Truy cập nội dung luôn

Thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Quảng Ngãi qua điều tra thống kê hàng năm

27/01/2015 12:00    4657

Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao mức sống người dân, cải thiện tình trạng sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, cả nước cũng như ở tỉnh Quảng Ngãi đang đối mặt với thách thức đó là: mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động. Tỉnh Quảng Ngãi mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao, xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tỷ số giới tính khi sinh

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái và ổn định theo thời gian, không gian được coi là bình thường. Ở Quảng Ngãi sự mất cân bằng giới tính được xem là cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và miền Trung - Tây Nguyên. Biểu 1: số liệu gần nhất trong cuộc Điều tra dân số và kế hoạch hoá gia đình 1/4/2013 (tạm tính) của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở Quảng Ngãi là 124,3 bé trai/ 100 bé gái, trong khi một số tỉnh lân cận như Bình Định là: 99,7 nam/100 bé gái, Phú Yên là: 100,3 bé trai/ 100 nữ, Quảng Nam là: 104,8 bé nam/100 bé, Đà Nẵng 95,7 bé nam/ 100 bé gái, Kon Tum là: 96,2 bé trai/100 bé gái, Gai Lai là: 114 bé nam/100 bé gái. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính ở Quảng Ngãi là 115,1 bé trai/100 bé gái, so với khu vực miền trung- tây nguyên, tỷ số mất cân giới tính này cũng đứng đầu khu vực và có xu hướng không hề giảm qua các năm. Trong khi các tỉnh lân cận có mức giảm dần theo các năm và có xu hướng ở mức cân bằng (bình thường) Biểu 1: Tỷ số giới tính qua 5 năm từ năm 2009 đến 2013, khu vực miền trung-tây nguyên Đơn vị tính: số bé trai/100 bé gái

Tỉnh, Thành phố/ Năm

2009

2010

2011

2012

2013

Đà Nẵng

105,4

120,3

97,2

95,5

95,7

Quảng Nam

95,0

95,0

121,3

99,3

104,8

Quảng Ngãi

115,1

109,6

127,0

114,2

124,3

Bình Định

113,5

113,0

112,2

106,3

99,7

Phú Yên

110,1

126,0

100,2

108,0

100,3

Kon Tum

103,6

104,1

104,2

94,2

96,2

Gia Lai

103,2

109,0

111,5

103,4

110,0

(Số liệu từ  điều tra biến động dân số hàng năm)
Trên biểu đồ 2 cho thấy, ở Quảng Ngãi chênh lệch giới tính ở thành thị qua các năm từ 2009 đến năm 2013 thì vùng thành thị có xu hướng chênh lệch giới tính cao hơn nông thôn và ở hai vùng, xu thế mất cân bằng giới tính tăng dần theo các năm. Từ số liệu Điều tra biến động dân số năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh tăng tỷ lệ thuận với trình độ học vấn, nhóm tuổi người mẹ và theo báo cáo của hệ thống dân số các huyện, thành, thị về số trẻ em sinh trong 5 năm 2009-2013 thì tất cả các huyện/thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao trên mức bình thường, cao nhất là vùng hải đảo, mặt khác xu hướng lựa chọn giới tính thai nhi xuất hiện ngay lần sinh thứ nhất.
Biểu đồ 2: Biểu đồ biến động tỷ số giới tính tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2009-2013, theo thành thị/nông thôn .
dothidanso copy.png  Theo kết quả Điều tra biến động  dân số 1/4/2013 tỷ số giới tính khi sinh cao hơn trung bình cả nước. Đây là điều cảnh báo của nguy cơ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng sẽ diễn ra trong tương lai ở địa phương. Theo dự báo, nếu tiếp tục tăng như vậy các năm tiếp theo sẽ tác động nặng nề đến thế hệ nam thanh niên được sinh ra sau năm 2013 vì khi bước vào độ tuổi lập gia đình vào những năm 2040 thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi từ 10% đến 25%. Nguyên nhân của tình trạng trên là: Phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên ăn sâu vào tiềm thức người dân. Do áp lực sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con nhưng các cặp vợ chồng mong muốn trong số đó nhất thiết phải có con trai vì vậy đã tìm các dịch vụ y tế, xã hội để lựa chọn giới tính khi sinh. Do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Do chế độ an sinh chưa đảm bảo, hiện nay có khoảng trên 70% dân số của tỉnh  không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng chăm sóc. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai vì họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai. Do chính sách đối với nữ giới chưa thoả đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ. Nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai như chế độ ăn uống, ngày phóng noãn, trong thụ thai chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, siêu âm bắt mạch chọc hút dịch ối...nạo phá thai. Giải pháp Cần chủ động tham mưu cho các cấp uỷ đảng, chính quyền về các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh tại địa phương. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xoá bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường. Cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến mỗi cấp uỷ đảng, chính quyền và mọi tầng lớp dân cư. Chú trọng giáo dục về giới tính, bình đẳng giới cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chính sách kinh tế-xã hội ưu tiên quan tâm tới những gia đình sinh con một bề là gái. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1846

Tổng số lượt xem: 478401

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready