Truy cập nội dung luôn

Những thành tựu nổi bật về kinh tế sau 25 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi

06/08/2014 12:00    12103

Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 01 tháng 7 năm 1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ngày mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thị xã và 10 huyện. Đến nay, Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố, trong đó có 1 thành phố, 6 huyện đồng bằng ven biển, 6 huyện miền núi và 1 huyện đảo với diện tích tự nhiên 5.152,95 km2. Dân số trung bình của tỉnh năm 2013 là 1.236,25 nghìn người, mật độ dân số 240 người/km2. Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, có quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua tỉnh, có quốc lộ 24A nối Quảng Ngãi với Tây nguyên, Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan; có bờ biển dài khoảng 130 km. Phía Bắc tỉnh, tại huyện Bình Sơn có Khu kinh tế Dung Quất, với trọng tâm là công nghiệp lọc hoá dầu, là động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

​Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, một lòng đi theo Đảng. Trong thời kỳ kháng chiến chống  thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Ngãi có những mốc son lịch sử như khởi nghĩa Ba Tơ, chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường... Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đoàn kết, anh dũng kiên cường trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, nhạy bén, năng động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới.
Khi mới được tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội rất thấp kém: Kinh tế thuần nông với cơ cấu nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 55,68%, công nghiệp - xây dựng 16,52%, dịch vụ 27,80%; kết cấu hạ tầng kinh tế yếu kém; thu nhập bình quân đầu người khá thấp...
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi anh hùng, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa tỉnh nhà liên tục phát triển. Trải qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, đã mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, trình độ sản xuất yếu kém, năng suất, hiệu quả thấp, trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 2.072 USD; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện...
NHỮNG THÀNH TỰU KINH TẾ NỔI BẬT

Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tiềm lực kinh tế tăng nhanh
 Tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) năm 2013 đạt 11.275,28 tỷ đồng (giá so sánh 1994), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.899,89 tỷ đồng, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 5.984,04 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 3.391,35 tỷ đồng. So với năm 1989, GDP gấp 10,48 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 3,17 lần, công nghiệp – xây dựng gấp 40,20 lần, dịch vụ gấp 10,32 lần, bình quân cả thời kỳ từ khi tái lập tỉnh GDP tăng 10,28%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 16,64%/năm; dịch vụ tăng 10,21%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,93%/năm.
dothi1.png


Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ cơ cấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm đến 55,68%, công nghiệp – xây dựng 16,52%, dịch vụ 27,80% vào năm 1990, đến năm 2013 cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn 15,38%, công nghiệp – xây dựng tăng lên 63,89%, dịch vụ 20,73%.
Tiềm lực kinh tế tăng nhanh: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) theo giá so sánh sau 24 năm gấp 10,48 lần; kim ngạch xuất khẩu gấp 129,76 lần. Đặc biệt, tiềm lực kinh tế tăng mạnh trong giai đoạn 2009 – 2013 khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân giai đoạn này là 16,22%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 25,07%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 53,57%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, năm 2013 đạt 30.562,4 tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước.

dothi2.png


Phát triển nông nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả  cao, thân thiện với môi trường; thường xuyên được Tỉnh chỉ đạo, khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng nhiều; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi từng bước tăng lên. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững ra đời.
    Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản cũng có không ít khó khăn khách quan và chủ quan. Về khách quan, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả và hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp luôn chịu sự tác động bất lợi của thời tiết, hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại… Cùng với khó khăn về thời tiết, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và các ngành sản xuất khác. Giá nhiên liệu tăng cao cùng với những biến động bất lợi về giá các mặt hàng nông sản và thuỷ sản trên thị trường trong nước và thế giới là những thách thức không nhỏ.
    Trước những thuận lợi và khó khăn đó, Nhà nước đã có những chính sách phù hợp hơn cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhờ đó sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Giá tri sản xuất nông lâm, thuỷ sản năm 2013 gấp 3,58 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,46%, trong đó nông nghiệp gấp 2,59 lần, bình quân tăng 4,04%/năm; lâm nghiệp gấp 4,37 lần, bình quân tăng 6,34%/năm; thuỷ sản gấp 9,89 lần, bình quân tăng 10,02%/năm.
     Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và biến động về giá nhưng nhờ sự quan tâm và chỉ đạo đúng hướng của cấp uỷ và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương và những nỗ lực của nhân dân trong tỉnh nên sản xuất nông nghiệp trong 25 năm qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 1997 Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đại công trình thủy lợi Thạch Nham tưới cho 30.000 ha đất canh tác. Sau Thạch Nham, những công trình như Núi Ngang, Nước Trong và hàng loạt hồ, đập lớn nhỏ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đã đặt nền móng cho sự ổn định và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
    Nhờ nguồn nước Thạch Nham, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, thể hiện rõ nhất là cây lúa, từ năng suất 26,5 tạ/ha những năm 1989 -1990 đến nay đã lên trên 55 tạ/ha.
    Sản lượng lương thực có hạt năm 2013 đạt 468,55 ngàn tấn, gấp gần 2 lần so với năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 2,86%; đặc biệt sản lượng lương thực tăng mạnh khi công trình thủy lợi Thạch Nham đưa vào hoạt động và phát huy tác dụng. Với sản lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực trong tỉnh, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực, ổn định thị trường để phát triển kinh tế.
    Hoạt động chăn nuôi gia súc và gia cầm chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa mang tính chất công nghiệp, và còn gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2013, đàn heo có 464,7 ngàn con, đàn trâu có 61,5 ngàn con, đàn bò có 273,86 ngàn con. So với năm 1989, đàn heo tăng 60,7%, bình quân tăng 2,0%/năm; đàn trâu tăng 45,6%, bình quân tăng 1,58%; đàn bò tăng 75,9%, bình quân tăng 2,38%; tỷ lệ bò lai ngày được chú trọng và tăng lên, đến năm 2013 tỷ trọng bò lai đạt 54,9%.
Những kết quả trên cho thấy mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nền nông nghiệp tỉnh nhà đã có những bước phát triển khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn bộc lộ một số hạn chế như: tính bền vững trong sản xuất chưa bảo đảm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, hoạt động chăn nuôi còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, mô hình nuôi trang trại quy mô lớn còn ít, tiêu thụ hàng nông sản chưa được giải quyết một cách căn cơ, vẫn là điệp khúc “được mùa mất giá”, từ đó làm cho kết quả sản xuất của ngành còn thấp so với tiềm năng của tỉnh.
    Ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao trong 25 năm qua, giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 1994) năm 2013 đạt 1.081,6 tỷ đồng, gấp 9,89 lần năm 1989, bình quân tăng 10,02%/năm. Qua 25 năm sản lượng thủy sản của tỉnh gấp 8,66 lần, bình quân tăng 9,41%. Sản xuất thủy sản đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
    Kinh tế nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân trong tỉnh được cải thiện và từng bước nâng cao, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thi ngày càng thu hẹp; cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng lao động ở nông thôn từng bước chuyển dịch.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển vượt bậc sau 25 năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh mà công nghiệp không có gì đáng kể, xuất phát điểm thấp, đến nay chúng ta đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong, đặc biệt là Khu Kinh tế Dung Quất nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung với định hướng phát triển các ngành công nghiệp lọc - hoá dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển... Tại KKT Dung Quất, sau nhiều năm xây dựng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành. Đầu năm 2009, nhà máy này cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên. Sự kiện này đã tạo nên một cú huých mới cho nền công nghiệp của tỉnh, tạo ra bước tăng trưởng nhảy vọt về giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 trên địa bàn tỉnh (theo giá 1994) đạt 22.254,08 tỷ đồng, gấp 83,65 lần năm 1989 và gấp 7,86 lần năm 2008 (năm chưa có sản phẩm lọc hóa dầu); tăng bình quân hàng năm trên 20% (riêng giai đoạn 2013-2009 tăng bình quân 51%/năm). Trong 25 năm, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên đáng kể, năm 1989 toàn tỉnh có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và 7.712 cơ sở TTCN, đến nay số doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động lên đến 305 DN (năm 2012) và có 14.429 cơ sở TTCN cá thể (năm 2013). Từ một địa phương có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã vươn lên có cơ cấu công nghiệp chiếm gần 64% trong GDP và trở thành tỉnh có thu ngân sách cao trong cả nước. Đây chính là kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh sau nhiều năm, trong đó sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất mà chủ lực là Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần tích cực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
      Thương mại, dịch vụ phát triển khá với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ nâng lên. Hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn, giữ vững cân đối cung cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa. Phương thức kinh doanh ngày càng đa đạng, mạng lưới kinh doanh rộng khắp tới các vùng nông thôn. Bên cạnh hệ thống chợ được củng cố và phát triển, siêu thị cũng được mở ra với phương thức bán tự chọn và chất lượng hàng hoá đảm bảo hơn, giá cả được niêm yết, tạo thuận tiện, sự yên tâm, thoải mái cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở một số nơi, chợ tạm, chợ cóc vẫn mọc lên, thậm chí vi phạm những quy định về an toàn giao thông và rất khó kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác quản lý thị trường có nhiều cố gắng, góp phần ổn định thị trường, không để xảy ra sốt giá các mặt hàng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2013 đạt 29.829,7 tỷ đồng, gấp 262,48 lần năm 1989 (chưa loại trừ yếu tố trượt giá).
    Hoạt động ngoại thương:
    Hoạt động xuất khẩu tăng nhanh, đặc biệt trong những năm 2010 - 2013 có bước chuyển biến vượt bậc, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2013 đạt 508,8 triệu USD, gấp 129,76 lần năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 22,47%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu những năm gần đây là máy móc thiết bị, sản phẩm lọc hóa dầu, tinh bột mỳ, nguyên liệu giấy... Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 đạt 1.150,77 triệu USD, gấp 1104,79 lần năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 33,4%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu những năm gần đây là dầu thô, sắt thép và máy móc phụ tùng thay thế..
    Hoạt động giao thông vận tải:
    Trong những năm gần đây, hoạt động vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Các doanh nghiệp vận tải đã không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để nâng cao chất lượng vận chuyển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hoá đã liên tục tăng lên qua từng năm. Về vận tải hành khách, năm 2013 đạt 717.392 ngàn lượt HK.Km, gấp 11,38 lần so với năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 10,66%. Về vận tải hàng hóa, năm 2013 đạt 835.446 ngàn Tấn.Km, gấp 43,24 lần năm 1989, bình quân mỗi năm tăng 17,0%. 
     Thông tin truyền thông:
    Bưu chính viễn thông là ngành có vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự phát triển của các dịch vụ bưu chính viễn thông không những trực tiếp đóng góp kết quả vào tăng trưởng kinh tế chung mà còn góp phần thúc đảy các ngành sản xuất khác phát triển thông qua việc sử dụng các dịch vụ của ngành này.
    Trong những năm qua, ngành Bưu chính viễn thông đã triển khai nhiều chính sách thúc đảy môi trường cạnh tranh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh tế- xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động dịch vụ viễn thông và internet, đảm bảo cung cấp đầy đủ và thuận lợi các dịch vụ viễn thông và internet cho người sử dụng với tốc độ và chất lượng ngày càng cao, giá cước rẻ, thực hiện dần vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế.
    Mạng lưới bưu chính viễn thông được củng cố và đầu tư nâng cao năng lực và dung lượng nhằm mở rộng diện phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh - quốc phòng, đáp ứng nhu cầu thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân giữa các vùng miền. Đến cuối năm 2013, số thuê bao điện thoại toàn tỉnh đạt 941.854 thuê bao, đạt tỷ lệ 76,2 thuê bao/ 100 dân, trong đó thuê bao di động đạt 879.386 thuê bao, đạt tỷ lệ 71,1thuê bao/ 100 dân.
        Đầu tư phát triển là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội, vì hoạt động này trực tiếp làm tăng tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản trí tuệ và số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao mức sống dân cư và mặt bằng dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái và đưa các chương trình phát triển kinh tế- xã hội vào cuộc sống.
    Vai trò quan trọng của đầu tư phát triển như vậy nên những năm qua Tỉnh đã có nhiều chính sách và giải pháp khơi dậy nguồn nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp, nhờ đó đã khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh (Chỉ số PCI năm 2013 của tỉnh Quảng Ngãi xếp vị thứ 7/63 tỉnh thành phố).
Với xuất phát điểm rất hạn chế về kết cấu hạ tầng lúc mới được tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực huy động vốn đầu tư tạo nguồn lực tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng và đến nay đã có bước tiến rất dài về kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, điện,.... Tỉnh đã bố trí vốn ngân sách và huy động nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao; Xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, nhiều công trình quan trọng như bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện các huyện, hệ thống trạm y tế, trường học các cấp được xây dựng mới. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng, nâng cấp...
    Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với tổng sản phẩm trong tỉnh (theo giá thực tế) qua các năm như sau: Năm 2005 đạt tỷ lệ 90,55%; năm 2010 đạt 52,88%; năm 2011 đạt 31,36%; năm 2012 đạt 25,59%; năm 2013 đạt 20,53%, được thể hiện qua bảng số liệu sau:


 

Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế

Tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá thực tế

Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong tỉnh (%)

2005

5.951,00

6.572,40

90,55

2010

15.482,00

29.275,17

52,88

2011

11.756,45

37.471,37

31,37

2012

11.548,49

45.124,20

25,59

2013

11.750,49

57.216,31

20,54


Như vậy, vốn đầu tư luôn chiếm tỷ lệ cao so với GDP, nhất là trong những năm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

ĐÁNH GIÁ CHUNG
25 năm qua kể từ ngày tái lập, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, bước vào nhóm có thu nhập trung bình, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Kinh tế phát triển nhanh, quy mô kinh tế tăng lên gấp nhiều lần so với lúc mới tái lập tỉnh, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ; kết cấu hạ tầng được xây dựng làm tăng tiềm lực và tạo điều kiện phát triển nhanh hơn, đời sống của nhân dân tiếp tục cải thiện. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai nghiêm túc, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền ngày càng cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy, nhân dân đoàn kết, xã hội đồng thuận.
Đạt được những thành tựu như trên, trước hết là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương; là kết quả của quá trình phấn đấu nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh; sự đổi mới và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp; sự phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đoàn kết thống nhất nội bộ, tạo được sự đồng thuận xã hội, phát huy được nội lực, sức mạnh khối đại đoàn kết của nhân dân trong tỉnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành nắm vững các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng hợp lý, linh hoạt các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đã biết chọn những vấn đề trọng tâm, dồn sức chỉ đạo thực hiện. Quan tâm làm tốt công tác cán bộ, đánh giá, bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện thiếu trách nhiệm.
Trong lãnh đạo, điều hành, luôn giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, gắn với giữ vững kỷ cương, tăng cường công tác chính trị tư tưởng; tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, các phong trào thi đua để động viên kịp thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị, cá nhân trong toàn tỉnh.
Luôn đề cao cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1537

Tổng số lượt xem: 477334

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready