Truy cập nội dung luôn

Ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024

01/07/2024 11:17    374

Sáng 01/7/2024, tại Hội trường UBND xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ ra quân Ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Tham dự Lễ ra quân có đồng chí Võ Thành Nhân, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Nhân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Sơn Hà; công chức Cục Thống kê tỉnh, Chi cục Thống kê huyện Sơn Hà; Lãnh đạo và cán bộ, công chức Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sơn Hạ; Điều tra viên và Tổ trưởng điều tra; già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và đại diện hộ gia đình dân tộc thiểu số ở địa phương.

Quang cảnh lễ ra quân

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em; trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số với khoảng 85,3%; 53 dân tộc còn lại chiếm 14,7%. Riêng đối với tỉnh Quảng Ngãi, theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, toàn tỉnh có trên 30 dân tộc anh em; trong đó, người Kinh chiếm 84,8%; những dân tộc thiểu số còn lại chiếm 15,2%. Do điều kiện tự nhiên, và lịch sử để lại, ở nhiều vùng dân tộc thiểu số của cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao so với bình quân chung của cả nước cũng như của tỉnh.

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước, đồng bào cả nước vẫn luôn quan tâm, thực hiện nhiều chính sách, đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số, như Chương trình 327, 30a, 135, nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo,... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn yếu thế về nhiều mặt.

Để có cơ sở tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 05/01/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số, trong đó quy định Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện cuộc điều tra này với chu kỳ 5 một lần. Theo đó, năm 2024, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Đây là lần thứ 3 cuộc Điều tra được tổ chức trên phạm vi toàn quốc (cuộc Điều tra đầu tiên thực hiện vào năm 2015, lần thứ 2 vào năm 2019).

Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 là loại điều tra toàn bộ kết hợp điều tra chọn mẫu quy mô lớn, giống như một cuộc tổng điều tra về dân tộc tại Việt Nam. Trong cuộc điều tra này, sẽ thu thập thông tin tại hộ gia đình và Ủy ban nhân dân xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung điều tra đối với UBND xã gồm 9 nhóm thông tin, gồm: đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và internet. Đối với hộ, sẽ thu thập các các thông tin về nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; thông tin người chết của hộ trong 12 tháng qua; nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; đất ở, đất sản xuất của hộ; một số loại gia súc chủ yếu của hộ; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ. Những thông tin này phục vụ cho việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc; là nguồn dữ liệu để đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể, Chiến lược công tác dân tộc, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam; là cơ sở để Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030.

Trong cuộc điều tra này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 8 huyện tham gia; trong đó có 7 huyện có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 1 huyện có nhiều người DTTS sinh sống. Các điều tra viên sẽ tiến hành thu thập thông tin tại 65 xã với 233 địa bàn, gồm 7.403 hộ để thu thập thông tin.

Do phạm vi, đối tượng đặc biệt nên cuộc Điều tra sẽ có nhiều khó khăn. Trước hết, đó là những khó khăn về địa lý, địa hình. Phần lớn hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số nằm rải rác trong núi rừng, điều kiện đi lại khó khăn nên sẽ rất vất vả cho điều tra viên khi đến hộ phỏng vấn thu thập thông tin. Nhiều vùng sâu, vùng xa, đồi núi cao tình trạng sóng viễn thông 3G, 4G không đảm bảo cũng là trở ngại; chất lượng thông tin thu thập thường thấp do vấn đề ngôn ngữ, phong tục…

Cụ thể, nội dung điều tra đối với UBND xã gồm 9 nhóm thông tin, gồm: đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và internet. Đối với hộ, sẽ thu thập các các thông tin về nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; thông tin người chết của hộ trong 12 tháng qua; nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; đất ở, đất sản xuất của hộ; một số loại gia súc chủ yếu của hộ; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.

Đ/c Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê phát biểu tại Lễ ra quân

Để việc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 bảo đảm tính bao phủ, kịp thời, chính xác, đáp ứng được mục đích của cuộc Điều tra, Cục Thống kê đã trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho điều tra viên, những người làm công tác điều tra thu thập thông tin tại địa bàn và Tổ trưởng điều tra. Phát biểu tại Lễ ra quân, bên cạnh nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra, đồng chí Võ Thành Nhân đề nghị:

- Ban Dân Tộc tỉnh phối hợp với Cục Thống kê tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu của cuộc điều tra ngay từ ngày đầu tiên của cuộc điều tra, nhất là công tác kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin tại địa bàn.

- UBND các huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện, UBND các xã phối hợp với Chi cục Thống kê huyện đảm bảo an toàn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ.

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Cục Thống kê tỉnh tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cơ bản của cuộc điều tra để Nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia. Cùng với công tác thông tin được các cơ quan thực hiện cuộc Điều tra chú trọng triển khai với nhiều hình thức phong phú, thì việc phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào thành công của cuộc Điều tra. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng tiên phong tại cơ sở trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chủ động, tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho điều tra viên.

- Điều tra viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm bắt tốt nghiệp vụ, điều tra thu thập thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực và đảm bảo thực hiện bảo mật thông tin theo quy định.

Đ/c Nguyễn Thế Nhân - Phó trưởng ban Dân tộc phát biểu tại Lễ ra quân
Đ/c Nguyễn Thế Nhân - Phó trưởng Ban Dân tộc phát biểu tại Lễ ra quân

Phát biểu tại Lễ ra quân, đồng chí Nguyễn Thế Nhân cho biết: “Thực hiện chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện đã và đang phối hợp với ngành Thống kê trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thống kê và chia sẻ thông tin như: Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn do hai cơ quan chủ trì nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chuyên môn của hai cơ quan; xây dựng chế độ báo cáo công tác thống kê; xây dựng phương án điều tra thống kê và triển khai, tổ chức thực hiện các cuộc tổng điều tra, điều tra thống kê liên quan, trong đó có phối hợp thực hiện Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số lần này”. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị: “Phòng Dân tộc cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Thống kê trong việc điều tra, nhất là công tác tuyên truyền, động viên đồng bào hợp tác cung cấp thông tin để Điều tra viên thống kê hoàn thành nhiệm vụ”.

Điều tra thu thập về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 thực hiện bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến ngày 15 tháng 8 năm 2024. Ngay sau sau Lễ ra quân, các đồng chí Lãnh đạo đã tham dự phỏng vấn tại một số hộ gia đình tại địa bàn.

Các đồng chí Giám sát viên các cấp và Điều tra viên tham dự phỏng vấn tại hộ

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 244

Tổng số lượt xem: 865656

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready