Truy cập nội dung luôn

Đặc điểm dân số và nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi

10/12/2014 12:00    19120

Đến năm 2013 dân số trung bình của tỉnh Quảng Ngãi là 1.236.250 người. Toàn tỉnh có khoảng 324.000 hộ gia đình, bình quân 3.75 nhân khẩu/hộ. Dân số thành thị có chiếm 14,62% và dân số nông thôn chiếm 85,38%. Trong cơ cấu dân số phân theo giới tính, nữ chiếm 50,7%, nam chiếm 49,3%; phân theo độ tuổi, từ 0-59 tuổi chiếm khoảng 88,51%, chỉ tiêu này cho thấy đây là cơ cấu dân số trẻ, riêng dân số dưới 15 tuổi chiếm 25,55%, đây là lực lượng lao động dự trữ dồi dào của tỉnh.

​Mật độ dân số toàn tỉnh là 240 người/km2,thuộc loại thấp so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Dân cư phân bố không đều giữa các vùng lãnh thổ, tập trung đông ở các thành phố, thị xã, các huyện đồng bằng như TP Quảng ngãi: 3084 người/km2, Huyện Bình Sơn : 379 người/km2,   Huyện Sơn Tịnh: 550 người/km2, Huyện Tư Nghĩa:745 người/km2; Huyện Nghĩa hành:384 người/km2 , Huyện Mộ Đức: 595 người/km2; Huyện Đức Phổ: 384 người/km2  khi đó huyện Ba tơ chỉ có 46 người/km2, Sơn Tây 48 người/km2... Sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước, thủy lợi, trường học, trạm y tế... phục vụ sản xuất và dân sinh ở những vùng có địa hình núi cao, chia cắt, thưa dân.
  Đến 1/4/2009 ( Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009) toàn tỉnh có 346.287 nghìn người trong độ tuổi lao động (từ 15-65 tuổi), chiếm khoảng 65,55% dân số.
Từ năm 1999 đến nay, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ta được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2005, có trên 26% lao động trong các ngành kinh tế quốc dân qua đào tạo, thì đến năm 2009, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 35% và đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 37%.
Chất lượng giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được nâng lên đáng kể. Tổng số học sinh các bậc học đến trường bình quân đạt 98,4%, trong đó tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 97,3%. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tương đối cao, đạt tỷ lệ bình quân khoảng 23%/năm.
Trong những năm qua, việc làm trên địa bàn tỉnh tăng cao, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm trên 35.000 lao động. Trong đó, lao động chuyển dần từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và dịch vụ; đến nay, tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ chiếm 51%, khả năng đến năm 2015 đạt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh là 53%. Hiện tại, lao động tại KKT Dung Quất trên 13.000 người, KCN Quảng Phú trên 5.700 người, KCN Tịnh Phong có khoảng 2.300 người.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên. Trong số lực lượng CCVC toàn tỉnh có trên 50% có trình độ đại học, sau đại học và 5,9% có trình độ cao cấp chính trị; từ năm 2010 đến năm 2013, tỉnh đã cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo 18 tiến sĩ, 277 thạc sĩ, 124 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 26 bác sĩ chuyên khoa cấp II. Tuy nhiên, qua khảo sát, công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, chất lượng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cán bộ công chức ngành y tế, khoa học và công nghệ,…Theo dự báo trong thời gian tới, KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh cần hàng ngàn lao động có tay nghề và kỹ thuật cao,…
Ngoài ra, hệ thống các trường đào tạo (03 trường đại học, 02 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 02 trường cao đẳng nghề  và các trung tâm, cơ sở dạy nghề ở các huyện TP) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
   Nhân dân Quảng Ngãi có truyền thống cần cù, hiếu học; sáng tạo trong lao động sản xuất và có tình tương thân, tương ái, giúp nhau trong đời sống, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh, trong xóa đói giảm nghèo. Trải qua những giai đoạn khốc liệt của các cuộc chiến tranh, người dân Quảng Ngãi vẫn bất khuất, kiên trung vượt qua gian khó vươn lên. Quảng Ngãi còn là vùng đất lịch sử nổi tiếng, có truyền thống yêu nước, cách mạng, sản sinh những người con kiệt xuất cho đất nước. Qua các thời kỳ phát triển, Quảng Ngãi đã có nhiều danh nhân đạt những danh hiệu cao quý.
Cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi gồm 4 dân tộc chính: Kinh, Hre, Cor và Ca dong. Tỉ lệ các dân tộc thiểu số đến 2013 chiếm khoảng 12,94% tổng dân số. Mỗi dân tộc đều có lịch sử lâu đời và có truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc, đặc biệt là văn hóa dân gian. Đồng bào các dân tộc thiểu số Hre, Cor và Ca dong sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh như: Ba tơ ( 83,3%), Minh Long (72,76%), Sơn Tây (89,3%), Sơn hà (83,1%), Tây trà (93,7%), Trà Bồng (44,2%). Các dân tộc anh em trên đất Quảng Ngãi đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có những đóng góp to lớn cho thắng lợi của dân tộc và ngày nay đang chung sức đồng lòng, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương đất nước.
Nhìn chung, dân số và nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi dồi dào; có nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống quý báu. Tuy nhiên vấn đề dân cư và lao động của tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập như: dân cư phân bố không đều trên các địa bàn lãnh thổ; trình độ dân trí còn thấp nhất là vùng sâu, vùng xa; trình độ chuyên môn, kỹ thuật lành nghề còn hạn chế, thiếu đội ngũ lao động có chất lượng cao, thiếu chuyên gia giỏi... Do đó vấn đề nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát huy yếu tố nội lực con người là nhiệm vụ cấp bách trước mắt cũng như chiến lược lâu dài của tỉnh nhằm đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 717

Tổng số lượt xem: 480635

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready