Truy cập nội dung luôn

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 năm 2015

26/10/2015 12:00    696

Kinh tế - xã hội năm 2015 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông diễn biến khó lường. Kinh tế thế giới có thêm những dấu hiệu khó khăn mới, giá dầu giảm mạnh, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của đồng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỷ giá của nhiều nước trên thế giới. Ở trong nước, giá dầu thế giới giảm mạnh đã khiến giá dầu trong nước giảm, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, xem xét ở khía cạnh tích cực thì giá dầu giảm là cơ hội để hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong nước giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng xã hội. Xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự giảm giá đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền của nhiều nước khác trên thế giới. Những yếu tố trên ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, trong đó có Quảng ngãi

Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi tháng 10 năm 2015 Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các lĩnh vực và các địa phương triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2015 của UBND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Công văn số 3517/UBND-KTTH ngày 15/7/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ giải pháp phát triển 6 tháng cuối năm 2015. Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả như sau: I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng 10 năm nay ít mưa và bão chưa xuất hiện trong đất liền (tính đến giữa tháng) nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn thuận lợi; các loại hoa màu sinh trưởng, phát triển tốt; trồng rừng được khẩn trương đẩy mạnh; khai thác gỗ (rừng trồng) vẫn duy trì thường xuyên; khai thác và nuôi trồng thủy sản tuy đi vào chu kỳ giảm trong năm nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

 1.1. Nông nghiệp  1.1.1Trồng trọt

Lúa hè thu gieo sạ được 33.757,3 ha, tăng 2,6% (862,9 ha) so với cùng vụ năm 2014. Diện tích lúa tăng, một phần do diện tích bị nắng hạn không gieo sạ được ít hơn vụ hè thu 2014, một phần do tổ chức đo đạc lại đất đai theo dự án VLAP (Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai) ở huyện Ba Tơ (diện tích tăng so với đo đạc trước đó khoảng trên 710 ha).
Giống lúa sử dụng chủ yếu cho vụ hè thu là trung và ngắn ngày, như VTNA2, ĐV108, KDđ/b, PC6, Q5, Thiên ưu 8,... Trên đồng ruộng xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh gây hại như: chuột, rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh chết cây, bệnh thối đen lem lép hạt…; trong đó, các đối tượng phát sinh gây hại nặng trên lúa giai đoạn làm đòng - chắc xanh gồm: chuột, rầy nâu - rầy lưng trắng, bệnh khô vằn với tổng diện tích nhiễm nặng 504 ha (chuột 41,5 ha, rầy nâu - rầy lưng trắng 172,5 ha, bệnh khô vằn 290 ha).
Đến nay, đã thu hoạch xong lúa hè thu. Trong thời gian lúa chín, rầy nâu - rầy lưng trắng xuất hiện gây gại trên diện rộng, lúa ngã nhiều, ảnh hưởng đến năng suất. Năng suất lúa đạt 56,0 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2014. Sản lượng đạt 188,9 ngàn tấn, tăng 0,6% (1,1 ngàn tấn) so với vụ hè thu 2014.
Do vụ hè thu kết thúc muộn nên người dân hạn chế sản xuất vụ mùa (nhằm tránh thiệt hại do mưa bão). Các địa phương đang giảm dần việc sản xuất lúa mùa nên mặc dù có khoảng 757 ha lúa hè thu ở huyện sơn Tây được chuyển sang vụ mùa nhưng diện tích tăng không đáng kể: đạt 2.332 ha, tăng 1,8% (41 ha) so với cùng vụ năm 2014. Tính đến giữa tháng 10, có 385,4 ha đã được thu hoạch (huyện Sơn Tây).
Tính đến giữa tháng, đã gieo trồng được 1.016,8 ha ngô vụ mùa, giảm  25,8% (353 ha) so với vụ mùa 2014. Khoai lang ước đạt 65,6 ha, tăng 28,6% (14,6 ha) so với vụ mùa năm trước. Lạc ước đạt 141,5 ha, tăng 49,5% (138,7 ha). Đậu tương ước đạt 11 ha, giảm 36% (6,2 ha). Diện tích rau đạt 2.114,9 ha, giảm 15,4% (384 ha). Diện tích đậu đạt 425,8 ha, giảm 7,7% (35,5 ha).
Diện tích sắn ước đạt 20.026,1 ha, tăng 0,4% (74,9 ha) so với năm 2014; trong đó, tỷ trọng diện tích sắn ở khu vực miền núi chiếm 54,4%.
Diện tích mía ước đạt 4.417 ha, giảm 13,4% (681,8 ha) so với năm 2014. Mặc dù một số nơi được quan tâm, khích lệ đầu tư trồng, nâng cao năng suất (thông qua Công ty Đường) nhưng trồng mía vẫn không chặn được đà suy giảm do hiệu quả kinh tế thấp, một số nơi xa nhà máy chế biến nên chi phí vận chuyển cao, tổ chức thu mua không thuận lợi.
Hiện nay, do chưa xuất hiện mưa bão nên mía và sắn vẫn đang sinh trưởng bình thường. Sắn được thu hoạch dần theo tiến độ thu mua của các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột.

1.1.2. Chăn nuôi

Thời tiết trong tháng 10 (mưa nắng xen kẽ) rất dễ làm phát sinh các loại dịch bệnh ở gia súc và gia cầm, nhất là các dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, heo tai xanh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất cao. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng, ngoài các loại dịch bệnh thông thường phát sinh cục bộ, mức độ thiệt hại không đáng kể, các dịch bệnh nghiêm trọng chưa xảy ra.
Trong tháng 9 (18/9/2015), bệnh cúm gia cầm xảy ra tại thôn Trà Bình xã Tịnh Trà huyện Sơn Tịnh làm chết và tiêu hủy 2.000 con vịt 45 ngày tuổi(chết 1.195 con, tiêu hủy bắt buộc 805 con). Từ đầu tháng 10 đến ngày 15/10, không phát hiện thêm các điểm dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng gia súc, heo tai xanh.
Tính từ đầu tháng 01/2015 đến giữa tháng 10/2015, bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại 26 hộ nuôi ở hai xã Sơn Màu và Sơn Tân của huyện Sơn Tây với 53 con trâu, bò bị nhiễm bệnh (trong đó chết 4 con, số còn lại được điều trị khỏi); bệnh cúm gia cầm làm chết và tiêu hủy 4.600 con vịt và 8.000 con chim cút; bệnh tai xanh ở lợn không xảy ra. Chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chính như trâu, bò, gà trong tháng 10 tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển; việc xuất chuồng, nhất là trâu, bò diễn ra mạnh hơn các tháng trước nhằm tránh thiệt hại do mưa bão. Chăn nuôi lợn có dấu hiệu chững lại do ô nhiễm môi trường ở các trang trại, gia trại.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng, miền núi có mưa đều nên việc trồng rừng được đẩy mạnh. Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng ước đạt 3.321 ha, tăng 76,6% so với cùng tháng năm 2014. Ước tính 10 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 7.781 ha, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 65.204 m3. Ước tính 10 tháng, sản lượng gỗ đạt 600.554 m3, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Những ngày cuối tháng 9, thời tiết nắng nóng kéo dài nên trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy 0,4 ha. Từ đầu tháng 10 đến nay, không phát sinh cháy rừng và nguy cơ cháy cũng giảm nhờ có mưa đều, nắng nóng giảm. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 10, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy là 6,61 ha (Huyện Bình Sơn, Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh và Sơn Tây); so với cùng kỳ năm 2014 tăng 21 vụ. Tuy nhiên, quy mô cháy rừng nhỏ nên diện tích rừng bị cháy giảm 89% (53,7 ha). Qua kiểm tra, phát hiện 22 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá 11,5 ha. Tính từ đầu năm đến nay, phát hiện 79 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá là 30,4 ha; so với cùng kỳ năm 2014 tăng 26 vụ nhưng quy mô các vụ phá rừng nhỏ hơn nên diện tích bị phá giảm 10,1 ha. Nhìn chung, phá rừng xảy ra chủ yếu do nhu cầu đất làm nương rẫy (28,8 ha) và trồng cây công nghiệp (1,5 ha).

1.3. Thủy sản

Sản lượng thủy sản trong tháng 10 ước đạt 12.757 tấn, tăng 9,2% so với tháng 10 năm 2014.
Ước 10 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản đạt 145.064 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

1.3.1. Khai thác

Khai thác vẫn duy trì được nhịp độ phát triển cao nhờ tăng năng lực đánh bắt. Theo số liệu điều tra thủy sản ngày 1/5/2015, toàn tỉnh có 5.499 chiếc tàu đánh bắt thủy sản có động cơ, tăng 4,7%  (246 chiếc) so với cùng thời điểm năm 2014. Tổng công suất tàu thuyền đạt 1.033.178 CV, tăng 22,8%  (192.034 CV). Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 3.261 chiếc, chiếm 59,3%; đánh bắt gần bờ có 2.238 chiếc, chiếm 40,6%.
Sản lượng khai thác trong tháng 10 ước đạt 12.106 tấn, giảm 20% (3.030 tấn) so với tháng 9/2015 và tăng 7,2% (810 tấn) so với tháng 10/2014; trong đó, khai thác trên biển 12.050 tấn, khai thác nội địa 56 tấn.
Ước tính 10 tháng, sản lượng khai thác đạt 140.057 tấn, tăng 7,4% (9.592 tấn) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, khai thác trên biển 139.506 tấn, khai thác nội địa 551 tấn.

1.3.2. Nuôi trồng

Từ tháng 9 đến nay, tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi có chiều hướng giảm. Do vậy, trong tháng, bên cạnh việc thu hoạch tôm và các đối tượng nuôi khác, người dân cũng tiếp tục cải tạo hồ (chủ yếu là trên cát) để thả nuôi tôm vụ mới.
Tổng diện tích đang thả nuôi trong tháng đạt 1.094 ha, giảm 1,7% (19 ha) so với tháng 10 năm 2014; trong đó, tôm có 269 ha (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), giảm 8,8% (26 ha) so với tháng 10/2014; cá nước ngọt, nước lợ và các loại thủy sản khác (cua, ốc hương,…) 825 ha.
Ước 10 tháng, diện tích đang nuôi và đã thu hoạch đạt 1.800 ha, giảm 1,2% (21 ha) so với cùng kỳ năm 2014.
Sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng 10 ước đạt 651 tấn, giảm 15,7% (122 tấn) so với tháng 9/2015 và tăng 70% (268 tấn) so với cùng tháng năm 2014; trong đó, sản lượng tôm 342 tấn, giảm 47% (303 tấn) so với tháng 9 năm 2015 và tăng 41,9% (101 tấn) so với cùng tháng năm 2014. Sản lượng cá chẽm đạt 93 tấn, tăng 257,7% so với tháng 10/2014.
Ước 10 tháng, sản lượng các loại thủy sản nuôi trồng thu hoạch đạt 5.007 tấn, giảm 5,9% (316 tấn) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó tôm đạt 3.744 tấn, giảm 8,6% (353 tấn).
Ngoài tôm và cá nước ngọt, 10 tháng qua còn nuôi 21 ha cá chẽm, 18 ha cá mú, 9 ha cua. Sản lượng cá chẽm thu hoạch 10 tháng đạt 176 tấn, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Cá mú thu hoạch đạt 23 tấn, giảm 16,2% (4 tấn). Cua ước đạt 8 tấn.
Trong tháng 9, người nuôi tôm hùm ở huyện Lý Sơn bị thiệt hại nặng do bão số 3 (15/9/2015) làm hư hại 11 bè nuôi, chết 3.755 con tôm hùm và 700 con cá mú
Sản xuất giống: Sản xuất giống chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng trong tỉnh nên phần lớn con giống được mua từ bên ngoài, không qua kiểm dịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở tôm nuôi. Trong tháng 10, dự kiến sản xuất được 85 ngàn con cá giống nước ngọt (trong đó, riêng sản xuất thử nghiệm 70 ngàn con cá rô phi đơn tính), tăng 112,5% so với tháng 10/2014; sản xuất 2 triệu con tôm giống (chân trắng), tăng 194,1%. Ngoài ra, còn sản xuất 70 ngàn con cua xanh giống; 1,5 triệu con giống ốc hương (sản xuất thử nghiệm).
Ước tính 10 tháng, sản xuất được 560 ngàn con cá giống nước ngọt (cá trám cỏ, cá chép, cá mè,…), tăng 8,7% (45 ngàn con) so với cùng kỳ năm 2014; sản xuất 13,9 triệu con tôm giống (12,7 triệu con tôm thẻ; 1,2 triệu con tôm sú), giảm 42,6% (10,3 triệu con) so với cùng kỳ năm 2014; sản xuất được 756 ngàn con cua xanh giống; 10 triệu con giống ốc hương (sản xuất thử nghiệm).

2.Sản xuất công nghiệp

Ước tính giá trị sản xuất tháng 10/2015 đạt  2.295,9 tỷ đồng (theo giá CĐ 1994), tăng 6,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1.685,1 tỷ đồng, tăng 8,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 558,3 tỷ đồng, tăng 1,3%  và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 52,5 tỷ đồng, tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm trước, GTSX công nghiệp tháng này giảm 0,1%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, GTSX công nghiệp đạt 22.501,7 tỷ đồng (theo giá CĐ 1994), tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân tăng cao chủ yếu do sản lượng sản phẩm lọc hóa dầu tăng gần 1triệu tấn (năm 2014, Nhà mày lọc dầu Dung Quất tạm ngừng hoạt động gần 02 tháng để bảo trì bão dưỡng định kỳ). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 16.796,2 tỷ đồng, tăng 19,8%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 5.244,3 tỷ đồng, tăng 10,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 461,3 tỷ đồng, tăng 1,0%.
Trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, đa số các sản phẩm đều tăng, trong đó nhiều sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ 2014 như: Đường RS đạt 136.615 tấn, tăng 23,6% (trong đó trên địa bàn tỉnh đạt 18.563 tấn, giảm 12,9%); quần áo may sẵn đạt 8.609 ngàn cái, tăng 21,6%; gạch xây các loại đạt 328.593 ngàn viên, tăng 9,0%; nước ngọt đạt 34.730 ngàn lít, tăng 42,3%; nước khoáng và nước tinh khiết đạt 57.086 ngàn lít, tăng 9,7%; rượu thủ công đạt 5.177 ngàn lít, tăng 8,3%; nước máy thương phẩm đạt 9.763 ngàn m3, tăng 10,0%; sữa các loại đạt 204.200 ngàn lít, tăng 31,6%; dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt 446.834 tấn, tăng 8,4%; tinh bột mỳ đạt 188.744 tấn, tăng 13,5% (trong đó trên địa bàn tỉnh đạt 47.826 tấn, tăng 7,1%); sản phẩm lọc hóa dầu đạt 5.648.701 tấn, tăng 20,0%... Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm nhẹ như: Bia giảm 0,3%; bánh kẹo các loại giảm 1,7%; đá khai thác các loại giảm 1,8%.

3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ 3.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10/2015 ước đạt 3.230,9 tỷ đồng, tăng 0,49% so với tháng trước. Trong đó: thành phần kinh tế nhà nước đạt 206,7 tỷ đồng, tăng 0,83%; kinh tế cá thể đạt 2.367,5 tỷ đồng, tăng 0,45%; kinh tế tư nhân đạt 656,6 tỷ đồng, tăng 0,5%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 31.426,4 tỷ đồng, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: thành phần kinh tế nhà nước đạt 1.976,6 tỷ đồng, tăng 10,21%; kinh tế cá thể đạt gần 22.875,0 tỷ đồng, tăng 12,47%; kinh tế tư nhân đạt 6.574,6 tỷ đồng, tăng 12,85%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xét theo ngành hoạt động thì hoạt động thương nghiệp đạt 23.912,7 tỷ đồng, tăng 12,25%; hoạt động lưu trú đạt 180,6 tỷ đồng, tăng 24,05%; hoạt động ăn uống đạt 5.388,7 tỷ đồng, tăng 10,01%; hoạt động du lịch lữ hành đạt 5,1 tỷ đồng, tăng 17,38%; hoạt động dịch vụ đạt 1.939,3 tỷ đồng, tăng 20,77%.

3.2. Hoạt động của ngành vận tải:

Trong tháng 10/2015, ngành Vận tải tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao công tác quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó chú trọng kiểm soát tốc độ phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện. Triển khai thực hiện Quyết định số 3210/QĐ-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tiếp tục kê khai điều chỉnh giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành trung ương và UBND tỉnh. Đến nay, tất cả 18 doanh nghiệp hoạt động vận tải đều kê khai giảm theo giá nguyên liệu từ 2% đến 12% tùy loại hình dịch vụ.
Vận tải hành khách trong tháng 10/2015 ước đạt 377,5 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 96.190,2 ngàn lượt khách-km, tăng tương ứng 1,55% và 0,48% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, vận chuyển tăng 48,41%, luân chuyển tăng 47,25%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, vận chuyển hành khách ước đạt 3.607,4 ngàn lượt khách với mức luân chuyển 897.628,96 ngàn lượt khách – km, tăng tương ứng 28,06% và 26,6% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm: Vận tải đường bộ ước đạt 3.442,74 ngàn lượt khách, tăng 30,39% và 892.450,64 ngàn lượt khách – km, tăng 26,74%; đường biển ước đạt 164,66 ngàn lượt khách, tăng 7,17% và 5.178,32 ngàn lượt khách – km, tăng 6,86%.
Vận tải hàng hóa trong tháng 10/2015 ước đạt 699,68 ngàn tấn với mức luân chuyển 118.934,91 ngàn tấn-km, tăng tương ứng 2,02% và 0,94% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, vận tải hàng hóa ước đạt 6.661,05 ngàn tấn với mức luân chuyển 1.101.961,09 ngàn tấn-km, tăng tương ứng 25,67% và 22,72% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm: Vận tải đường bộ ước đạt 6.578,98 ngàn tấn, tăng 26,1% và 1.099.463,18 ngàn tấn – km, tăng 22,76%; đường biển ước đạt 82,07 ngàn tấn, tăng 8,81% và 2.497,91 ngàn tấn – km, tăng 5,93%. Doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải trong tháng 10/2015 ước đạt 192,9 tỷ đồng, tăng 1,31% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, doanh thu vận tải và các hoạt động dịch vụ vận tải ước đạt 1.824,5 tỷ đồng, tăng 19,24% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm: Vận tải hành khách ước đạt 549,3 tỷ đồng, tăng 25,99%; vận tải hàng hóa ước đạt 915,7 tỷ đồng, tăng 24,62%; hoạt động kho bãi và hỗ trợ vận tải ước đạt 359,6 tỷ đồng, tăng 0,04%.

II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Chỉ số giá 

Chỉ số giá tiêu dung (CPI) tháng 10/2015 tăng 0,05% so với tháng trước. Trong tháng có 06/13 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng nhẹ, gồm: thực phẩm tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,24%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,49%. Có 03/13 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm, gồm: lương thực giảm 1,6%; giao thông giảm 0,01%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Còn lại 04/13 nhóm hàng hóa và dịch vụ không tăng không giảm, gồm: ăn uống ngoài gia đình; đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.        
Chỉ số giá tháng 10/2015 tăng 1,16% so với tháng 10/2014 và tăng 1,48% so với tháng 12 năm 2014; chỉ số giá bình quân 10 tháng đầu năm so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 1,87%.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2015 tăng 0,35% so với tháng trước; giảm 1,09% so với tháng 12/2014 và giảm 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2015 tăng 0,01% so với tháng trước; tăng 5,02% so với tháng 12/2014 và tăng 5,67% so với cùng kỳ năm 2014.

2. Đầu tư xây dựng

Trong những ngày đầu tháng 10, trên địa bàn tỉnh có mưa làm mất an toàn cho một số công trình và gây ảnh hưởng đến công tác thi công xây lắp. Dự báo tình hình thời tiết có thể còn diễn biến xấu (do đã vào mùa mưa bão), do đó ngoài việc khẩn trương thi công dứt điểm các công trình, hạng mục công trình nhưng phải bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư năm 2015.
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 148,2 tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 144,6 tỷ đồng, giảm 4,9%; vốn vay đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 1,0%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 1,4 tỷ đồng, giảm 1,2%. So với tháng cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý giảm 1,8%.

Ước tính 10 tháng đầu năm, thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.508,2 tỷ đồng, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 1.473,7 tỷ đồng, tăng 15,8%; vốn vay đạt 21,7 tỷ đồng, tăng 15,4%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước đạt 12,9 tỷ đồng, tăng 12,9%.

3. Hoạt động xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 29.513 ngàn USD, tăng 2,99% so với tháng trước. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 4.502 ngàn USD, giảm 23,8%; kinh tế tư nhân đạt 18.284 ngàn USD, tăng 12,97%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.727 ngàn USD, tăng 2,48%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch xuất khẩu tháng này chỉ bằng 25,15%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 325.846 ngàn USD, giảm 47,38% so với  cùng kỳ 2014. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 47.158 ngàn USD, giảm 54,03%; kinh tế tư nhân đạt 168.789 ngàn USD, tăng 7,19%; kinh tế  có vốn đầu tư nước ngoài đạt 109.899 ngàn USD, giảm 69,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Hàng thủy sản đạt 11.118 ngàn USD, tăng 0,72%; tinh bột mỳ đạt 64.656 ngàn USD, tăng 53,97%; thực phẩm chế biến khác đạt 2.517 ngàn USD, giảm 25,62%; hàng dệt may đạt 21.293 ngàn USD, tăng 28,78%; sản phẩm bằng gỗ đạt 3.436 ngàn USD, tăng 9,22%; máy móc thiết bị đạt 83.426 ngàn USD, giảm 76,2%; dầu FO đạt 35.978 ngàn USD, giảm 54,92%; dăm gỗ đạt 85.634 ngàn USD, giảm 0,99%.

Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 15.228 ngàn USD, giảm 6,97% so với tháng trước và bằng 17,68% cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu đạt 237.891 ngàn USD, giảm 58,14% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 102.766 ngàn USD, giảm 75,63%; kinh tế tư nhân đạt 35.643 ngàn USD, tăng 73,51%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 99.482 ngàn USD, giảm 21,07%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Hàng thủy sản đạt 2.271 ngàn USD, tăng 60,49%; đậu tương đạt 3.225 ngàn USD, tăng 36,83%; dầu thô đạt 85.586 ngàn USD, giảm 78,89%; hóa chất đạt 2.131 ngàn USD, tăng 32,86%; vải may mặc đạt 12.514 ngàn USD, tăng 12,76%; phụ liệu hàng may mặc đạt 9.858 ngàn USD, giảm 9,28%; sắt thép đạt 29.662 ngàn USD, giảm 64,36%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 6.098 ngàn USD, giảm 11,36%; máy móc thiết bị đạt 68.198 ngàn USD, tăng 53,95%; hàng hóa khác đạt 18.348 ngàn USD. III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC.

1. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Công tác khám chữa bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phòng, chống dịch bệnh… được chú trọng.
Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ ca bệnh nên từ đâu năm đến nay, không có dịch bệnh lớn và nguy hiểm xảy ra, không có tử vong do các bệnh dịch nguy hiểm.
Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khống chế bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương, đơn vị. Tổ chức tập huấn giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, tập huấn cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em.
Kết quả thực hiện một số công tác phòng, chống dịch bệnh:
- Bệnh sốt xuất huyết:
Trong tháng số ca mắc 287 ca: tại  Bình Sơn 59, Sơn Tịnh 12, TPQN 97,Tư Nghĩa 29, Mộ Đức 44, Đức Phổ 29,Nghĩa Hành 13,Trà Bồng 1, Sơn Hà 2, Ba Tơ 1; chết 0. 
 Xét nghiệm 27 mẫu huyết thanh dương tính 14 mẫu  ( số mắc/dương tính) phân bố theo huyện: Sơn Tịnh 2/0+, TPQN 9/3+, Mộ Đức 4/3+, Đức Phổ 12/8+. So với tháng 8/2015  số ca mắc tăng 1,51 lần.
Lũy tích từ đầu năm đến ngày 14/10/2015: 1.021 ca mắc, không có tử vong.
- Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm:
 Trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Kiểm nghiệm thực phẩm: Kết quả mẫu hậu kiểm, giám sát mối nguy Tết Trung thu năm 2015 lấy 12 mẫu, trong đó: 06 mẫu trong tháng 9, 06 mẫu trong tháng 10. Kết quả: 4/7 mẫu đạt. Còn lại 05 mẫu chưa có kết quả. Giám sát mối nguy lấy 191 mẫu, kết quả: tỉnh 06 mẫu chưa có kết quả; huyện 184/185 mẫu đạt (Tại huyện Mộ Đức 01 mẫu độ sạch bát đĩa bị nhiễm).
- Công tác phòng, chống HIV/AIDS:
+  Cấp phát 1.300 tờ gấp và 200 tạp chí AIDS & cộng đồng tuyên truyền về Phòng chống HIV/AIDS cho các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.
+ Tổ chức 120 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với 3.600 lượt người tham dự
+ Bệnh nhân AIDS mới đưa vào điều trị trong tháng là 09 cas; Tổng số bệnh nhân AIDS đang được điều trị là: 185 cas ( 185/220 đạt 84% chỉ tiêu)
+ Tư vấn xét nghiệm tự nguyện: 1.954 cas
-Tình hình dịch bệnh khác:
+ Bệnh Chân-tay-miệng: Từ ngày 01/9 đến ngày 30/9/2015 số ca mắc : 21 ca, chết 0. Trong đó: Bình Sơn 4, Sơn Tịnh 1, TP Quảng Ngãi 7, Tư Nghĩa 6, Nghĩa Hành 1, Mộ Đức 1, Sơn Hà 1. 
+ Thủy đậu : 4 ca, chết 0.
+ Quai bị : 18 ca, chết 0.
+ Tiêm phòng dại: 525 ca, chết 0.
+ Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân: Không phát hiện trường hợp bệnh mới hoặc tái phát.
- Công tác kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm: Trong tháng đã kiểm nghiệm 66 mẫu thuốc (Mẫu kiểm tra 59, mẫu gửi đến 7), gồm 268 thử nghiệm. Số mẫu phân loại: 66, Số mẫu không phân loại: 0. Kết quả: 57 mẫu đạt (86,36%), 9 mẫu không đạt (13,64%).

2. Tình hình tai nạn giao thông

Tính từ 16/9/2015 đến 15/10/2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ TNGT, chết 05 người, bị thương 04 người. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 05 vụ, chết 05 người, bị thương 04người; TNGT đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra. Thiệt hại tài sản khoảng 17 triệu đồng.
+ So với tháng 9/2015: TNGT đường bộ: Giảm 06 vụ và giảm 07 người chết; số người bị thương không tăng, không giảm. TNGT đường sắt: Giảm 01vụ và giảm 01 người chết; không có người bị thương (không tăng, không giảm). TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm).
+ So với tháng 10/2014: TNGT đường bộ: Giảm 03 vụ và giảm 04 người chết; tăng 03 người bị thương. TNGT đường sắt, TNGT đường thủy: không xảy ra (không tăng, không giảm).
Va chạm giao thông đường bộ: xảy ra 44 vụ, bị thương 57 người, thiệt hại khoảng 48 triệu đồng (So với tháng 9/2015: Giảm 02 vụ và giảm 03 người bị thương; so với tháng 10/2014: Giảm 20 vụ và giảm 26 người bị thương). Va chạm giao thông đường sắt, đường thủy nội địa: Không xảy ra (Không tăng, không giảm).
- Tính chung 10 tháng (tính từ ngày 16/12/2014 đến 15/10/2015): TNGT đường bộ xảy ra 113 vụ, chết 117 người, bị thương 55 người; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 04 vụ, số người chết tăng 02 người, số người bị thương giảm 01 người. TNGT đường sắt xảy ra 05 vụ, chết 05 người; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ tăng 03 vụ, số người chết tăng 03 người. TNGT đường thủy nội địa: không xảy ra (không tăng, không giảm so với cùng kỳ 2014). Va chạm giao thông đường bộ 10 tháng: Xảy ra 413 vụ, bị thương 531 người. So với cùng kỳ năm 2014: giảm 139 vụ và giảm 195 người bị thương.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1356

Tổng số lượt xem: 479612

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready