Truy cập nội dung luôn

Tin Kinh tế - Xã hội Tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 năm 2017

22/07/2017 12:00    312

Tính đến giữa tháng 7, toàn tỉnh gieo sạ được 34.348,4 ha lúa hè thu, tăng 0,2% (51,5 ha) so với cùng vụ năm 2016. Diện tích lúa tăng, chủ yếu do diện tích bị nắng hạn không gieo sạ được ở vụ hè thu năm trước nhiều hơn năm nay. Trong vụ hè thu, việc chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang gieo trồng các loại cây khác được các địa phương tiếp tục triển khai. Trà lúa gieo sạ trước ngày 25/5/2017 đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ; trà chính vụ đang ở giai đoạn tỉa dặm - bón phân đợt 1. Nhìn chung, các trà lúa sinh trưởng, phát triển bình thường.

​Diện tích ngô gieo trồng (tính đến 15/7) được 4.540 ha, xấp xỉ vụ hè thu năm 2016. Diện tích khoai lang đạt 71,8 ha, tăng 0,7% (0,5 ha). Diện tích lạc đạt 1.890 ha, xấp xỉ vụ hè thu năm 2016. Diện tích đậu tương đạt 38 ha, giảm 1,8% (0,7 ha). Diện tích rau (tính cho cả vụ hè thu) đạt 4.882 ha, tăng 0,1% (4,7 ha). Diện tích đậu (tính cho cả vụ hè thu) đạt 1.450 ha, tăng 4,3% (59,2 ha).Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng có mưa, nhất là trong tháng 7 mưa nhiều (do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và bão) nên các hồ đập thuỷ lợi, nhất là công trình thuỷ lợi Thạch Nham vẫn đảm bảo nước tưới.
- Tình hình sâu bệnh:
+ Cây lúa : Tổng diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh và các đối tương gây hại là 1.755,5 ha (nhiễm nhẹ 1.430,0 ha; nhiễm trung bình 272,0 ha; nhiễm nặng 53,5 ha); trong đó, diện tích bị chuột gây hại là 566,5 ha; diện tích bị nhiễm dòi đục nõn 238,0 ha; diện tích bị nhiễm bọ trĩ 129,5,0 ha; diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ 27,0 ha; diện tích nhiễm rầy nâu- rầy lưng trắng 21,0 ha; diện tích nhiễm bệnh khô vằn 399,5 ha. Ngoài ra, còn có sâu đục thân, bướm hai chấm, sâu keo, bệnh chết cây, bệnh đạo ôn lá, bệnh đốm nâu-nghẹt rễ, bệnh lem lép hạt, ốc bưu vàng,... phát sinh gây hại cục bộ.
+ Cây rau, màu: Tổng diện tích bị nhiễm 91,0 ha (nhiễm nhẹ 89,5 ha; nhiễm trung bình 1,5 ha); trong đó, diện tích nhiễm sâu xám hại ngô là 24,0 ha; bệnh khô vằn ngô: 13,0 ha; bệnh héo xanh hại ớt 11,0 ha; diện tích nhiễm bệnh khảm ớt 6,0 ha; diện tích nhiễm nhện đỏ hại mì 7,0 ha. Ngoài ra, còn có sâu khoang, sâu đục thân ngô, sâu xanh da láng hại hành; bệnh đốm lá ngô, héo xanh vi khuẩn hại ngô, đốm lá lạc,...
Các loại cây lâu năm vẫn phát triển bình thường nhưng chưa có chiều hướng phát triển, một số loại cây có xu hướng giảm diện tích do năng suất thấp (không phù hợp với điều kiện tự nhiên).
b) Chăn nuôi
Chăn nuôi gia cầm trong tháng tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển. Giữa tháng 7, giá thu mua lợn và bò hơi trên địa bàn tỉnh tuy có tăng nhưng chưa tạo được tâm lý tốt để khôi phục và tăng đàn.
Ước tính, tại thời điểm cuối tháng 7, đàn trâu toàn tỉnh đạt 69.285 con, tăng 2,1% (1.440 con) so với cùng thời điểm năm 2016; đàn bò đạt 280.590 con, giảm 0,5% (1.430 con); đàn lợn đạt 419.050 con, giảm 8,4% (38.635 con); đàn gia cầm đạt 4.808,5 ngàn con, tăng 5,6% (256,7 ngàn con); trong đó, đàn gà đạt 3.712,4 ngàn con, tăng 5,9% (206,9 ngàn con).
Trong tháng, các bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy ở vật nuôi xảy ra rải rác, nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh và được bao vây dập tắt, không để lây lan diện rộng; bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và heo tai xanh ở lợn không xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, bệnh lở mồm long móng gia súc và heo tai xanh ở lợn không xảy ra. Riêng bệnh cúm gia cầm xuất hiện trong 3 tháng đầu năm tại 8 hộ nuôi làm chết và tiêu hủy 25.760 con gia cầm (1.660 con vịt và 24.100 con gà).
    1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng mưa nhiều tạo điều kiện cho trồng rừng. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 321 ha, tăng 134,3% so với cùng tháng năm 2016. 
Việc khai thác lâm sản tập trung vào gỗ rừng trồng (gỗ nguyên liệu giấy), đót... Do nhiều diện tích rừng nguyên liệu giấy đến kỳ thu hoạch, thời tiết thuận lợi nên sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt ước đạt 96.798 m3, tăng 20,4% so với tháng 7 năm 2016. Sản lượng củi khai thác ước đạt 23.364 ster, tăng 17,4%.
Ước tính 7 tháng, diện tích rừng trồng tập trung đạt 4.863 ha, tăng 17,9% (737 ha) so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 525.111 m3, tăng 4,4% (22.105 m3). Sản lượng củi khai thác ước đạt 144.903 ster, tăng 3,6% (4.998 ster).
Tháng 7, trên địa bàn tỉnh xảy ra một vụ cháy rừng với diện tích 2,01 ha (huyện Mộ Đức). Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng với tổng diện tích bị cháy là 2,07 ha (rừng trồng). 
Trong tháng, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 23 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, có 1 vụ phá rừng, phát rừng với diện tích 0,7 ha (rừng phòng hộ), giảm 2 vụ, tương ứng với 0,17 ha so với tháng 7 năm 2016.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, toàn tỉnh phát hiện 174 vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Riêng phá rừng, phát rừng có 18 vụ với tổng diện tích rừng bị phá, phát là 20,6 ha, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2016. Số vụ giảm nhưng quy mô các vụ phá, phát tăng nên diện tích rừng bị phá, phát tăng 95,6% (10,07 ha) so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, diện tích rừng phòng hộ (tự nhiên) bị phá là 2,89 ha; diện tích rừng sản xuất (rừng trồng) là 17,66 ha. Tất cả các vụ phá, phát rừng đều nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy (11 vụ) và trồng cây công nghiệp (7 vụ). Qua đó, thu giữ 56,5 m3 gỗ tròn và 137,1 m3 gỗ xẻ, 205 kg than hầm; thu nộp ngân sách Nhà nước 1,511 tỷ đồng.
    1.3. Thuỷ sản
Sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 20.656,7 tấn, tăng 2,2% so với tháng 7 năm 2016. Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 106.114,7 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016.
a) Nuôi trồng
Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 900,7 tấn, tăng 19,3% so với tháng 7/2016. Trong đó, cá ước đạt 189,6 tấn, tăng 17,1%; tôm ước đạt 670 tấn, tăng 22,3%; các loại thuỷ sản khác ước đạt 41,2 tấn, giảm 9,8%.
Ước 7 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng đạt 3.122,7 tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, cá ước đạt 722,2 tấn, giảm 23,1%. Nguyên nhân cá nuôi giảm mạnh là do cùng kỳ năm 2016, nắng hạn kéo dài, nhiều hồ đập có nuôi cá bị khô hạn, người nuôi phải thu hoạch trước. Tôm ước đạt 2.159,5 tấn, tăng 5,9%; các loại thuỷ sản khác ước đạt 241 tấn, tăng 6,5%.
Trong tháng, dịch bệnh nuôi trồng thuỷ sản không xảy ra. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 0,35 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh (huyện Bình Sơn).  Ngoài ra, cá cam nuôi lồng tại xã An Hải, huyện Lý Sơn chết khoảng 4.000 con; Cá trắm cỏ nuôi lồng tại thôn Canh Mo, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà bị bệnh bệnh đốm đỏ chết.
- Sản xuất giống: Trong tháng, sản xuất được 0,142 triệu con giống (cá nước ngọt và cá bớp), bằng 1,6% tháng 7/2016. Ước tính 7 tháng đầu năm, sản xuất được 4,703 triệu con giống, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giống tôm thẻ có 0,4 triệu con; cá bớp 0,015 triệu con; cá giống nước ngọt 0,312 triệu con; giống ốc hương 4 triệu con.
b) Khai thác
Sản lượng khai thác trong tháng 7 ước đạt 19.756,0 tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2016 (khai thác trên biển 19.704 tấn, khai thác nội địa 52 tấn). Nguyên nhân khai thác tăng thấp là do các tàu đánh bắt ở vùng biển phía Bắc bị ảnh hưởng của áp thấp vào bão số 2. Trong đó, cá đạt 16.989,4 tấn, giảm1,8% so với cùng tháng năm 2016; tôm đạt 664,8 tấn, tăng 12%; các loại thuỷ sản còn lại đạt 2.101,8 tấn, tăng 2,7%.
Ước tính 7 tháng, sản lượng khai thác đạt 102.992 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016 (khai thác trên biển 102.643 tấn, khai thác nội địa 349 tấn); trong đó, cá đạt 80.355,8 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016; tôm đạt 3.932,5 tấn, tăng 9,3%; các loại thuỷ sản còn lại đạt 18.703,7 tấn, tăng 3,3%.
    2. Sản xuất công nghiệp
Ước tính giá trị sản xuất tháng 7/2017 đạt 4.900,8 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 32,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 3.414,9 tỷ đồng, tăng 52,3%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.220,6 tỷ đồng, tăng 1,6% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 265,4 tỷ đồng, tăng 1,1%. So với cùng kỳ năm trước, GTSX công nghiệp tháng này giảm 47,5%, nguyên nhân giảm mạnh là do Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động để bảo trì bảo dưỡng định kỳ (từ 5/6-23/7/2017).
Tính chung 7 tháng đầu năm, GTSX công nghiệp đạt 54.697,3 tỷ đồng (theo giá SS 2010), giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì GTSX tăng 10,8%. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 44.530,3 tỷ đồng, giảm 17,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 8.352,5 tỷ đồng, tăng 15,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.814,5 tỷ đồng, tăng 3,2%.
Trong 7 tháng đầu năm, đa số các sản phẩm chủ yếu đều tăng. Trong đó, một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2016 như: Thủy sản chế biến đạt 5.987 tấn, tăng 11,6%; đường RS đạt 139.344 tấn, tăng 26,5%; Gạch xây các loại đạt 264.475 ngàn viên, tăng 11,8%; bánh kẹo các loại đạt 8.429 tấn, tăng 12,5%; nước khoáng và nước tinh khiết đạt 46.165 ngàn lít, tăng 8,3%; nước mắm đạt 4.548 ngàn lít, tăng 9,7%; rượu trắng đạt 3.928 ngàn lít, tăng 15,0%; sữa các loại đạt 147.955 ngàn lít, tăng 8,0%; điện sản xuất đạt 415,67 triệu kwh, tăng 139,6% và điện thương phẩm đạt 571,63 triệu kwh, tăng 12,3%. Riêng sản phẩm lọc hóa dầu đạt 3.241,9 ngàn tấn, giảm 18,6% (hay giảm gần 741 ngàn tấn) so với cùng kỳ năm trước.
    Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến tính đến hết tháng 6/2017 giảm 10,46% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân giảm chủ yếu do sản phẩm tinh bột mỳ; đường RS; bia đóng chai; sản phẩm xăng động cơ tiêu thụ khó khăn. Chỉ có 03/11sản phẩm tiêu thụ tốt hơn hoặc xấp xỉ cùng kỳ năm trước là: sản phẩm vỏ bào, dăm gỗ tăng 0,08%; bu tan đã được hóa lỏng (LPG) tăng 0,14%; cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng tăng 51,78%.
    Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/7/2017 của ngành công nghiệp chế biến giảm 35,47% so với cùng thời điểm năm trước, trừ sản phẩm bia đóng chai (tăng 22,39%); bu tan đã được hóa lỏng (LPG) (tăng 14,74%) và sản xuất phân bón (tăng 19,33%) có chỉ số tồn kho cao, còn lại các sản phẩm đều có mức tồn kho thấp hoặc xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2017 giảm 0,06% so với tháng trước và giảm 2,19% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ số sử dụng lao động thuộc khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 22,92% so với cùng kỳ năm trước, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm tương ứng 6,44%  và 18,8% so với cùng thời điểm năm trước. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 22,33% so với cùng thời điểm năm 2016; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,2%; sản xuất, phân phối điện giảm 8,29%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,58%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tại thời điểm 01/7/2017 tăng khá so với cùng thời điểm năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 78,56%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 27,81%. 
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp:
Trong tháng (tính đến ngày 20/7/2017), toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 44 tỷ đồng, giảm 21,1% về số doanh nghiệp và giảm 98,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng có 6 doanh nghiệp  đăng ký tạm ngừng hoạt động và có 3 doanh nghiệp  đã giải thể.
 Luỹ kê từ đầu năm đến ngày 20/7/2017, toàn tỉnh có 4155 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 12.251,95 tỷ đồng, tăng 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 292,37%  về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 29,52 tỷ đồng, tăng 258,3% so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian trên, có 92 doanh nghiệp  và 9 đơn vị trực thuộc  đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 45 doanh nghiệp  và 18 đơn vị trực thuộc  đã giải thể.
4. Đầu tư, xây dựng 
            Trong tháng, thời tiết thuận lợi nên nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thi công.
            Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 297,8 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 293,7 tỷ đồng, tăng 2,5%; vốn vay đạt 2,6 tỷ đồng, tăng 1,1%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 0,7%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 20,22%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.791,8 tỷ đồng, tăng 54,1% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 1.765,9 tỷ đồng, tăng 54,51%; vốn vay đạt gần 16,1 tỷ đồng, tăng 25,8%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 35,9%. 
    5. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
    5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:
Trong tháng, hoạt động thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng diễn biến ổn định, nguồn hàng và sức mua trên thị trường có tăng nhẹ so với tháng trước, trong đó một số mặt hàng tăng khá so với mức tăng chung như: Vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 1,29%; ô tô các loại tăng 1,12%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 1,06%; nguyên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 4,51%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 năm 2017 ước đạt 3.886,5 tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng trước. Trong đó: thành phần kinh tế nhà nước đạt gần 222 tỷ đồng, tăng 1,31%; kinh tế cá thể đạt 2.820 tỷ đồng, tăng 0,7%; kinh tế tư nhân đạt 841,4 tỷ đồng, tăng 0,76%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ đồng.
            Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 26.582,2 tỷ đồng, tăng 12,36% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 03 nhóm hàng hóa có lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, gồm: gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,59%; ô tô các loại tăng 469,92%; xăng dầu các loại tăng 19,62%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thành phần kinh tế nhà nước đạt 1.527,2 tỷ đồng, tăng 13,51%; kinh tế cá thể đạt 19.281,3 tỷ đồng (chiếm 72,5% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng), tăng 12,27%; kinh tế tư nhân đạt 5.752,7 tỷ đồng, tăng 12,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xét theo ngành hoạt động thì hoạt động thương nghiệp đạt 19.669,6 tỷ đồng (chiếm gần 74% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng), tăng 11,11%; hoạt động lưu trú đạt 165,2 tỷ đồng, tăng 22,91%; hoạt động ăn uống đạt 4.930,7 tỷ đồng, tăng 16,66%; hoạt động du lịch lữ hành đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 17,67%; hoạt động dịch vụ đạt 1.812 tỷ đồng, tăng 14,0%.
5.2. Chỉ số giá       
                 Chỉ số giá tiêu dung (CPI) tháng 7/2017 tương đối ổn định, chỉ tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,07% so với tháng 12 năm trước, tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước,  bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 7,09%.
    Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2017 so với tháng trước có 05/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% (trong đó, lương thực giảm 0,14%; thực phẩm tăng 0,49%; ăn uống ngoài gia đình không tăng, không giảm); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,35%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,67%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,25%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,17%. Có 03/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: giao thông giảm 2,14%; giáo dục giảm 0,12%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,63%. Còn lại 03/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số không tăng, không giảm, gồm: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông.   
    Chỉ số giá vàng tháng 7/2017 giảm 1,35% so với tháng trước; tăng 2,49% so với tháng 12/2016 nhưng giảm 2,74% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 4,83%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2017 tăng 0,15% so với tháng trước; tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 1,66%.
    5.3. Hoạt động vận tải:
Trong tháng,  ngành Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải kê khai lại giá cước vận tải hành khách theo giá nhiên liệu giảm và rà soát, tính toán lại các chi phí đầu vào để việc kê khai đảm bảo khách quan, minh bạch. Phối hợp thông báo danh sách các phương tiện vận tải không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định. Hoạt động vận tải từ đầu năm đến nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải đường bộ, xử lý nghiêm các phương tiện xe hợp đồng, xe du lịch trá hình, dừng đỗ không đúng nơi quy định gây mất an ninh, trật tự vận tải.  
- Vận tải hành khách trong tháng 7 năm 2017 ước đạt 478,48 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 112.024,34 ngàn lượt khách-km, tăng tương ứng 1,39% và 1,02% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì vận chuyển tăng 16,46%, luân chuyển tăng 10,88%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, vận chuyển hành khách ước đạt 3.274,35 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 761.552,32 ngàn lượt khách – km, tăng tương ứng 19,27% và 16,45% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Vận tải đường bộ ước đạt 3.126,01 ngàn lượt khách, tăng 19,97% và 757.095,22 ngàn lượt khách – km, tăng 16,52%; vận tải đường biển ước đạt 148,34 ngàn lượt khách, tăng 6,22% và 4.457,1 ngàn lượt khách – km, tăng 6,0%.
                - Vận tải hàng hóa trong tháng 7/2017 ước đạt 891,46 ngàn tấn với mức luân chuyển 142.580,74 ngàn tấn-km, tăng tương ứng 1,77% và 1,58% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì vận chuyển tăng 15,91%, luân chuyển tăng 14,4%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, vận tải hàng hóa ước đạt 5.819,85 ngàn tấn với mức luân chuyển 933.313,74 ngàn tấn-km, tăng tương ứng 13,69% và 12,52% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Vận tải đường bộ ước đạt 5.756,62 ngàn tấn, tăng 13,74% và 931.414,01 ngàn tấn – km, tăng 12,53%; vận tải đường biển ước đạt 62,23 ngàn tấn, tăng 9,87% và 1.899,73 ngàn tấn – km, tăng 9,49%.
- Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải trong tháng 7/2017 ước đạt gần 233,95 tỷ đồng, tăng 2,07% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải ước đạt 1.575,7 tỷ đồng, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 467,9 tỷ đồng, tăng 16,7%; vận tải hàng hóa ước đạt 779 tỷ đồng, tăng 11,03%; hoạt động kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 328,7 tỷ đồng, tăng 4,44%.
    6. Thu, chi ngân sách nhà nước
a) Thu ngân sách nhà nước:
    * Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn: Ước thu ngân sách trên địa bàn tháng 7 năm 2017 ước đạt 647 tỷ đồng, thu 7 tháng năm 2017 ước đạt 8.723  tỷ đồng bằng 81,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72,1% dự toán năm, gồm:
    - Thu nội địa tháng 7 năm 2017 ước đạt 617 tỷ đồng, thu 7 tháng năm 2017 ước đạt 8.279 tỷ đồng, bằng 80,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72,1% dự toán năm, trong đó:
    + Thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất tháng 7 năm 2017 ước đạt 200 tỷ đồng, 7 tháng năm 2017 ước đạt 5.482 tỷ đồng, bằng 74,0% so với cùng kỳ năm trước và đạt 83,1% dự toán năm;
    + Thu tiền sử dụng đất tháng 7 năm 2017 ước đạt 63 tỷ đồng, thu 7 tháng năm 2017 ước đạt 297 tỷ đồng, bằng 321,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54% dự toán năm.
    - Thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt tháng 7 năm 2017 ước đạt 30 tỷ đồng, 7 tháng năm 2017 ước đạt 445 tỷ đồng, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 71,7% dự toán năm.
* Thu để lại quản lý qua ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 4 tỷ đồng, thu 7 tháng đầu năm đạt 18 tỷ đồng, bằng 175% so với cùng kỳ năm trước và đạt 36,1% dự toán năm.
 b) Chi ngân sách địa phương:
* Chi cân đối ngân sách địa phương:  Chi tháng 7 ước đạt 941 tỷ đồng, chi 7 tháng đầu năm ước đạt 6.168 tỷ đồng, bằng 131,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54,9% so với dự toán năm 2017. Trong đó:
    - Chi đầu tư phát triển tháng 7 ước đạt 318 tỷ đồng, chi 7 tháng đầu năm ước đạt 1.363 tỷ đồng, bằng 128,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 38,3% so với dự toán năm 2017;
    - Chi thường xuyên tháng 7 ước đạt 623 tỷ đồng, chi 7 tháng đầu năm ước đạt 4.804 tỷ đồng, bằng 132,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 64,3% so với dự toán năm 2017;
    * Chi từ nguồn thu để lại quản lý qua ngân sách nhà nước tháng 7 là 4 tỷ đồng, 7 tháng là 18 tỷ đồng.
    7. Một số tình hình xã hội:
    7.1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
- Bệnh sốt xuất huyết:  Trong tháng, toàn tỉnh có 125 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, phân bố theo huyện (mắc/chết): Bình Sơn1/0, Sơn Tịnh 4/0, TP Quảng Ngãi 76/0, Tư Nghĩa 24/0, Mộ Đức 3/0, Đức Phổ 9, Nghĩa Hành 5/0, Trà Bồng 1, Sơn Hà 2/0.
 Xét nghiệm 23 mẫu huyết thanh, dương tính 13 ca ( số mắc/dương tính):
Sơn Tịnh 2/1+, TP Quảng Ngãi 13/5+, Tư Nghĩa 3/3+, Đức Phổ 4/3+,  Nghĩa Hành 1/1+. So với tháng trước số ca mắc tăng 2,23 lần.
- Bệnh Tay - chân - miệng: Từ ngày 1/6  đến ngày 30/6/2017 số ca mắc: 62 ca. Phân bố theo huyện như sau: Bình Sơn 1, Sơn Tịnh 4, TP Quảng Ngãi 21, Tư Nghĩa 12, Nghĩa Hành 10, Mộ Đức 1, Đức Phổ 2, Trà Bồng 2, Sơn Hà 5, Minh Long 2, B/Tơ 2.
 - Một số dịch bệnh khác: Thủy đậu : 20 ca chết 0; Quai bị : 34 ca chết 0; Viêm não vi rút : 8 ca chết 0; Liệt mềm cấp : 4 ca chết 0.
- Trong tháng không có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
 Giám sát mối nguy và ngộ độc thực phẩm 31 mẫu. Kết quả:
 + Cấp tỉnh: 04/16 mẫu nhiễm vi sinh.
 + Cấp huyện: bằng Test nhanh 422/441 mẫu đạt (19 mẫu dương tính độ sạch bát đĩa).
    7.2. Giáo dục, đào tạo
    Kỳ thi THPT quốc gia năm nay tiếp tục có những đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy trong xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Quảng Ngãi đã tổ chức chấm thi và công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 theo đúng lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tỉnh công bố điểm thi vào ngày 06/7/2017). Kết quả có 11.506/12.253 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 93,9%.
7.3. Tình hình tai nạn giao thông
Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 16/6/2017 đến 15/7/2017), toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ TNGT (các vụ có hậu quả từ ít nghiêm trọng trở lên), chết 12 người, bị thương 06 người. Trong đó TNGT đường bộ xảy ra 11 vụ, chết 12 người, bị thương 06 người; TNGT đường sắt, TNGT đường thủy nội địa không xảy ra.
 So với tháng 7/2016, TNGT đường bộ: số vụ tăng 04 vụ, số người chết tăng 05 người, số người bị thương tăng 03 người; TNGT đường sắt: số vụ giảm 01 vụ, số người chết giảm 01 người; TNGT đường thủy nội địa: số vụ giảm 01 vụ, số người chết giảm 01 người.
 So với tháng 6/2017, TNGT đường bộ: số vụ tăng 03 vụ, số người chết tăng 04 người, số người bị thương tăng 05 người; TNGT đường sắt, TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm). 
Va chạm giao thông trong tháng xảy ra 35 vụ, số người bị thương 61 người. So với tháng 7/2016, số vụ giảm 04 vụ; số người bị thương giảm 11 người. So với tháng 6/2017, số vụ giảm 10 vụ; số người bị thương giảm 10 người.
Tính chung 7 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2016 đến ngày 15/7/2017), toàn tỉnh đã xảy ra 76 vụ TNGT (các vụ có hậu quả từ ít nghiêm trọng trở lên), chết 79 người, bị thương 44 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 75 vụ, chết 78 người, bị thương 44 người; TNGT đường sắt xảy ra 01 vụ, chết 01 người; TNGT  đường thủy nội địa không xảy ra.
So với cùng kỳ năm trước, TNGT đường bộ: số vụ giảm 15 vụ, số người chết giảm 15 người, số người bị thương giảm 33 người; TNGT đường sắt: số vụ, số người chết, số người bị thương không tăng, không giảm; TNGT đường thủy: số vụ giảm 01 vụ, số người chết giảm 01 người, số người bị thương không tăng không giảm.
Va chạm giao thông 7 tháng đầu năm xảy ra 294 vụ, số người bị thương 418 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 23 vụ; số người bị thương giảm 72 người./.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1919

Tổng số lượt xem: 478839

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready