Truy cập nội dung luôn

Cục Thống kê Quảng Ngãi tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023

30/06/2023 17:21    282

Chiều ngày 28/6/2023, Cục Thống kê Quảng Ngãi tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Ông Nguyễn Hùng, Cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Hùng đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023.

 

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2023 như sau:

– Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP): + 2,65%;

– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp: - 1,42%;

– Số doanh nghiệp thành lập mới: - 18,12%; Số vốn đăng ký: + 11,71%;

– Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn:  + 1,54%;

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: +11,34%;

– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,18%.

Trong mức tăng 2,65% của GRDP 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,05%, đóng góp 0,71 điểm phần trăm vào mức tăng chung GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,78%, làm giảm 0,30 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,78%, đóng góp 1,60 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,09%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định; cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc, gây ra nhiều tác động tới quốc tế, từ vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng cho tới lương thực, lạm phát leo thang; rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản… trên toàn cầu gia tăng. Trong nước và trong tỉnh, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh gần như dậm chân tại chỗ; tình hình thu hút đầu tư nước ngoài bị hạn chế; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu khó lường… đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Sáu tháng cuối năm, kinh tế - xã hội của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của kinh tế nước ta nói chung, trong đó có Quảng Ngãi sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các dịch bệnh mới phát sinh; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Đồng thời quyết liệt tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh về việc thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Mỗi sở, ngành, địa phương cần chủ động tham mưu với tỉnh trong  công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có liên quan tới việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng công nghiệp, hạ tầng thương mại; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ba là, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; đồng thời kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và cho các dự án công nghiệp quan trọng, quy mô lớn. Trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế hồi phục chậm, tổng cầu giảm, ngành công nghiệp cần có giải pháp đưa ra nhằm bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất của từng ngành hàng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; đồng thời luôn quan tâm bảo đảm chất lượng sản phẩm cao và ổn định, gắn với thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá và động lực tăng trưởng mới.

Bốn là, triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 152-KH/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Chú trọng chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là về giống, công nghệ sinh học. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Triển khai các biện pháp và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để dịch tiếp tục lây lan.

Năm là, tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030; triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ gắn với an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, gắn kết thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, khai thác các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp thu hút hiệu quả khách du lịch, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước.

Sáu là, tăng cường các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thu, nợ đọng thuế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách thủ tục hành chính về thuế; thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Bảy là, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm; triển khai các gải pháp phát triển thị trường lao động, giảm nghèo bền vững, nhất là ở các huyện miền núi. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1828

Tổng số lượt xem: 477190

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready