Truy cập nội dung luôn

Xã Nghĩa Thương long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu “xã Nông thôn mới”

24/01/2017 12:00    532

Trong không khí xôn xao đón xuân đinh dậu và hướng đến kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 21/01/2017, xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa) long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu “xã Nông thôn mới”. Đến dự có các đồng chí đại diện Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Huyện ủy Tư Nghĩa, UBND huyện, đại diện các ban ngành của huyện, lãnh đạo và đông đảo quần chúng nhân dân xã Nghĩa Thương cùng những người con của xã đang làm ăn, sinh sống trên khắp mọi miền đất nước.

TraQuyetDinh_NghiaThuong.JPG
(Ông Dương Văn Tô, tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh trao Quyết định công nhận Xã nông thôn mới cho lãnh đạo xã Nghĩa Thương)

Xã Nghĩa Thương nằm ở trung tâm huyện Tư Nghĩa, có diện tích tự nhiên là 1.425 ha, có trục đường Quốc lộ 1A chạy kéo dài và nối liền với các tuyến đường liên xã. Phía bắc, Nghĩa Thương giáp xã Nghĩa Dõng, xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) và xã Nghĩa Hà; phía nam giáp xã Nghĩa Phương; phía đông giáp xã Nghĩa Hiệp; phía tây giáp xã Nghĩa Trung và thị trấn La Hà. Địa bàn xã chia thành 11 thôn với 3.980 hộ gia đình, 13.328 nhân khẩu.
Nhân dân Nghĩa Thương vốn có truyền thống cách mạng, anh hùng bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 2003, Nghĩa Thương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cùng với các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hoà và Nghĩa Phương, Nghĩa Thương được Huyện uỷ, UBND huyện Tư Nghĩa chọn là xã điểm của huyện để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Đảng uỷ, HDND, UBND xã đã cử cán bộ là thành viên ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã, cán bộ chủ chốt của xã, thôn, cán bộ các tổ chức đoàn thể tham gia các lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiến hành triển khai công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đến từng cán bộ, đảng viên cũng như người dân và nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao.

TietMucVanNghe_NghiaThuong.JPG
(Tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn chào mừng lễ đón nhận dânh hiệu xã Nông thôn mới)
Những ngày đầu bắt tay xây dựng nông thôn mới, với kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đồng ruộng còn manh mún,… xã chỉ đạt 6/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Để đạt được 19 tiêu chí Nông thôn mới, bên cạnh việc huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống đồng ruộng đã được từng bước cải tạo, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa các loại giống mới vào sản xuất cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh, xã cũng đã thực hiện các giải pháp nhằm xoá đói giảm nghèo cho các hộ khó khăn trên địa bàn, như hỗ trợ cho 30 hộ nghèo mỗi hộ một con bò cái lai Zêbu nhằm giúp hộ thoát nghèo mang tính bền vững. Để phát triển ngành nghề, xã đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở 07 lớp đào tạo nghề ngắn hạn gồm các ngành nghề như điện, điện tử, hàn, xây dựng, chăn nuôi,…với 240 học viên tham gia học. Bên cạnh đó, để đảm bảo điều kiện giao thông, an ninh trật tự xã hội và yếu tố môi trường cho nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng các tuyến đường; xây dựng các hầm biogas, di dời chuồng trại chăn nuôi ra phía sau nhà; chỉnh trang tường rào, cổng ngõ; phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn xã.
Cùng với phát triển sản xuất, Nghĩa Thương đã huy động nguồn kinh phí cho xây dựng nông thôn mới (bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở y tế, giáo dục…) 63,2 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương và tỉnh cấp gần 23 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện 20 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 3 tỷ đồng; vốn tín dụng 6,1 tỷ đồng; vốn ngân sách của xã và huy động nhân dân đóng 11,1 tỷ đồng.
Do xuất phát điểm thấp nên theo kết quả đánh giá, xã chỉ vừa đạt ngưỡng của hầu hết các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Thực trạng này đòi hỏi xã phải tiếp tục đầu tư mọi mặt cho chặng đường tiếp theo trong quá trình xây dựng và phát triển.
Đạt danh hiệu xã nông thôn mới, Nghĩa Thương sẽ có tiềm lực và khí thế mới cũng như yêu cầu ngày càng cao khi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.

* Tính đến cuối năm 2016, Quảng Ngãi có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới như sau:
1.    Xã Bình Dương (huyện Bình Sơn)
2.    Xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa)
3.    Xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa)
4.    Xã Đức Tân (Huyện Mộ Đức)
5.    Xã Phổ Vinh (huyện Đức Phổ)
6.    Xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành)
7.    Xã Hành Minh (huyện Nghĩa Hành)
8.    Xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành)
9.    Xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi)
10.     Xã Tịnh Châu (TP. Quảng Ngãi)
11.     Xã Đức Nhuận (Huyện Mộ Đức)
12.     Xã Nghĩa Sơn (huyện Tư Nghĩa)
13.     Xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh)
14.     Xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa)
15.     Xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa)
16.     Xã Phổ Hoà (huyện Đức Phổ)

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1715

Tổng số lượt xem: 479016

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready