Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi 40 năm xây dựng và phát triển

13/08/2015 12:00    3941

Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có toạ độ địa lý 14o32’ - 15o25’ vĩ Bắc, 108o06’ - 109o04’ kinh Đông; phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía nam giáp tỉnh Bình Định; phía tây, tây bắc giáp tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum; phía tây nam giáp tỉnh Gia Lai; phía đông giáp biển Đông, có đường bờ biển dài gần 130 km với 5 cửa biển chính là Sa Cần, Sa Kỳ, cửa Đại, Mỹ Á và Sa Huỳnh.

Trải qua những thời kỳ lịch sử lâu dài, tỉnh Quảng Ngãi được hình thành gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của dân tộc. Chiến thắng mùa Xuân 1975, tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng vào ngày 24/3/1975 và giành chính quyền về tay nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Quảng Ngãi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Từ ngày 10/11/1975 đến ngày 30/6/1989, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 01 tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ngày mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thị xã và 10 huyện. Đến nay, Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố với diện tích tự nhiên 5.152,69 km2, trong đó có 1 thành phố, 6 huyện đồng bằng ven biển, 6 huyện miền núi và 1 huyện đảo. Dân số trung bình của tỉnh năm 2014 là 1.241,4 nghìn người, mật độ dân số 241 người/km2. Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ  (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định), có quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua tỉnh, có quốc lộ 24A nối Quảng Ngãi với Tây nguyên, Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; có bờ biển dài khoảng 130km. Phía Bắc tỉnh, tại huyện Bình Sơn có Khu kinh tế Dung Quất, với trọng tâm là công nghiệp lọc hoá dầu, gần sát sân bay Chu Lai, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh. 
Trong khoảng 14 năm nhập tỉnh, những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội trên địa bàn Quảng Ngãi chưa tương xứng với tiềm năng đa dạng và truyền thống cách mạng kiên cường của một mảnh đất có bề dày lịch sử - văn hoá. Chiến tranh đi qua nhưng để lại cho Quảng Ngãi một nền kinh tế nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém và lạc hậu. Một thời gian dài của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp đã để lại cho Quảng Ngãi một nền kinh tế thuần nông lạc hậu và là một tỉnh nghèo của cả nước. Tuy vậy, sau gần 3 năm thực hiện đổi mới theo phương hướng Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (1986 - 1989), các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Quảng Ngãi bước đầu đã đạt được một số kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thời kỳ tiếp theo.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tái lập tỉnh, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp ở Quảng Ngãi nhanh chóng được củng cố, kiện toàn; bộ máy lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh lần lượt hình thành. Mặt khác, tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật là người Quảng Ngãi đang làm việc ở các địa phương trong nước đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị và phương tiện hoạt động, tạo điều kiện về ăn ở cho số cán bộ chuyển từ Quy Nhơn về.
Khi mới được tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội rất thấp kém: Kinh tế thuần nông với cơ cấu nông - lâm - thuỷ sản chiếm tỷ trọng 55,68%, công nghiệp - xây dựng 16,52%, dịch vụ 27,80%; kết cấu hạ tầng kinh tế yếu kém; thu nhập bình quân đầu người khá thấp...
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi anh hùng, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa tỉnh nhà liên tục phát triển. Trải qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, đã mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, trình độ sản xuất yếu kém, năng suất, hiệu quả thấp, trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, GRDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 2.230 USD; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện...
Trong 40 năm xây dựng và phát triển từ khi tỉnh nhà được giải phóng, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu cơ bản về kinh tế - xã hội và có những hạn chế tồn tại sau đây:
 
NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN ĐẠT ĐƯỢC TRONG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
 
I. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; Thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt
Từ sau khi đất nước hoà bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới (1986), mở cửa hội nhập khu vực, quốc tế, đặc biệt từ khi được tái lập tỉnh và Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, Quảng Ngãi đã có những bước phát triển căn bản về nhiều mặt. Tuy nhiên, nhìn lại những ngày đầu khi đất nước được thống nhất, nhân dân Quảng Ngãi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi thể hiện sự đoàn kết nhất trí, tập trung toàn lực để vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định dần đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và quốc phòng. Các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cân đối lương thực, thực phẩm, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá đa dạng; xử lý ách tắc trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để khôi phục sản xuất ở các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân, từng bước giải quyết việc làm cho người lao động; tiếp tục xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển hẳn các đơn vị kinh doanh thương nghiệp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; tăng cường xuất nhập khẩu, ra sức tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu từng bước cân đối thu chi; điều chỉnh cơ cấu xây dựng cơ bản cho phù hợp với tình hình mới, tiếp tục tập trung vốn xây dựng cơ bản cho các công trình thuỷ lợi, trước hết là công trình thuỷ lợi Thạch Nham.
Kinh tế liên tục tăng trưởng và luôn giữ ở mức cao, nhất là sau những năm được tái lập tỉnh, đặc biệt từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2014 đạt 11.604,78 tỷ đồng (giá so sánh 1994), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 2.029,68 tỷ đồng, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 5.760,24 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 3.814,86 tỷ đồng. So với năm 1989, GRDP gấp 10,78 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản gấp 3,39 lần; công nghiệp – xây dựng gấp 38,70 lần; dịch vụ gấp 11,6 lần; bình quân cả thời kỳ từ khi tái lập tỉnh GRDP tăng 9,98%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 15,75%/năm; dịch vụ tăng 10,3%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,0%/năm. Dothi1.png

      Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ cơ cấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm đến 55,68%, công nghiệp – xây dựng 16,52%, dịch vụ 27,80% trong GRDP vào năm 1990, đến năm 2014 cơ cấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ còn 16,1%, công nghiệp – xây dựng tăng lên 61,3%, dịch vụ 22,6%.

Dothi2.png




Tiềm lực kinh tế tăng nhanh: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng lên đáng kể, nhất là khi tái lập tỉnh, theo giá so sánh 1994, GRDP sau 25 năm gấp 10,78 lần; kim ngạch xuất khẩu gấp 171,75 lần. Đặc biệt, tiềm lực kinh tế tăng mạnh trong giai đoạn 2009 – 2014 khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân giai đoạn này là 12,87%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,69%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 37,2%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, năm 2014 ước đạt 30.241,216 tỷ đồng, trong đó thu cân đối NSNN đạt 30.079,262. GRDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 2.230 USD. II. Một số ngành kinh tế chủ yếu:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:
          Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh trong 40 năm đã trải qua những thăng trầm gắn liền với những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những năm đầu đất nước được thống nhất đến năm 1980, hợp tác hoá nông nghiệp là chính sách phát triển kinh tế được Đảng và chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến năm 1980, về cơ bản Quảng Ngãi đã hoàn thành việc hợp tác hoá nông nghiệp với 152 hợp tác xã nông nghiệp, gồm 122.722 hộ tham gia và 333 tập đoàn sản xuất (các tập đoàn sản xuất chủ yếu ở miền núi), đưa 89% số hộ nông dân và 95% ruộng đất vào làm ăn tập thể.
Hợp tác hoá trong nông nghiệp đã làm được nhiều việc hết sức lớn lao mà phương thức làm ăn cá thể không thể làm được, đó là huy động được hàng trăm ngàn ngày công của nông dân cho việc đắp đập, đào mương, xây đê ngăn mặn, khai hoang, phục hoá, cải tạo đồng ruộng, thâm canh tăng vụ, Nhà nước đã huy động được sản lượng thóc khá lớn cho thời kỳ đầu tái thiết đất nước.
Tuy nhiên, việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp ở nhiều nơi còn nóng vội, thiếu nhiều điều kiện cần thiết, nhất là một số hộ nông dân chưa thật sự tự nguyện tham gia, cơ sở vật chất, kỹ thuật của các các hợp tác xã và trình độ quản lý còn yếu kém. Sau một thời gian, sản xuất tập thể trong nông nghiệp bắt đầu trì trệ, nông dân thờ ơ với ruộng đồng, đồng ruộng có nơi cỏ mọc cao hơn lúa. Mỗi hộ xã viên được hợp tác xã để lại cho 5% diện tích đất để làm kinh tế phụ, nhưng với mảnh đất nhỏ bé này cộng với những hoạt động sản xuất ngoài hợp tác xã lại là thu nhập chính, trong khi thu nhập từ hợp tác xã chỉ là phụ trong tổng thu nhập của hộ. Hoạt động của các các hợp tác xã nông nghiệp bắt đầu bộc lộ những yếu kém, trì trệ.
Trong giai đoạn 1975 - 1980, diện tích hầu hết các loại cây trồng đều tăng do đẩy mạnh khai hoang, phục hoá. Tăng nhanh nhất là diện tích lúa, năm 1975, diện tích gieo trồng lúa là 59.309 ha, đến năm 1980 tăng lên 82.698 ha. Sản lượng thóc trong giai đoạn này có tăng do tăng diện tích nhưng về năng suất lúa lại giảm một cách đáng lo ngại. Năm 1975 năng suất bình quân 19,7 tạ/ha nhưng đến năm 1980 giảm xuống chỉ còn ở mức 16,9 tạ/ha.
Đầu năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 (ngày 31.01.1981) về việc "Khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động". Đến năm 1985, toàn tỉnh đã có 197 hợp tác xã nông nghiệp với 147.428 hộ xã viên, 333 tập đoàn sản xuất với 99% số hộ và 96% ruộng đất được đưa vào làm ăn tập thể, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt trên 27,7 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người là 300,8 kg. Sản lượng mía cây 340.076 tấn; đàn trâu 35.431 con, tăng 10.891 con so năm 1980; đàn bò 146.213 con, tăng 53.423 con so năm 1980; đàn lợn 315.863 con, tăng 90.467 con so với năm 1980.
Trong những năm đầu thực hiện Chỉ thị 100, mức khoán mà các hợp tác xã khoán cho các hộ xã viên tương đối phù hợp, nhưng về sau mức khoán lại tăng lên, mức lương thực nhà nước huy động từ các hợp tác xã cũng cao hơn trước. Do vậy, phần sản phẩm còn lại phân phối cho xã viên chỉ chiếm từ 20 - 40% số sản phẩm làm ra. Nhiều nơi, xã viên trả bớt lại ruộng, đất đã nhận khoán, xã viên không nộp sản lượng thóc đã nhận khoán cho hợp tác xã, nợ sản phẩm ngày càng lớn. Sản xuất nông nghiệp bị giảm sút, trong đó, sản lượng lương thực có hạt năm 1985 là 252.214 tấn, đến năm 1990 chỉ còn 236.712 tấn, bình quân lương thực đầu người năm 1985 là 256,2 kg, đến năm 1987 chỉ còn 222,5 kg.
Sau những năm thực hiện "khoán 100", động lực vượt khoán dần dần bị triệt tiêu, sản xuất nông nghiệp một lần nữa bị suy giảm. Trước tình hình trên, ngày 05.4.1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10 về "Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp", gọi tắt là "Khoán 10" với mục tiêu là đổi mới cơ chế quản lý ở các hợp tác xã và giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp. "Khoán 10" đã làm cho nông nghiệp nông thôn ở Quảng Ngãi bừng lên một sức sống mới: nông dân tận dụng đất đai, tăng gia sản xuất, phát triển VAC (vườn, ao, chuồng). Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng lên rõ rệt. Từ khi thực hiện rộng cơ chế "khoán 10", hộ gia đình xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất, bước đầu giải phóng được sức sản xuất, khai thác được tiềm năng lao động và vốn của xã viên. Các giống lúa mới có năng suất cao, kháng bệnh, kỹ thuật sạ trực tiếp thay cho cấy mạ, được áp dụng. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, các loại đậu, đều tăng diện tích, năng suất và sản lượng. Đàn gia súc tăng lên đáng kể.
Tuy vậy, "Khoán 10" vẫn có những tồn tại như: việc chia đất theo số lao động dẫn đến những hộ đông con nhưng ít ruộng. Ngược lại, những hộ có lao động nhưng mất sức, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn... lại nhiều ruộng đất, quan trọng hơn là việc chia ruộng đất cho dân theo định suất lao động đã dẫn đến tình trạng ruộng đất bị chia cắt manh mún, sản phẩm sản xuất ra phân tán, trở ngại cho phát triển sản xuất hàng hoá, cơ giới hoá và thuỷ lợi hoá trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp sau này.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập. Đảng bộ và chính quyền Quảng Ngãi đã có nhiều chủ trương thông thoáng, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Thời kỳ 1990 - 2014 là thời gian ngành nông nghiệp Quảng Ngãi bắt đầu chuyển từ sản xuất tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hoá. Phát triển nông nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả  cao, thân thiện với môi trường; thường xuyên được Tỉnh chỉ đạo, khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng nhiều; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi từng bước tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững ra đời.
          Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cũng có không ít khó khăn khách quan và chủ quan. Về khách quan, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả và hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp luôn chịu sự tác động bất lợi của thời tiết, hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại… Cùng với khó khăn về thời tiết, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và các ngành sản xuất khác. Giá đầu vào tăng cao cùng với những biến động bất lợi về giá các mặt hàng nông sản và thuỷ sản trên thị trường trong nước và thế giới là những thách thức không nhỏ.
          Trước những thuận lợi và khó khăn đó, Nhà nước đã có những chính sách phù hợp hơn cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhờ đó sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Giá trị sản xuất nông lâm, thuỷ sản năm 2014 gấp 3,83 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,5%, trong đó nông nghiệp gấp 2,70 lần, bình quân tăng 4,06%/năm; lâm nghiệp gấp 5,45 lần, bình quân tăng 7,02%/năm; thuỷ sản gấp 10,65 lần, bình quân tăng 9,92%/năm.
           Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và biến động về giá nhưng nhờ sự quan tâm và chỉ đạo đúng hướng của cấp uỷ và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương và những nỗ lực của nhân dân trong tỉnh nên sản xuất nông nghiệp trong 40 năm qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 1997 Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đại công trình thuỷ lợi Thạch Nham tưới cho 30.000 ha đất canh tác. Sau Thạch Nham, những công trình như Núi Ngang, Nước Trong và hàng loạt hồ, đập lớn nhỏ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đã đặt nền móng cho sự ổn định và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
          Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, thể hiện rõ nhất là cây lúa, từ năng suất 16,9 tạ/ha năm 1980 và năng suất 26,5 tạ/ha những năm 1989 -1990, đến nay đã lên trên 55 tạ/ha.
          Sản lượng lương thực có hạt năm 2014 đạt 480,1 ngàn tấn, gấp 2 lần so với năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 2,85%; đặc biệt sản lượng lương thực tăng mạnh khi công trình thuỷ lợi Thạch Nham đưa vào hoạt động và phát huy tác dụng. Với sản lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực trong tỉnh, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường để phát triển kinh tế. Dothi3.png



Hoạt động chăn nuôi gia súc và gia cầm chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa mang tính chất công nghiệp, và còn gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2014, đàn heo có 458,1 ngàn con, đàn trâu có 63,6 ngàn con, đàn bò có 274,3 ngàn con. So với năm 1989, đàn heo tăng 58,4%, bình quân tăng 1,86%/năm; đàn trâu tăng 50,67%, bình quân tăng 2,3%; đàn bò tăng 76,15%, bình quân tăng 2,3%; tỷ lệ bò lai ngày được chú trọng và tăng lên, đến năm 2014 tỷ trọng bò lai đạt 58,6%.
Những kết quả trên cho thấy mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nền nông nghiệp tỉnh nhà đã có những bước phát triển khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: tính bền vững trong sản xuất chưa bảo đảm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, hoạt động chăn nuôi còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, mô hình nuôi trang trại quy mô lớn còn ít, tiêu thụ hàng nông sản chưa được giải quyết một cách căn cơ, vẫn là điệp khúc “được mùa mất giá”, từ đó làm cho kết quả sản xuất của ngành còn thấp so với tiềm năng của tỉnh.
  Ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao trong 40 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn từ 1989 đến 2014. Giá trị sản xuất thuỷ sản (giá so sánh 1994) năm 2014 đạt 1.164,73 tỷ đồng, gấp 10,65 lần năm 1989, bình quân tăng 9,9%/năm. Sản xuất thuỷ sản đã và đang góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
  Kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân trong tỉnh được cải thiện và từng bước nâng cao, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp; cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng lao động ở nông thôn từng bước chuyển dịch. Dothi4.png



2. Sản xuất công nghiệp:

Những năm đầu khi Quảng Ngãi được giải phóng, cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh hầu như chưa có gì, ngoài những cơ sở công nghiệp có trước năm 1975 còn lại như: nhà máy đường, nhà máy điện, nhà máy nước, sau giải phóng thành lập thêm Xí nghiệp Mộc Quảng Ngãi, Nhà máy cơ khí An Ngãi. Đó là những cơ sở ban đầu của công nghiệp Quảng Ngãi. Đến năm 1980, số xí nghiệp công nghiệp quốc doanh toàn tỉnh có 31 cơ sở, trong đó có 3 xí nghiệp trung ương và 28 xí nghiệp địa phương. Các cơ sở này có vai trò nhất định trong nền kinh tế của tỉnh, tuy nhiên trong cơ chế kinh tế bao cấp xơ cứng, đã không có sự tiến bộ nào đáng kể về mặt kỹ thuật.
Từ sau khi thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa hội nhập (1986), nhất là từ sau ngày tỉnh Quảng Ngãi được tái lập (1989), các ngành nghề công nghiệp trong tỉnh mới thực sự có điều kiện phát triển. Ngành công nghiệp Quảng Ngãi dần dần có bước ổn định và tăng trưởng, đóng góp giá trị kinh tế cao, đặc biệt khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, công nghiệp thực sự đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế.
Từ một tỉnh mà công nghiệp không có gì đáng kể, xuất phát điểm thấp, đến nay chúng ta đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong, đặc biệt là Khu Kinh tế Dung Quất nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung với định hướng phát triển các ngành công nghiệp lọc - hoá dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển... Tại KKT Dung Quất, sau nhiều năm xây dựng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành. Đầu năm 2009, nhà máy này cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên. Sự kiện này đã tạo nên một cú huých mới cho nền công nghiệp của tỉnh, tạo ra bước tăng trưởng nhảy vọt về giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 trên địa bàn tỉnh (theo giá 1994) đạt 20.783,6 tỷ đồng, gấp 78,12 lần năm 1989 và gấp 7,34 lần năm 2008 (năm chưa có sản phẩm lọc hoá dầu); tăng bình quân hàng năm 19,05% (riêng giai đoạn 2009-2014 tăng bình quân 34,23%/năm). Tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên đáng kể từ khi tái lập tỉnh, năm 1989 toàn tỉnh có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và 7.712 cơ sở TTCN, đến năm 2014 số doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động lên đến 293 DN và có 14.406 cơ sở TTCN cá thể. Từ một địa phương có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên có cơ cấu công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 61,3% trong GRDP vào năm 2014 và trở thành tỉnh có thu ngân sách cao trong cả nước. Đây chính là kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh sau nhiều năm, trong đó sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất mà chủ lực là Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần tích cực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Dothi5.png

3. Thương mại, dịch vụ:

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến năm 2014, thương mại - dịch vụ Quảng Ngãi bắt nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Giai đoạn 1975 – 1985, thương mại - dịch vụ Quảng Ngãi vận hành trong cơ chế bao cấp, kinh tế chỉ huy. Tháng 11 năm 1975, tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Tổ chức và hoạt động của ngành thương mại - dịch vụ nằm trong hệ thống chung của tỉnh Nghĩa Bình. Quản lý nhà nước về thương nghiệp ở cấp tỉnh có Ty Thương nghiệp. Công ty ngành hàng Trung ương (công ty cấp I) có trách nhiệm phân phối lại cho các công ty ngành hàng cấp tỉnh (công ty cấp II), công ty ngành hàng cấp tỉnh lại tiếp tục phân phối cho công ty cấp huyện (công ty cấp III). Từ đây, hàng hoá được phân phối tại chỗ thông qua các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, cửa hàng cung cấp của công ty và vừa thông qua hệ thống hợp tác xã mua bán cấp huyện và cấp xã để bán lại cho người tiêu dùng. Giá cả các mặt hàng không theo giá thị trường, giá thực mà theo giá ấn định, thường rẻ hơn rất nhiều giá bên ngoài. Cán bộ, công nhân viên được mua hàng với giá rẻ hơn (gọi là giá cung cấp) theo định mức cho mỗi người và theo mức lương được hưởng. Mỗi hộ dân được cấp 1 sổ mua hàng tại hợp tác xã mua bán của xã, phường để mua các mặt hàng như: nước mắm, dầu lửa, vải… Hoạt động xuất - nhập khẩu do nhà nước độc quyền.     
          Từ năm 1986, ngành thương mại Quảng Ngãi cùng với cả nước bước vào chặng đường mới, xoá bỏ bao cấp, chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Trong 30 năm của thời kỳ đổi mới, hoạt động thương nghiệp ở Quảng Ngãi không ngừng phát triển với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ nâng lên. Hàng hoá cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn, giữ vững cân đối cung cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa. Phương thức kinh doanh ngày càng đa dạng, mạng lưới kinh doanh rộng khắp tới các vùng nông thôn. Bên cạnh hệ thống chợ được củng cố và phát triển, siêu thị cũng được mở ra với phương thức bán tự chọn và chất lượng hàng hoá đảm bảo hơn, giá cả được niêm yết, tạo thuận tiện, sự yên tâm, thoải mái cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở một số nơi, chợ tạm, chợ cóc vẫn mọc lên, thậm chí vi phạm những quy định về an toàn giao thông và rất khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác quản lý thị trường có nhiều cố gắng, góp phần ổn định thị trường, không để xảy ra sốt giá các mặt hàng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2014 đạt 33.759 tỷ đồng, gấp 297 lần năm 1989, bình quân tăng 25,6%/năm (chưa loại trừ yếu tố trượt giá).
 Hoạt động ngoại thương:
          Hoạt động xuất – nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2014 có bước chuyển biến vượt bậc, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2014 đạt 673,446 triệu USD, gấp 171,75 lần năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 22,86%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu những năm gần đây là máy móc thiết bị, sản phẩm lọc hoá dầu, tinh bột mỳ, nguyên liệu giấy... Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014 đạt 718,272 triệu USD, gấp 633,4 lần năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 29,44%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu những năm gần đây là dầu thô, sắt thép và máy móc phụ tùng thay thế... phục vụ sản xuất.
          Giao thông vận tải - Bưu chính viễn thông:
          Giao thông vận tải ở Quảng Ngãi có sự phát triển đáng kể trong điều kiện đất nước hoàn toàn thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm đầu (1975 - 1985), do phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, cơ chế kinh tế bao cấp khiến đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn nên nhìn chung giao thông - vận tải ở Quảng Ngãi còn nhiều trì trệ. Từ khoảng năm 1986 về sau, với cơ chế mới, ngành giao thông vận tải Quảng Ngãi mới phát triển mạnh. Đặc biệt  trong những năm gần đây, hoạt động vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Các doanh nghiệp vận tải đã không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng vận chuyển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hoá đã liên tục tăng lên qua từng năm. Về vận tải hành khách, năm 2014 khối lượng vận chuyển đạt 3.366 ngàn lượt khách, với mức luân chuyển 855.865 ngàn lượt HK.Km, gấp 2,35 lần về lượt khách và gấp 13,58 lần về lượt khách-km so với năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 3,48% về lượt khách và 11,0% về lượt khách-km. Về vận tải hàng hoá, năm 2014 khối lượng vận chuyển đạt 6.317 ngàn tấn, với mức luân chuyển 1.073.343 ngàn Tấn.km, gấp 30,3 lần về tấn và gấp 55,55 lần về Tấn.km so với năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 14,62% về tấn và tăng 17,43% về Tấn.km.
          Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh Quảng Ngãi sau giải phóng rất hạn chế do đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Tỉnh đã nỗ lực đầu tư và nhận được sự quan tâm bố trí nguồn lực của Trung ương, nhất là từ khi tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, đến nay đã có bước tiến rất dài về kết cấu hạ tầng. Hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh, nhiều công trình giao thông lớn đã được xây dựng hoàn thành, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng; nhiều tuyến giao thông bộ nối với trung tâm các xã được xây dựng phát huy hiệu quả đầu tư. Tỉnh đã bố trí vốn ngân sách và huy động nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao; đã xây dựng hàng nghìn km đường và hàng nghìn cây cầu nông thôn nối liền từ xã đến thôn, liên thôn.
          - Về kết cấu hạ tầng đường bộ: Sau giải phóng, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh rất hạn chế. Ngoài Quốc lộ 1 và một số trục đường chính tương đối còn nguyên vẹn, nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện và cầu cống đã bị hư hại. Đến năm 1989 (thời điểm tái lập tỉnh), trên địa bàn tỉnh chỉ có 02 tuyến Quốc lộ, chiều dài 167 km, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá đạt 66,5%; 07 tuyến đường tỉnh, chiều dài 179 km, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá đạt 55,8%; 967,21 km đường huyện, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá chỉ đạt 2,07%; 63 km đường đô thị và 24,52 km đường xã chưa được nhựa hoá, cúng hoá gây khó khăn trong việc lưu thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 04 tuyến Quốc lộ, chiều dài 355,37 km, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá đạt 100%; 11 tuyến đường tỉnh, chiều dài 401,3 km, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá đạt 90,6%; 248,53 km đường đô thị, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá đạt 85,4%; 1.449,21 km đường huyện, tỷ lệ nhựa hoá, cứng hoá đạt 59,6%; 1.807,55 km đường xã đã được nhựa hoá, cứng hoá với tỷ lệ 49,1%; ngoài ra còn phát triển các tuyến đường nội bộ, đường chuyên dùng, đường thôn, khối phố, đường kênh Thạch Nham với tổng chiều dài là 3.370,04 km.
          - Về bến, cảng biển:
          + Về bến: Đã xây dựng đưa vào khai thác các bến: Bến Đình (Lý Sơn), Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), Châu Ổ, Sa Cần (Bình Sơn), Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) đáp ứng nhu cầu vận tải đường thuỷ nội địa ở địa phương.
          + Về cảng biển: Đã xây dựng và đưa vào khai thác:
           Cảng Dung Quất: Là cảng tổng hợp quốc gia, là  01 trong 14 cảng biển loại I của Việt Nam, cảng nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất có thể tiếp nhận tàu xuất sản phẩm dầu đến 50.000 DWT, tàu hàng 30.000 – 50.000 DWT, đây là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ chủ yếu cho việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.
           Cảng Sa Kỳ: là cảng có thể tiếp nhận đồng thời 01 tàu có trọng tải 1.000 DWT và 01 tàu khách 200 ghế.
           Các cảng nhỏ phục vụ nhu cầu vận tải ven biển của địa phương, gồm: cảng Cổ Luỹ (cảng tổng hợp), cảng Lý Sơn (cảng cá), cảng Sa Huỳnh (cảng cá), cảng Mỹ Á (cảng tổng hợp).
          - Về đường thuỷ: Đã đầu tư đưa vào khai thác 03 tuyến đường thuỷ nội địa: tuyến sông Kinh, Sa Kỳ - Lý Sơn và Đảo Lớn - Đảo Bé.
          - Về đường sắt: Đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 99,2 km thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn, chạy theo trục Bắc – Nam.
          Bưu chính viễn thông là ngành có vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự phát triển của các dịch vụ bưu chính viễn thông không những trực tiếp đóng góp kết quả vào tăng trưởng kinh tế chung mà còn góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển thông qua việc sử dụng các dịch vụ của ngành này.
          Trong những năm qua, ngành Bưu chính viễn thông đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy môi trường cạnh tranh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh tế- xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động dịch vụ viễn thông và Internet, đảm bảo cung cấp đầy đủ và thuận lợi các dịch vụ viễn thông và Internet cho người sử dụng với tốc độ và chất lượng ngày càng cao, giá cước rẻ, thực hiện dần vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế.
          Mạng lưới bưu chính viễn thông được củng cố và đầu tư nâng cao năng lực và dung lượng nhằm mở rộng diện phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng, đáp ứng nhu cầu thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân giữa các vùng miền. Với 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 03 doanh nghiệp viễn thông thành lập Chi nhánh tại các huyện; 07 doanh nghiệp tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát phục vụ rộng khắp tại 180/184 xã, phường, thị trấn. Hạ tầng mạng bưu chính công cộng của tỉnh hiện có 22 bưu cục, 155 điểm BĐVHX, 45 đại lý, điểm giao dịch. Với năng lực mạng lưới hiện tại đã đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chuyển phát của người dân trên địa bàn.
          Hạ tầng viễn thông: Các tuyến cáp quang nội tỉnh đã được đầu tư đến trung tâm xã 183/184 (trừ xã An Bình – huyện Lý Sơn), đang tăng cường đầu tư cáp quang đến thôn, xóm để mở rộng thị trường và cung cấp dịch vụ internet băng rộng đến người dân nông thôn. Cùng với khoảng 1.300 trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS 2G và 3G) đã đảm bảo dung lượng phủ sóng di động ở khu vực nông thôn và miền núi  đạt 99% khu vực dân cư của tỉnh có sóng thông tin di động. Đến năm 2014, số thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 973.830 thuê bao, đạt tỷ lệ 78,4 thuê bao/ 100 dân, trong đó số thuê bao di động có trên mạng đạt 924.260 thuê bao, đạt tỷ lệ 74,4 thuê bao/ 100 dân.
            4. Huy động vốn đầu tư tạo nguồn lực tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội:
          Đầu tư phát triển là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội, vì hoạt động này trực tiếp làm tăng tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản trí tuệ và số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao mức sống dân cư và mặt bằng dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái và đưa các chương trình phát triển kinh tế- xã hội vào cuộc sống.
          Tỉnh nhận thức được vai trò quan trọng của đầu tư phát triển như vậy nên những năm qua đã có nhiều chính sách và giải pháp khơi dậy nguồn nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp, nhờ đó đã khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI  năm 2013 của tỉnh Quảng Ngãi xếp vị thứ 7/63 tỉnh/thành phố; năm 2014 xếp vị thứ 20/63 tỉnh/thành phố).
Với xuất phát điểm rất hạn chế về kết cấu hạ tầng lúc mới được giải phóng, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực huy động vốn đầu tư tạo nguồn lực tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng và đến nay đã có bước tiến rất dài về kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện,.... Tỉnh đã bố trí vốn ngân sách và huy tầng nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao; xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất. Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư, nhiều công trình quan trọng như bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện các huyện, hệ thống trạm y tế, trường học các cấp được xây dựng mới. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng, nâng cấp... Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, tạo nên một cú huých cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
          Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với tổng sản phẩm trong tỉnh (theo giá thực tế) qua các năm như sau: Năm 2005 đạt tỷ lệ 90,55%; năm 2010 đạt 52,88%; năm 2014 đạt 24,89% được thể hiện qua bảng số liệu sau:

ĐVT:  Tỷ đồng

 

Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế

Tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá thực tế

Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong tỉnh (%)

2005

5.951,00

6.572,40

90,55

2010

15.482,00

29.275,17

52,88

2011

11.756,45

36.579,26

32,14

2012

11.548,49

44.232,85

26,11

2013

11.548,00

54.121,96

21,34

2014

14.677,00

58.971,80

24,89

Như vậy, vốn đầu tư luôn chiếm tỷ lệ cao so với GRDP, nhất là trong những năm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 
ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA THÀNH TỰU
 
Nhìn lại 40 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tỉnh nhà được giải phóng, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, bước vào nhóm có thu nhập trung bình, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Kinh tế phát triển nhanh, quy mô kinh tế tăng lên gấp nhiều lần so với lúc mới được giải phóng, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ; kết cấu hạ tầng được xây dựng làm tăng tiềm lực và tạo điều kiện phát triển nhanh hơn, đời sống của nhân dân tiếp tục cải thiện. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai nghiêm túc, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền ngày càng cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy, nhân dân đoàn kết, xã hội đồng thuận.
Đạt được những thành tựu như trên, trước hết là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương; là kết quả của quá trình phấn đấu nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh; sự đổi mới và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cấp uỷ đảng và chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp; sự phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đoàn kết thống nhất nội bộ, tạo được sự đồng thuận xã hội, phát huy được nội lực, sức mạnh khối đại đoàn kết của nhân dân trong tỉnh.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành nắm vững các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng hợp lý, linh hoạt các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đã biết chọn những vấn đề trọng tâm, dồn sức chỉ đạo thực hiện. Quan tâm làm tốt công tác cán bộ, đánh giá, bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện thiếu trách nhiệm.
Trong lãnh đạo, điều hành, luôn giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, gắn với giữ vững kỷ cương, tăng cường công tác chính trị tư tưởng; tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, các phong trào thi đua để động viên kịp thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị, cá nhân trong toàn tỉnh.
Luôn đề cao cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2027

Tổng số lượt xem: 485847

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready