Truy cập nội dung luôn

Tiềm năng và giải pháp phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện trên địa bàn huyện Sơn Tây

22/06/2023 16:45    407

Sơn Tây là huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi với dân cư chủ yếu là người Hre. Toàn huyện hiện có 7 hồ chứa thủy điện với tổng diện tích 574,9 ha; trong đó, hồ Đăkrinh có diện tích lớn nhất với 460 ha, ba hồ rộng từ 20-22 ha và ba hồ dưới 12 ha. Các hồ trải đều trên địa bàn huyện, tạo cảnh quan du lịch, sinh kế cho người dân sống gần hồ.

Các hồ thủy điện của Sơn Tây có nguồn nước sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Trong đó, những hồ chứa lớn có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng bè, nhất là khi đối tượng nuôi lồng bè có ưu điểm đa dạng, dễ chăm sóc (cá trắm cỏ, cá lăng, rô phi,…), tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, góp phần giảm chi phí nuôi; bộ phận lao động chăn nuôi, trồng trọt có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi tham gia nhằm tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo,… Tuy nhiên, những lợi thế này, đến nay, còn ở dạng tiềm năng khi diện tích được sử dụng nuôi trồng thủy sản còn khá khiêm tốn do trong quá trình triển khai thực hiện gặp một số tồn tại, khó khăn, cụ thể như sau:

- Việc quy hoạch các hồ chứa thủy lợi phục vụ mục đích chính là cung cấp nước cho sản xuất điện,… chưa tính đến phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Mặt khác, hồ thủy điện hàng năm thực hiện xả đáy, xả lũ ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản trong hồ.

- Về thủ tục hành chính, đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè trong đập, hồ chứa thủy điện đòi hỏi thành phần hồ sơ, giấy phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện.

- Địa phương chưa được quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản; lực lượng cán bộ chuyên môn về thủy sản ở cấp cơ sở thiếu, dẫn đến công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách gặp nhiều khó khăn.

- Việc nuôi các loài có giá trị kinh tế cao, các loài đặc sản, nuôi thâm canh, nuôi quy mô lớn còn khá xa lạ với người dân địa phương.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về quản lý nhà nước, cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, khai thác và sử dụng tiềm năng mặt nước hồ chứa theo hướng đa mục tiêu, dân sinh, nông nghiệp, thủy sản, thủy điện và du lịch. Tổ chức điều tra, kiểm tra chỉ số phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản để xác định thủy vực có khả năng nuôi trồng thủy sản; quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt QCVN 02-22:2015/BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ kiêm nhiệm công tác thủy sản tại địa phương, cán bộ nông lâm xã, thú y viên cơ sở. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, từng bước đưa các tổ chức/cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện cơ sở nuôi, đăng ký nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào như: Con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Về kỹ thuật, nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật, xác định loại hình, cơ cấu nuôi hợp lý, đa dạng, đạt hiệu quả kinh tế cao, mật độ phù hợp với đặc điểm của từng loại thuỷ vực, để tránh hiện tượng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo khả năng tự làm sạch của thuỷ vực. Phát triển công nghệ sản xuất, nuôi thương phẩm các loài thủy sản có giá trị kinh tế, các loài đặc sản, đặc hữu (cá tầm, cá lăng, nheo mỹ…). Áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt (VietGAP, GlobalGAP…) để phát triển sản phẩm an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ vào nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao thông qua các chương trình, dự án, đào tạo nghề.

          Về tổ chức sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào, vùng nuôi, đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi, đặc biệt đối với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Tổ chức sản xuất theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp để ngoài việc hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn gắn với du lịch sinh thái trên lòng hồ để tăng thu nhập bền vững. Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển nuôi cá lồng kết hợp với việc tiêu thụ, gắn với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm thực tế để nâng cao giá trị sản xuất.

          Về chính sách hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào, vùng nuôi, đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi, đặc biệt đối với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Hướng dẫn hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân các chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và doanh nghiệp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển thủy sản, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

          Về phát triển kết cấu hạ tầng thủy sản, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các khu vực nuôi cá tập trung, đặc biệt khu vực nuôi cá lồng để thuận tiện trong quá trình vận chuyển vật tư đầu vào và tiêu thụ hàng hóa.

 Nguyễn Ngọc Dân - Chi cục Thống kê Sơn Tây

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1854

Tổng số lượt xem: 833439

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready