớt đạt 140,8 tạ/ha. Sản lượng đạt 7.370 tấn, tăng 3,3% (233,3 tấn). 
b) Chăn nuôi
Theo kết quả điều tra 01/7/2020, đàn trâu toàn tỉnh có 69.495 con, giảm 0,8% (533 con) so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò có 279.854 con, tăng 0,8% (2.307 con) so với cùng thời điểm năm 2019; đàn lợn có 370.635 con (chưa tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 2,4% (8.648 con) so với cùng thời điểm năm 2019 và tăng 2,4% (8.648 con) so với thời điểm 01/01/2020; đàn gà có 4.299,26 ngàn con, tăng 11% (427,13 ngàn con) so với cùng thời điểm năm 2019; đàn vịt có 938,52 ngàn con vịt, tăng 6,2% (54,65 ngàn con) so với cùng thời điểm năm 2019; ngan có 196,46 ngàn con ngan, tăng 8% (14,58 ngàn con) so với cùng thời điểm năm 2019. Đàn gia cầm tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu tăng ở các hộ nông thôn, có quy mô nuôi nhỏ lẻ dưới 50 con, nhằm tạo nguồn thực phẩm để cung ứng cho thị trường thay thế sự thiếu hụt thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
* Tình hình dịch bệnh 
- Bệnh cúm gia cầm: xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi của xã Phổ Minh – Đức Phổ (ngày 08/7/2020) và xã Sơn Bao – Sơn Hà (29/7/2020), làm chết và tiêu hủy 2.700 con gia cầm.
- Bệnh tai xanh ở lợn, LMLM gia súc, dịch tả lợn Châu phi: Không xảy ra ổ dịch nào.
- Các bệnh thông thường THT, DT, PTH, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh đã được bao vây dập tắt không để lây lan diện rộng.
1.2. Lâm nghiệp 
Trong tháng, khu vực miền núi vẫn có mưa nên người dân tranh thủ trồng rừng. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 942 ha, giảm 28,5% (374,8 ha) so với cùng tháng năm 2019. Ước tính 8 tháng, diện tích rừng trồng tập trung đạt 7.842 ha, giảm 9,7% (842,2 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dăm gỗ xuất khẩu bị hạn chế, làm giảm khai thác gỗ, do đó diện tích rừng trồng cũng giảm theo.
Khai thác lâm sản tập trung vào gỗ rừng trồng (gỗ nguyên liệu giấy), đót... Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 144.565 m3, giảm 12,7% (21.000 m3) so với tháng 8 năm 2019. Ước tính 8 tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 914.113 m3, giảm 19,1% (216.164 m3) so với 8 tháng đầu năm 2019.  
Trong tháng, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 36 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 17 vụ so với cùng tháng năm 2019. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân bất cẩn khi đốt dọn thực bì, phát rẫy nên cháy rừng liên tục xảy ra. Số vụ cháy rừng trong tháng là 9 vụ với tổng diện tích bị cháy là 10,61 ha (xảy ra tại 4 huyện: Bình Sơn 2 vụ 4,88 ha, Sơn Tịnh 2 vụ 3,18 ha, Đức Phổ 4 vụ 2,47 ha, Nghĩa Hành 1 vụ 0,08 ha). Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy rừng, với tổng diện tích 29,31 ha, giảm 28 vụ, tương ứng với 147,27 ha so với cùng kỳ năm 2019.
Từ đầu năm đến giữa tháng 8, toàn tỉnh phát hiện 224 vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Riêng phá rừng, phát rừng có 23 vụ với tổng diện tích rừng bị phá, phát là 13,96 ha, giảm 13 vụ, tương ứng với 1,81 ha so với cùng kỳ năm 2019. Toàn bộ các vụ phá rừng đều nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy. Qua đó, thu giữ 82,82 m3 gỗ tròn và 173,67 m3 gỗ xẻ; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 2,6 tỷ đồng.
1.3. Thủy sản 
Sản lượng thủy sản tháng 8 ước đạt 28.655,5 tấn, tăng 10,7 % so với tháng 8 năm 2019. Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt  200.133,4 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. 
a) Nuôi tròng
Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 824,8 tấn, tăng 23% so với tháng 8/2019. Trong đó, cá ước đạt 251,7 tấn, tăng 40,7%; tôm ước đạt 535,3 tấn (riêng tôm sú 4,9 tấn), tăng 15%; các loại thuỷ sản khác ước đạt 37,8 tấn, tăng 16,8%.
Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng đạt 4.253,6 tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cá ước đạt 1.069,9 tấn, tăng 61,6%. Nguyên nhân tăng là do nuôi cá có giá trị cao giúp tăng nguồn thu nhập nên các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi trồng và cải tạo lại một số diện tích bỏ hoang để thả nuôi. Tôm nuôi ước đạt 2.967,7 tấn (riêng tôm sú 34,9 tấn), tăng 9,1%. Tôm tăng là do một số diện tích nuôi bỏ hoang mới được cải tạo để thả nuôi trong kỳ; các loại thuỷ sản khác ước đạt 216 tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2019 (chủ yếu tăng ở diện tích nuôi ốc hương do ốc hương có giá nên người dân mở rộng quy mô nuôi).
Sản xuất giống: Trong tháng, ước sản xuất được 1,73 triệu con giống (cá giống nước ngọt như cá mè, trám cỏ, cá bớp, ốc hương, hải sâm...). Ước 8 tháng, sản xuất 4,33 triệu con giống, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019 .
b) Khai thác
Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng 8 ước đạt 27.830,7 tấn, tăng 10,4% so với tháng 8/2019 (trong đó, khai thác trên biển 27.750,7 tấn; khai thác nội địa 80 tấn). Sản lượng khai thác trong tháng tăng do thời thiết thuận lợi, trên vùng khai thác không có bão hoặc áp thấp. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm báo cáo có khoảng 2.501/3.355 tàu đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, tăng 218 tàu so với thời điểm 30/6/2020. 
Tính 8 tháng, sản lượng khai thác đạt 195.879,8 tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, khai thác trên biển 195.378,9 tấn, khai thác nội địa 500,9 tấn). 
Nhìn chung, sản lượng thuỷ sản 8 tháng tăng khá là nhờ ngư dân không ngừng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền tăng năng lực đánh bắt theo hướng giảm tàu có công suất nhỏ, tăng tàu có công suất lớn (tại thời điểm 01/06/2020, toàn tỉnh có 5.253 chiếc tàu khai thác hải sản, giảm 0,2% (11 chiếc) so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng công suất tàu đạt 1.654.744 CV, tăng 4,5% tương ứng với 71.523 CV). 
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là từ cuối tháng 7/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có ca mắc Covid-19 nên có một số khu dân cư phải thực hiện cách ly toàn diện; đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng phải thực hiện giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực tới đời sống của nhân dân và của các doanh nghiệp, hộ SXKD cá thể, như: Các doanh nghiệp dệt, may, điện tử đơn đặt hàng giảm nên giảm sản lượng sản xuất; sản phẩm sữa, bánh kẹo các loại lượng tiêu thụ giảm nên giảm sản lượng sản xuất; một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đơn đặt hàng xuất khẩu giảm hoặc thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do mất mùa cá nục gai (nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản xuất khẩu của Công ty TNHHTM&DV chế biến thuỷ sản Hưng Phong) nên cũng giảm sản lượng sản xuất; các nhà máy thủy điện thiếu nước nên phải hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy sản xuất bia; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo dưỡng định kỳ trong khoảng 51 ngày kể từ ngày 12/8/2020. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm vẫn có mức tăng trưởng, nguyên nhân chủ yếu là do có sản phẩm sắt, thép tăng 586.739 tấn (tháng 01 và 02 năm 2019 chưa có sản phẩm). 
Ước tính giá trị sản xuất tháng 8 năm 2020 đạt 7.741,1 tỷ đồng (theo giá SS2010), giảm 30,3% so với tháng trước. Trong tháng có nhiều sản phẩm giảm so với tháng trước, trong đó một số sản phẩm giảm mạnh  như: Sữa các loại trên địa bàn giảm 422 ngàn lít; bia các loại giảm 6.470 ngàn lít; sản phẩm lọc hóa dâu giảm 285.638 tấn...  
So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng này giảm 30,4%, nguyên nhân giảm chủ yếu do một số sản phẩm giảm mạnh như: Sữa các loại trên địa bàn giảm 1.995 ngàn lít; tinh bột mỳ trên địa bàn giảm 414 tấn; bia các loại giảm 3.427 ngàn lít; nước ngọt các loại giảm 533 ngàn lít; sợi giảm 1.306 tấn; quần áo may sẵn giảm 757 ngàn cái; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 46.683 tấn; sản phẩm lọc hóa dâu giảm 294.804 tấn; tai nghe giảm 762 ngàn cái; điện sản xuất giảm 11,2 triệu kwh; điện thương phẩm giảm 31,28 triệu kwh…
Tính chung 8 tháng đầu năm, GTSX công nghiệp đạt 81.109,1 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 58.285,1 tỷ đồng, giảm 6,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 19.174,6 tỷ đồng, tăng 35,1% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.649,3 tỷ đồng, giảm 7,9%. Nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2019 như: Đá khai thác các loại đạt 1.015,5 ngàn m3, tăng 19,1%; tinh bột mỳ trên địa bàn đạt 28.828 tấn, tăng 12,8%; nước khoáng và nước tinh khiết đạt 78.092 ngàn lít, tăng 9,1%;  giày da đạt 4.683 ngàn đôi, tăng 5,2%; sắt, thép các loại đạt 875.095 tấn, tăng 203,5%; cuộn cảm đạt 69.025 ngàn cái, tăng 22,5%... 
Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm giảm mạnh như: Thủy sản chế biến giảm 13,6%; sữa các loại trên địa bàn tỉnh giảm 20,5%; bánh kẹo các loại giảm 19,0%; đường RS trên địa bàn tỉnh giảm 73,6%; bia các loại giảm 12,9%; sợi các loại giảm 23,8%; quần áo may sẵn giảm 20,5%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 42,0%; sản phẩm lọc hóa dầu giảm 7,0%; gạch xây các loại giảm 17,0%; tai nghe giảm 82,1%; điện sản xuất giảm 32,5%... 
- Chỉ số tiêu thụ và tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2020 ước tính giảm 1,54% so với tháng trước và giảm 22,29% so cùng kỳ năm trước. Tính chung  8 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,91% so với cùng kỳ năm trước, trong các ngành cấp II chỉ có ngành sản xuất kim loại có chỉ số tiêu thụ tăng 4,21%.  Các ngành cấp II còn lại đềucó chỉ số tiêu thụ giảm, trong đó một số ngành giảm mạnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18,15%; dệt giảm 13,8%; sản xuất trang phục giảm 45,43%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 18,85%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 18,02%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 76,12%...
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/8/2020 giảm 33,17% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 22,92% so với cùng thời điểm năm trước. So với cùng thời điểm năm trước, có 04 ngành cấp II có chỉ số tồn kho giảm gồm: Sản xuất đồ uống giảm 26,99%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 53,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 0,82%; sản xuất kim loại giảm 53,26%. Đa số các ngành còn lại có chỉ số tồn kho tăng cao, như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,66%; sản xuất trang phục tăng 57,02%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) - sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 32,53%... 
- Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp dự tính tại thời điểm 30/8/2020 tăng 1,16% so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,71%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,04%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 0,56% so với cùng thời điểm tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,23%; sản xuất, phân phối điện không tăng, không giảm; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,14%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II điều tra tính chỉ số sử dụng lao động có một số ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng thời điểm tháng trước là: Ngành sản xuất đồ uống giảm 0,51%; sản xuất trang phục giảm  0,91%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,96%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 14,35%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,5%. Có 03 ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng khá là: Ngành dệt tăng 12,02%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,57%; ngành sản xuất kim loại tăng 1,52%. Các ngành khác còn lại tăng nhẹ hoặc bằng tháng trước.
 3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng (tính đến ngày 20/8/2020), toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 70,3 tỷ đồng, giảm 47,7% về số doanh nghiệp và giảm 80,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 3,06 tỷ đồng, giảm 62,9% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng có 11 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 08 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, và có 05 doanh nghiệp đã giải thể.
 Luỹ kê từ đầu năm đến ngày 20/8/2020, toàn tỉnh có 470 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 2.232,73 tỷ đồng, giảm 20,5% về số doanh nghiệp và giảm 64,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 4,75 tỷ đồng, giảm 55,2% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, trong thời gian trên có 139 doanh nghiệp hoạt động trở lại; có 251 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; và có 62 doanh nghiệp đã giải thể.
4. Đầu tư và xây dựng 
Trong tháng, các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện Công văn số 1237/UBND-TH ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh về tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ như: Rà soát, báo cáo nhanh những khó khăn vướng mắc trong thi công; đốn đốc, nhắc nhở các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp với kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án; thường xuyên trực báo, đôn đốc tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; khẩn trương lên khối lượng và nghiệm thu để giải ngân sớm kế hoạch vốn được giao.
Do đó, mặc dù dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo. Tranh thủ thời tiết nắng ráo thuận lợi cho quá trình thi công, khắc phục những khó khăn và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong quá trình xây dựng, nhiều công trình dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ. 
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 546,2 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt gần 545,1 tỷ đồng, tăng 1,8%; vốn vay không phát sinh; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 1,1 tỷ đồng, tăng 43,4%.
    So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 25,4%. 
Tính chung 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý đạt gần 3.375,1 tỷ đồng, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 3.370,1 tỷ đồng, tăng 23,5%; vốn vay đạt 1,5 tỷ đồng và vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 3,5 tỷ đồng, đều gấp nhiều lần năm trước. 
5. Thương mại, dịch vụ, giá cả 
Cuối tháng 7, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại ở nước ta sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Tại Quảng Ngãi, lần đầu tiên cũng đã có các ca nhiễm xuất hiện. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 1090/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 về việc áp dụng các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, vì vậy tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 năm 2020 chịu nhiều tác động. 
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2020 ước đạt 4.335,5 tỷ đồng, giảm 5,08% so với tháng trước và giảm 8,54% so với tháng cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.670,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,29% và tăng 6,54%; dịch vụ lưu trú ước đạt 11,0 tỷ đồng, tương ứng giảm 36,79% và giảm 64,95%; dịch vụ ăn uống ước đạt 399,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 33,44% và giảm 56,62%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 36,92% và giảm 71,65%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 253,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,23% và giảm 25,68%. Trong tổng mức bán lẻ, các nhóm hàng tăng cao so với tháng trước như: nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 4,50% là do nhu cầu mua sắm sách vở chuẩn bị cho năm học mới; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 2,59% là do tác động của giá vàng tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 8. Trong các nhóm hàng thì nhóm hàng ô tô các loại và nhóm hàng phương tiện đi lại giảm mạnh so với tháng cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 34,84% và 26,90%) là do năm nay ảnh hưởng của 2 lần dịch bệnh Covid-19 nên thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nhu cầu về các mặt hàng giá trị cao giảm đáng kể. 
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34.659,6 tỷ đồng, giảm 6,25% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 27.604,0 tỷ đồng, tăng 1,90%; dịch vụ lưu trú ước đạt 139,5 tỷ đồng, giảm 41,17%; dịch vụ ăn uống ước đạt 4.696,9 tỷ đồng, giảm 32,47%; dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 3,5 tỷ đồng, giảm 56,90%; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.215,7 tỷ đồng, giảm 17,37% (tất cả các ngành dịch vụ đều giảm, chỉ có dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 11,13%. Các ngành dịch vụ giảm mạnh như: dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 31,58%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 45,20%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 28,32%). 
5.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 giảm nhẹ so với tháng trước với mức giảm 0,48% và giảm 0,82% so với tháng 12 năm trước; tăng 2,45% so với cùng tháng năm trước; bình quân 8 tháng đầu năm 2020 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,48% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2020 so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó giảm nhiều nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD với mức giảm 3,16%; còn lại các nhóm sau có mức giảm thấp hơn: May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,53%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,14%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,45%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,30%. Có 3/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16% (trong đó, lương thực tăng 1,59%, thực phẩm tăng 0,05%; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,02%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giao thông tăng 0.08%. Các 2/11 nhóm có chỉ số giá ổn định, không tăng không giảm so với tháng trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá và nhóm giáo dục. 
CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 3,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, trong đó có 7/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,72%, đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm (trong đó, lương thực tăng 1,01%, thực phẩm tăng 11,82%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,43%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,90%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,75%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,31%; giáo dục tăng 4,20%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,02%. Có 4/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,06%; giao thông giảm 12,54%; bưu chính viễn thông giảm 0,41%; hàng hoá và dịch vụ khác giảm 2,30%.
 Chỉ số giá vàng trong tháng biến động tăng mạnh theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 8/2020 tăng 14,42% so với tháng trước; tăng 37,97% so với tháng 12 năm trước; tăng 38,08% so với cùng tháng năm trước; bình quân 8 tháng tăng 26,45% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2020 giảm 0,07% so với tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12 năm trước; giảm 0,11% so với cùng tháng năm trước; bình quân 8 tháng tăng 0,20% so cùng kỳ năm trước.
5.3. Hoạt động vận tải  (không kể vận tải đường sắt)
Do đợt tái bùng phát dịch Covid-19 với tâm dịch là thành phố Đà Nẵng, và tại Quảng Ngãi cũng có các ca nhiễm xuất hiện nên hoạt động vận tải của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là vận tải hành khách, tập trung chủ yếu ở 2 tuyến: Quảng Ngãi – Đã Nẵng và Quảng Ngãi – Sài Gòn (do tâm lý người dân sợ bị cách ly khi đến địa phương này); còn tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn không vận chuyển khách du lịch theo QĐ số 1090/QĐ-UBND, ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Vận tải hành khách tháng 8 năm 2020 ước đạt 269 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 63.999 nghìn lượt khách.km, so với tháng trước giảm 51,94% về vận chuyển và giảm 49,76% về luân chuyển, tương ứng giảm 55,20% và giảm 53,17% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 239 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 63.102 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 52,73% và 49,85% so với tháng trước và giảm tương ứng 57,27% và 53,42% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đường biển ước đạt 30 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 897 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 44,56% và 42,27% so với tháng trước và giảm tương ứng 27,56% và 24,54% so với tháng cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách ước đạt 3.810 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 877.742 nghìn lượt khách.km, giảm 17,94% về vận chuyển và giảm 17,77% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 3.546 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 870.204 nghìn lượt khách.km, giảm tương ứng 17,73% và 17,76%; vận tải hành khách đường biển ước đạt 264 nghìn lượt khách với mức luân chuyển 7.538 nghìn lượt khách.km, tương ứng giảm 20,57% và 18,92%.
Vận tải hàng hóa tháng 8 năm 2020 ước đạt 752 nghìn tấn với mức luân chuyển 118.772 nghìn tấn.km, giảm 29,95% về vận chuyển và giảm 30,06% về luân chuyển so với tháng trước; tương ứng giảm 38,76% và giảm 35,52% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hàng hóa bằng đường bộ ước đạt 739 nghìn tấn với mức luân chuyển 118.376 nghìn tấn.km, giảm 30,10% về vận chuyển và giảm 30,09% về luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 39,05% và 35,57% so với tháng cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa bằng đường biển ước đạt 13 nghìn tấn với mức luân chuyển 396 nghìn tấn.km, cùng giảm 20,0% cả về vận chuyển và luân chuyển so với tháng trước, và giảm tương ứng 16,02% và 16,08% so với tháng cùng kỳ năm trước. 
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, vận tải hàng hóa ước đạt 7.927 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.263.454 nghìn tấn.km, giảm 12,56% về vận chuyển và giảm 11,04% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 7.814 nghìn tấn với mức luân chuyển 1.260.051 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 12,60% và 11,04%; vận tải hàng hóa đường biển ước đạt 113 nghìn tấn với mức luân chuyển 3.403 nghìn tấn.km, giảm tương ứng 9,55% và 9,45%. 
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 năm 2020 ước đạt 213,8 tỷ đồng, giảm 34,55% so với tháng trước và giảm 39,39% so với tháng cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: vận tải đường bộ ước đạt 161,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 35,49% và giảm 38,98%; vận tải đường thủy ước đạt 6,7 tỷ đồng, tương ứng giảm 37,37% và giảm 20,17%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 45,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 30,48% và giảm 42,76%. Phân theo ngành vận tải: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 48,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 46,17% và giảm 48,12%; doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 119,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 29,94% và giảm 33,31%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 45,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 30,48% và giảm 42,76%. 
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.470,4 tỷ đồng, giảm 11,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vận tải hành khách ước đạt 658,3 tỷ đồng, giảm 14,48%; vận tải hàng hóa ước đạt 1.303,5 tỷ đồng, giảm 8,03%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 508,6 tỷ đồng, giảm 17,29%.
6. Một số tình hình xã hội
6.1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng, ngành Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; tăng cường các hoạt động truyền thông về giáo dục sức khỏe; đặc biệt tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số bệnh thông thường vẫn xảy ra: Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong tháng là  139 ca, giảm 45 ca so với tháng trước; không có tử vong. Số ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng 233 ca, tăng 109 ca so tháng trước; Cúm 272 ca; Lỵ amíp 14 ca;  Lỵ trực trùng 20 ca; Quai bị 03 ca; Thủy đậu 23 ca; Tiêu chảy 412 ca; Viêm não vi rút 09 ca; Bạch hầu 0.
Về phòng chống dịch Covid-19: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã thành lập Bệnh viện dã chiến.
Đã triển khai được 02 cơ sở xét nghiệm Covid-19 tại BVĐK tỉnh và BV Thành phố Quảng Ngãi, và đang lắp đặt thêm 01 phòng xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đáp ứng được công tác xét nghiệm Covid-19 của tỉnh.
Trong tháng ghi nhận thêm 05 trường hợp nhiễm Covid-19, đã điều trị khỏi cho xuất viện 02 ca, Hiện còn 04 ca đang điều trị tại BV Dã chiến. Qua kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các Công ty/doanh nghiệp… Các đơn vị đã thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.
Kiểm tra định kỳ vệ sunh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể . Trong tháng, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
6.2. Văn hoá, thể thao 
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng các hồ sơ di tích lịch sử các cấp và bảo vật quốc gia của năm 2020. Tiếp tục lập dự án trùng tu, tôn tạo đối với di tích Quốc gia Trường luỹ Quảng Ngãi. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. 
Triển khai Kế hoạch tổ chức Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2020. Xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp, tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2020.
Các đội tuyển và tuyển trẻ tham gia 03 giải toàn quốc và giành 09 huy chương (01 huy chương Vàng, 02 huy chương Bạc, 06 huy chương Đồng). Các đội năng khiếu tham gia 05 giải toàn quốc, giành 03 huy chương (02 huy chương Bạc, 01 huy chương Đồng).
Tổ chức thành công giải Cờ tướng chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX – 2020. Triển khai phối hợp tổ chức Giải đua xe đạp VTV Cup Tôn Hoa Sen năm 2020.
6.3. Tình hình tai nạn giao thông 
Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 15/7/2020 đến 14/8/2020), toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ TNGT, chết 07 người, bị thương 30 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 82 triệu đồng. So với tháng 8/2019: giảm 01 vụ, giảm 06 người chết, tăng 07 người bị thương; so với tháng 7/2020: giảm 06 vụ, giảm 04 người chết, giảm 10 người bị thương). Cụ thể:
- TNGT đường bộ:
+ TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: Xảy ra 06 vụ, chết 07 người, bị thương 01 người, thiệt hại tài sản khoảng 15 triệu đồng. So với tháng 8/2019: Giảm 06 vụ, giảm 05 người chết, giảm 02 người bị thương; so với tháng 7/2020: Giảm 04 vụ, giảm 04 người chết, giảm 04 người bị thương.  
+ Va chạm giao thông: Xảy ra 19 vụ, bị thương 29 người, thiệt hại tài sản khoảng 67 triệu đồng. So với tháng 8/2019: Tăng 06 vụ, tăng 09 người bị thương; so với tháng 7/2020: Giảm 02 vụ, giảm 06 người bị thương.
- TNGT đường sắt: Không xảy ra (So với tháng 8/2019: Giảm 01 vụ, giảm 01 người chết; so với tháng 7/2020: Không tăng, không giảm).
- TNGT đường thủy nội địa: Không xảy ra (So với tháng 8/2019 và tháng 7/2020: Không tăng, không giảm).
Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 165 vụ TNGT, giảm 73 vụ so với cùng kỳ năm 2019; chết 83 người, giảm 10 người; bị thương 174 người, giảm 65 người. Cụ thể:
- TNGT đường bộ xảy ra 163 vụ (-73 vụ), chết 81 người (-09 người), bị thương 174 người (-62 người). Trong đó, TNGT hậu quả ít nghiêm trọng trở lên: xảy ra 74 vụ, chết 81 người, bị thương 79 người; Va chạm giao thông:  xảy ra 89 vụ, bị thương 95 người.
- TNGT đường sắt xảy ra 02 vụ (không tăng không giảm), chết 02 người (-01 người), không có người bị thương (-03 người). 
- TNGT đường thuỷ nội địa không xảy ra, không tăng không giảm so với cùng kỳ 2019.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1215

Tổng số lượt xem: 480774

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready