Truy cập nội dung luôn

Việt Nam lần đầu tiên công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

17/04/2024 15:09    138

PII – công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương

          Từ năm 2017, như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan. Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Việt Nam liên tục được tổ chức WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 02 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 30 bậc (từ vị trí 76 lên 46). Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
          Do chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia nên nhiều số liệu thống kê ở cấp địa phương không có. Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới nên có những điểm không tương đồng với thực tiễn các địa phương của Việt Nam. Hơn nữa, do có sự khác biệt về quy mô kinh tế xã hội, dân số, đất đai, cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... nên các địa phương cần lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng.

          Tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/01/2022, Chính phủ đã phân công Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&CN đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index) theo 10 bước phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam, và tổ chức triển khai thử nghiệm thành công tại 20 địa phương trong năm 2022. Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức triển khai Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước, đồng thời góp phần cải thiện năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo cấp quốc gia.

          Bộ chỉ số PII có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo sát cấu trúc của bộ chỉ số GII) gồm 5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra. 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là: Thể chế, Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường và Trình độ phát triển của doanh nghiệp. Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế xã hội gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, Tác động. Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Đồng thời, chỉ rõ 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của mỗi địa phương.

Bộ chỉ số PII có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột

          Bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, qua đó cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

          Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII của địa phương sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.

          Từ bộ chỉ số PII, chính quyền các cấp có cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia…

          Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
          Sau một năm xây dựng, ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả xếp hạng Chỉ số PII năm 2023. Theo kết quả công bố, top 10 địa phương đạt chỉ số PII cao nhất cả nước lần lượt là Hà Nội với 62,86 điểm, TP. Hồ Chí Minh 55,85 điểm, Hải Phòng 52,32 điểm, Đà Nẵng 50,70 điểm, Cần Thơ 49,66 điểm, Bắc Ninh 49,20 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu 49,18 điểm, Bình Dương 48,64 điểm, Quảng Ninh 48,03 điểm, Thái Nguyên 47,75 điểm.

Top 10 địa phương đạt chỉ số PII năm 2023 cao nhất cả nước

          Hà Nội đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Hà Nội có điểm cao nhiều chỉ số có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo như: Vốn con người, nghiên cứu và phát triển (63,06 điểm); trình độ phát triển của thị trường (77,81 điểm); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (63,16 điểm), cơ sở hạ tầng là 68,23 điểm… Đây cũng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế xã hội như chỉ số phát triển con người.

          Theo đánh giá, Hà Nội có những điểm mạnh và có điểm chưa mạnh, nhưng tổng thể lại Hà Nội được đánh giá là địa phương có các điểm cân bằng tốt nhất, có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái kinh tế - xã hội dựa trên con người cân bằng nhất so với các địa phương khác. Do đó, điểm trung bình của Hà Nội là điểm tốt nhất.

          Xếp thứ hai trong bảng xếp hạng PII năm 2023 là TP. Hồ Chí Minh, với 12/52 chỉ số thành phần có điểm cao. Trong đó TP. Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ.

          Nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu nhiều chỉ số thành phần nhất còn có Bình Dương đứng thứ ba với 7 chỉ số dẫn đầu), Đà Nẵng xếp thứ tư với 5 chỉ số dẫn đầu) và Long An đứng thứ năm với 4 chỉ số dẫn đầu.

          PII 2023 cũng được xếp hạng theo 6 vùng kinh tế xã hội. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao nhất 45,17 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Đông Nam Bộ với 44,81 điểm. Các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số trung bình sát nhau, lần lượt là 36,96 điểm và 36,36 điểm. Hai vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp gần như nhau, lần lượt là 32,72 điểm và 32,19 điểm. Bộ chỉ số cũng đưa ra top các địa phương dẫn đầu từng vùng và phân tích đánh giá theo nhóm thu nhập.

Top các địa phương đạt chỉ số PII năm 2023 dẫn đầu theo vùng kinh tế - xã hội

          Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2023 với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển, có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

          Ngược lại, thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc).
          Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mục đích của bộ chỉ số này không phải để so sánh giữa các địa phương, mà để mô tả thực trạng của các địa phương, để các địa phương biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó có chính sách điều chỉnh theo định hướng phát triển. Tuy nhiên, việc các địa phương có duy trì được thứ hạng của mình trong các năm tiếp theo hay không phụ thuộc vào sự cải thiện của các địa phương. Nếu Hà Nội và các địa phương đang dẫn đầu mà không tiếp tục cải thiện môi trường, năng lực thì những địa phương khác cho dù nhỏ hơn và cải thiện tốt có thể thay đổi vị trí xếp hạng./.

Nguồn: Tạp chí Con số & Sự kiện

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1858

Tổng số lượt xem: 833451

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready