Truy cập nội dung luôn

Giới thiệu nội dung và phương pháp tính chỉ số sản xuất công nghiệp (iip)

25/07/2014 12:00    11123

Giới thiệu nội dung và phương pháp tính chỉ số sản xuất công nghiệp (iip) và lộ trình công bố chỉ số iip

​Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về số liệu thống kê công nghiệp, thời gian qua Tổng Cục Thống Kê đã phối hợp với cơ quan Hợp tác Quốc tế  Nhật bản ( JICA) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật bản (METI) nghiên cứu thử nghiệm phương pháp thống kê công nghiệp mới đặt cơ sở cho việc từng bước thay thế phương pháp hiện hành. Phương pháp mới  đó là phương pháp chỉ số sản xuất công nghiệp ( Index-Industry Products )  gọi tắt là chỉ số IIP.
Để giúp người dùng tin hiểu rỏ hơn về chỉ số này khi sử dụng nghiên cứu đánh giá sự phát triển của ngành công nghiệp trong thời gian tới, Cục Thống kê Quảng Ngãi xin giới thiệu nội dung và phương pháp tính chỉ số IIP để tất cả đối tượng dùng tin tham khảo 

  Trong nhiều năm qua, để đánh giá tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp hàng tháng, Tổng cục Thống kê chủ yếu dựa vào chỉ tiêu “Giá trị sản xuẩt công nghiệp theo giá cố định” và đã đạt được kết quả nhất định trong việc cung cấp các thông tin nhanh giúp Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển ngành công nghiệp một cách kịp thời và hiệu quả.
  Về lý thuyết, phương pháp này được tính theo công thức:
   Giá trị sản xuất theo giá CĐ 1994    =    Khối lượng SP SX trong kỳ    x    Đơn giá CĐ 1994


   Cơ sở của phương pháp đánh giá tăng trưởng công nghiệp bằng chỉ tiêu “Giá trị sản xuẩt công nghiệp theo giá cố định” phù hợp với nền kinh tế phát triển trên cơ chế quản lý là kế hoạch hoá tập trung bao cấp với số lượng cơ sở sản xuất ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước sản xuất theo kế hoạch, sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu rất cụ thể.  Một đặc điểm nữa của nền sản xuất kế hoạch hóa tập trung là chủng loại mặt hàng không đa dạng, chậm thay đổi, giá cả tương đối ổn định trong một thời gian dài nên danh mục sản phẩm dễ thiết lập và sử dụng trong bảng giá cố định, do đó phương pháp đánh giá tăng trưởng công nghiệp bằng chỉ tiêu “Giá trị sản xuẩt công nghiệp theo giá cố định”  đã phát huy tối đa ưu thế và rất phù hợp với cơ chế này.
Ưu điểm khác của phương pháp này là đơn giản, rất dễ tính toán, tổng hợp, phù hợp trình độ làm số liệu cán bộ thống kê, kế toán lúc bấy giờ. Ngoài ra, chỉ tiêu GTSX theo giá CĐ còn biểu thị ý niệm trực quan rõ ràng nên dễ so sánh, người dùng tin có thể hình dung được cả tốc độ phát triển SX công nghiệp (số tương đối) và qui mô nền SX công nghiệp (số tuyệt đối);
Tuy nhiên, thống kê công nghiệp hàng tháng hiện nay được hình thành từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung và tồn tại suốt nửa thế kỷ qua. Đến nay cả về hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính nêu trên đã bộc lộ những tồn tại và hạn chế đó là:
(1) Phương pháp tính các chỉ tiêu không còn thích hợp với nền kinh tế thị trường, nhất là phương pháp đánh giá tốc độ tăng trưởng bằng chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất bị tính trùng lên theo cấp số cộng, trong khi giá trị tăng thêm không bị tính trùng, dẫn đến khoảng cách giữa tốc độ phát triển tính theo giá trị sản xuất với giá trị tăng thêm ngày càng lớn.
Theo phân tích của một chuyên gia thì, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định tăng cao hơn chỉ số IIP là do giá trị sản xuất theo giá cố định là chỉ tiêu tính toàn bộ kết quả sản xuất, bao gồm các chi phí trung gian (chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng…) và giá trị tăng thêm, do vậy chỉ tiêu này có sự tính trùng kết quả của các ngành công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp càng phát triển, mức độ chuyên môn hóa sản xuất càng cao thì mức độ tính trùng càng lớn. Trong khi đó, chỉ số IIP sử dụng quyền số là giá trị tăng thêm nên đã giảm thiểu mức độ tính trùng kết quả sản xuất giữa các ngành công nghiệp.
(2) Trong nền kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm mới xuất hiện, không có trong bảng giá cố định nên không thể tính chính xác giá trị sản xuất theo giá cố định cho các sản phẩm mới này. Hơn nữa, trong điều kiện cạnh tranh, các doanh nghiệp cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi giá bán lại giảm hơn trước, dẫn đến việc áp dụng bảng giá cố định không chính xác.
Hơn nữa, chỉ tiêu GTSXCN được tính bằng cách lấy khối lượng sản phẩm sản xuất của thời kỳ tính toán nhân với đơn giá của sản phẩm đó của năm gốc (năm 1994). Với cách tính này, nhiều sản phẩm mới xuất hiện nhưng không có giá trị của năm gốc, vì vậy việc tính toán không loại trừ hết được yếu tố tăng giá, dẫn tới GTSXCN thường tính cao hơn so với thực tế. Điều này cho thấy, chỉ số tăng trưởng công nghiệp tính theo GTSXCN giá CĐ kém sát thực hơn so với chỉ số IIP

(3) Qui trình tính giá trị sản xuất theo giá cố định phải từ cơ sở, nhưng các cơ sở khó có thể thực hiện tính theo giá cố định một cách chính xác.
(4) Theo nguyên tắc, bảng giá cố định phải được thay đổi, chậm nhất là 5 năm một lần, tuy nhiên cho đến nay, bảng giá cố định 1994 đã tồn tại trên 14 năm. Tuy nhiên, việc biên soạn bảng giá cố định mới trong điều kiện hiện nay với hàng chục nghìn sản phẩm/mặt hàng đa dạng, phong phú là hết sức phức tạp,  khó khăn và tốn kém, không có tính khả thi.
(5) Hiện nay trên thế giới không còn quốc gia nào tính chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định.
(6) Phương pháp thống kê công nghiệp hàng tháng hiện hành không đảm bảo tính so sánh quốc tế.
Hiện nay, kinh tế nước ta đã và đang chuyển nhanh sang nền kinh tế thị trường, ngành công nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh, doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm mới với số lượng lớn, mặt hàng rất đa dạng, phong phú không còn đơn điệu và ổn định theo kế hoạch. Các sản phẩm được sản xuất từ đầu những năm 90 thế kỷ trước và được tính đến khi xây dựng bảng giá cố định 1994 đến nay còn rất ít, hoặc đã thay đổi mẫu mã, kích cỡ, chất lượng có nghĩa là thay đổi cả nội dung và hình thức. Giá cả không còn ổn định lâu dài theo qui định của Nhà nước, tất cả đều theo qui định cung cầu của nền kinh tế thị trường quyết định. Bên cạnh đó, sản phẩm mới không có trong bảng giá cố định ngày càng nhiều. Vì vậy, việc tính toán phải có rất nhiều qui ước, không còn sản phẩm có giá cố định để sử dụng hoặc dùng giá của sản phẩm này áp cho một sản phẩm khác chỉ hơi giống qui cách, nội dung dẫn đến việc đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp theo bảng giá cố định trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với điều kiện thực tế, nền tảng của phương pháp luận không còn phù hợp. Như vậy, về bản chất phương pháp tính đã thay đổi, không còn chính xác đòi hỏi chúng ta phải tìm ra một phương pháp tiếp cận mới phù hợp với tình hình, điều kiện hiện tại.
     Phương pháp mới thay thế phương pháp cũ phải đáp ứng các yêu cầu chủ yếu sau:
- Phản ánh chính xác, sát với thực tế tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp.
- Đảm bảo tính so sánh quốc tế.
- Thông tin phản ánh phải chi tiết, đa dạng theo ngành kinh tế, chủng loại mặt hàng, sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế thị trường.
- Các chỉ tiêu phải phản ánh đầy đủ, đa dạng chu kỳ sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp, cụ thể gồm các chỉ tiêu: Chỉ số phát triển sản xuất, chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho,…
- Có tính khả thi cao và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. 
Một phương pháp được cân nhắc kỹ lưỡng, khắc phục nhược điểm của phương pháp cũ và phù hợp với điều kiện, tình hình mới là phương pháp chỉ số sản xuất công nghiệp ( Index-Industry Products )  gọi tắt là chỉ số IIP 

Nội dung và phương pháp tính iip

Tin liên quan

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 818

Tổng số lượt xem: 464160

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready