Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024
28/06/2024 08:00 205
Sáng ngày 28/6/2024, Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Ông Nguyễn Hùng, Cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Hùng đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023.
Đ/c Nguyễn Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 |
Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 như sau:
- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): + 3,71%;
- Sản lượng lương thực có hạt: + 2,6%;
- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp: - 7,63%;
- Số doanh nghiệp thành lập mới: + 6,89%;
- Số vốn đăng ký: - 40,22%;
- Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn: + 51,0%;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: +9,09%;
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,18%;
- Thu NSNN trên địa bàn: + 21,1%;
- Chi ngân sách địa phương: + 6,2%.
Trong mức tăng 3,71% của GRDP 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,78%, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào mức tăng chung GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,17%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,10%, đóng góp 1,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%, đóng góp 0,82 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng suy giảm; rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ trên toàn cầu gia tăng... Nền kinh tế nước ta nói chung và Quảng Ngãi nói riêng chịu sự tác động với những khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Cấp ủy và chính quyền địa phương; sự nỗ lực của các ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng thấp nhưng vẫn cao hơn so với kế hoạch; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định; thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ, cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Quảng Ngãi vẫn còn không ít khó khăn và tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Nhà máy lọc dầu Dung Quất triển khai hoạt động bảo dưỡng tổng thể lần 5 diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2024, làm giảm sút mạnh sản lượng sản phẩm lọc hóa dầu cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa hình thành được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật cao phục vụ phát triển các ngành khác và phục vụ dân sinh chưa thực sự phát triển. Sản phẩm du lịch chưa tạo được thương hiệu riêng, sức cạnh tranh thấp. Phát triển kinh tế biển chưa tạo động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại biểu tham dự tham gia góp ý báo cáo |
Để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, đồng thời quyết liệt tổ chức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; đồng thời kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện có hiệu quả các Đề án, Kế hoạch của UBND tỉnh như: Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045,...
Ba là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; triển khai thực hiện đồng bộ các cam kết trong WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu.
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.
Năm là, tăng cường các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ; chống thất thu, nợ đọng thuế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách thủ tục hành chính về thuế; thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
Sáu là, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm; triển khai các giải pháp phát triển thị trường lao động, giảm nghèo bền vững, nhất là ở các huyện miền núi. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./.
Tin liên quan
- Ba Tơ tổ chức tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin (CAPI) lập bảng kê điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
- Huyện Sơn Tây tập huấn nghiệp vụ lập bảng kê điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
- Sôi nổi ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
- Huyện Sơn Tây tập huấn nghiệp vụ và công nghệ thông tin Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
- Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng thiết bị, phần mềm điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập: 269
Tổng số lượt xem: 865652