Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi: Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020

17/10/2019 12:00    895

Sáng 16/10/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2020. Đồng chí Nguyễn Tăng Bính - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh - chủ trì Hội nghị.

​Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân, được người dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng và đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở các địa phương. Để thực hiện chương trình, các cấp uỷ đảng, HĐND và UBND từ tỉnh đến xã đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch phù hợp với từng thời điểm cụ thể. Tỉnh cũng đã phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương và bố trí ngân sách địa phương; chỉ đạo công tác lồng ghép, huy động nguồn lực; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới; phân công các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao phụ trách các tiêu chí, đồng thời phân công các sở ngành, hội đoàn thể tỉnh theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các xã, huyện theo kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới từng năm.

HinhTongKet.jpg


Quảng Ngãi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm thấp. Khi bắt đầu thực hiện (năm 2011), số tiêu chí bình quân của các xã mới đạt hơn 4 tiêu chí, nhu cầu đầu tư của các xã, nhất là về cơ sở hạ tầng thiết yếu để đáp ứng nội dung yêu cầu của các tiêu chí rất lớn trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Nguồn lực của nhà nước đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của các địa phương, trong khi vốn huy động trong nhân dân và các doanh nghiệp chưa đáng kể và chưa có giải pháp hiệu quả để tổ chức thực hiện. Nguồn vốn Trung ương do phân bổ theo quy định nên dàn trãi, manh mún, khó theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, khó đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện và sự chuyển biến đạt được. Đời sống phần lớn người dân nông thôn trong tỉnh còn nhiều khó khăn, bình quân diện tích sản xuất của hộ gia đình thấp, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đáng kể nên việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới hạn chế. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ 2011-2019 đạt 15.691.092 triệu đồng (giai đoạn 2016 – 2019 gấp 1,46 lần so với giai đoạn 2011 – 2015); trong đó, Ngân sách trung ương đạt 1.183.263 triệu đồng (giai đoạn 2016-2019 gấp 3,32 lần so với giai đoạn 2011 – 2015), ngân sách tỉnh đạt 1.550.737 triệu đồng (giai đoạn 2016-2019 gấp 2,15 lần so với giai đoạn 2011 – 2015).
Tính đến ngày 30/9/2019, số tiêu chí bình quân của các xã đạt 14,15 tiêu chí/xã, tăng hơn 10 tiêu chí so với năm 2011, tăng 5,01 tiêu chí so với cuối năm 2015 (9,14 tiêu chí/xã), vượt 1,53 tiêu chí so với chỉ tiêu Trung ương giao (12,62 tiêu chí /xã). Toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2019 đạt 15 tiêu chí/xã và đến cuối năm 2020 đạt 16,5 TC/xã. Có 59 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48 xã so với năm 2015. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 80 xã vào cuối năm 2019 và 98 xã vào cuối năm 2020. Đã có 01 huyện (Nghĩa Hành) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 01 huyện (Tư Nghĩa) đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Sau 10 năm, mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước (khoảng 15,26 tiêu chí/xã). Ngoài điểm xuất phát thấp, khó khăn về nguồn vốn, Hội nghị chỉ ra một số nguyên nhân khác làm Quảng Ngãi không bắt kịp tiến độ chung của cả nước, gồm:
- Việc theo dõi, quản lý và báo cáo tiến độ thực hiện của các địa phương còn hạn chế, chưa chính xác, kịp thời dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong công tác tổng hợp cũng như trong chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình.
- Nhân sự trong các tổ chức chỉ đạo, điều hành, bộ máy giúp việc, quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh đến xã thường xuyên có biến động, thay đổi làm cho công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi thực hiện thiếu tính liên tục, kịp thời.
- Ban Chỉ đạo một số huyện, xã thiếu tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Chương trình; nhiều xã chưa xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để đạt chuẩn nông thôn mới theo đề án được duyệt, chưa xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể từng tiêu chí; còn lúng túng trong tổ chức hoạt động.
- Tiến độ thực hiện Chương trình không đồng đều, có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các huyện, thành phố, giữa vùng đồng bằng và miền núi; bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ rệt ở nhóm các xã đạt chuẩn nông thôn mới được ưu tiên hỗ trợ nguồn lực từ Chương trình, nhóm các xã khác chậm chuyển biến.
- Việc hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện theo quy trình mới. Nội dung, định mức hỗ trợ được quy định chặt chẽ, đòi hỏi có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm,...nhưng hiện nay việc bao tiêu sản phẩm đầu ra khó khăn; các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thật sự mạnh dạn vào cuộc, hầu hết chỉ ở mức cung cấp sản phẩm đầu vào và bao tiêu một phần nhỏ sản phẩm đầu ra; người dân vẫn tự đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm của mình, nên các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn xoay quanh các cây trồng vật nuôi truyền thống và có thị trường ổn định từ trước, chưa có sự đột phá về mô hình mới.
Hội nghị cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra một số nội dung, giải pháp trọng tâm thực hiện cho năm 2020 như sau:
- Tiếp tục củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp và nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng nông thôn mới”.
- Ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ một số nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau 2020.
- Rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí đối với huyện, xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, lộ trình, cân đối nguồn lực và có giải pháp tích cực để đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Phân công các sở, ngành, đoàn thể theo dõi, hướng dẫn các xã để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đối với các xã miền núi, hải đảo, UBND các huyện phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để hoàn thành nhóm các tiêu chí về Kinh tế và Tổ chức sản xuất. Đối với các huyện khu vực đồng bằng cần quan tâm chỉ đạo các xã có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện để đạt và giữ vững các tiêu chí giáo dục, y tế, môi trường, an ninh trật tự. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải có giải pháp cụ thể đối với từng tiêu chí nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí thuộc về chất lượng cuộc sống người dân; xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng và phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu và tiến đến đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí tỉnh đã ban hành. Đối với với các nhóm xã còn lại, sử dụng, huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, phấn đấu tăng 1,5 – 2 tiêu chí.
- Tiếp tục huy động, tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình, lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã; tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nước sạch, văn hóa thể thao.
- Tiếp tục huy động người dân nông thôn đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trọng tâm là các công trình quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp như đường thôn, ngõ xóm, nhà văn hóa và khu thể thao thôn.
- Nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư.
- Triển khai xây dựng 50 Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện đề án hỗ trợ thôn xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi, bãi ngang ven biển.
- Tập trung phát triển các công trình hạ tầng cơ bản thiết yếu, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trên địa bàn các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để phong trào văn hóa, văn nghệ đi vào thực chất; nâng cao hiệu quả hoạt động của Bưu điện xã, Đài truyền thanh xã. Tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng và đa dạng các hình thức liên kết đào tạo cán bộ y tế cấp cơ sở; kiện toàn bộ máy tổ chức và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng để thực hiện hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng và chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các địa phương thực hiện mô hình đường hoa – cây xanh, tạo môi trường nông thôn trong lành, không có các hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân về sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; làm tốt công tác thu gom xử lý rác thải, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh sạch đẹp.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1146

Tổng số lượt xem: 479557

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready