Truy cập nội dung luôn

Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021

29/12/2021 14:44    580

Sáng ngày 29/12/2021, Cục Thống kê Quảng Ngãi tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2021 theo hình thức trực tiếp tại cơ quan Cục Thống kê và trực tuyến tại các điểm cầu các Chi cục Thống kê huyện, thị xã, thành phố, khu vực thuộc Cục và các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Hội nghị tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Trung ương và địa phương. Ông Nguyễn Hùng, Cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Hùng đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong quý IV và năm 2021. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tính tăng 6,05% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức khá trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2021 như sau:

          – Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP): + 6,05%;

          – Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: + 3,69%;

          – Giá trị sản xuất ngành công nghiệp: + 14,5%;

          – Số doanh nghiệp thành lập mới: 568 doanh nghiệp;

          – Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện:  – 26,7%

          – Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: – 2,82%

          – Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 2,18%.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi năm 2021 vẫn duy trì sự ổn định và có những chuyển biến tích cực là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh. Kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bước sang năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của kinh tế nước ta nói chung, trong đó có Quảng Ngãi sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Để giữ vững ổn định và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 ở mức cao nhất có thể, tạo tiền đề cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư nỗ lực, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong thời gian tới, cần tập trung quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ giải pháp cụ thể sau:

Một là, tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá giai đoạn 2021-2025; huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực xã hội; bố trí vốn đầu tư công hợp lý. Tập trung triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm và 03 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021-2025; tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh.  

Hai là, tập trung ưu tiên cho việc phòng, chống dịch, sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp ứng phó hiệu quả với những biến động, vần đề mới phát sinh. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công; rà soát, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để tạo điều kiển triển khai các dự án. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ba là, triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bốn là, ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực chất, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường. Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn. Thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan.

Năm là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính; cải thiện các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, gia nhập thị trường và đào tạo lao động (PCI). Rà soát, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để tạo điều kiện triển khai các dự án.

Sáu là, tăng cường các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước. Chỉ đạo quyết liệt, tổ chức điều hành, quản lý chặt chẽ nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thu, nợ đọng thuế. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế; ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết với cải cách hành chính, khai, nộp, hoàn thuế điện tử; thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Bảy là, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh đối với hàng nhập khẩu; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng, chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản; bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi, không để gián đoạn sản xuất.

Tám là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là tại các khu vực thực hiện giãn cách; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh về thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống Chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./.

 

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 956

Tổng số lượt xem: 473474

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready