Truy cập nội dung luôn

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014

12/09/2014 12:00    1595

Để cung cấp kịp thời thông tin về xu hướng sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, phục vụ cho yêu cầu chỉ đạo, điều hành của, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo của các Bộ, ngành ở Trung ương, từ ngày 01 tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 2014 Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra chọn mẫu về xu hướng sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Đối tượng điều tra bao gồm 8.100 doanh nghiệp, chia ra:

- 250 doanh nghiệp nhà nước (chiếm khoảng 6,7% tổng số doanh nghiệp nhà nước);
- 7.200 doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm khoảng 2,1% tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước);
- 650 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm khoảng 6% tổng số doanh nghiệp có vốn tư trực tiếp nước ngoài).

Mẫu của cuộc điều tra được chọn bằng phương pháp ngẫu nhiên rải đều theo quy mô lao động, đại diện cho toàn quốc, cho các ngành kinh tế cấp I (Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Khai khoáng, Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện; Xây dựng; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Thông tin và truyền thông) và cho ba loại hình sở hữu của doanh nghiệp. Dàn chọn mẫu là tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động do ngành Thống kê điều tra có tại thời điểm 01/01/2013.
Cuộc điều tra thu thập những thông tin cơ bản gồm: (1) Tình hình SXKD của doanh nghiệp năm 2013 và dự kiến năm 2014; (2) Đánh giá của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh (thị trường lao động, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cơ sở hạ tầng, tiếp cận vốn; môi trường pháp lý;…).
Đến ngày 30/4/2014 đã thu được 7.675 phiếu (chiếm 94,75% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra), bao gồm 237 doanh nghiệp nhà nước; 6.812 doanh nghiệp ngoài nhà nước; 626 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phiếu điều tra được thiết kế sau khi đã tham khảo ý kiến của các cơ quan, đơn vị: Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
II. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

  • Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp

Tính chung sau 01 năm, 2 tháng (tính từ thời điểm 01/01/2013), số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 94,4% (tỷ lệ doanh nghiệp còn hoạt động cùng thời điểm năm 2012 là 91,6%); số doanh nghiệp ngừng hoạt động chiếm 5,6% (tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cùng thời điểm năm 2012 là 8,4%).
Bảng 1: Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp từ 01/01/2013 đến 01/3/2014
                                                                                                 Đơn vị: %

 

Tổng số doanh nghiệp điều tra

Tỷ lệ doanh nghiệp còn hoạt động và ngừng hoạt động

Doanh nghiệp còn hoạt động

Doanh nghiệp ngừng hoạt động

A

1=2+3

2

3

TỔNG SỐ

100.0

94.4

5.6

Chia theo loại hình sở hữu:

 

 

 

  Doanh nghiệp Nhà nước

100.0

99.2

0.8

  Doanh nghiệp ngoài Nhà nước

100.0

93.9

6.1

  Doanh nghiệp FDI

100.0

97.1

2.9

Chia theo ngành kinh tế:

 

 

 

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

100.0

94.7

5.3

Công nghiệp và xây dựng

100.0

93.3

6.7

Dịch vụ

100.0

95.1

4.9

Chia theo vùng:

 

 

 

  Đồng bằng sông Hồng

100.0

94.3

5.7

  Trung du và miền núi phía Bắc

100.0

89.7

10.3

  Bắc Trung bộ và duyên hải
miền Trung

100.0

94.2

5.8

  Tây Nguyên

100.0

91.9

8.1

   Đông Nam Bộ

100.0

93.4

3.6

  Đồng bằng sông Cửu Long

100.0

95.9

4.1

Theo loại hình sở hữu, doanh nghiệp ngoài nhà nước ngừng hoạt động chiếm tỷ lệ cao nhất với 6,1%, tiếp đến là khu vực có vốn ĐTNN (FDI) với 2,9% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước 0,8%. Theo ngành kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cao nhất với 6,7%; tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 5,2% và thấp nhất là khu vực dịch vụ 4,9%. Theo vùng, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cao nhất với 10,3%; tiếp đến là Tây Nguyên 8,1%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 5,8%; Đồng bằng sông Hồng 5,7%; Đồng bằng sông Cửu Long 4,1% và thấp nhất là Đông Nam bộ 3,6% (xem bảng dưới đây).
Trong tổng số 433 (5,6%) doanh nghiệp ngừng hoạt động thuộc mẫu điều tra, có đến 58,7% doanh nghiệp ngừng hoạt động do không tìm được thị trường đầu ra, 24,5% cho là giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao, 21,3% doanh nghiệp cho là không vay được vốn, 16,6% doanh nghiệp cho là môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, 15,5% doanh nghiệp cho là hàng tồn kho cao, 5,3% doanh nghiệp cho là không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu (lưu ý: có một số doanh nghiệp lựa chọn 2 hoặc hơn 2 nguyên nhân dẫn tới doanh nghiệp ngừng hoạt động).
2. Xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014
a) Xu hướng về qui mô lao động
- Xu hướng năm 2014 so với 2013: Có 51,5% số doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên qui mô về số lượng lao động như năm 2013; 38,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô lao động và chỉ có 10% số doanh nghiệp dự kiến giảm qui mô lao động. Theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô lao động cao nhất với 57,4%, tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước 43% và thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước 36,6%. Theo ngành kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp dự  kiến mở rộng qui mô lao động năm 2014 cao nhất với 46,6% (cao nhất là các doanh nghiệp ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải 50,7%; chế biến, chế tạo 50,4%); tiếp đến là khu vực dịch vụ với 33,5% và thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 23,8%. Theo vùng, Đông Nam bộ (vùng có qui mô kinh tế lớn nhất cả nước) có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô lao động cao nhất với 43,8%, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc 41,8%, thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu long với 30%.
- Năm 2013 so với năm 2012: Có 44,8% số doanh nghiệp giữ nguyên qui mô về số lượng lao động như năm 2012; 29,7% số doanh nghiệp tăng qui mô lao động và chỉ có 25,5% số doanh nghiệp giảm qui mô lao động.

b) Xu hướng về sử dụng vốn
- Xu hướng năm 2014 so với 2013: Có 60,8% số doanh nghiệp trả lời năm 2014 sẽ giữ nguyên qui mô vốn như năm 2013; 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô vốn và chỉ có 6,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Theo loại hình sở hữu, doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng vốn cao nhất với 43,9%, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng vốn khá đồng đều là 32,8% và 31,7%. Theo ngành kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng vốn cao nhất với 46,1%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng 36,4% và thấp nhất là khu vực dịch vụ với 29,3% (trong đó, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn thấp như: Thông tin và truyền thông 18,6%, dịch vụ lưu trú và ăn uống 23,4%, kinh doanh bất động sản 24,2%, khoa học và công nghệ 25,4%,…). Theo vùng, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng qui mô vốn cao nhất với  42,4%, tiếp đến là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 35,6% và thấp nhất là Đông Nam Bộ với 27%.
- Năm 2013 so với năm 2012: Có 55,3% số doanh nghiệp năm 2013 giữ nguyên qui mô vốn như năm 2012; 30,8% số doanh nghiệp tăng vốn và 13,9% số doanh nghiệp giảm vốn.
c) Xu hướng về doanh thu
- Xu hướng năm 2014 so với năm 2013: Trái ngược với dự kiến mở rộng qui mô về lao động và vốn của cùng thời kỳ, tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 so với năm 2013 cao hơn nhiều với 71,6%, chỉ có 14,7% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên qui mô và 13,7% doanh nghiệp dự kiến giảm. Theo loại hình sở hữu, tất cả các loại hình doanh nghiệp đều dự kiến năm 2014 doanh thu tăng trên 70% so với năm 2013 (doanh nghiệp FDI là 79%, doanh nghiệp nhà nước 74,3% và doanh nghiệp ngoài nhà nước 70,8%). Theo ngành kinh tế, cả ba khu vực có tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 khá đồng đều, cụ thể khu vực công nghiệp và xây dựng 73,5% (cao nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo 77%), khu vực dịch vụ 70,4% (y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 88%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 81,1%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 67,7%. Theo vùng, hầu hết các vùng dự kiến số doanh nghiệp tăng doanh thu năm 2014 từ 68,6% (Đồng bằng sông Hống) đến 74,9% (Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung).
- Năm 2013 so với năm 2012: Chỉ có 9% số doanh nghiệp không tăng, không giảm doanh thu; 54,1% số doanh nghiệp tăng doanh thu và 36,9% số doanh nghiệp giảm.

 d) Xu hướng về lợi nhuận trước thuế
- Xu hướng năm 2014 so với 2013: Có 75,1% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2014 cao hơn năm 2013, chỉ có 5,8% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận năm 2014 bằng năm 2013 và 19,1% doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận giảm. Theo loại hình sở hữu, hầu hết các loại hình doanh nghiệp đều tin tưởng lợi nhuận năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013. Cụ thể, 81,1% doanh nghiệp FDI dự kiến tăng, tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 78,2% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 74,4%. Theo vùng kinh tế, doanh nghiệp thuộc tất cả các vùng đều lạc quan với trên 70% số doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận năm 2014 cao hơn 2013. Cụ thể, tỷ lệ lạc quan về lợi nhuận tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng là 77,5%, khu vực dịch vụ là 73,5% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 72%. Theo vùng, tất cả 6 vùng các doanh nghiệp đều lạc quan dự kiến lợi nhuận 2014 tăng so với 2013 với tỷ lệ thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng 72,4% và cao nhất là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 78,4%.
- Năm 2013 so với 2012: Tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế năm 2013 cao hơn 2012 đạt 46,4%; 10,9% số doanh nghiệp có lợi nhuận bằng năm 2012 và cũng có tới 42,7% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm.

d) Xu hướng về xuất khẩu
Trong tổng số 7.675 DN trả lời phiếu điều tra, có 1.734 DN trả lời có hoạt động xuất khẩu (chiếm 22,6%). Xu hướng về xuất khẩu như sau:
- Xu hướng năm 2014 so với năm 2013: Có 60,6% số doanh nghiệp cho rằng kim ngạch xuất khẩu của họ năm 2014 bằng năm 2013; 34,1% số doanh nghiệp dự kiến cao hơn năm 2013 và 5,3% số doanh nghiệp dự kiến thấp hơn. Theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 cao hơn năm 2013 đạt cao nhất với 64,8%, tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước 35,1% và thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước  23,3%. Theo ngành kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 cao hơn năm 2013 với xấp xỉ 50%, tỷ lệ này ở khu vực dịch vụ đạt thấp với 16% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 12,5%. Theo vùng, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thuộc Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dự kiến xuất khẩu năm 2014 cao hơn so với 2013 đạt cao nhất với 50,7%, tiếp đến là Đông Nam bộ với 42,6%, Đồng bằng sông Cửu Long 35%, Đồng bằng sông Hồng 28,3%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 26,6% và thấp nhất là Tây Nguyên với 16,3%.
- Năm 2013 so với năm 2012: Trong số các doanh nghiệp được chọn điều tra mẫu có hoạt động xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa trong năm 2012 và 2013, có 61% số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu năm 2013 bằng năm 2012; 26,6% số doanh nghiệp cao hơn và 12,4% số doanh nghiệp thấp hơn. Theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cao hơn năm 2012 đạt cao nhất với 51,4%.

3. Đánh giá của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh
a) Về nhu cầu của thị trường trong nước ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp: 37,2% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 không đổi so với năm 2013, 34,8% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 16,2% số doanh nghiệp đánh giá kém đi. Theo loại hình sở hữu, 40,9% số doanh nghiệp nhà nước cho rằng nhu cầu của thị trường trong nước năm 2014 tốt hơn, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp FDI là 35,5% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 34,5%. Theo ngành kinh tế, toàn bộ doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành kinh tế đều dự báo nhu cầu của thị trường trong nước năm 2014 tốt hơn với tỷ lệ từ 34% đến trên 36%. Theo vùng, các doanh nghiệp ở tất cả các vùng đánh giá khá đồng đều về nhu cầu của thị trường trong nước năm 2014 tốt hơn với tỷ lệ từ 32,2% đến 37,1%.
b) Về nhu cầu của thị trường nước ngoài ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp năm 2014: Có tới 55,8% số doanh nghiệp trả lời không biết, hay không đánh giá được (đặc biệt tỷ lệ không biết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước là khá cao với 59,5%, các doanh nghiệp thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với xấp xỉ 65%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, không có nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong chuỗi SXKD toàn cầu nên hạn chế nhiều đến khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường quốc tế. Điều này hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả SXKD bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SXKD hàng xuất khẩu.
c) Về khả năng và điều kiện tiếp cận vốn: Có 44,2% số doanh nghiệp cho rằng khả năng và điều kiện tiếp cận nguồn vốn đối với khu vực doanh nghiệp năm 2014 không thay đổi so với năm 2013; 30% số doanh nghiệp đánh giá điều kiện sẽ tốt hơn và 12,4% số doanh nghiệp đánh giá điều kiện tiếp cận kém đi.
d) Tình hình vay vốn của doanh nghiệp: Thời điểm tháng 3 năm 2014 tỷ lệ doanh nghiệp hiện đang vay vốn để SXKD là 49,5% (50,5% còn lại không vay). Trong số các doanh nghiệp đang vay vốn (trong đó có DN vay từ 2 nguồn trở lên) thì tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước đạt cao nhất với 63,6%, tiếp đến là ngân hàng thương mại ngoài nhà nước, vay từ cá nhân, bạn bè, người thân cùng với tỷ lệ 29,6% và thấp nhất là từ các ngân hàng FDI với 5,9% và từ nguồn khác 4,7%.  Theo ngành kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn cho SXKD của khu vực công nghiệp và xây dựng là cao nhất với 60%, tiếp đến là các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ xấp xỉ 43% và thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ với 33,7%. Theo vùng, các doanh nghiệp thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn cho SXKD đạt cao nhất với 49%, tiếp đến là doanh nghiệp vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 54,4% và thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 39,6%.
đ) Đánh giá về khả năng đáp ứng vay vốn của các ngân hàng: Trong số 3.748 doanh nghiệp đang vay vốn tại các ngân hàng được hỏi vào thời điểm tháng 3 năm 2014; 25,9% các doanh nghiệp cho rằng ngân hàng đáp ứng được dưới 25% nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, 39,6% cho rằng ngân hàng đáp ứng được từ 25% đến 50%; 19,7% cho rằng ngân hàng đáp ứng được từ trên 50% đến 75% và 14,8% cho rằng ngân hàng đáp ứng được trên 75%. 
e) Về nguyên nhân các doanh nghiệp không vay vốn từ các ngân hàng thương mại: Trong số 3.873 doanh nghiệp không vay vốn được hỏi vào thời điểm tháng 3 năm 2014; có 70,3% số doanh nghiệp trả lời không có nhu cầu vay; 22,9% cho rằng thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian; 18,8% cho rằng lãi suất quá cao; 15,7% cho rằng họ có khả năng huy động vốn từ các nguồn khác; 14,4% cho rằng không đủ tài sản để thế chấp; 7,8% cho rằng vốn tự có để đối ứng không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng; 6,4% cho rằng phải trả thêm chi phí khác ngoài lãi suất.
III. KẾT LUẬN RÚT RA TỪ CÁC DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ĐIỀU TRA
1. Tính từ thời điểm 01/01/2013 đến 01/3/2014 có 5,6% số DN tạm ngừng SXKD, trong khi tỷ lệ này cùng thời điểm 2012 là 8,4% cho thấy, các DN Việt Nam đã từng bước ổn định sản xuất và bớt khó khăn hơn các năm trước.
2. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các DN đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển hơn trong năm 2014 và dự báo một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 đều cao hơn năm 2013(đặc biệt là các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu). Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn, đồng nghĩa với thuận lợi ngày càng tăng giúp các DN lạc quan hơn, đầu tư hơn và kỳ vọng SXKD hiệu quả hơn trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, tỷ lệ DN đầu tư mở rộng qui mô về lao động, vốn năm 2014 so với năm 2013 vẫn còn thấp (mặc dù dự kiến 2014 so với 2013 vẫn cao hơn 2013 so 2012). Điều này cho thấy mặc dù lạc quan về triển vọng phát triển, nhưng các DN vẫn rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro.  
Dự báo của DN về xu hướng một số chỉ tiêu
chủ yếu năm 2014
Đơn vị:  %


Chỉ tiêu

Tỷ lệ DN chính thức báo cáo năm 2013 cao hơn năm 2012

Tỷ lệ DN dự báo  
năm 2014 cao hơn năm 2013

1. Qui mô về lao động

29,7

38,5

2. Sử dụng vốn

30,8

33,0

3. Doanh thu

54,1

71,6

4. Kim ngạch xuất khẩu

26,6

34,1

5. Lợi nhuận trước thuế

46,4

75,1

3. Các DN đánh giá chung nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 có triển vọng hơn so với năm 2013 nhưng tỷ lệ DN lạc quan về thị trường trong nước chưa cao, chỉ với 34,8%. Vẫn còn 16,2% số DN cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn 2013. Đồng thời vào thời điểm hiện nay vẫn còn đến 50,5% số DN không vay vốn cho SXKD, cộng với tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô về lao động và quy mô vốn năm 2014 đạt thấp cho thấy, các DN Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi phục và tính ổn định của thị trường và nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới.
4. Nhìn chung nhiều DN Việt Nam chưa có thông tin chắc chắn về nhu cầu của thị trường thế giới. Có tới 55,8% số DN được hỏi trả lời không biết hoặc không đánh giá được nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay. Điều này cho thấy các DN Việt Nam chủ yếu là các DN có qui mô vừa và nhỏ, không có nhiều DN lớn nằm trong chuỗi SXKD toàn cầu nên hạn chế nhiều đến khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường thế giới; đồng thời cho thấy, vai trò của Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong nước về nhu cầu của thị trường thế giới còn hạn chế. Điều này hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả SXKD bền vững của các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN SXKD hàng xuất khẩu.
Đánh giá chung:  Mặc dù còn nhiều khó khăn do vẫn còn bị ảnh hưởng của thời kỳ suy giảm kinh tế trong nước và quốc tế, nhưng từ kết quả SXKD của các DN năm 2012, 2013 và dự kiến 2014 cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản (lao động, vốn, doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận và các điều kiện khác của kinh tế vĩ mô) theo đánh giá của DN dần tốt lên. Theo dự báo của DN, năm 2014 khu vực DN đã thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan và rõ nét hơn so với năm 2013 và 2012.   

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1303

Tổng số lượt xem: 476540

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready