Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế-xã hội Quý I năm 2017

13/04/2017 12:00    650

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 11/01/2017 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với mục tiêu tổng quát là: “Năm 2017 là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, là năm “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tạo điều kiện, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; đẩy mạnh xã hội hoá, khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội”.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Thời tiết đầu năm 2017 diễn biến bất thường hơn những năm trước (mưa, rét kéo dài), không thuận lợi cho việc canh tác và sinh trưởng của cây trồng. Mưa kéo dài, nhiều chân đất bị ngập hoặc giữ nước nên tiến độ gieo trồng các loại cây vụ đông xuân chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân ước đạt 38.898 ha, giảm 0,5% (192,2 ha) so với vụ đông xuân năm 2016. Diện tích lúa giảm, một phần do một số chân đất ngập nước không gieo sạ được, một phần do thu hồi đất phục vụ cho việc quy hoạch xây dựng đường giao thông, công trình công cộng,… Giống lúa chủ yếu sử dụng trong vụ đông xuân này là ĐH815-6, ĐV 108, KD đột biến, HT1…
Do ảnh hưởng không khí lạnh từ ngày 31/01-04/02/2017, đã gây ngập 1.331 ha lúa . Trong đó, diện tích có khả năng bị mất trắng 152 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Mộ Đức (50 ha), Tư Nghĩa (40 ha), Nghĩa Hành (45 ha) và Bình Sơn (17 ha).
Tính đến giữa tháng 3, trà lúa sớm thu hoạch được 190 ha (huyện Đức Phổ), giảm 77,2% so với cùng thời điểm năm 2016 (do năm nay gieo sạ muộn hơn).
Diện tích ngô gieo trồng ước đạt 4.714,6 ha, tăng 1,7% (79,2 ha) so với cùng thời điểm năm 2016. Diện tích khoai lang đạt 227,4 ha, tăng 9,5% (19,7 ha). Diện tích lạc đạt 3.453,2 ha, giảm 13,5% (539,2 ha). Diện tích đậu tương đạt 21,7 ha, giảm 20,2% (5,5 ha). Diện tích rau đạt 6.118,3 ha, giảm 0,5% (27,7 ha). Diện tích đậu đạt 1.674,4 ha, giảm 1,9% (32,3 ha). Diện tích rau, đậu giảm chủ yếu do mưa đầu vụ kéo dài, nhiều diện tích bị ẩm ướt không gieo trồng được.
* Tình hình sâu bệnh: các đối tượng sâu bệnh đang gây hại trên các cánh đồng gồm: chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn,... Cụ thể như sau:
         - Cây lúa: Tổng diện tích bị nhiễm 4.946,2 ha, nhiễm nhẹ 3.496,1 ha, nhiễm trung bình 1.180,9 ha, nhiễm nặng 287,2 ha.
- Các loại cây hoa màu: Tổng diện tích nhiễm 746,5 ha (nhiễm nhẹ 541,0 ha, nhiễm trung bình 171,0 ha, nhiễm nặng 34,5 ha).
    - Hiện nay, bên cạnh việc chăm sóc lúa, trồng và thu hoạch các loại cây rau đậu, nông dân đang tập trung thu hoạch mía, sắn.
- Đầu quý I, các loại cây ăn quả lâu năm như chuối, bưởi, bòng, dứa, ổi, xoài,… được tăng cường chăm sóc, thu hoạch để tiêu thụ trong dịp Tết. Tuy nhiên, do trồng với quy mô nhỏ nên sản lượng không nhiều và không có sự biến động đáng kể so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính, sản lượng chuối thu hoạch trong quý đạt 6.502 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2016; dứa đạt 572 tấn, tăng 0,4%; đu đủ đạt 262 tấn, tăng 0,8%; dừa đạt 3.361 tấn, tăng 0,3%; bưởi, bòng đạt 196 tấn, tăng 1%.
Ước tính, tại thời điểm đầu năm 01/01/2017, đàn trâu toàn tỉnh có 67.530 con, tăng 2,6% (1.720 con) so với đầu năm 2016. Đàn bò có 278.846 con, giảm không đáng kể so với đầu năm 2016.
Đàn lợn có 436.795 con, giảm 2,5% (11.274 con) so với cùng thời điểm năm 2016. Trong đó, lợn thịt có 355.266 con, giảm 3,1% (11.489 con); lợn nái có 81.073 con, giảm 0,3% (245 con); lợn đực giống có 456 con, tăng 8,1% (34 con).
Đàn lợn giảm là do trong thời gian cuối năm 2016, giá thịt lợn hơi giảm sâu làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi, hạn chế thả nuôi lại sau xuất chuồng và tăng đàn.
Đàn gà tại thời điểm 01/01/2017 có 3.351,2 ngàn con, tăng 4,6% (148,5 ngàn con) so với thời điểm 01/01/2016. Riêng gà công nghiệp có 105,1 ngàn con, tăng 173,7% so với thời điểm 01/01/2016, chủ yếu do trong năm 2016 phát sinh 01 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở huyện Bình Sơn (40 ngàn con) và trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở huyện Tư Nghĩa tăng thêm 7 ngàn con.
Trong quý I, chăn nuôi gặp khó khăn nhất định do dịch bệnh (gia cầm), giá thu mua (lợn) và nguồn thức ăn (trâu bò) nên không tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển, mở rộng.
Ước tính, tại thời điểm cuối tháng 3, đàn trâu toàn tỉnh đạt 67.850 con, tăng 1,4% so với cùng thời điểm năm 2016; đàn bò đạt 280.980 con, tăng 0,1%. Những năm gần đây, chăn nuôi trâu có chiều hướng phát triển mạnh, nhất là ở các huyện miền núi do hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển đàn trâu trong quý I năm 2017 gặp trở ngại do thời tiết lạnh và nguồn thức ăn hạn chế ở các huyện miền núi (cỏ tự nhiên không đủ trong khi rơm rạ không nhiều).
Đàn lợn đạt 440.090 con, giảm 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016. Đàn lợn giảm là do trong tháng 02 và đầu tháng 3, các trang trại xuất chuồng, vệ sinh chuồng trại chưa thả nuôi mới. Đồng thời, thời gian cuối năm 2016, giá thịt lợn hơi giảm sâu làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi, hạn chế thả nuôi lại sau xuất chuồng và tăng đàn.
Đàn gia cầm đạt 4.628,6 ngàn con, tăng 4,7%; trong đó, đàn gà đạt 3.286,8 ngàn con, tăng 4,1%. Trong xu thế phục hồi chăn nuôi gia cầm, đàn gia cầm tăng mạnh trong thời gian vừa qua, mức tăng thấp như trên là do dịch cúm gia cầm type A/H5N6 gây ra. Trong tháng 02/2017, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại các xã Phổ Cường, Phổ Châu (huyện Đức Phổ), xã Bình Minh (huyện Bình Sơn) và xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi) làm chết và tiêu hủy 22.300 con gà. Trong đó số chết trước tiêu hủy là 4.571 con, số tiêu hủy bắt buộc là 17.729 con. Tính chung trong quý I, toàn tỉnh có 23.960 con gia cầm bị dịch chết hoặc tiêu huỷ bắt buộc (vịt 1.660 con, gà 22.300 con).
Nhờ có mưa rải rác nên trồng rừng trong tháng 3 tiếp tục được duy trì. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 535 ha, giảm 51,4% (567 ha) so với cùng tháng năm 2016. Ước tính quý I, diện tích rừng trồng tập trung đạt 3.841 ha, tăng 14,9% (499 ha) so với cùng kỳ năm 2016.
Do diện tích rừng đến kỳ khai thác nhiều, nhu cầu trên thị trường lớn nên mặc dù mức độ khai thác gỗ rừng trồng (chủ yếu là gỗ nguyên liệu giấy) thấp hơn cùng tháng năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao: ước đạt 72.212 m3, giảm 1,8% (1.357 m3) so với tháng 03 năm 2016. Sản lượng củi khai thác ước đạt 21.304 ste, giảm 4,3% (964 ste) so với tháng 03 năm 2016.
Ước quý I, sản lượng gỗ khai thác đạt 152.818 m3, giảm 19,3% (36.449 m3). Sản lượng củi khai thác đạt 44.384 ste, giảm 11,2% (5.596 ste).
Từ đầu năm đến giữa ngày 15 tháng 3/2017, mưa nhiều, không khí ẩm ướt kéo dài, chưa có nắng gay gắt nên không phát sinh cháy rừng.
Trong tháng 03, qua tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét, phát hiện 20 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nhưng không có chặt phá rừng. Tính chung 03 tháng đầu năm, phát hiện 40 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 03 vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích rừng bị phá là 4,52 ha, còn lại là vận chuyển trái phép lâm sản và các vi phạm khác.
Hoạt động thuỷ sản trong tháng giữ ổn định nhờ thời tiết tốt, dịch bệnh tôm nuôi không xảy ra. Sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 14.237,1 tấn, tăng 7,2% (957,3 tấn) so với tháng 3 năm 2016.
Sản lượng khai thác trong tháng 3 ước đạt 13.981 tấn, tăng 7,1% (931 tấn) so với tháng 3/2016; trong đó, khai thác biển 13.925 tấn, tăng 7,2%; khai thác nội địa 56 tấn, tăng 1,8%.
Ước tính quý I, sản lượng khai thác đạt 30.967 tấn, tăng 8,6% (2.463 tấn) so với cùng kỳ  năm 2016; trong đó, khai thác biển 30.800 tấn, khai thác nội địa 157 tấn. Sản lượng khai thác tăng khá so với quý I năm 2016 một phần do năng lực đánh bắt tăng, một phần do thời tiết trên biển trong quý I năm 2016 không thuận lợi cho khai thác (hai tháng đầu năm).
Tổng diện tích đang thả nuôi trong tháng đạt 804,4 ha, giảm 1,2% (9,9 ha) so với tháng 03 năm 2016. Trong đó, diện tích nuôi cá đạt 627,7 ha, tăng 2,1% so với tháng 3 năm 2016; tôm có 162,3 ha (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), giảm 14,4% (27,3 ha); các loại thủy sản khác (cua, ốc hương,…) đạt 14,4 ha.
Diện tích nuôi tôm hiện nay chủ yếu là nuôi tôm thẻ trên cát. Trong quý I, dịch bệnh ở tôm nuôi ít nhưng thời tiết không thuận lợi làm tôm chậm lớn (hai tháng đầu).
Từ tháng 10/2016, hàu Thái Bình Dương nuôi lồng (thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) có hiện tượng chết rải rác, và bắt đầu chết hàng loạt từ sau Tết Nguyên đán. Đến nay, hàu nuôi lồng gần như bị mất trắng toàn bộ. Ngoài ra, Cá trắm cỏ nuôi lồng tại thôn Canh Mo, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà bị bệnh chết nhưng không đáng kể.
Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 256,1 tấn, tăng 11,5% (26,3 tấn) so với tháng 3/2016. Trong đó, cá ước đạt 66,2 tấn, giảm 26,4% (23,7 tấn); tôm ước đạt 126,7 tấn, tăng 61,9% (62,2 tấn); các loại thuỷ sản khác ước đạt 27,2 tấn, giảm 31%.
Ước quý I, sản lượng nuôi trồng đạt 654,6 tấn, giảm 6,2% (43 tấn) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, cá ước đạt 110,5 tấn, giảm 7,5% (9 tấn); tôm ước đạt 435 tấn, giảm 13,3% (66,8 tấn); các loại thuỷ sản khác ước đạt 109,1 tấn, tăng 34,5%.
- Sản xuất giống: Trong tháng, sản xuất được 85 ngàn con cá giống nước ngọt (chép, trắm cỏ, trôi, mè, rô phi đơn tính dòng NOVIT 4), giảm 6,6% (6 ngàn con) so với cùng tháng năm 2016. Ước tính quý I, sản xuất được 147 ngàn con cá giống nước ngọt, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.
2. Sản xuất công nghiệp
Ước tính giá trị sản xuất tháng 3/2017 đạt  9.484,5 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 14,2% so với tháng trước, nguyên nhân tăng cao chủ yếu từ sản phẩm lọc hóa dầu tăng hơn 82 nghìn tấn so với tháng trước . Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 8.022,9 tỷ đồng, tăng 15,6%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.202,3 tỷ đồng, tăng 8,4% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 259,3 tỷ đồng, tăng 2,1%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì GTSX tháng này tăng 3,0%.
Ước tính quý I/2017, GTSX công nghiệp đạt 27.530,1 tỷ đồng (theo giá SS 2010), tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước, nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì GTSX tăng 10,8%. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 23.156,8 tỷ đồng, giảm 0,2%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.601,6 tỷ đồng, tăng 17,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 771,7 tỷ đồng, tăng 7,2%.
Trong quý, trừ sản phẩm đường RS giảm (-14,35%) các sản phẩm chủ yếu còn lại đều tăng. Trong đó, một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2016 như: Quần áo may sẵn đạt 3.113 ngàn cái, tăng 9,7%; gạch xây các loại đạt 91.765 ngàn viên, tăng 7,6%; bánh kẹo các loại đạt 3.895 tấn, tăng 13,4%; nước mắm đạt 1.930 ngàn lít, tăng 9,7%; rượu trắng đạt 1.799 ngàn lít, tăng 22,0%; gỗ xẻ đạt 35 ngàn m3, tăng 6,6%;  nước máy thương phẩm đạt 2.862 ngàn m3, dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt 140.072 tấn, tăng 34,4%; điện sản xuất đạt 187,07 triệu kwh, tăng 416,3% và điện thương phẩm đạt 204,64 triệu kwh, tăng 10,7%. Riêng sản phẩm lọc hóa dầu đạt 1.704.699 tấn, tăng 0,17% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến tính đến hết tháng 02/2017 giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước, trừ sản phẩm tinh bột mỳ và bia đóng chai tiêu thụ khó khăn, còn lại đa số các sản phẩm tiêu thụ tốt hơn hoặc xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có chỉ số  tiêu thụ tăng khá như: Đường RS tăng 13,34%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 68,83%; xăng máy bay tăng 36,55%; cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng tăng 29,71%. Một số sản phẩm có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: Tinh bột mỳ giảm 26,33%; bia đóng chai giảm 29,73%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/3/2017 của ngành công nghiệp chế biến giảm 22,54% so với cùng thời điểm năm trước, trừ sản phẩm bia đóng chai có chỉ số tồn kho cao (17,23%), còn lại các sản phẩm đều có mức tồn kho thấp hoặc xấp xỉ cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/03/2017 giảm 0,36% so với tháng trước và giảm 5,45% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,1%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 11,49%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,13%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 1,13% so với cùng thời điểm năm 2016; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,39%; sản xuất, phân phối điện giảm 1,11%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,48%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tại thời điểm 01/03/2017 tăng khá so với cùng thời điểm năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,81%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,65%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu thụ rác thải tăng 7,38%. 
3. Hoạt động của doanh nghiệp
Tình hình đăng ký doanh nghiệp:
Trong tháng (tính đến ngày 20/03/2017), toàn tỉnh có 53 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 150,5 tỷ đồng, tăng 50,2% về số doanh nghiệp và tăng 58,15% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 2,84 tỷ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng có 4 doanh nghiệp  đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 4 doanh nghiệp  và 1 đơn vị trực thuộc đã giải thể.
 Luỹ kê từ đầu năm đến ngày 20/03/2017, toàn tỉnh có 164 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới  với số vốn đăng ký là 10.560 tỷ đồng, tăng 14,7% về số doanh nghiệp và gấp 39,87 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 64,39 tỷ đồng, gấp 35,64 lần so cùng kỳ  năm trước. Trong thời gian trên, có 56 doanh nghiệp  và 6 đơn vị trực thuộc  đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 25 doanh nghiệp  và 6 đơn vị trực thuộc  đã giải thể.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp:
Theo kết quả điều tra về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý I năm 2017 so với quý trước, có 42,86% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước, trong đó doanh nghiệp nhà nước có 33,33%, doanh nghiệp ngoài nhà nước có 42,11% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 60,0%; có 44,90% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định như quý trước; chỉ có 12,24% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn, tất cả đều thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước thuộc ngành chế biến gỗ, ngành sản xuất giấy và ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác .
Dự kiến quý II năm 2017 so với quý I năm 2017, có 60,42% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên; có 20,83% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định; có 18,75% số doanh nghiệp dự báo kém đi, trong đó doanh nghiệp nhà nước có 33,33%, doanh nghiệp ngoài nhà nước có 16,22% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 20,0%.
4. Đầu tư, xây dựng
Để thực hiện tốt công tác xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư cần có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, giải ngân tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu có điều kiện thực hiện tốt công tác thi công xây lắp, cụ thể:
-Thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phân bổ vốn đầu tư công.
-Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; thúc đẩy thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh.
-Thực hiện các biện pháp để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
-Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP để thu hút mạnh vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng; đồng thời, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu và chương trình quốc gia trên từng địa bàn, ưu tiên vốn của các chương trình này cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng.
-Thường xuyên tổ chức trực báo, kịp thời giải quyết các vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn trong quý I/2017 ước đạt 4.198,1 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2016, nguyên nhân tăng chủ yếu từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể, vốn khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 1.734,6 tỷ đồng, tăng 3,9% (vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ: 1.106,4 tỷ đồng, tăng 7,9%; vốn vay: 334,1 tỷ đồng, tăng 338,1%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước: 294,1 tỷ đồng, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm trước); vốn ngoài nhà nước ước đạt 1.913,5 tỷ đồng, tăng 2,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 550 tỷ đồng, tăng 182,8% so với cùng kỳ năm 2016.
5. Thương mại, giá cả
Trong tháng hoạt động thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng diễn biến ổn định, nguồn hàng và sức mua trên thị trường có tăng nhẹ so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 3/2017 ước đạt 3.716,9 tỷ đồng, tăng 0,46% so với tháng trước. Trong đó: thành phần kinh tế nhà nước đạt 212,2 tỷ đồng, tăng 0,98%; kinh tế cá thể đạt gần 2.695,8 tỷ đồng, tăng 0,36%; kinh tế tư nhân đạt gần 806 tỷ đồng, tăng 0,64%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ đồng.
Trong quý I/2017, hoạt động thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng diễn ra sôi động do có Tết Nguyên đán, nguồn hàng phong phú, đa dạng, sức mua tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.249,2 tỷ đồng, tăng 12,19% so với cùng kỳ năm 2016 (tăng cao hơn cùng kỳ năm trước: quý I năm 2016 tăng 8,82% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó: thành phần kinh tế nhà nước đạt 649,9 tỷ đồng, tăng 15,75%; kinh tế cá thể đạt 8.157,9 tỷ đồng, tăng 11,81%; kinh tế tư nhân đạt 2.432,5 tỷ đồng, tăng 12,45%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,8 tỷ đồng, giảm 0,36%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xét theo ngành hoạt động thì hoạt động thương nghiệp đạt 8.395,2 tỷ đồng, tăng 12,01%; hoạt động lưu trú đạt 68,3 tỷ đồng, tăng 25,95%; hoạt động ăn uống đạt 2.045,8 tỷ đồng, tăng 13,58%; hoạt động du lịch lữ hành đạt 1,9 tỷ đồng, tăng 13,56%; hoạt động dịch vụ đạt 738 tỷ đồng, tăng 9,34%   
Chỉ số giá tiêu dung (CPI) tháng 3/2017 tiếp tục giảm 0,14% so với tháng trước; tăng 7,60% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá bình quân 3 tháng đầu năm so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 7,85%.
Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính, có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Có 3 nhóm ổn định, gồm: thuốc và dịch vụ y tế và giáo dục. Có 7 nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng, trong đó tăng mạnh có nhóm: giao thông tăng 1,62%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,48%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,44%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,77%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,72%.
Chỉ số giá vàng tháng 3/2017 giảm 0,96% so với tháng trước; tăng 2,18% so với tháng 12/2016, tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước, bình quân tăng 8,33%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2017 tăng 0,68% so với tháng trước; tăng 0,50% so với tháng 12/2016, tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước, bình quân tăng 1,43%..
6. Hoạt động vận tải:
Trong quý I năm 2017, Ngành giao thông vận tải đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 23/12/2016 và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trước trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017; tổ chức thực hiện tốt công tác vận chuyển hành khách trong dịp Tết nguyên đán; kiểm tra, thẩm định 14 hồ sơ kê khai giá cước vận tải trong dịp Tết Nguyên đán trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
- Vận tải hành khách trong tháng 3/2017 ước đạt 455,23 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 107.860,51 ngàn lượt khách-km, tương ứng vận chuyển giảm 1,82% và luân chuyển giảm 6,65% so với tháng trước. So với tháng cùng kỳ năm trước thì vận chuyển tăng 33,07%, luân chuyển tăng 28,39%.
Ước tính quý I/2017, vận chuyển hành khách đạt 1.403,43 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 335.667,91 ngàn lượt khách – km, tăng tương ứng 17,7% và 18,79% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Vận tải đường bộ ước đạt 1.345 ngàn lượt khách, tăng 17,89% và 333.909,38 ngàn lượt khách – km, tăng 18,82%; đường biển ước đạt 58,4 ngàn lượt khách, tăng 13,38% và 1.758,53 ngàn lượt khách – km, tăng 12,7%.
- Vận tải hàng hóa trong tháng 3/2017 ước đạt 780,24 ngàn tấn với mức luân chuyển 120.078,89 ngàn tấn-km, tăng tương ứng 5,48% và 5,15% so với tháng trước. So với tháng cùng kỳ năm trước thì vận chuyển tăng 6,4%, luân chuyển tăng 3,2%.
Ước tính quý I/2017, vận tải hàng hóa đạt 2.306,08 ngàn tấn với mức luân chuyển 360.302,15 ngàn tấn-km, tăng tương ứng 6,99% và 3,35% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Vận tải đường bộ ước đạt 2.280,92 ngàn tấn, tăng 6,89% và 359.545,31 ngàn tấn – km, tăng 3,33%; đường biển ước đạt 25,16 ngàn tấn, tăng 16,75% và 756,84 ngàn tấn – km, tăng 16,9%.
- Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải trong tháng 3/2017 ước đạt 220 tỷ đồng, tăng 1,55% so với tháng trước. Trong quý I/2017, doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải ước đạt 665,3 tỷ đồng, tăng 11,63% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 209,4 tỷ đồng, tăng 19,31%; vận tải hàng hóa ước đạt 309,7 tỷ đồng, tăng 5,16%; hoạt động kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 146,2 tỷ đồng, tăng 16,06%.
7. Thu, chi ngân sách nhà nước
Ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.028 tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 87,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó:
- Thu nội địa đạt 4.018 tỷ đồng, bằng 33,2% dự toán, bằng 87,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đánh giá một số khoản thu chủ yếu:
+ Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, đạt 2.986 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó thu chủ yếu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất 2.708 tỷ đồng, đạt 41,1% dự toán năm, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2016.
+ Thu từ doanh nghiệp địa phương đạt 28 tỷ đồng, bằng 25,0% dự toán năm, bằng 80,9% so với cùng kỳ năm 2016.
+ Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 70 tỷ đồng, bằng 28,1% dự toán năm, bằng 106,8% so với cùng kỳ năm 2016.
+ Thu từ khu vực ngoài quốc doanh 341 tỷ đồng/1.549 tỷ đồng (bằng 22%); thuế thu nhập cá nhân 82 tỷ đồng/295 tỷ đồng (bằng 27,8%); thuế bảo vệ môi trường 118 tỷ đồng/463 tỷ đồng (đạt 25,5%), các khoản thu này đảm bảo tiến độ thu theo dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
+ Thu tiền sử dụng đất 91 tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm.
- Thu hoạt động xuất nhập khẩu: 195 tỷ đồng, bằng 31,5% so dự toán năm và bằng 81,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu từ NMLD Dung Quất là 152 tỷ đồng.
 Thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương: 345 tỷ đồng; bằng 36,3% dự toán trung ương giao.

Ước chi cân đối ngân sách địa phương quý I năm 2017 là 1.929 tỷ đồng, bằng 17,2% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bằng 167% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó:
- Chi đầu tư phát triển: 310 tỷ đồng, bằng 8,7% so dự toán năm.
    - Chi thường xuyên: 1.597 tỷ đồng, bằng 21,4% so dự toán năm, trong đó:
    + Chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề: 688 tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm.
    + Chi sự nghiệp y tế: 226 tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm.
    + Chi đảm bảo xã hội: 120 tỷ đồng, bằng 28% dự toán năm.
    + Chi quản lý hành chính: 358 tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm.
    Các khoản chi đạt thấp như: chi sự nghiệp kinh tế 83 tỷ đồng, bằng 6% dự toán năm, chi sự nghiệp Văn hóa - Thể thao - Du lịch 18,4 tỷ đồng bằng 15,5% dự toán năm, chi sự nghiệp khoa học và công nghệ 5 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán năm ...
- Dự phòng ngân sách địa phương ước chi 21,85 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng ngân sách tỉnh chi 10,85 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho Công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 3 tỷ đồng; Mua giống lúa, ngô, rau, đậu để khắc phục thiệt hại do mưa lũ vụ Đông Xuân 2016-2017 là 7,85 tỷ đồng.
8. Một số tình hình xã hội:
Tính đến tháng 02/2017, toàn tỉnh ghi nhận 151 trường hợp sốt xuất huyết, giảm 1,92 lần so với cùng kỳ năm trước (không có tử vong). Bệnh tay chân miệng có 17 ca  mắc (chết 0); phân bố theo huyện : Bình Sơn 5, TP Quảng Ngãi 7, Nghĩa Hành 2, Mộ Đức 1, Sơn Hà 2. So với cùng kỳ năm 2016 số ca mắc tăng  6 ca. Thủy đậu có 39 ca mắc (chết 0); Quai bị có 23 ca mắc (chết 0); Viêm não vi rút co  6 ca (chết 0).
 Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân: Trong quý, không phát hiện trường hợp bệnh mới hoặc tái phát. Các biện pháp can thiệp, giám sát vẫn đang tiếp tục được triển khai tại cộng đồng.
Số người nhiễm HIV được phát hiện trong quý: 26 người. Số người nhiễm HIV/AIDS được quản lý, điều trị: 241 người; Số người điều trị Methadone: 73 người.
Trong quý không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Giám sát mối nguy 266 mẫu. Kết quả:
+ Cấp tỉnh: 61/66 mẫu đạt (03 mẫu chả thịt chứa Acid Sorbic, 02 mẫu cà phê có hàm lượng cafein không khớp nhãn lưu hành).
+ Cấp huyện: 188/200 mẫu đạt (8 mẫu rau nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 04 mẫu độ sạch bát đĩa nhiễm)
Trong Quý I/2017, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/2/2017), Mừng Đảng – Mừng Xuân Đinh Dậu năm 2017; kỷ niệm 71 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 06/01/1946 – 06/01/2017); tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tuyên truyền việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”...  
Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón xuân Đinh Dậu năm 2017 được tổ chức khá chu đáo, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và được nâng cao về chất lượng nghệ thuật. Các lễ hội truyền thống ở các địa phương được duy trì tổ chức với nhiều sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng phong phú như  Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản, lễ hội đua thuyền truyền thống; hát múa bả trạo; Hội Bài chòi và ra mắt CLB dân ca bài chòi,... đáp ứng được yêu cầu bảo tồn các giá trị văn hoá, thể thao truyền thống và nhu cầu sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của nhân dân.
Chương trình đêm hội đón giao thừa đã diễn ra sôi nổi tại Quảng trường tỉnh và các huyện Đức Phổ, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức; Hội hoa Xuân Đinh Dậu tại công viên Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi với chủ đề "TP Quảng Ngãi - Bình minh hội tụ vươn tới tương lai" đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, tạo khí thế đón xuân vui tươi, phấn khởi.
Hoạt động trưng bày, triển lãm được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức Hội báo xuân Đinh Dậu năm 2017 tại Quảng trường tỉnh để phục vụ nhu cầu đọc báo, tạp chí Tết cho nhân dân. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức các cuộc triển lãm: Triển lãm sách, báo, tạp chí về Đảng và Bác Hồ với chủ đề “87 mùa xuân – chặng đường vẻ vang của Đảng” tại Thư viện tỉnh; Trưng bày chuyên đề “Nghề đan mây tre, làm rượu cần và dệt thổ cẩm của dân tộc H’rê huyện Ba Tơ” tại Bảng tàng Tổng hợp tỉnh với nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu nhằm giới thiệu đến người xem những đặc sắc nổi bật trong kỹ thuật đan lát, dệt thổ cẩm và làm rượu cần truyền thống của đồng bào H’rê...
Tình hình tai nạn giao thông trong tháng (tính từ ngày 16/02/2017 đến 15/03/2017), toàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ TNGT (các vụ có hậu quả từ ít nghiêm trọng trở lên), chết 07 người, bị thương 09 người. Trong đó TNGT đường bộ xảy ra 07 vụ, chết 07 người, bị thương 09 người; TNGT đường sắt và TNGT đường thủy nội địa không xảy ra.
 So với tháng 3/2016, TNGT đường bộ: số vụ giảm 05 vụ, số người chết giảm 07 người, số người bị thương giảm 03 người; TNGT đường sắt, TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm).
 So với tháng 02/2017, TNGT đường bộ: số vụ giảm 09 vụ, số người chết giảm 10 người, số người bị thương giảm 02 người; TNGT đường sắt, TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm).
Va chạm giao thông trong tháng xảy ra 37 vụ, số người bị thương 55 người. So với tháng 3/2016, số vụ giảm 20 vụ; số người bị thương giảm 33 người. So với tháng 02/2017, số vụ giảm 17 vụ; số người bị thương giảm 18 người.
Tính chung 3 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2016 đến ngày 15/03/2017), toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ TNGT (các vụ có hậu quả từ ít nghiêm trọng trở lên), chết 37 người, bị thương 26 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 35 vụ, chết 37 người, bị thương 26 người; TNGT đường sắt, TNGT đường thủy nội địa không xảy ra (không tăng, không giảm). 
So với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng 01 vụ, số người chết tăng 01 người,  số người bị thương giảm 09 người. Trong đó, TNGT đường bộ: số vụ tăng 01 vụ, số người chết tăng 01 người, số người bị thương giảm 09 người; TNGT đường sắt, TNGT đường thủy nội địa không xảy ra (không tăng, không giảm).  
Va chạm giao thông 3 tháng đầu năm xảy ra 123 vụ, số người bị thương 167 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 72 vụ; số người bị thương giảm 131 người.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2103

Tổng số lượt xem: 478871

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready