Truy cập nội dung luôn

Kết quả đạt được sau hội thảo khoa học nghiệp vụ thống kê công nghiệp năm 2013

12/09/2014 12:00    953

Ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2013, Cục Thống Kê Quảng Ngãi đã tổ chức hội thảo khoa học nghiệp vụ thống kê công nghiệp toàn ngành dưới sự chủ toạ của ông Nguyễn Hùng – Cục trưởng và thư ký là ông Trương Văn Bá – Trưởng phòng TK Công nghiệp với chủ đề “Làm thế nào để điều tra doanh nghiệp đạt hiệu quả cao” và “Làm thế nào để khai thác kết quả điều tra doanh nghiệp phục vụ báo cáo hàng năm tại địa phương” nhằm thảo luận, tìm kiếm các biện pháp nâng cao chất lượng số liệu và khai thác kết quả qua điều tra doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ cho công tác lãnh chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND và công tác quản lý của các cấp, các ngành tại địa phương.

Thông qua chủ đề chính của hội thảo là “Làm thế nào để điều tra doanh nghiệp đạt hiệu quả cao”, có 05 bài tham luận được trình bày tại hội thảo. Ban tổ chức hội thảo đã ghi vào biên bản các đề xuất, kiến nghị của đại biểu. Cụ thể như sau:

          I/ Đại biểu kiến nghị:

1- Công tác điều tra doanh nghiệp hàng năm rất quan trọng, thông qua điều tra để thu thập các thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp;

2- Thông qua số liệu điều tra doanh nghiệp để đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở, lao động, kết quả kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu ... đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương;

3- Thực hiện Quyết định số 352/QĐ-TCTK ngày 05/3/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phương án điều tra doanh nghiệp quy định  phải thu thập thông tin của tất cả doanh nghiệp hạch toán độc lập chịu sự điều tiết của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, ..., hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân, hiện đang tồn tại. Nhìn chung, bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định trong công tác thu thập thông tin của doanh nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục;

4- Việc đối chiếu danh sách doanh nghiệp có đến cuối năm giữa các ngành Thống kê, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư không trùng nhau do yếu tố quản lý khách quan như nhiều doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể thì ngành Kế hoạch không đăng ký kinh doanh nên không theo dõi, ngành Thuế cũng không theo dõi các doanh nghiệp không có mã số thuế trong khi đó thì ngành Thống kê đều theo dõi, do đó không trùng nhau về danh sách;

5- Một số doanh nghiệp có tên trong danh sách, có địa chỉ cụ thể nhưng khi đến thu thập thông tin thì điều tra viên không tìm thấy, dẫn đến bỏ sót đối tượng cần điều tra;

6- Tăng cường chất lượng của điều tra doanh nghiệp không chỉ là mong muốn của riêng ngành thống kê mà còn là mong muốn của những người sử dụng số liệu thống kê, của lãnh đạo địa phương, đơn vị. Thông qua số liệu thu thập làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong những năm qua, số liệu điều tra doanh nghiệp ngày càng đạt độ tin cậy cao, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục;

7- Cần quan tâm hơn đến công tác tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình điều tra. Bản thân từng điều tra viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thông thạo nghiệp vụ, vận dụng tốt kỹ thuật phỏng vấn để khai thác thông tin thật trung thực, khách quan số liệu điều tra;

8- Theo điều 9 của Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định: Nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định (trong đó có ngành thống kê); khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó nhưng trên thực tế đại đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ này mà còn hiện tượng trốn tránh trách nhiệm đã được luật pháp Nhà nước quy định;

9- Điều tra doanh nghiệp hàng năm là cuộc điều tra nằm trong hệ thống các cuộc điều tra chuyên môn được ngành thống kê tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc, thông qua điều tra đã cung cấp các thông tin thống kê cần thiết giúp các cấp các ngành nghiên cứu ban hành các chính sách phù hợp giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển. Nhưng trong quá trình rà soát và điều tra vẫn còn một số thiếu sót cần khắc phục;

10- Công tác tuyên truyền phổ biến vẫn còn hạn chế; nhất là Luật Thống kê và các Phương án điều tra thống kê hầu như ít được chú trọng;

11- Điều tra viên vừa điều tra vừa tuyên truyền mục đích của cuộc điều tra nên việc thu thập thông tin bị hạn chế, nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước;

12- Việc tuyển chọn lực lượng điều tra viên nên cân nhắc kỷ, là cán bộ ngành thống kê hay cán bộ kế toán của các doanh nghiệp mới đạt hiệu quả;

13- Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thuộc loại vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ không có kế toán riêng mà đi thuê kế toán là chủ yếu (một kế toán làm việc cùng lúc với nhiều doanh nghiệp khác nhau) nên các báo cáo của doanh nghiệp còn sơ sài, thiếu thông tin như tài sản, vốn, ..., gây ảnh hưởng cho điều tra viên khi thu thập số liệu;

14- Công tác rà soát doanh nghiệp tuy đã được rà soát trước khi điều tra nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn như doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động khá lâu nhưng không có báo cáo giải thể, doanh nghiệp đăng ký nhưng địa chỉ không rõ ràng, đăng ký địa phương này nhưng hoạt động ở địa phương khác, ...;

15- Khi điều tra xong đã có kết quả toàn tỉnh nhưng không có chương trình riêng cho từng huyện, thành phố nên vấn đề khai thác số liệu phục vụ cho lãnh đạo huyện gặp nhiều khó khăn;

16- Chương trình xử lý kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2013 của Tổng cục Thống kê chỉ khai thác được số liệu cho toàn tỉnh, không có phần khai thác số liệu cho huyện, thành phố, nên số liệu của huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn;

17- Phòng Công nghiệp Cục Thống kê tỉnh nên có kế hoạch xuống giúp cho huyện, thành phố trong việc khai thác số liệu từ điều tra doanh nghiệp để lập các báo cáo năm, giúp Chi cục có số liệu thống kê phục vụ lãnh đạo địa phương;

          II/ Đại biểu đề xuất:

1- Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thống kê và Nghị định số 79 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê đối với doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp có nhận thức đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhiệt tình cung cấp thông tin thống kê. Trước mắt cần có kinh phí để các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, ... để các cơ quan này thực hiện;

2- Giao cho các Chi cục tổ chức rà soát thật kỷ, lập danh sách doanh nghiệp thực tế đang tồn tại, đang hoạt động trước khi tiến hành điều tra, góp phần hạn chế các trường hợp điều tra viên đến tìm doanh nghiệp nhiều lần nhưng không tìm thấy, chuyển đi nơi khác, đã giải thể, ...;

3- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thống kê, Cần có biện pháp tích cực hơn nữa đối với các doanh nghiệp không chấp hành, không hợp tác trong việc báo cáo thống kê và cung cấp thông tin thống kê theo quy định của Nhà nước;

4- Đối với lực lượng điều tra viên, trước khi điều tra cần được tập huấn kỷ hơn, có phương pháp tập huấn sáng tạo hơn trong quá trình thu thập số liệu, chẳng hạn như số liệu lấy ở đâu, xử lý như thế nào, không cần lý thuyết (vì đã có trong hướng dẫn); nên đưa ra nhiều ví dụ cụ thể để bổ sung kiến thức cho đội ngũ điều tra viên;

5- Nên giảm bớt các câu hỏi trong phiếu điều tra và cải tiến cách ghi một số thông tin định lượng bằng cách đơn giản hoá cách ghi, hoặc giảm bớt sự chi tiết không cần thiết. Ví dụ: Thay cụm từ “Năm bắt đầu kinh doanh” bằng cụm từ “Số năm đã sản xuất kinh doanh” sẽ có lợi hơn vì điều tra viên chỉ phải ghi 1 hoặc 2 chữ số (ví dụ: 12 năm) thay vì phải ghi 4 chữ số (ví dụ năm 2011, 2012), hơn nữa người trả lời cũng dễ nhớ số năm đã kinh doanh hơn là năm bắt đầu kinh doanh;

6- Công tác rà soát doanh nghiệp, khi Cục gửi danh sách cho Chi cục nên làm việc thống nhất với các ngành của tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, ... , danh sách nên có địa chỉ rõ ràng, có số điện thoại liên hệ để điều tra viên khi rà soát không mất thời gian tìm kiếm;

7- Phải có biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm của điều tra viên và giám sát viên trong quá trình điều tra;

8- Nâng cao trình độ tin học cho cán bộ thống kê, tạo điều kiện cho địa phương huyện, thành phố khai thác được kết quả điều tra doanh nghiệp hàng năm để làm báo cáo chính thức năm phục vụ địa phương;

9- Tỉnh nên đề xuất với Tổng cục Thống kê bổ sung phần mềm khai thác số liệu điều tra doanh nghiệp cho huyện, thành phố;

* Những chuyển biến sau hội thảo:

I/ Những kiến nghị, đề xuất đã giải quyết được:

Rút kinh nghiệm từ các kiến nghị và đề xuất của đại biểu qua hội thảo về điều tra doanh nghiệp năm 2013. Năm nay cuộc điều tra doanh nghiệp 2014 theo Quyết định số 91/QĐ-TCTK ngày 26/02/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và Công văn hướng dẫn số 134/TCTK-TKCN ngày 27/02/2014 của Vụ trưởng Vụ TK Công nghiệp-TCTK đã được cán bộ ngành Thống kê tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tốt hơn cuộc điều tra trước. Đó là:

1- Công tác rà soát DN có đến 31/12/2013 được CTK tỉnh triển khai sớm và giao cho Chi cục để Chi cục chủ động rà soát, tạo tiền đề cho công tác điều tra doanh nghiệp tại địa phương mình tốt hơn, hạn chế việc bỏ sót đối tượng điều tra.

2- Điều tra DN 2014 có nhiều loại phiếu, trong đó có loại phiếu mới như điều tra xu hướng kinh doanh và một số biểu cũ tuy nội dung bên trong có thay đổi nhưng trong quá trình điều tra, phỏng vấn để thu thập thông tin ít bị lỗi.

3- Cục Thống kê tỉnh rất quan tâm đến công tác tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên. Năm nay TCTK không tổ chức tập huấn nhưng Quảng Ngãi đã bố trí tập huấn 01 ngày để điều tra viên có điều kiện nghiên cứu thêm hệ thống biểu mẫu. Công tác kiểm tra, giám sát từ cấp tỉnh đến cấp huyện cũng được tăng cường hơn những cuộc điều tra trước.

4- Lực lượng điều tra viên được tuyển chọn và cân nhắc kỷ, nòng cốt vẫn là lực lượng cán bộ thống kê trong ngành nên thông tin phản ảnh vào hệ thống phiếu điều tra doanh nghiệp ngày càng ít bị sai sót.

5- Số doanh nghiệp đăng ký mới với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trong năm 2013 tương đối nhiều, khoảng trên 600 doanh nghiệp, hầu hết chưa treo bảng hiệu, rất khó tìm thấy nhưng với tinh thần trách nhiệm cùng với sự cố gắng nỗ lực của mình, cán bộ thống kê các Chi cục đã rà soát tìm được 492 DN, chiếm gần 75%, đạt tỉ lệ tương đối cao.

6- Sau hội thảo, cán bộ Phòng Công nghiệp đã đi cơ sở hướng dẫn cho cán bộ Chi cục cách khai thác phần mềm kết quả điều tra doanh nghiệp để lập báo cáo phục vụ cho địa phương mình, thông qua đó trình độ tin học của cán bộ Chi cục cũng từng bước được nâng lên.

II/ Những kiến nghị, đề xuất còn tồn tại, chưa được giải quyết:

1- Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thống kê và Nghị định 79 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê đối với doanh nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có kinh phí cho các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, ... để các cơ quan này thực hiện.

2- Công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu phiếu của tỉnh cũng như của huyện có tăng cường hơn các cuộc điều tra trước. Nhưng nhìn chung đạt yêu cầu chưa cao; chưa kiên quyết xử lý các loại phiếu không đạt yêu cầu.

3- Nên giảm bớt các câu hỏi trong phiếu điều tra và cải tiến cách ghi một số thông tin định lượng bằng cách đơn giản hoá cách ghi, hoặc giảm bớt sự chi tiết không cần thiết. Ví dụ: Thay cụm từ “Năm bắt đầu kinh doanh” bằng cụm từ “Số năm đã sản xuất kinh doanh” sẽ có lợi hơn vì điều tra viên chỉ phải ghi 1 hoặc 2 chữ số (ví dụ: 12 năm) thay vì phải ghi 4 chữ số (ví dụ năm 2011, 2012), hơn nữa người trả lời cũng dễ nhớ số năm đã kinh doanh hơn là năm bắt đầu kinh doanh. Đây là nội dung của Phương án điều tra do trung ương quy định không thể thay đổi được.

4- Tỉnh nên đề xuất với Tổng cục Thống kê bổ sung phần mềm khai thác số liệu điều tra doanh nghiệp cho huyện, thành phố. Tỉnh đã đề xuất với TCTK nhiều lần và TCTK có bổ sung được 01 biểu cho cấp huyện, trong khi đó huyện cần nhiều biểu hơn nữa.

5- Chưa có biện pháp đối với các doanh nghiệp không chấp hành, không hợp tác trong việc báo cáo điều tra thống kê và cung cấp thông tin thống kê theo quy định của Nhà nước.

Trên đây là tình hình chuyển biến sau hội thảo, có nội dung đã được giải quyết triệt để, có những nội dung còn tồn tại có thể giải quyết được nhưng đòi hỏi thời gian và cũng có những nội dung không thể giải quyết được vì Phương án của TCTK quy định.

 Nhìn chung, qua so sánh, đối chiếu với điều tra năm nay (Điều tra DN 2014) có thể nói rằng các kiến nghị, đề xuất của đại biểu dự hội thảo tháng 9/2013 đã được áp dụng vào thực tế, tạo sự chuyển biến tích cực, ưu điểm có, tồn tại vẫn còn nhưng ưu điểm là chính, điều đó đã mang lại kết quả điều tra doanh nghiệp ngày càng tốt hơn

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1359

Tổng số lượt xem: 476971

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready