Truy cập nội dung luôn

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022

29/12/2022 11:16    320

Sáng ngày 29/12/2022, Cục Thống kê Quảng Ngãi tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022. Ông Nguyễn Hùng, Cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Hùng đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong quý IV và năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước tính tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức khá sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh dần được phục hồi.

Kinh tế – xã hội năm 2022 của tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao như: Công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng… Kết quả đạt được một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2022 như sau:

          – Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP): + 8,08%;

          – Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 9,62%;

          – Số doanh nghiệp thành lập mới: 725 doanh nghiệp;

          – Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội:  + 49,9%

          – Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 24,28%

          – Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,19%;

           – Dân số trung bình: 1.245.649 người;

– Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 671.960 người;

– Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc: 658.322 người.

Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới hết sức căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có nước ta, nhưng với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 đã đạt được kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng 8,08%, đây là mức tăng khá so với các tỉnh trong khu vực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng tăng cao; nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục và ổn định. Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá; công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng mạnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước khắc phục khó khăn và đang nỗ lực mở rộng sản xuất. Thu ngân sách trên địa bàn đạt mức cao và vượt kế hoạch Trung ương và địa phương giao. Chế độ, chính sách về an sinh xã hội luôn được chú trọng thực hiện, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu. Trong tỉnh, ngành khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng, dầu vẫn còn ở mức cao, nguồn hải sản ngày càng khan hiếm, hiệu quả kinh tế thấp. Ngành công nghiệp tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, sự liên kết trong phát triển công nghiệp còn hạn chế. Các ngành dịch vụ tuy có phát triển nhưng chưa phục hồi hoàn toàn. Các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19; thu hút đầu tư vẫn chậm, tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể còn nhiều; các hoạt động xúc tiến thương mại như kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến giao thương tại các thị trường trong nước còn chậm. Ngoài ra, trong năm 2023, Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ dừng hoạt động gần 02 tháng để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5, theo đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng đến chi ngân sách địa phương. Để kịp thời khắc phục khó khăn, chủ động tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cần tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, chỉ thị, xây dựng phương án, kịch bản điều hành và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,… Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, triển khai 04 nhiệm vụ trọng tâm và 03 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở thực hiện hiệu quả định hướng phát triển - xã hội của tỉnh; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh trong năm 2023. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh.

Hai là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các cụm ngành công nghiệp có lợi thế. Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung và xây dựng các cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhằm tạo cơ sở, khung pháp lý cho phát triển công nghiệp phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.

Thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Giảm tỷ trọng sản phẩm công nghiệp sơ chế, gia công, lắp ráp và tăng tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Phát triển ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án lớn, có sức lan tỏa. Thu hút các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại vào Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ba là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững. Tiếp tục triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công tác giống, công nghệ sinh học. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường. Nghiên cứu và đưa vào canh tác những giống cây trồng mới, tiếp tục chọn tạo những giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai để đưa vào canh tác. Thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan. Tổ chức thực hiện Chương trình phát triển thủy sản bền vững tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện tốt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Bốn là, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch ven biển; chú trọng phát triển dịch vụ giá trị gia tăng cao. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 khóa XX về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục hỗ trợ các dự án kho bãi, dịch vụ hậu cần cảng đã đầu tư đi vào hoạt động có hiệu quả. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển Trung tâm logistics tại khu vực cảng Dung Quất và trung tâm logistics cảng cạn (ICD) gần các khu công nghiệp phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá của tỉnh Quảng Ngãi và kết nối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên. Đẩy mạnh thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, gắn kết thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Năm là, tăng cường các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước. Chỉ đạo quyết liệt, tổ chức điều hành, quản lý chặt chẽ nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thu, nợ đọng thuế. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế; ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết với cải cách hành chính, khai, nộp, hoàn thuế điện tử; thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao; phấn đấu thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu Trung ương giao.

Thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công. Tổ chức trực báo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Triển khai thực hiện quy định về kiểm soát tài sản thu nhập; triển khai tổ chức đồng bộ có tính khả thi đối với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Chủ động phương án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ.                                                              

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1213

Tổng số lượt xem: 483483

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready