Truy cập nội dung luôn

Hội thảo phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam

04/12/2023 14:48    97

Sáng ngày 4/12/2023, tại trụ sở Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi, đại diện các đơn vị sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Cục Thống kê tỉnh đã tham dự Hội thảo phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến do Bộ Kế hoạc và Đầu tư tổ chức. Ngoài ra, có đại diện phóng viên các đơn vị: Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi tham gia đưa tin về Hội thảo. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội thảo.

Hiện nay, kinh tế số ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại mục “Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu“Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Đây là chỉ tiêu được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021 và ngày 07/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có quy định chi tiết nội dung chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Đồng thời, ngày 24/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”. Theo đó, chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước và tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn.

Để đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã nghiêm túc nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),… với mục đích xây dựng phương pháp tính chỉ tiêu kinh tế số phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế của Việt Nam. Để thống nhất phạm vi, phương pháp tính toán chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê đã tổ chức nhiều hội thảo trong nội bộ cơ quan Tổng cục Thống kê, tham gia đoàn khảo sát học hỏi kinh nghiệm đo lường kinh tế số của Úc và tham vấn ý kiến của các tổ chức quốc tế (OECD, IMF) về phương pháp đo lường chỉ tiêu này. Nhìn chung, các chuyên gia quốc tế cho rằng việc biên soạn, ước tính về kinh tế số của Tổng cục Thống kê đã tuân thủ khung thống kê về Hệ thống Tài khoản Quốc gia 2008. Cụ thể như sau:

Khái niệm: Kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế. Kinh tế số bao gồm các ngành hỗ trợ kinh tế số (ngành kinh tế số lõi) và các ngành được hỗ trợ bởi ngành kinh tế số (ngành kinh tế được số hóa).

Đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này cần được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Do vậy, để kịp thời biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP, GRDP theo quy định, Tổng cục Thống kê đề xuất biên soạn trên cơ sở dữ liệu sẵn có theo phương pháp sản xuất trong tài khoản quốc gia. Theo phương pháp sản xuất, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP được biên soạn theo giá hiện hành.

Nguồn thông tin biên soạn GDP, GRDP và lập bảng IO:

(1) Điều tra thống kê: Tổng điều tra, điều tra thống kê trong Chương trình điều tra Thống kê quốc gia và các cuộc điều tra thống kê khác do Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; Điều tra lập bảng cân đối liên ngành và xây dựng hệ số chi phí trung gian do Tổng cục Thống kê thực hiện.

(2) Báo cáo thống kê: Thu thập thông tin liên quan đến kinh tế số từ chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và cấp Bộ, ngành thực hiện.

(3) Khai thác dữ liệu hành chính: Thu thập thông tin từ các dữ liệu hành chính có liên quan đến kinh tế số của các Bộ, ngành và các địa phương.

Kết quả tính thử nghiệm sơ bộ từ TCTK cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP giai đoạn 2020-2022 lần lượt là 12,68%; 12,89%; 12,67%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GRDP tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2020-2022 lần lượt là 5,09%; 5,22%; 4,99%.

Một số hình ảnh tham dự Hội thảo tại Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi:

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1903

Tổng số lượt xem: 477216

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready