Xác đinh hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều
01/02/2016 12:00 3898
Theo Tuyên bố Liên hợp quốc, tháng 6/2008: “Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được đi khám bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng. Nghèo cũng có nghĩa không an toàn, không có quyền và bị loại trừ của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Nghèo có nghĩa là dễ bị bạo hành, phải sống ngoài lề xã hội hoặc trong
Tại Hội nghị chống nghèo đói do Ủy ban Kinh tế Xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại BangKok tháng 9/1993, các nước trong khu vực thống nhất rằng “ Nghèo khổ là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người mà nhu cầu ấy phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế xã hội, phong tục tập quán của từng vùng và những phong tục ấy được xã hội thừa nhận”
Theo Amartya Kumar Sen (người Ấn Độ): “để tồn tại, con nguời cần có những nhu cầu vật chất và tinh thần tối thiểu; dưới mức tối thiểu này, con người sẽ bị coi là đang sống trong nghèo nàn”.
Như vậy các tổ chức quốc tế, các nước và các học giả thống nhất cao rằng nghèo là một hiện tượng đa chiều, tình trạng nghèo cần được nhìn nhận là sự thiếu hụt/không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người.
Thời gian qua chuẩn nghèo, tỷ lệ nghèo và xác định đối tượng nghèo hoàn toàn dựa vào các tiêu chí thu nhập, trong đó chuẩn nghèo được xác định theo phương pháp “ chi phí cho các nhu cầu cơ bản”. Nhu cầu cơ bản là chi cho nhu cầu tối thiểu về lương thực và chi cho phi lương thực thiết thiết yếu (giáo dục, y tế, nhà ở…). Như vậy mặc dù một số hộ nghèo không đứng trong danh sách hộ nghèo nhưng nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa lại đang thiếu thốn các dịch vụ y tế, nước sạch, trẻ em phải học trong những ngôi trường bốn bề gió lùa….
Với cách tiếp cận theo thu nhập như trên, hiện nay việc đo lường nghèo của nước ta không còn phù hợp với xu thế mới. Một là, một số nhu cầu cơ bản của con người không thể quy ra tiền (như tham gia xã hội, an ninh, vị thế xã hội…) hoặc không thể mua được bằng tiền (tiếp cận giao thông, thị trường, đường xá và các loại cơ sở hạ tầng khác, an ninh, môi trường, một số dịch vụ y tế/ giáo dục công…); Hai là, có một số hộ có thu nhập trên chuẩn nghèo thì trong một số trường hợp thu nhập đó sẽ không chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu như thay vì chi tiêu cho y tế, giáo dục thì lại chi cho thuốc lá, rượu bia và các mục đích khác. Đặc biệt, khi nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và di cư rất nhanh, phương pháp tiếp cận nghèo này càng bộc lộ nhiều hạn chế.
Do đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu (thu nhập bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu và nghèo cùng cực) và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Qua hơn 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm ngày 15.9.2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể "Chuyển đổi phương án tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020". Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong việc thu thập số liêu các chiều, các chỉ số nghèo đa chiều làm cơ sở để định hướng phát triển chính sách kinh tế xã hội vùng, lĩnh vực, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Trên cơ sở Hiến pháp 2013, Nghị quyết 15/NQ-TW về 1 số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; luật giáo dục 2015; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Khám chữa bệnh; Luật bảo hiểm y tế 2014; Luật Viễn thông; Luật Thông tin truyền thông; Luật Nhà ở; và Quyết định 2127/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Qua các cuộc thảo luận giữa các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, Việt Nam dự kiến trước mắt xem xét việc nghèo qua 5 chiều: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (bao gồm nước sinh hoạt và vệ sinh) và tiếp cận thông tin.
Có 10 chỉ số cụ thể hoá cho 5 chiều nêu trên để đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như sau :
CHIỀU
NGHÈO
CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG
NGƯỠNG THIẾU HỤT
1) Giáo dục
1.1. Trình độ giáo dục của người lớn
Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ đủ 15 tuổi sinh từ năm 1986 trở lại không tốt nghiệp Trung học cơ sở và hiện không đi học
1.2. Tình trạng đi học của trẻ em
Hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (5-dưới 15 tuổi) hiện không đi học
2)Y tế
2.1. Tiếp cận các dịch vụ y tế
Hộ gia đình có người bị ốm đau nhưng không đi khám chữa bệnh (ốm đau được xác định là bị bệnh/chấn thương nặng đến mức phải nằm một chỗ và phải có người chăm sóc tại giường hoặc nghỉ việc/học không tham gia được các hoạt động bình thường)
2.2. Bảo hiểm y tế
Hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên từ 6 tuổi trở lên hiện tại không có bảo hiểm y tế
3) Điều kiện sống
3.1 Nguồn nước sinh hoạt
Hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh
3.2 Hố xí/nhà tiêu
Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh
4)Tiếp cận thông tin
4.1 Sử dụng dịch vụ viễn thông
Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng thuê bao điện thoại và internet
4.2 Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin
Hộ gia đình không có tài sản nào trong số các tài sản: Ti vi, radio, máy tính; và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã/thôn
5) Nhà ở
5.1 Chất lượng nhà ở
Hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ (Nhà ở chia thành 4 cấp độ: nhà kiên cố, bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ)
5.2 Diện tích nhà ở bình quân đầu người
Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2
Như vậy, chuẩn nghèo mới 2016-2020 được Bộ LĐTB và XH quy đinh như sau:
Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700 nghìn đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900 nghìn đồng trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản./.
Tóm lại, Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo.
Thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân và thấy rõ hơn về sự thiếu hụt về từng lĩnh vực, cũng như từng khu vực dân cư, làm cơ sở xây dựng các chính sách giảm nghèo phù hợp. Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn.
Tin liên quan
- Những vấn đề cơ bản về chuyển đổi giá so sánh theo gốc mới 2010
- Hướng dẫn tính “Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã”
- Phân biệt Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người với Thu nhập bình quân đầu người
- Giới thiệu nội dung và phương pháp tính chỉ số sản xuất công nghiệp (iip)
- Văn bản liên quan đến công tác thống kê
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 874
Tổng số lượt xem: 833422