Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2015

14/10/2015 12:00    471

Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông diễn biến khó lường. Kinh tế thế giới có thêm những dấu hiệu khó khăn mới, giá dầu giảm mạnh, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của đồng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỷ giá của nhiều nước trên thế giới. Những yếu tố trên ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, trong đó có Quảng ngãi. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các lĩnh vực và các địa phương triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và của Tỉnh, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2015 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Kết quả cụ thể sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 như sau:

Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi tháng 8 năm 2015 I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trồng trọt 9 tháng đầu năm gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, ít mưa, mưa đến muộn nên vụ hè thu và vụ mùa nhiều chân ruộng không thể canh tác được. Tuy nhiên, nhờ tích cực chủ động khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, phòng ngừa nắng hạn nên diện tích gieo trồng cây hàng năm vẫn giữ ổn định và cao hơn năm 2014. Lâm nghiệp tăng trưởng cao nhờ diện tích rừng trồng đến hạn khai thác nhiều. Khai thác thủy sản duy trì được nhịp độ tăng trưởng nhờ ngư dân không ngừng đầu tư nâng cao năng lực đánh bắt; tôm nuôi gặp khó khăn trong thời gian đầu năm do dịch bệnh nhưng từ giữa năm trở đi có chiều hướng thuận lợi hơn.

 1.1. Nông nghiệp  1.1.1Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm (vụ đông xuân và vụ hè thu) đạt 108.662,3 ha, tăng 1,1% (1.189,1 ha) so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vụ đông xuân đạt 59.379,2 ha, tăng 2% (1.136 ha) so với vụ đông xuân năm 2014, vụ hè thu đạt 49.263,1 ha, tăng 3,1% (1.479,7 ha) so với vụ hè thu năm 2014.
Diện tích gieo trồng lúa 9 tháng đạt 73.094,4 ha, tăng 2,2% (1.596,4 ha) so với cùng kỳ năm 2014; năng suất ước đạt 57,5 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 420,2 ngàn tấn, tăng 0,9% (3,7 ngàn tấn). Trong đó, vụ đông xuân đạt 39.337,2 ha, tăng 1,9% (733,6 ha) so với vụ đông xuân năm 2014; năng suất đạt 58,7 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2014, sản lượng đạt 231,1 ngàn tấn, tăng 1% (2,4 ngàn tấn); vụ hè thu đạt 33.757,2 ha, tăng 2,6% (805,9 ha) so với cùng vụ năm 2014; năng suất ước đạt 56,0 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2014; sản lượng đạt 189,1 ngàn tấn, tăng 0,7% (1,3 ngàn tấn) so với vụ hè thu 2014.
Diện tích ngô đạt 9.090,2 ha, giảm 0,2% (16,3 ha) so với cùng kỳ năm 2014; năng suất ước đạt 55,4 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 50,4 ngàn tấn, giảm 0,6% (0,3 ngàn tấn). Trong đó, diện tích ngô vụ đông xuân đạt 4.747 ha, tăng 0,9% (40,7 ha) so với vụ đông xuân năm 2014; năng suất đạt 55,2 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha so với cùng vụ năm trước; sản lượng đạt 26,2 ngàn tấn, giảm 0,4% (0,1 ngàn tấn). Diện tích ngô vụ hè thu đạt 4.343,2 ha, giảm 1,3% (57 ha) so với vụ hè thu 2014; năng suất đạt 55,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; sản lượng đạt 24,2 ngàn tấn, giảm 0,9% (0,2 ngàn tấn).
Các loại cây rau, đậu, hoa và cây cảnh: Tổng diện tích gieo trồng rau, đậu và cây cảnh 9 tháng đầu năm đạt 13.981,3 ha, tăng 0,1% (16,9 ha) so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vụ đông xuân đạt 7.963,7 ha, chiếm 57%; vụ hè thu đạt 6.017,6 ha, chiếm 43%. Tính đến giữa tháng 9, đã gieo trồng được 2.125 ha rau vụ mùa, tăng 7,3% (145 ha) so với cùng thời điểm năm 2014; gieo trồng được 435,5 ha đậu vụ mùa, giảm 5,5% (25,5 ha).
Cuối tháng 3 đã có một đợt mưa, lũ bất thường xảy ra, gây thiệt hại hét sức nặng nề đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương.

1.1.2. Chăn nuôi

Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi lợn tiếp tục xu hướng những hộ có khả năng, có điều kiện mở rộng quy mô nuôi, tỷ lệ hộ nuôi giảm nhưng quy mô nuôi có chiều hướng tăng, số trang trại và gia trại ngày càng nhiều. Tính đến thời điểm 1/7/2015, toàn tỉnh có 29 trang trại chăn nuôi, trong đó có một số trang trại nuôi lợn gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với số đầu con nuôi thường xuyên mỗi trang trại từ 2.000 con trở lên. Đặt biệt có 01 trang trại nuôi gà gia công cho  Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với đàn gà 36.000 con,  mỗi ngày thu gần 33.000 quả trứng. Ngoài ra, còn có 1.125 gia trại chăn nuôi.
Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thường xuyên được quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý ngay các ổ dịch phát sinh. Tính từ đầu tháng 01/2015 đến giữa tháng 9/2015, bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 26 hộ nuôi ở hai xã Sơn Màu và Sơn Tân của huyện Sơn Tây với 53 con trâu, bò bị nhiễm bệnh (trong đó chết 4 con, số còn lại được điều trị khỏi); bệnh cúm gia cầm A/H5 N6 xảy ra tại 04 hộ chăn nuôi làm chết và tiêu hủy 2.600 con vịt và 8.000 con chim cút. Bệnh tai xanh ở lợn không xảy ra.

1.2. Lâm nghiệp

Ước tính 9 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 3.750 ha, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng gỗ khai thác đạt 515.350 m3, tăng 28%; sản lượng củi khai thác đạt 166.500 ste, giảm 25,7%. Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, chăm sóc rừng đạt 27.700 ha, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014; khoanh nuôi tái sinh 2.300 ha rừng; giao khoán bảo vệ 132.878 ha rừng, tăng 10,7%; ươm giống cây lâm nghiệp đạt 16.320 ngàn cây, tăng 12,6%; trồng cây phân tán đạt 250 ngàn cây, tăng 13,1%.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 06 vụ cháy rừng (Huyện Bình Sơn, Ba Tơ, Đức Phổ và Sơn Tây - không đáng kể với 0,08 ha) với tổng diện tích bị cháy 6,28 ha (rừng sản xuất). So với cùng kỳ năm trước, cháy rừng giảm 23 vụ tương ứng với 54 ha.
Qua kiểm tra, phát hiện 6 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá là 4,2 ha, giảm 22 vụ tương ứng 23,4 ha so với tháng 9 năm 2014. Tính từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, phát hiện 57 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá là 18,9 ha, tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2014. Nhìn chung, phá rừng xảy ra chủ yếu do nhu cầu đất làm nương rẫy (17,3 ha) và trồng cây công nghiệp (1,5 ha).

1.3. Thủy sản

Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 132.394 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

1.3.1. Khai thác

Khai thác vẫn duy trì được nhịp độ phát triển cao nhờ tăng năng lực đánh bắt. Theo số liệu điều tra thủy sản ngày 1/5/2015, toàn tỉnh có 5.499 chiếc tàu đánh bắt thủy sản có động cơ, tăng 4,7%  (246 chiếc) so với cùng thời điểm năm 2014. Tổng công suất tàu thuyền đạt 1.033.178 CV, tăng 22,8%  (192.034 CV). Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 3.261 chiếc, chiếm 59,3%; đánh bắt gần bờ có 2.238 chiếc, chiếm 40,6%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong 9 tháng đầu năm ước đạt 127.951 tấn, tăng 7,4% (8.782 tấn) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, khai thác trên biển 127.456 tấn, khai thác nội địa 495 tấn.

1.3.2. Nuôi trồng

Diện tích đang nuôi và đã thu hoạch đạt 1.725 ha, giảm 1,9% (34 ha) so với cùng kỳ năm 2014; sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 4.443 tấn, giảm 10,5% (523 tấn) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, sản lượng tôm đạt 3.459 tấn, giảm 10,3% (397 tấn).
Ngoài tôm và cá nước ngọt, 9 tháng qua còn nuôi 19 ha cá chẽm, 18 ha cá mú, 8 ha cua. Sản lượng cá chẽm thu hoạch 9 tháng đạt 84 tấn, tăng 66 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Cá mú thu hoạch 9 tháng đạt 21 tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm 2014. Cua thu hoạch đạt 7 tấn.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ, từ đầu năm đên nay, trên địa bàn tỉnh đã hạ thủy, bàn giao 02 tàu cá vỏ  thép có công xuất 810 CV/tàu với các trang thiết bị khai thác hiện đại cho các ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt xa bờ. 2.Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 20.152,4 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 15.051,2 tỷ đồng, tăng 22,6%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 4.691,8 tỷ đồng, tăng 11,0%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 409,4 tỷ đồng, tăng 1,4%.
Trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, đa số các sản phẩm đều tăng, trong đó nhiều sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2014 như: đường RS đạt 136.615 tấn, tăng 23,6%; quần áo may sẵn đạt 7.839 ngàn cái, tăng 26,8%; gạch xây các loại đạt 291.851 ngàn viên, tăng 9,1%; nước ngọt đạt 31.358 ngàn lít, tăng 42,7%; nước khoáng và nước tinh khiết đạt 50.480 ngàn lít, tăng 5,6%; nước máy thương phẩm đạt 8.801 ngàn m3, tăng 10,5%; sữa các loại đạt 179.153 ngàn lít, tăng 30,3%; dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt 426.889 tấn, tăng 12,7%; tinh bột mỳ đạt 160.333 tấn, tăng 20,8%; sản phẩm lọc hóa dầu đạt 5.061.262 tấn, tăng 22,9%...
Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm nhẹ là: bia giảm 4,0%; bánh kẹo các loại giảm 1,7%; đá khai thác các loại giảm 1,4%; phân bón giảm 2,3%.

3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ 3.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ:

  Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 28.198,7 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: thành phần kinh tế nhà nước đạt 1.769,0 tỷ đồng, tăng 10,75%; kinh tế cá thể đạt 20.506,5 tỷ đồng, tăng 12,36%; kinh tế tư nhân đạt 5.923,0 tỷ đồng, tăng 12,91%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xét theo ngành hoạt động thì hoạt động thương nghiệp đạt 21.473,5 tỷ đồng, tăng 12,30%; hoạt động lưu trú đạt 163,6 tỷ đồng, tăng 25,30%; hoạt động ăn uống đạt 4.807,9 tỷ đồng, tăng 9,34%; hoạt động du lịch lữ hành đạt 4,6 tỷ đồng, tăng 18,19%; hoạt động dịch vụ đạt 1.749,1 tỷ đồng, tăng 21,36%.

3.2. Hoạt động của ngành vận tải:

Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao công tác quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó chú trọng kiểm soát tốc độ phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện. Thực hiện công tác kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh; qua đó, vận tải khách cố định giảm giá cước từ 5,2% đến 20,5%; xe taxi giảm giá cước từ 5,88% đến 25%; xe buýt giảm giá cước từ 5% đến 12,7%. Phối hợp với các Sở, ngành và lực lượng chức năng tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm ATGT và phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 và các dịp Lễ 30/4; 01/5; 02/9…
Trong 9 tháng đầu năm 2015, ước vận chuyển đạt 3.251,7 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 804.252,9 ngàn lượt khách-km, tăng 26,9% về lượt khách và 24,9% về lượt khách-km so với cùng kỳ năm 2014. Vận tải hàng hóa ước đạt 5.992,1 ngàn tấn với mức luân chuyển 985.985,1 ngàn tấn-km, tăng 25,9% về tấn vận chuyển và 22,4% về tấn-km so với cùng kỳ năm 2014.  Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ liên quan đến vận tải 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1.638,6 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, hoạt động vận tải đường bộ đạt 1.296,6 tỷ đồng, tăng 25,4%; hoạt động vận tải đường thủy đạt 20,5 tỷ đồng, tăng 2,8%; hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 321,5 tỷ đồng, tăng 0,3%.

II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Chỉ số giá  

Chỉ số giá tiêu dung (CPI) tháng 9/2015 giảm 0,33% so với tháng trước. Trong tháng chỉ có 04/13 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng cao nhất 0,62%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; nhóm giáo dục tăng 0,09%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Có 06/13 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là nhóm lương thực giảm 0,67%; nhóm thực phẩm giảm 0,11%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,61%; nhóm giao thông giảm nhiều nhất 3,28%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%. Còn lại 03/13 nhóm hàng hóa và dịch vụ không tăng không giảm là nhóm ăn uống ngoài gia đình; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Chỉ số giá tháng 9/2015 tăng 1,24% so với tháng 9/2014 và tăng 1,43% so với tháng 12 năm 2014; chỉ số giá bình quân 9 tháng đầu năm so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 1,95%. Chỉ số giá vàng tháng 9/2015 tăng 3,98% so với tháng trước; giảm 1,43% so với tháng 12/2014 và giảm 6,55% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2015 tăng 2,73% so với tháng trước; tăng 5,02% so với tháng 12/2014 và tăng 5,82% so với cùng kỳ năm 2014.

2. Đầu tư xây dựng

 Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm ước thực hiện đạt 12.629,3 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, vốn khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 6.524,4 tỷ đồng, tăng 2,35% (vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ: 5.559,4 tỷ đồng, vốn vay: 441 tỷ đồng, vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước: 523,9 tỷ đồng); vốn ngoài nhà nước ước đạt 5.052,1 tỷ đồng, tăng 14,04%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.052,8 tỷ đồng, bằng 81,44% so với cùng kỳ năm 2014.

3. Hoạt động xuất- nhập khẩu  

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 309.589 ngàn USD, giảm 38,32% so với  cùng kỳ năm 2014, nguyên nhân giảm là do đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm như dầu FO giảm 43.730 ngàn USD; máy móc thiết bị giảm 175.579 ngàn USD (do Công ty TNHH CN nặng Doosan 9 tháng đầu năm nay tập trung vào các dự án cơ khí trọng điểm trong nước); điện thoại các loại và linh kiện giảm 3.645 ngàn USD;... Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước giảm 55,89%; khu vực kinh tế  có vốn đầu tư nước ngoài (có tỷ trọng lớn) giảm tới 60,05% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Hàng thủy sản đạt 9.334 ngàn USD, giảm 3,03%; tinh bột mỳ đạt 62.279 ngàn USD, tăng 75,67%; thực phẩm chế biến khác đạt 2.623 ngàn USD, giảm 11,11%; hàng dệt may đạt 24.066 ngàn USD, tăng 54,71%; sản phẩm bằng gỗ đạt 3.678 ngàn USD, tăng 23,63%; máy móc thiết bị đạt 80.852 ngàn USD, giảm 68,47%; dầu FO đạt 32.972 ngàn USD, giảm 57,01%; dăm gỗ đạt 76.597 ngàn USD, tăng 0,49%.
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 222.810 ngàn USD, giảm 53,79% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân giảm mạnh chủ yếu do lượng dầu thô và sắt thép nhập về thấp (dầu thô giảm 263.185 ngàn USD; sắt thép giảm 49.072 ngàn USD). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 100.403 ngàn USD, giảm tới 72,45% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế tư nhân đạt 36.391 ngàn USD, tăng 92,05%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 86.016 ngàn USD, giảm 12,99%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Hàng thủy sản đạt 2.104 ngàn USD, tăng 57,84%; đậu tương đạt 3.213 ngàn USD, tăng 47,72%; dầu thô đạt 85.586 ngàn USD, giảm 75,46%; hóa chất đạt 1.854 ngàn USD, tăng 33,57%; vải may mặc đạt 11.597 ngàn USD, tăng 11,86%; phụ liệu hàng may mặc đạt 10.574 ngàn USD, giảm 2,26%; sắt thép đạt 25.525 ngàn USD, giảm tới 65,78%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4.756 ngàn USD, giảm 20,55%; máy móc thiết bị đạt 65.037 ngàn USD, tăng 154,07%; hàng hóa khác đạt 12.564 ngàn USD, tăng 992,52% (tăng cao do mới phát sinh mặt hàng mới).

III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC.

1. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ ca bệnh nên từ đâu năm đến nay, không có dịch bệnh lớn và nguy hiểm xảy ra, không có tử vong do các bệnh dịch nguy hiểm. Chủ động tham mưu củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; 100% các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thành lập các đội cơ động phòng chống dịch. Công tác thông tin báo cáo dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 48/TT-BYT , tỷ lệ báo cáo dịch bệnh hàng ngày đạt từ 90 - 95%, tỷ lệ gửi báo cáo các bệnh truyền nhiễm tuần, tháng đạt từ 95 % đến 100%. Hiện nay đã tổ chức tập huấn và triển khai phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm, góp phần thực hiện báo cáo dịch bệnh nhanh, kịp thời, chính xác. Tham gia tập huấn trực tuyến phòng chống dịch bệnh MERS-CoV do Bộ Y tế tổ chức; Tình hình các bệnh truyền nhiễm ổn định, giảm số ca mắc so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân từ đầu năm đến nay ổn định, không có bệnh nhân mắc mới và tái phát. Tuy nhiên, so cùng kỳ năm 2014, sốt xuất huyết tăng 6,18 lần, Tay chân miệng tăng 1,1 lần. Về các Chương trình mục tiêu quốc gia y tế: Ngành đã chủ động giao nhiệm vụ và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện, cơ bản đạt tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu các chương trình. Đã chủ động phòng, chống và tích cực điều trị nên tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm giảm so với cùng kỳ năm 2014.

2. Giáo dục và đào tạo

Trong 9 tháng đầu năm, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phương thức đào tạo ngày càng đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong tỉnh. Công tác tổ chức năm học 2015-2016 tại các trường trong tỉnh đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT tổ chức tựu trường vào ngày 14/8/2015, giảng dạy chương trình năm học mới từ ngày 17/8/2015; giáo dục thường xuyên THCS và THPT tổ chức tựu trường vào ngày 27/8/2015, giảng dạy chương trình năm học mới từ ngày 31/8/2015. Các đơn vị giáo dục trong tỉnh khai giảng đồng loạt vào ngày 05/9/2015. Bước vào năm học 2015-2016, toàn tỉnh có: - Ngành học mầm non: Có 208 trường, trong đó 192 trường công lập và 16 trường ngoài công lập, với 43.055 cháu, trong đó công lập 39.701 cháu và ngoài công lập là 3.354 cháu (số liệu mới cập nhật đến ngày 25/8/2015). - Bậc Tiểu học: Có 237 trường, trong đó có 214 trường độc lập, 23 trường 02 cấp học (Tiểu học và THCS) với 3.946 lớp/101.296 học sinh; 01 trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh với 11 lớp/100 học sinh (tăng 1.481 học sinh so với cuối năm học 2014-2015). - Bậc Trung học cơ sở: Có 166 trường với 2.236 lớp/72.353 học sinh (tăng 2.653 học sinh so với cuối năm học 2014-2015). - Bậc trung học phổ thông: Có 39 trường, trong đó có 36 trường công lập và 03 trường tư thục với 955 lớp/37.267 học sinh, trong đó số lớp ngoài công lập là 17 lớp/686 học sinh. - Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Hướng nghiệp và Dạy nghề: Có 14 trung tâm/14 huyện, thành phố, với 86 lớp/2.730 học sinh hệ giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông.

3. Lao động, việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội

Trong 9 tháng đầu năm 2015, đã tiếp nhận, hướng dẫn và ra thông báo thừa nhận Nội quy lao động cho 20 doanh nghiệp và tiếp nhận 15 Thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác chắp nối cung – cầu lao động để cung cấp thông tin thị trường lao động và tư vấn, giới thiệu lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phỏng vấn, tuyển dụng giúp người lao động có việc làm ổn định. Đã tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm tại 08 huyện và thành phố Quảng Ngãi (bảo đảm tần suất 02 phiên/tháng). Qua đó, huy động và mời gọi hơn 715 lượt đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề tham gia tuyển dụng, tuyển sinh; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 19.600 lượt người. Có hơn 6.800 lao động tìm được việc làm trong nước, học nghề phù hợp và gần 500 lao động đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, thực tập sinh và chương trình vừa học vừa làm tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, CHLB Đức... Đã tiến hành tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn 06 huyện miền núi của tỉnh. Phối hợp với Tiểu Ban quản lý dự án PRPP tổ chức Hội thảo định hướng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và lấy ý kiến tham vấn tài liệu về quy trình đối thoại chính sách giảm nghèo. Triển khai kế hoạch thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Trà Bồng, Minh Long và Tây Trà. Phối hợp cùng Chi nhánh Viettel Quảng Ngãi, tổ chức cấp 54 con bò từ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” cho 54 hộ nghèo thuộc huyện Ba Tơ, Trà Bồng và Tây Trà. Công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đối tượng chính sách luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ngãi luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách về công tác tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng các đối tượng tại Trung tâm. Số đối tượng được nuôi dưỡng hiện nay là 110 đối tượng. Trong đó, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật bị bỏ rơi 55 cháu; người già neo đơn không nơi nương tựa, không người nuôi dưỡng là 55 người. Trong 9 tháng đầu năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã huy động được trên 8.363 triệu đồng từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đã giúp cho 4.902 trẻ em được khám, phẫu thuật các loại bệnh như: Khuyết tật vận động, tim bẩm sinh, sứt môi – hở hàm ếch, bị khuyết tật về mắt…;11.361lượt trẻ em nghèo được hỗ trợ quà và 168 giáo viên được tập huấn, đào tạo ngữ âm…

4. Tình hình tai nạn giao thông

Trong tháng 9/2015 (tính từ ngày 16/8/2015 đến 15/9/2015), toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông (TNGT), chết 13 người, bị thương 04 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 11 vụ, chết 12 người, bị thương 04 người, thiệt hại khoảng 75 triệu đồng; TNGT đường sắt xảy ra 01 vụ, chết 01 người; TNGT đường thủy nội địa không xảy ra.
+ So với tháng 8/2015: TNGT đường bộ: giảm 01 vụ, không tăng, không giảm số người chết, giảm 03 người bị thương; TNGT đường sắt: giảm 01 vụ, 01 người chết; TNGT đường thủy nội địa: không tăng, không giảm.
+ So với tháng 9/2014: TNGT đường bộ: giảm 01 vụ, 01 người chết, tăng 04 người bị thương; TNGT đường sắt: tăng 01 vụ, 01 người chết; TNGT đường thủy: không tăng, không giảm.
Va chạm giao thông đường bộ: Xảy ra 46 vụ, bị thương 60 người, thiệt hại khoảng 52 triệu đồng (So với tháng 8/2015: Không tăng, không giảm số vụ; tăng 13 người bị thương. So với tháng 9/2014: Giảm 43 vụ, 62 người bị thương.
Va chạm giao thông đường sắt, đường thủy nội địa: Không xảy ra (không tăng, không giảm so với tháng 8/2015 và tháng 9/2014).
- Tính chung 9 tháng (tính từ ngày 16/12/2014 đến 15/9/2015): TNGT đường bộ xảy ra 108 vụ, chết 112 người, bị thương 51 người; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 01 vụ, số người chết tăng 06 người, số người bị thương giảm 04 người. TNGT đường sắt xảy ra 05 vụ, chết 05 người; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng 03 vụ, số người chết tăng 03 người. TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra: không tăng, không giảm so với cùng kỳ 2014.
Va chạm giao thông đường bộ 9 tháng: Xảy ra 369 vụ, bị thương 474 người. So với cùng kỳ năm 2014: giảm 119 vụ; 169 người bị thương. 

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá; Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định và có sản lượng tăng khá; sản lượng thủy sản khai thác tăng khá; công tác kiểm soát dịch được thực hiện tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; doanh thu vận tải tăng khá; chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được đẩy mạnh; các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, cơ bản đạt kết quả tốt. Công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, tạo khí thế mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Công tác an ninh, trật tư được giữ vững, an ninh – an toàn trong các dịp lễ, hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: giá trị xuất khẩu và nhập khẩu giảm; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/NĐ-CP thực hiện còn chậm, vẫn còn tình trạng bệnh viện quá tải.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1524

Tổng số lượt xem: 479813

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready