Truy cập nội dung luôn

So sánh tốc độ tăng lương tối thiểu và tăng giá tiêu dùng của Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2023

06/03/2024 09:48    35

          Lương tối thiểu và giá tiêu dùng là hai chỉ tiêu thống kê khác nhau, nhưng cùng liên quan đến mức sống của Nhân dân và biến động của chúng có quan hệ với nhau. Khi lương tối thiểu tăng lên, đời sống của Nhân dân sẽ được nâng lên, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng lên, hàng hóa tiêu thụ sẽ nhiều hơn, ảnh hưởng đến quan hệ cung cầu và tất nhiên dẫn đến biến động giá cả hàng hóa tiêu dùng. Ngược lại, khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng lên, tức là có yếu tố lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mức sống của nhân dân và đó cũng là một trong những yêu cầu để tăng lương tối thiểu.

          Xét về biến động theo thời gian, lương tối thiểu và giá tiêu dùng đều có xu thế chung là tăng lên. Song xét về điều kiện cụ thể, hai chỉ tiêu này có những đặc điểm biến động khác nhau.

          Lương tối thiểu không biến động theo tháng mà thường là biến động theo năm và có thể còn theo nhiều năm; và chỉ có tăng hoặc giữ nguyên chứ không có giảm; còn giá tiêu dùng thì biến động liên tục qua các tháng và có cả tăng lên và giảm đi, nhưng xu thế chung là tăng lên. Với đặc điểm đó, chỉ có thể so sánh biến động của lương tối thiểu và giá tiêu dùng theo khoảng cách thời gian là năm hoặc nhiều năm.

          Dưới đây là việc tính toán so sánh tốc độ tăng lương tối thiểu với tăng giá tiêu dùng của Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2023.

          Tính mức lương tối thiểu bình quân một tháng trong năm và chỉ số phát triển về lương tối thiểu

          Từ số liệu về mức lương tối thiểu một tháng có trong các nghị định nâng lương của Chính phủ và thời gian thực tế (tính bằng tháng) áp dụng mức lương đó, bằng phương pháp bình quân cộng gia quyền, ta tính được mức lương tối thiểu bình quân một tháng trong năm (viết gọn là lương tối thiểu bình quân năm) cùng chỉ số phát triển lương tối thiểu qua các năm như Bảng 1.

Bảng 1. Tính mức lương tối thiểu bình quân năm và chỉ số phát triển lương tối thiểu qua các năm

Ghi chú:

- Cột 1 và 3 (mức lương): Lấy số liệu từ các Nghị định nâng lương của chính phủ;

- Cột 2 và 4 (số tháng): Tính theo thời gian thực tế hưởng lương;

- Cột 5 (lương bình quân tháng): Tính từ số liệu các cột 1,2,3 và 4 theo số bình quân cộng gia quyền;

- Cột 6 (chỉ số phát triển lương tối thiểu tính bằng % của năm nghiên cứu) = mức lương năm nghiên cứu: mức lương năm trước liền kề (ở cột 5) x 100.

          Tính tốc độ tăng lương tối thiểu và tốc độ tăng giá tiêu dùng

          Từ số liệu chỉ số phát triển lương tối thiểu (tính được ở cột 6 Bảng 1) và chỉ số phát triển giá tiêu dùng bình quân năm (có trong hệ thống số liệu Thống kê), ta tiếp tục lập Bảng 2 để tính tốc độ tăng lương tối thiểu và tốc độ tăng giá tiêu dùng của Việt Nam qua các năm từ 2016 đến 2023.

Bảng 2. Tính tốc độ tăng lương tối thiểu và tốc độ tăng giá tiêu dùng qua các năm (%)

Ghi chú:

- Cột 1 và 3 (các chỉ số phát triển):

+ Hàng năm lấy số liệu từ cột 6 bảng 01 và số báo cáo của TCTK.

+ Các dòng bình quân năm là tính bình quân nhân giữa các chỉ số phát triển hàng năm;

- Cột 2 hoặc 4 (tốc độ tăng) = Cột 1 hoặc 3 - 100;

- Cột 5 (chênh lệch tốc độ tăng) = Cột 2 - cột 4.

Nhận xét đánh giá khi so sánh tốc độ tăng lương tối thiểu và tốc độ tăng giá tiêu dùng qua các năm

         Từ năm 2016 đến năm 2019, sản xuất của Việt Nam khá ổn định, lương tối thiểu luôn tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng và theo xu thế chênh lệch giữa tốc độ tăng lương tối thiểu và tốc độ tăng giá tiêu dùng ngày càng rộng ra (chênh lệch này đạt 0,82% năm 2016; 1,93% năm 2017; 3,63% năm 2018 và 4,27% năm 2019). Đến năm 2020, do bước đầu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất có khó khăn hơn nên năm này không thể hiện chính sách quyết định nâng lương nên lương bình quân một tháng trong năm chỉ tăng 3,47%, tuy nhiên vẫn cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng là 0,24% (3,47% - 3,23%). Bình quân năm giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng lương tối thiểu là 5,32%, cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng là 2,17% (5,32% - 3,15%). Tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng đồng nghĩa với đời sống của Nhân dân được nâng lên.

          Những năm 2021, 2022 Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phát triển sản xuất càng khó khăn hơn. Theo đó, Nhà nước cũng không thực hiện chính sách quyết định nâng lương tối thiểu, tức là hai năm này có tốc độ tăng lương tối thiểu bằng không, trong khi đó, giá tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng lên, nên chênh lệch giữa tốc độ tăng lương tối thiểu và tốc độ tăng giá tiêu dùng đều đạt giá trị âm (chênh lệch năm 2021 là -1,84% và năm 2022 là -3,15%). Đến ngày 01 tháng 7 năm 2023, Chính phủ thực hiện nâng lương tối thiểu lên 1.800 nghìn đồng/tháng nên lương bình quân một tháng trong năm đạt 1.645 nghìn đồng/tháng và tăng hơn năm trước là 10,46%, tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng là 7,21% (10,46% - 3,25%). Bình quân năm giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng lương tối thiểu là 3,35%, cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng là 0,61% (3,35% - 2,74%). Tuy nhiên mức chênh lệch này thấp hơn mức chênh lệch bình quân năm giai đoạn 2016 - 2020.

          Tóm lại: Trong thời gian qua ở Việt Nam, hầu hết các năm có tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng (chênh lệch đạt giá trị dương), chỉ cá biệt có một vài năm có quan hệ ngược lại: Tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng (chênh lệch đạt giá trị âm); và bình quân năm các giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2023 luôn có tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng; trong đó mức chênh lệch của giai đoạn 2021 - 2023 thấp hơn giai đoạn 2016 - 2020./.

Nguồn: Tạp chí Con số & Sự kiện

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1111

Tổng số lượt xem: 476438

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready