Truy cập nội dung luôn

Tình hình Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 1 năm 2015

21/04/2015 12:00    791

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh “Về việc tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Ất Mùi – năm 2015”, trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Ất Mùi 2015; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thủy lợi, bảo đảm nước và chuẩn bị đủ nguồn phân bón, giống cây trồng, vật nuôi kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ Đông xuân năm 2015. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thú y, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, mang mầm bệnh tại các cửa ngõ vào tỉnh. Phối hợp với địa phương chỉ đạo tốt các đợt ra quân khai thác hải sản, chủ động các biện pháp hỗ trợ ngư dân phòng tránh rủi ro, yên tâm vươn khơi bám biển trong mùa khai thác hải sản vào dịp Tết Nguyên đán.

​Lúa đông xuân gieo sạ khoảng 39.059,5 ha, tăng 1,2% (455,9 ha) so với vụ đông xuân năm 2014 (Diện tích lúa đông xuân năm 2014 chưa kể 281,4 ha bị mất trắng ở huyện Sơn Hà và Bình Sơn). Diện tích lúa tăng một phần do năm 2014 có một số diện tích bị sa bồi thủy phá, không khắc phục kịp để đưa vào sản xuất (khoảng 342 ha), một phần do chuyển từ diện tích trồng mía kém hiệu quả và một vài loại cây khác sang. Trong đó, gieo sạ trước ngày 25/12/2014 (trước lịch thời vụ) là 6.833 ha, chiếm 17,5%; gieo sạ từ 25/12/2014-10/01/2015 (đúng lịch thời vụ) là 27.528,8 ha, chiếm 70,5%; gieo sạ sau ngày 10/01/2015 (sau lịch thời vụ) là 4.887,3 ha, chiếm 12,0%.
Tính đến ngày 15/3, trà lúa sớm đã thu hoạch được 586 ha, giảm 10,4% (68 ha) so với cùng thời điểm năm 2014. Trái với trà lúa sớm năm 2014, trong giai đoạn lúa làm đòng - trổ thời tiết rét lạnh, cây lúa phát triển kém, nên năng suất thấp (12,5 tạ/ha); năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa đã gặt có năng suất 38,6 tạ/ha, tăng 26,1 tạ/ha.
Nhìn chung, tiến độ gieo trồng các loại cây hoa màu năm nay chậm hơn so với năm 2014. Tính đến ngày 15/3/2015, diện tích ngô gieo trồng đạt 4.593,6 ha, tăng 0,3% (15,1 ha) so với cùng thời điểm năm 2014. Diện tích khoai lang đạt 197,2 ha, giảm 16,9% (83,1 ha). Diện tích lạc đạt 3.957,4 ha, giảm 5,1% (213,4 ha). Diện tích đậu tương đạt 27,2 ha, giảm 24,2% (8,7 ha).
Diện tích rau, đậu đạt 7.525,8 ha, giảm 1,5% (111,6). Diện tích rau, đậu giảm là do thời gian đầu năm, thời tiết thuận lợi, rau đậu sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, lượng rau đậu cung ứng cho thị trường khá dồi dào nên những ngày trước và sau Tết giá rau đậu vẫn ổn định nhưng những ngày sau Tết, do nguồn cung nhiều, giá rau xuống thấp, nhiều nơi người trồng thu hoạch rau làm thức ăn cho trâu bò, lợn, không tiếp tục đầu tư, chăm sóc, cũng như không mở rộng diện tích. Hiện nay, thời tiết bắt đầu nắng nóng, sản lượng rau giảm nên giá rau đang có chiều hướng tăng lên, kích thích người trồng trở lại đầu tư, tăng diện tích trong thời gian đến.
Tình hình sâu bệnh: từ đầu vụ đông xuân đến nay, các đối tượng sâu bệnh gây hại trên các cánh đồng lúa gồm: chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, cổ lá, râu nâu – rầy lưng trắng, bệnh khô vằn,... với tổng diện tích bị hại tính tới thời điểm giữa tháng 3/2015 là 2.484,5 ha (nhẹ 1.909,5 ha, trung bình 507,5 ha, nặng 67,5 ha). Trong đó, nhiều nhất là chuột gây hại 1.123,5 ha lúa đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng - chắc xanh; bệnh đạo ôn lá, cổ lá với diện tích nhiễm 625,5 ha. Ngoài ra, còn xuất hiện bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh trên cây lạc; bệnh khô vằn trên ngô; bệnh giả sương mai, bệnh đóm vòng, tuyến trùng rể... phát sinh gây hại cục bộ trên các loại rau, đậu, hoa màu.
Bên cạnh việc chăm sóc lúa, trồng và thu hoạch các loại cây rau đậu, nông dân đang tập trung thu hoạch mía, sắn.
+ Mía: Đến nay, đã thu hoạch được 3.050 ha (của năm 2014), giảm 9% so với cùng thời điểm năm 2014. Mía trồng mới được 2.800 ha, đạt 53,3% kế hoạch (kể cả trồng mới và lưu gốc).
+ Sắn: Sắn đã thu hoạch 17.500 ha (của năm 2014), tương đương cùng thời điểm năm 2014. Mỳ trồng mới 16.500 ha, tăng 6,5% so với cùng thời điểm năm 2014 và đạt 80,5% kế hoạch.
    Đầu quý I, các loại cây ăn quả lâu năm như chuối, bưởi, bòng, dứa, ổi, xoài,… được tăng cường chăm sóc, thu hoạch để tiêu thụ trong dịp Tết. Tuy nhiên, do trồng với quy mô nhỏ nên sản lượng không nhiều. Nhờ năm 2014 ít bị thiệt hại do mưa bão nên các loại cây lâu năm thu hoạch trong quý I/2015 có năm suất cao. Ước tính, sản lượng chuối thu hoạch trong quý đạt 6.489 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014; dứa đạt 550 tấn, xấp xỉ năm 2014 (do diện tích giảm); đu đủ đạt 252 tấn, tăng 12,8%; dừa đạt 3.344 tấn, tăng 5,7%; bưởi, bòng đạt 190 tấn, tăng 11,2%.
Trước Tết, sức mua của dân cư không cao do kinh tế khó khăn, nguồn cung đảm bảo nên giá thịt gia súc, gia cầm tăng nhưng không bất thường. Tuy nhiên, riêng lợn, năm nay có sự bất thường là từ cuối năm 2014 đến gần Tết Ất Mùi, giá thịt lợn trên thị trường tăng nhưng giá thịt lợn hơi vẫn không tăng, thậm chí giảm và giữ ở mức thấp, do vậy đã hạn chế việc tiếp tục thả nuôi, tăng đàn sau khi xuất chuồng.
Cùng với sự đầu tư của người dân, các chương trình, dự án cũng đã xúc tiến hỗ trợ đầu tư con giống vật nuôi cho nông dân các huyện miền núi khá nhiều. Nhờ đó, chăn nuôi vẫn trong xu hướng phục hồi và phát triển. Ước tính, tại thời điểm cuối tháng 3, đàn trâu toàn tỉnh đạt 62.130 con, tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm 2014; đàn bò đạt 274.860 con, tăng 0,2%; đàn lợn đạt 443.850 con, tăng 0,2%; đàn gia cầm đạt 4.298,5 ngàn con, tăng 1,3%; trong đó, đàn gà đạt 2.893,6 ngàn con, tăng 1,4%.
Trong quý I, các ổ dịch phát sinh cuối năm 2014 đã được khống chế. Từ đầu tháng 01/2015 đến nay, bệnh lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở lợn không xảy ra. Tuy nhiên, vào ngày 05/3/2015, phát hiện bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi ở thôn Thạch Nội, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh làm chết và tiêu hủy 800 con vịt. Các loại dịch bệnh như tụ huyết trùng trâu bò; dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn ở lợn có xảy ra rải rác ở một vài địa phương nhưng không đáng kể.
Nhằm chủ động ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo trực tiếp về công tác tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Theo đó, các huyện, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn để kịp phát hiện và xử lý ngay các ổ dịch trên gia súc, gia cầm; tuyên truyền để nhân dân nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được dấu bệnh; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không sử dụng gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y; kiểm tra, kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất kinh doanh giống gia súc, gia cầm, yêu cầu tuân thủ về kiểm tra chất lượng vật nuôi, kiểm dịch động vật đúng quy định.
Diện tích rừng trồng tập trung trong tháng 3 ước đạt 464 ha, giảm 32,3% so với tháng 2/2015 (222 ha) và giảm 33,6% (235 ha) so với cùng tháng năm 2014. Sau Tết, do cần thu nhập để bù đắp khoảng chi tiêu trước đó và đáp ứng nhu cầu chi tiêu trước mắt nên việc khai thác gỗ rừng trồng (chủ yếu là gỗ nguyên liệu giấy) được đẩy mạnh. Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 71.513 m3, tăng 59,3% (26.618 m3) so với tháng 02 năm 2015 và tăng 59,1% (26.575 m3) so với tháng 03/2014. Ngược lại, do tăng khai thác keo trong độ tuổi 3,5 - 4 năm tuổi nên sản lượng củi tận dụng được từ khai thác giảm. Sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 30.268 ste, tăng 94% (14.664 ste) so với tháng 02 năm 2015 nhưng giảm 24,7% (9.910 ste) so với tháng 03/2014.
Ước tính quý I/2015, diện tích rừng trồng tập trung đạt 2.147 ha, giảm 22,3% (615 ha) so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 164.211 m3, tăng 33,6% (41.284 m3). Sản lượng củi khai thác đạt 65.455 ster, giảm 34,5% (34.424 ster).
Từ đầu năm đến giữa tháng 3/2015, thời tiết mưa, ẩm ướt kéo dài hoặc chưa có nắng gay gắt nên không phát sinh cháy rừng. Trong tháng 3, phát hiện một vụ chặt phá rừng (huyện Sơn Tây) nhưng diện tích không đáng kể (0,08 ha).
Tính đến giữa tháng 3, qua tổ chức 536 đợt tuần tra, 112 đợt kiểm tra và 105 đợt truy quét, đã phát hiện 74 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2014; qua đó thu giữ 30,8 m3 gỗ các loại (giảm 11,2 m3 so với cùng kỳ năm 2014), 150 kg than hầm (giảm 1.780 kg so với cùng kỳ năm 2014); thu nộp ngân sách Nhà nước 164,9 triệu đồng.
Sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt 12.527 tấn, tăng 86,3% (5.804 tấn) so với tháng 02 năm 2015 và tăng 6,9% (804 tấn) so với tháng 03 năm 2014.
Sản lượng thủy sản quý I ước đạt 28.500 tấn, tăng 13,2% (3.321 tấn) so với quý I năm 2014.
1.3.1. Khai thác
Sau Tết, ngư dân đồng loạt ra khơi, nhiều tàu thuyền được mùa nên sản lượng khai thác trong tháng 3 đạt cao: ước đạt 12.295 tấn, tăng 89,3% (5.799 tấn) so với tháng 2/2015 và tăng 8% so với tháng 3/2014; trong đó, khai thác trên biển 12.240 tấn, khai thác nội địa 55 tấn.
Ước tính quý I, sản lượng khai thác đạt 27.812 tấn, tăng 13,5% (3.318 tấn) so với cùng kỳ  năm trước 2014; trong đó, khai thác trên biển 27.645 tấn, khai thác nội địa 167 tấn. Sở dĩ sản lượng khai thác tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 là do số lượng tàu thuyền đưa vào đánh bắt nhiều hơn (trong năm 2014 đã đống mới và hạ thủy 200 chiếc có công suất trên 450 CV/chiếc); bên cạnh đó, thời tiết trên biển quý I năm nay thuận lợi hơn cùng kỳ năm trước.
Lịch thời vụ thả nuôi tôm vụ một năm 2015 được khuyến cáo từ ngày 01/3/2015 đến ngày 10/3/2015. Nhưng đến giữa tháng 3, nhiều diện tích nuôi tôm vùng triều vẫn chưa được thả, chỉ có một số ít đang nuôi được thả từ trước và đầu tháng 3. Ngược lại, nuôi tôm trên cát vẫn được duy trì thường xuyên và đến tháng 3 thì xuống giống mạnh (Đức Phổ 110 ha, TP. Quảng Ngãi 12 ha).
Tổng diện tích đang thả nuôi trong tháng đạt 911,9 ha, tăng 46% (287,3 ha) so với tháng 03 năm 2014. Trong đó, tôm có 358,2 ha (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng), tăng 4,3 lần (290,4 ha) so với tháng 3/2014; cá và các loại thủy sản khác (cua, ốc hương,…) 553,7 ha. Diện tích nuôi tôm tăng mạnh là do nhận thấy thời tiết nắng ấm, nhiều nơi thả nuôi không theo lịch thời vụ chung, nhất là huyện Đức Phổ và Mộ Đức. Do thả nuôi không theo lịch thời vụ, xử lý môi trường không đúng quy trình, nguồn tôm giống chưa qua kiểm dịch nên dịch bệnh ở tôm nuôi xảy ra khá rộng: Đức Phổ khoảng 20 ha, Mộ Đức 7 ha.
Ước quý I, diện tích đang nuôi và đã thu hoạch đạt 1.021,7 ha, tăng 45,1% (317,7 ha) so với cùng kỳ năm 2014.
Sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong tháng 3 ước đạt 232 tấn, tăng 2,4% (6 tấn) so với tháng 02/2015 và tăng 3,5% (8 tấn) so với cùng tháng năm 2014; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 115 tấn, giảm 44,5% (92 tấn) so với tháng 2 năm 2015 nhưng tăng 35,3% (30 tấn) so với cùng tháng năm 2014. Ước quý I, sản lượng thu hoạch đạt 688 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó tôm đạt 517 tấn, tăng 48,1% (168 tấn) so với cùng kỳ năm 2014.
Ngoài tôm và cá nước ngọt, hiện còn có 5,4 ha cá chẽm, 5 ha cá mú; 3 ha cua. Sản lượng cá mú thu hoạch trong quý đạt 5,4 tấn và cua ước đạt 1,6 tấn.
Trong tháng 3, các cơ sở sản xuất giống tôm đang ươm nuôi giống. Tôm giống thả nuôi từ đầu năm đến nay được mua về từ ngoài tỉnh. Sản xuất được 130 ngàn con cá giống nước ngọt, tăng 225% (90 ngàn con) so với tháng 02/2015 và tăng 136,4% (75 ngàn con) so với cùng tháng năm 2014. Ước tính quý I, sản xuất được 200 ngàn con cá giống nước ngọt (cá trám cỏ, cá mú, cá rô phi đơn tính,…) tăng 24,8% (39,7 ngàn con) so với cùng kỳ năm 2014.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2040

Tổng số lượt xem: 485157

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready