Truy cập nội dung luôn

Đôi điều về khủng hoảng lương thực thế giới

18/02/2014 12:00    1499

Bức tranh sản xuất lương thực thế giới ra sao, và các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lương thực là gì? Sản xuất lương thực tăng chậm, không ổn định, thậm chí còn giảm tuyệt đối, dĩ nhiên nếu tính bình quân đầu người lại càng giảm nhiều hơn.

Sản lượng lương thực toàn thế giới,  triệu tấn

 

Bình quân

1989-1991

 

2001

 

2004

 

2006

Ước tính

2007

Lương thực có hạt

1904,0

2106,9

2268,1

2011,8

2120,6

      Trong đó: châu Phi

98,8

116,6

127,8

142,7

133,1

Lương thực ( loại có củ)

687,7

685,8

...

...

...

      Trong đó: châu Phi

113,0

174,0

...

...

...

Năm 2007, trong sản lượng lương thực (có hạt) có: 438,1 triệu tấn thóc, 596,9 triệu tấn lúa mì, 2008 dự báo tăng lên 2180,2 triệu tấn.

Bình quân lương thực đầu người(có hạt) toàn thế giới xấp xỉ 320 kg, riêng châu Phi chỉ có 140 kg. Bên cạnh có tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ sản lượng lương thực bình quân đầu người chỉ đạt dưới 100 kg, thì trên thế giới có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có sản lượng lương thực bình quân đầu người trên 500kg, trong đó có 7 quốc gia có sản lượng lương thực trên 1100kg (Ô-xtrây-li-a: 1754 kg, Đan Mạch: 1726 kg, Ca-na-đa: 1572 kg,...). Sản lượng lương thực bình quân đầu người của nhiều nước đang phát triển ngày một giảm sút so với thời kỳ 1999-2001, năm 2003, có 20/47 nước, năm 2004 tăng lên 34/47 nước có số liệu.

Dự trữ lương thực ngày một ít đi trong những năm qua ở nhiều nước, nhiều vùng:

Dự trữ lúa gạo trên thế giới (cuối năm), nghìn tấn

(chỉ kể các quốc gia có dự trữ trên 500 nghìn tấn trong 4 năm gần đây)

 

2000/01

2004/05

2005/06

2006/07

2007/08

Trung Quốc

97 350

38 931

36 915

35 915

37 317

In-đô-nê-xi-a

4 605

3 448

3 207

2 857

2 307

Thái Lan

2 247

2 312

3 594

2 479

2 486

Việt Nam

978

1 292

1 317

1 392

1 386

Ấn Độ

25 051

8 500

10 520

11 430

12 000

I-ran

1 872

759

775

755

683

EU (gồm 27 nước)

888

1 138

1 183

1 271

1 115

Mỹ

887

1 211

1 370

1 266

691

Ác-hen-ti-na

211

617

612

558

618

Bra-xin

1 171

1 746

1 114

564

354

Ô-xtrây-li-a

355

431

515

182

25

 

Khủng hoảng lương thực 2008 đã lên mức trầm trọng, như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Mun đã phải kêu gọi Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế hợp tác chặt chẽ trong việc tăng sản xuất lương thực và thực phẩm và phải hành động ngay trong năm nay để tăng sản lượng nông nghiệp, vì trên thế giới hiện có hơn 100 triệu người đang gặp nguy cơ đói kém và tình trạng này có thể gây ra những vấn đề nan giải như bất ổn chính trị, di cư, kinh tế trì trệ, xóa bỏ những tiến bộ xã hội... Một biểu hiện của khủng hoảng lương thực là giá lương thực tăng vọt: chỉ trong vòng một năm (tháng 6-2008/ tháng 6-2007), chỉ số giá lương thực (có hạt) tăng trên 75%, riêng chỉ số giá gạo chỉ trong vòng 6 tháng (tháng 6-2008/ tháng 12-2007) đã tăng trên 80%, hay chỉ số giá lúa mì đầu năm 2008 so với 2002 tăng tới ba lần. Có thể thấy rõ hơn sự tăng đến chóng mặt của giá lương thực qua giá xuất khẩu một số loại lương thực dưới đây:

 

 

 

 

USD/ tấn

 

Tháng 7/2007

Tháng 3/2008

Tháng 4/2008

Tháng 5/2008

Mỹ,                     Lúa mì

250

481

382

349

                           Ngô

146

234

247

242

Achentina           Lúa mì

249

395

...

...

                           Ngô

141

216

224

207

Thái Lan            Gạo trắng

337

567

853

963

                          Gạo (gẫy)

261

522

726

772

Lạm phát ở hầu hết các nước trên thế giới đều tăng, một phần quan trọng làm tăng lạm phát do nhóm giá lương thực tiêu dùng tăng nhanh, ngay nước ta - nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo - thế mà chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2008/12-2007 tăng 19,78%, riêng nhóm lương thực tăng 58,85%.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, và điều này thể hiện rất rõ những ý kiến bất đồng trong các Hội nghị quốc tế trong thời gian vừa qua về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Chẳng hạn, theo Ngân hàng Thế giới khẳng định 75% tỷ lệ giá lương thực leo thang trên toàn thế giới bắt nguồn từ sản xuất nhiên liệu sinh học - chủ yếu do Mỹ và các nước phương Tây; nhưng các quan chức Mỹ lại cho rằng nguyên nhân chủ yếu do cầu lương thực của các nước thế giới thứ ba (kể cả Trung Quốc, Ấn Độ); và do các hành vi đầu cơ...

Tuy vậy, nếu loại trừ những đánh giá cực đoan, thì các nguyên nhân như sau:

Trước hết, dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng nhanh, mặc dù có chậm lại một chút nhờ kết quả của Chương trình sinh đẻ có kế hoạch hóa có tính chất toàn cầu (tuy vậy, mục tiêu giảm tỷ suất sinh ở các nước có dân số quá đông, đất đai để sản xuất quá ít và có tốc độ tăng dân số quá nhanh thì chưa đạt kết quả bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều nước phát triển, đặc biệt nhiều nước dân số lại giảm tuyệt đối như các nước G8 (Đức, Nhật Bản, Pháp, Nga,...) và nhiều nước khác, do đó tại các nước này đang có nhiều chính sách, biện pháp để tăng dân số). Năm 1985, toàn thế giới dân số mới có 4804 triệu người, năm 2007 đã tăng lên 6625 triệu người (tăng 38%), dân số tăng nhanh nhất vẫn là ở châu Phi (tăng 71%), năm 1900 dân số thế giới mới có 1,6 tỷ người; Việt Nam cách đây hơn mười năm, năm 1985 mới có 60 triệu người, năm 2007 đã là 85,2 triệu người (tăng 42%), nhu cầu sản phẩm nông nghiệp nói chung, lương thực nói riêng tăng.

Nền kinh tế thế giới trong các thập niên qua nói chung đều tăng, nhất là những năm đầu của thế kỷ 21, GDP toàn thế giới năm 2006 đã đạt 48462 tỷ USD gấp 1,52 lần năm 2000 (theo giá thực tế). Các nhu cầu về lương thưc không chỉ tăng do dân số tăng, mà còn do nhu cầu của các ngành kinh tế khác. Đặc biệt, nhiều nước như Mỹ, Tây Âu, và cả Trung Quốc, tuy ở mức độ khác nhau, đang thay vì sử dụng năng lượng được khai thác từ dưới đất bằng năng lượng sinh học,  sử dụng nhiều lương thực (chủ yếu là ngô, lúa mì,...) để sản xuất nhiên liệu sạch (ethanol và diesl sinh học); riêng Mỹ đã sử dụng từ 20% - 40% sản lượng ngô (bằng 4-8% sản lượng ngô toàn thế giới). Điều này, đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất lương thực, và giảm xuất khẩu lương thực trên toàn thế giới.

Tình trạng khủng hoảng lương thực không phải mới xẩy ra trong năm 2008, mà nó tiềm ẩn từ nhiều năm trước, sản xuất nông nghiệp nói chung, nhất là sản xuất lương thực nói riêng tăng chậm, thậm chí còn giảm. Có quá nhiều lý do để sản xuất lương thực tăng chậm hay không tăng, do: 

Đất đai tự nhiên của thế giới không tăng, đặc biệt diện tích đất nông nghiệp (mặc dù có khai phá thêm) không tăng bao nhiêu vì nhiều diện tích bị mất đi do hiện tượng sa mạc hóa, độ phì của đất giảm do khai thác và sử dụng cũng như sử dụng quá nhiều phân bón hóa chất và sử dụng đất không hợp lý, hiện tượng thiếu nước ngọt đã và đang xẩy ra ở nhiều vùng trên thế giới,...(theo Tổng Giám đốc FAO, mỗi năm thế giới mất đi từ 5-10 triệu ha đất nông nghiệp do đất bị thoái hóa; hay tại Hội thảo do FAO tổ chức ngày 24/7/08 vừa qua, với sự có mặt của 100 chuyên gia từ 36 quốc gia đã đưa ra một con số đáng lo ngại: “trong 30 năm qua, trên 100 triệu ha bị thoái hóa“), thêm vào đó là xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa,... đã phải sử dụng không ít diện tích tự nhiên, và thật đáng tiếc một tỷ lệ lớn lại là diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây lương thực. Nước ta, đất ít người đông, chỉ từ năm 2000 đến hếtt năm 2007 đã có 361 936 ha diện tích đất trồng lúa chuyển sang sử dụng các mục đích khác; Phi-lip-pin, một thí dụ điển hình vì việc giảm diện tích trồng lương thực xuống còn khoảng 60% so với những năm 80 của thế kỷ trước, chưa kể một số diện tích trồng cây lương thực được chuyển sang trồng cây có lợi nhuận cao hơn trồng cây lương thực. Diện tích trồng cây lương thực toàn thế giới giảm, và giảm nhiều nhất ở các nước sản xuất nhiều lương thực

Diện tích cây lương thực - nghìn ha

 

1985

2000

2004

Toàn thế giới

720 347

674 185

677 466

   Riêng:   Mỹ

72 874

58 565

56 796

Ca-na-đa

21 708

18 145

  17 172

Nga

50 594

41 145

 38 915

Từ ba thập kỷ cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới có nhiều tiến bộ nhảy vọt về khoa học và công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin,... Nhiều nước, nhiều vùng đã không chú ý tới việc tiếp tục đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lương thực nói riêng. Nếu như, những năm 60-70 của thế kỷ trước thế giới bước vào cuộc cách mạng xanh (trong đó việc lai tạo thành công và đưa các giống mới của các loại cây lương thực vào sản xuất đại trà), đã tạo nên những bước nhẩy về sản lượng lương thực, mà chủ yếu do tăng năng suất, thì nhiều năm gần đây không được chú ý đúng mức không chỉ về giống, mà còn về kỹ thuật canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong khi đó, đầu tư vào khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước phát triển gấp nhiều lần các nước đang phát triển (tính trên 1 ha đất nông nghiệp) mặc dù năng suất ở các nước này nói chung khá cao so với năng suất chung của thế giới. Chính vì vậy, năng suất cây trồng nói chung, cây lương thực nói riêng của thế giới trong nhiều năm lại đây tăng rất chậm, đặc biệt châu Á - nơi sản lượng lương thực chiếm trên 43% sản lượng lương thực có hạt trên toàn thế giới, chưa kể châu Phi, năng suất cây lương thực rất thấp lại tăng còn chậm hơn.

Chính phủ một số quốc gia đã đưa ra các giải pháp giảm xuất khẩu trong thời gian qua làm tăng thêm vấn đề khủng hoảng lương thực trên phạm vi toàn cầu.

Khí hậu trái đất đang có chiều hướng nóng lên như hiện tượng băng tan làm nước biển dâng lên dẫn đến diện tích trồng cây lương thực bị giảm, thời tiết diễn biến phức tạp (lũ, lụt, bão, hạn hán...) bất thường, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (tăng thêm chi phí sản xuất, làm giảm năng suất cây trồng, giảm sản lượng). Cũng theo Tổng Giám đốc FAO, nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu đã làm giảm sản lượng thu hoạch từ 20%-40% ở nhiều khu vực thuộc châu Á, châu Phi, và Mỹ La tinh).

Một số giải pháp để ngăn chặn và hạn chế khủng hoảng lương thực

Có lẽ, những giải pháp để tránh khỏi khủng hoảng lương thực, hạn chế phạm vi và tác động của khủng hoảng lương thực là tìm các biện pháp để khắc phục các nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực như đã trình bầy trên, trong đó các nguyên nhân lâu dài và nguyên nhân trước mắt.

Trước hết, trong những năm tiếp theo cầu về lương thực vẫn tăng nhanh khi dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng, cùng sự tăng trưởng kinh tế của cộng đồng thế giới, ... nhu cầu lương thực dự báo sẽ tăng (những dự báo trên cũng đã tính đến các biện pháp giảm cầu: như giảm tốc độ tăng dân số, hạn chế sử dụng lương thực vào việc sản xuất nhiên liệu, nhưng vẫn thực hiện các công ước hạn chế chất thải CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu,...- những bài toán cho các nhà khoa học, các nhà quản lý không chỉ trong phạm vi quốc gia mà toàn thế giới !).

Vậy, tất cả các giải pháp đều phải hướng về tăng Cung lương thực. Một điều rõ nhất là như FAO (ngày 24/7) kêu gọi thế giới bước vào cuộc Cách mạng xanh lần thứ hai, với sự đầu tư khoa học và công nghệ và quan trọng là ứng dụng rộng khắp trên toàn thế giới từ khâu giống đến kỹ thuật trồng trọt thu hoạch và sau thu hoạch, đặc biệt nhấn mạnh hạn chế giảm diện tích nông nghiệp, và cải tạo nâng cao độ mầu mỡ của đất đai. Từ đó nâng cao năng suất cây trồng, tăng sản lượng lương thực. Điều này, cần có sự đầu tư rất lớn và liên tục trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, mà ở đó năng suất thu hoạch trên đất nông nghiệp thấp với sự đầu tư của các nước phát triển, các nước công nghiệp, các nước có thu nhập cao, và sự hợp tác, điều phối toàn cầu (có lẽ vai trò này thuộc về FAO). Và nhân đây, có nên chuyển mục tiêu sử dụng ODA nhiều hơn vào các dự án làm tăng độ mầu mỡ của đất nông nghiệp nói chung, đất trồng cây lương thực nói riêng.

Tạo sự thông thoáng, bình đẳng về thương mại quốc tế, đặc biệt là về lương thực giữa các quốc gia. Một trong các biện pháp này là minh bạch về thông tin, một cách nhậy bén về sản xuất, thương mại, giá cả, dự trữ lương thực ở các quốc gia ( nhất là các quốc gia sản xuất nhiều lương thực, các quốc gia sử dụng nhiều lương thực).

Các tổ chức quốc tế cần dành một quỹ (không chỉ bằng tiền, mà còn bằng lương thực) nhất định và có sự thực thi nhanh chóng để góp phần như một lưc lượng “phản ứng nhanh“ để cứu trợ cho các vùng bị khủng hoảng lương thực nặng nề, đe dọa sinh mệnh của người dân thiếu lương thực. Theo EU, từ nay đến cuối năm 2009, thế giới cần 18 tỷ Euro để giúp 59 quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu này, riêng các nước EU đã soạn thảo kế hoạch giảm nhẹ tác động của khủng hoảng lương thực hiện nay bằng việc thành lập quỹ trị giá 1 tỷ Euro (1,6 tỷ USD) để viện trợ lương thực, hỗ trợ tài chính cho sản xuất lương thực, các biện pháp bảo đảm dinh dưỡng cũng như hệ thống dự trữ khoản viện trợ nhân đạo; Các hội nghị thượng đỉnh các nước G8 (họp tại Ô-xa-ka tháng 6/2008) đã nhất trí thành lập hệ thống dự trữ lương thực, theo đó có một số kho dự trữ lương thực và tung ra thị trường kịp thời để bình ổn giá lương thực khi cần thiết....

Điều muốn nói cuối cùng, trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề an ninh lương thực nói chung, hạn chế và ngăn chặn khủng hoảng lương thực là vấn đề toàn cầu, không chỉ ở các nước đang phát triển, mà càng cần sự đóng góp của các nước phát triển, các nước giầu, trong một chương trình chung (như cần chú ý đúng mức hơn về vấn đề lương thực trong Mục tiêu Thiên niên kỷ ) trên toàn thế giới và mỗi quốc gia.

 

TS. Nguyễn Quán

 

Nguồn:

NCEIF, cNCEIF, các Đặc san chuyên đề về Kinh tế thế giới 2007 và 7 tháng đầu năm 2008.

NCEIF, Bản tin Tuần tin Kinh tế-xã hội, số 10 (86).

FAO, Niên giám Thống kê.

WWW.fao.org/docrep/010/ai470e04.htm

WWW. Fao.org/news/2008/1000900/index.htm

UNCTAD, Development coutries Report 2006.

TTXVN, Các Bản tin Kinh tế 2008.

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1348

Tổng số lượt xem: 485882

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready