Skip to Content

CPI quý I năm nay có tốc độ tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây

26/03/2015 12:00    1272

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2015 phản ánh diễn biến theo xu hướng giá nhiều hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng giảm sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, phù hợp với quy luật tiêu dùng những năm trước đây.CPI tháng 3 năm 2015 giảm 0,30% so với tháng 2 năm 2015; so với cùng kỳ năm trước tăng 2,05%; so với tháng 12 năm trước tăng 1,22%; CPI quý I năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,03%; so với quý trước tăng 1,21%.

Chỉ số giá tháng 3 năm 2015 giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên Đán đã giảm; giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết Nguyên Đán; cộng với thời gian bình ổn giá kéo dài đến hết ngày 28/2/2015. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn nên người dân cũng cân nhắc hơn trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày. Diễn biến CPI trong tháng của một số nhóm hàng chính như sau:
- Lương thực: Chỉ số giá lương thực tháng 3 năm 2015 giảm 0,87% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá gạo tẻ thường tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên Đán, nay giá đã trở lại bình thường nên giá gạo tẻ thường giảm 1,31%; gạo nếp giảm 0,55% so với tháng trước. Bên cạnh đó, nhu cầu mua gạo tẻ ngon để dự trữ xuất gạo nhưng giá gạo tẻ thường cũng chỉ tăng nhẹ.
- Thực phẩm: Chỉ số giá thực giảm giảm 0,87% so với tháng trước. Nguyên nhân sau Tết Nguyên Đán giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm mạnh do nhu cầu về các mặt hàng này đã trở lại bình thường và giá liên tục giảm ở hai kỳ cuối của tháng. Cụ thể
+ Giá thịt súc tươi sống giảm 2,42% so với tháng trước, trong đó thịt lợn giảm 3,12%; thịt bò giảm 0,62% so với tháng trước, giá bán lẻ thịt mông sấn (heo đùi) hiện từ 85.000-95.000 đồng/kg (giảm 10.000-15.000 đồng/kg); thịt lợn nạc thăn từ 95.000-105.000 đồngkg (giảm 10.000-15.000 đồng/kg); thịt lợn ba chỉ (lợn ba rọi) từ 75.000-85.000 đồng/kg (giảm 5.000-10.000 đồng/kg); sườn lợn, loại sườn thăn từ 80.000-90.000 đồng/kg (giảm 5.000-10.000 đồng/kg);
+ Giá rau tươi tiếp tục giảm mạnh nhất là hai kỳ cuối của tháng, giá rau giảm 4,28% so với tháng trước do sản lượng rau tươi thu hoạch nhiều;
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng thực phẩm vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu dùng nhưng nguồn cung sau Tết Nguyên Đán bị hạn chế như:  Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,53% so với tháng trước; nguyên nhân gà tươi sống tăng 1,00 so với tháng trước; Giá thuỷ sản tươi sống tăng 0,55% trong đó cá tươi tăng 0,69%; tôm tươi tăng 0,65% so với tháng trước.
-  Đồ uống và thuốc lá: Nhóm hàng đồ uống và thuốc lá giảm 1,02% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm hàng rượu bia sau Tết Nguyên Đán giá trở lại bình thường; cụ thể giá rượu các loại giảm 2,07%; bia các loại giảm 1,49%; thuốc lá giảm 0,69% so với tháng trước.
- Giao thông giảm (-0,18%): Giá nhóm hàng giao thông tiếp tục giảm so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm hàng nhiên liệu giảm 0,84%; trong đó xăng dầu diezen giảm 0,96% so với tháng trước; mặc dù giá xăng dầu tăng khá mạnh vào ngày 11/3/2015 sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu và chi phí vận chuyển ở tháng sau.
- Chỉ số giá vàng giảm (-2,09%): Giá vàng trong tháng biến động và giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới. So với tháng trước giá vàng giảm 2,09%; so với cùng kỳ năm trước giảm 7,25%; và giá vàng bình quân trong tháng khoản 3.236.000 đồng/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ tăng nhẹ (+0,04%):     Giá đô la Mỹ được duy trì khá ổn định trong nhiều tháng nay. Trên thị trường tự do, cũng như tại các ngân hàng thương mại giá USD hầu như không biến động, ngay cả khi tăng, giảm cũng chỉ trong biên độ nhỏ.
    CPI quý I năm nay có tốc độ tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,41%; đây là mức tăng cao so với vùng và so với cả nước do tăng dịch vụ y tế; nếu loại bỏ yếu tố tăng giá của dịch vụ y tế ở tháng 1 năm 2015 thì CPI bình quân mỗi tháng của quý I năm 2015 giảm 0,03%. Đây là một tín hiệu lạc quan CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay. Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá tháng … sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng. Nguyên nhân chủ yếu gây tăng CPI trong quý I năm 2015 là do tháng 1 năm 2015 tăng nhóm dịch vụ y tế được áp dụng theo lộ trình từ ngày 01/01/2013 đến ngày 01/01/2015; nếu loại bỏ yếu tố tăng giá dịch vụ y tế thì bình quân mỗi tháng của quý I năm 2015 CPI giảm 0,03% là do:
    Thứ nhất, Giá xăng dầu được điều chỉnh 3 đợt giảm giá và 1 đợt tăng giá, tổng hợp: tính từ ngày 16/12/2014 đến ngày 15/3/2015 giá xăng giảm 4.257 đồng/lít, tăng 1.610 đồng/lít tổng cộng giảm 2.647 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 3.239 đồng/lít, tăng 710 đồng/lít tổng cộng giảm 2.529 đồng/lít; đây là yếu tố chủ yếu tác động vào chỉ số giá quý I năm 2015;
    Thứ hai, Tình hình thời tiết thuận lợi nên lượng nông sản dào dồi, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết, sau Tết giá trở về mặt bằng trước đó;
    Thứ ba, Sở Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hoá, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết như một số năm trước đây;
    Thứ tư, Người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày.

Visitor Statistic

Currently Online: 1914

Total Visit: 486327

Bản quyền © 2024 thuộc Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Võ Thành Nhân - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 0255.3822862. Email: quangngai@gso.gov.vn.

Địa chỉ: 19 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

ipv6 ready